Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ NGÀY 30/4

Cứ vào dịp 30/4, bên cạnh những hoạt động tri ân, biết ơn với lớp lớp thế hệ người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh cuộc đời và tuổi thanh xuân của mình cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, là những hoạt động chống phá điên cuồng, quyết liệt của các thế lực phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước. Tiêu biểu trong các đối tượng trên đây là Ngọc Ẩn với bài viết “miền Nam giải phóng cộng sản bắc việt”. Nội dung bài viết là những luận điệu cố tình xuyên tạc, phủ nhận những hy sinh xương máu của nhân dân hai miền Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc; cho rằng, nhân dân miền Bắc cướp quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do bầu cử, tự do ứng cử của nhân dân miền Nam và cả nước, để từ đây “ngày 30/4/1975 là ngày giải phóng miền Bắc”. Vậy đâu là sự thật, luận điệu trên được luận giải ở những khía cạnh chủ yếu sau.

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ NGÀY 30/4

Thứ nhất, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh chính nghĩa, nhằm đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sự thật lịch sử của chiến thắng 30/4/1975 là điều không thể phủ nhận. Có chăng chúng ta làm rõ vấn đề này để thêm tự hào về Đảng ta, nhân dân ta và dân tộc ta; đồng thời, vạch mặt những kẻ bán nước cầu vinh, phản bội Tổ quốc, cố tình phá hoại sự phát triển của đất nước, của cách mạng Việt Nam từ sau năm 1954. Với âm mưu xóa bỏ chế độ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã nhảy vào xâm chiếm nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, phục vụ cho mưu đồ sen đầm khu vực. Mỹ đã đưa vào đây hơn nửa triệu quân và sử dụng tất cả các loại vũ khí, kỹ thuật hiện đại nhất, kể cả vũ khí hóa học với mưu toan đè bẹp ý chí chiến đấu của dân tộc ta hòng buộc chúng ta phải khuất phục. Điển hình của sự thảm khốc, tàn bạo đó là quân đội Mỹ đã dùng pháo đài bay B.52, ném bom hủy diệt Hà Nội và một số thành phố khác, hòng “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”; “Cây muốn lặng, mà gió chẳng muốn ngừng”, như thế thử hỏi có phải bắc Việt Nam đem quân vào xâm chiếm miền Nam, cướp chính quyền của nhân dân miền Nam? Rõ ràng, sự thật lịch sử ở đây là không phải như vậy, chính đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tráo trở, trắng trợn gắp lửa bỏ tay người, đi ngược lại với những điều khoản đã ký trong Hiệp định Giơnevơ là hai miền Nam - Bắc sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào năm 1956.
Trái với nguyện vọng thiết tha hòa bình, khát vọng hạnh phúc của nhân dân ta, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã từng bước vi phạm Hiệp định, dựng lên chính quyền tay sai bù nhìn, lê máy chém khắp miền Nam, biến miền Nam Việt Nam thành nhà tù khổng lồ, chia cắt đất nước ta thành hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự tồn vong của dân tộc buộc toàn thể nhân dân Việt Nam phải cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược. Với chân lý “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”, “Nam - Bắc một nhà”, “miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”; “sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”… Dưới sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta ở cả hai miền Nam, Bắc đã đồng tâm, hiệp lực, không ngại hy sinh, gian khổ, đoàn kết chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn bạo của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giành thắng lợi với mốc son chói lọi là Đại thắng Mùa xuân 30/4/1975, thu non sông đất nước về một mối, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cả dân tộc.

Thứ hai, nhân dân miền Bắc đã làm tròn vai trò sứ mệnh lịch sử của mình là căn cứ địa cách mạng của cả nước, chi viện sức người, sức của đầy đủ, kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 12/1965) khẳng định, thành tựu của hơn 10 năm khắc phục hậu quả của chiến tranh, cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Miền Bắc đã trở thành căn cứ địa vững chắc cho cách mạng Việt Nam trong cả nước, với một chế độ chính trị ưu việt, với lực lượng kinh tế và quốc phòng lớn mạnh”. Quán triệt tinh thần đó, nhân dân miền Bắc đã tích cực, chủ động với tinh thần “một ngày làm việc bằng hai”, “tiền tuyến gọi, hậu phương đáp”, “thóc không thiếu một cân quân không thiếu một người”; vì miền Nam ruột thịt, nhân dân miền Bắc sẵn sàng đáp ứng đầy đủ những nhu cầu về vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến trường kỳ lâu dài nhưng nhất định thắng lợi. Vì vậy, trong suốt 21 năm chiến tranh, miền Bắc đã chi viện liên tục, toàn diện với nhịp độ ngày càng tăng, đáp ứng đòi hỏi của chiến trường miền Nam, cách mạng miền Nam. Trong vòng 10 năm (từ năm 1965 đến 1975), miền Bắc đã động viên hàng triệu lao động, chủ yếu là thanh niên trẻ, khỏe, ưu tú để bổ sung, mở rộng lực lượng vũ trang và phục vụ chiến đấu. Trong thời gian diễn ra những cuộc tiến công chiến lược (1968, 1972, 1975), nhân lực động viên ở miền Bắc phục vụ nhu cầu chiến tranh tăng gấp 4 đến 5 lần so với trước. Không tính số quân bảo vệ miền Bắc, làm lực lượng dự bị chiến lược, chiến đấu và công tác trên tuyến vận tải 559, chỉ tính riêng số quân đưa vào miền Nam trong các năm kể trên như sau: năm 1968 là 141.000 người, năm 1972 xấp xỉ 153.000 người, năm 1975 là 117.000 người. Ngoài lực lượng trực tiếp chiến đấu, các lực lượng vận tải, bảo đảm giao thông, mở đường và các lực lượng bảo đảm khác gồm hàng chục vạn người cũng được động viên từ miền Bắc. Như vậy, có thể thấy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không còn là nhiệm vụ của riêng mỗi miền mà đó là nhiệm vụ chung của cả dân tộc, của khối đại đoàn kết toàn dân và cũng bác bỏ hoàn toàn luận điệu xuyên tạc bỉ ổi vô căn cứ của Ngọc Ẩn; đồng thời, khẳng định vai trò to lớn của nhân dân miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Với lương tâm và trách nhiệm của một công dân Việt Nam, ai cũng có quyền tự hào về sự anh dũng hy sinh của những anh hùng liệt sĩ cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, nhận thấy bổn phận, nghĩa vụ của mình trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử đó. Đối với những ai không hiểu, hoặc cố tình không hiểu, tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận thì sẽ bị chính thực tiễn lịch sử đáp trả, bằng những thành tựu của đất nước sau 44 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bản án lương tâm của chính những kẻ phản bội lại dân tộc sẽ phán xét một cách công bằng, đầy đủ và chính xác cho sự nhẹ dạ cả tin đi theo hào nhoáng, lợi ích vật chất do các phần tử phản động đặt ra./.