Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Tư liệu, thư tịch của Trung Quốc trực tiếp và gián tiếp thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam- Kỳ 1:Hoàng Sa,Trường Sa không được đề cập trong các sách lịch sử Trung Quốc

Những khảo cứu về tài liệu, thư tịch cổ do người Trung Hoa ghi lại trong chính sử Trung Hoa, trong suốt 22 thế kỉ, từ thời nhà Tần (năm 221 tr.CN) đến khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949) đã trực tiếp hay gián tiếp thừa nhận quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ, đảo nhỏ ở phía dưới là Hải Nam, gần đó bên trái là Giao Chỉ, đảo lớn hơn bên phải là Đài Loan

Theo chính sử Trung Hoa, trong suốt chiều dài lịch sử 22 thế kỷ, từ đời nhà Tần (năm 221 tr.CN) - khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc đến năm 1949, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa ra đời, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi rằng Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải, sách Hải quốc kiến văn lục của Trung Quốc đời Thanh gọi biển này là Việt Hải hay Việt Dương) với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa ghi lại trong lịch sử đã trực tiếp hay gián tiếp thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo lịch sử của Trung Quốc, 221 tr.CN, Tần Doanh Chính sau khi thống nhất Trung Quốc lên ngôi với hiệu Tần Thủy Hoàng. Năm 218 tr.CN, Tần Thủy Hoàng tiến hành chinh phục phương Nam và năm 214 tr.CN xâm lược Văn Lang - Âu Lạc (Việt Nam ngày nay). Cuộc chiến đấu của nhân dân Văn Lang - Âu Lạc kéo dài từ năm 214 tr.CN đến năm 208 tr.CN giành thắng lợi vẻ vang. Cuộc chiến đấu đó chỉ diễn ra ở phía Bắc lưu vực sông Hồng của lãnh thổ Văn Lang - Âu Lạc . Vì vậy, quân Tần chưa thể đặt chân lên lãnh thổ Văn Lang - Âu Lạc ở vùng Nam sông Hồng nên không thể vượt biển để đến Hoàng Sa, Trường Sa giữa biển khơi.
Đến năm 202 tr.CN, Lưu Bang, sau khi đàn áp được các thế lực đối lập, đã lập nhà Hán thay nhà Tần thống trị Trung Quốc. Tuy nhiên, do lo củng cố quyền lực triều đình, mãi đến đời Vũ Đế (141-87 tr.CN), vua nhà Hán mới lo đến việc mở rộng đất về phương Nam. Trong 2 năm 112 - 111 trc.CN, quân Hán đánh chiếm Nam Việt, chiếm thành Phiên Ngung (Quảng Châu); năm 110 tr.CN, quân Hán chinh phục Mân Việt. Tuy nhiên, các chiến thuyền của nhà Tây Hán chưa xuống quá Quảng Châu.
Sau khi chinh phục Nam Việt, nhà Hán thay thế nhà Triệu thống trị Âu Lạc. Ngoài 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân được nhà Triệu lập năm 179 tr.CN, nhà Hán lập thêm quận Nhật Nam, là vùng đất từ Hoành Sơn (Quảng Bình) đến Quảng Nam, Bình Định ngày nay. Quận Nhật Nam lúc bấy giờ gồm 5 huyện: Tây Quyển, Chu Ngô, Tỷ Cảnh (hay Tỷ Ảnh), Lô Dung và Tượng Lâm (Theo Tiền Hán thư, q.28, tờ 10b).
 Tuy chiếm được ba nước Việt (ba nước Việt được thành lập ở Tây Ngạn Nam Hải đầu đời Tây Hán là Đông Việt, Mân Việt và Nam Việt), song từ lúc chiếm đến khi bị mất ngôi, nhà Tây Hán không có một chút thế lực gì trên biển ở khu vực dưới vĩ độ 20Bắc.
Trong thế kỷ thứ I trc.CN, quan lại nhà Tây Hán không trấn phục được được cư dân hai quận Chu Nhai, Đạm Nhĩ trên đảo Hải Nam do sự nổi dậy chống đối của dân Lê (Ly) và do quan quân nhà Tây Hán không quen thủy thổ, đau ốm, bệnh tật liên miên, đặt binh ít thì không đủ đàn áp, đặt binh nhiều thì tổn phí nặng nề, vì vậy, Già Quyên Chi khuyên vua Nguyên Đế rút quân khỏi đảo Hải Nam cho yên: Dân ấy mọi rợ, uống thuốc bằng mũi (ty ẩm), căng tai (đạm nhĩ), lấy sắc đen làm đẹp (nên Sở từ gọi Hải Nam là Huyền Quốc), trai gái tắm chung một dòng sông, không biết lễ nghĩa là gì, đâu có đáng cho thánh triều giáo hóa (theo Lam Giang: "Những dân tộc đầu tiên biết rõ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa giữa Đông Hải" ).
Đến đầu công nguyên, lúc nhà Hán mất ngôi, ảnh hưởng của nhà Hán ở Đông Hải chỉ đến vùng Phúc Kiến, Quảng Châu, còn ở vùng Hải Nam, họ đã phải rút lui vì không có khả năng thiết lập chế độ cai trị.
Trong khi đó, năm 40 sau Công nguyên, nhân dân Giao Chỉ dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa và giành độc lập trong 3 năm (từ năm 40 đến năm 43).
Sau nhiều cuộc khởi nghĩa giành quyền độc lập bị thất bại trước đó, năm 192, nhân dân Nhật Nam dưới sự lãnh đạo của Khu Liên (có sách viết là Khu Quỳ, Khu Đạt, hay Khu Vương) nổi dậy khởi nghĩa giành thắng lợi và lập nên nước Lâm Ấp ( Chiêm Thành). Nước Chiêm Thành là một quốc gia mạnh lúc bấy giờ, có quan hệ mật thiết với các triều đại Trung Hoa là Hán, Đường. Đến thời Tống, để kiềm chế Đại Việt, nhà Tống kết nghĩa, mở rộng buôn bán với Chiêm Thành và các nước Côn Lôn (Tất cả các thứ dân ở Đông Hải đều được gọi là Côn Lôn: Chiêm Thành là Côn Lôn, Chân Lạp, Qua Oa đều được gọi là Côn Lôn). Việc Vương quốc Chiêm Thành phát triển phồn thịnh và hùng mạnh thời kỳ này chứng tỏ họ là cư dân có vai trò quan trọng trên Biển Đông. Những quần đảo Hoàng Sa, Côn Lôn (có cả Trường Sa) vốn là địa bàn ngư nghiệp của người Chăm và chính họ đã thực hiện quyền chiếm hữu. Dấu tích để lại là tượng Chăm mà người Pháp sau này đã phát hiện được ở bờ phía Bắc đảo Pattale (người Pháp tính đưa về Bảo tàng Tourane ở Đà Nẵng, nhưng sau đó lại để y tại đảo). Do người Việt kế thừa hay thừa hưởng đương nhiên khi lãnh thổ Chămpa sáp nhập vào dư đồ nước Việt, vì vậy, người Việt cũng kế thừa người Chăm về quyền chiếm hữu và khai thác đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Giao Châu dị vật chí của Dương Phù (đời Đông Hán, 25-220 sau CN) nói về những điều lạ của xứ nước ngoài mô tả địa danh Trướng Hải như sau: "Tại Trướng Hải Kỳ Đầu nước cạn nhưng nhiều đá nam châu, thuyền lớn đi ra ngoài cõi, dưới thuyền găn lá sắt sẽ bị nhổ ra". Đến thời Tam Quốc (năm 220-265), Vạn Chấn viết cuốn Nam Châu dị vật chí có mô tả về các đảo đá và cát trên Biển Đông, có đoạn mô tả chỗ nước nông và có đá nam châm khiến cho tàu thuyền qua lại nguy hiểm, dễ bị chìm. Đây là những cuốn sách ghi chép những điều lạ ở nước ngoài, chứ không phải điều lạ ở Trung Quốc.
(Còn nữa)
Theo Báo điện tử Tri thức trẻ