|
Tổng Giám mục Huế Nguyễn Kim Điền |
Tòa thánh Vatican đã quyết định phong Thánh cho 117 vị Chân phước tử đạo tại Việt Nam từ năm 1745 đến 1862. Quyết định này đã được tiếp nhận với nhiều phản ứng khác nhau trong giáo hội. Đây là vấn đề tế nhị và phức tạp có liên quan đến khối đoàn kết dân tộc đã được chăm chút vun bón trong cả quá trình lịch sử đấu tranh cách mạng.
Ngày 30/4/1975 lúc gần trưa, tiếng súng đã im - lần đầu tiên từ ba mươi năm nay - trên toàn cõi đất nước Việt Nam. Từ bốn phía, lực lượng cách mạng tiến về hướng trung tâm Sài Gòn trước những cặp mắt kinh hoàng của người này, hay giữa những tràng pháo tay hoan hô của những người khác. Chuông của một số chùa trang trọng ngân vang, hòa tiếng với những lời reo vui của một bộ phận dân chúng.
Thế nhưng chuông các nhà thờ thì im lặng. Từ bốn tháng nay, phần đông người công giáo miền Nam sống trong lo âu sợ hãi. Bước tiến như vũ bão của quân đội cách mạng càng tăng thêm những lời đồn đoán về một “cuộc tắm máu”, lời đồn đoán được nuôi dưỡng ngày này qua ngày khác bởi các luận điệu tuyên truyền rùm beng, ở quốc nội cũng giống như ở nước ngoài.
Ngày 07/01/1975, Mặt trận Giải phóng đã giải phóng tỉnh Phước Long. Hãng thông tấn Fides của Vatican đưa tin về vụ đó như sau: “Trong cuộc tấn công Phước Long, một số đông dân chúng, đã tìm chỗ núp trong Nhà thờ xứ. Nhưng nhà thờ xứ trở thành mục tiêu chủ yếu của các trọng pháo Cộng sản nã đạn vào và nhiều người đã chết, kể cả 4 linh mục là các Cha Cảnh, Toàn, Lâm, Nhã. Cha Đại đã bị Cộng sản bắt”. Cách đưa tin thời sự kiểu đó ngầm hiểu rằng lực lượng cộng sản lo đánh phá tôn giáo hơn là giải phóng đất nước.
Báo L’Observatore Romano và Đài tiếng nói Vatican loan tin rằng có nhiều linh mục đã bị giết và có cả những Giám mục, như Đức Cha Nguyễn Huy Mai - Giám mục Buôn Mê Thuột và Đức Cha Nguyễn Văn Hòa - Giám mục chỉ định địa phận Nha Trang, có lẽ đã bị bắt hoặc đã bị cộng sản giết chết. Và để nhấn mạnh nguy cơ cộng sản, giáo sư Alesandrini, người phát ngôn của Tòa thánh, đã viết trong tờ L’Observatore Della Domenica rằng “chế độ Hà Nội là xấu xa nhất thế giới”. Đức Phalo VI, trong cuộc tiếp kiến ngày 26/3/1975, nói đến “cơn hấp hối kéo dài không thể tả xiết, trong nước mắt và máu” của nhân dân Việt Nam. Và ngày 02/4, ngài cầu xin cho dân công giáo nước này được “lòng can đảm của các tông đồ đầu tiên, để làm chứng cho đức tin của họ và cho lòng bác ái của họ trong những điều kiện khó khăn”.
Nhưng kiểu nhìn theo con mắt tận thế đó, cũng như các mưu đồ của Washington đều chẳng thể nào cứu được chế độ Sài Gòn. Trước cảnh tan rã của quân đội Thiệu, lực lượng cách mạng đã giải phóng một cách nhanh chóng và ít tổn thất các vùng cao nguyên, các tỉnh vùng ven biển, đồng bằng sông Cửu Long; và sau cùng, qua 55 ngày chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Chiến thắng của Mặt trận Giải phóng và công cuộc giải phóng miền Nam Việt Nam khỏi sự thống trị của Mỹ, phải chăng đánh dấu sự chấm dứt tự do tôn giáo đối với cách suy nghĩ của phần đông người công giáo?
Bị lôi cuốn vào làn sóng di tản cuối tháng 4/1975, nhiều người Công giáo đã lên những chiếc thuyền mỏng manh, hy vọng khi ra khơi thì tàu gặp được tàu của Mỹ vớt họ và chở họ tới các nước có đạo, để họ bảo vệ được đức tin. Cơn hoảng hốt đó là hậu quả của những tiếng đồn “cộng sản sẽ giết hết người công giáo gốc di cư 1954” hoặc “trong các vùng giải phóng, nhiều linh mục đã bị tàn sát, các nữ tu bị hãm hiếp, các nhà thờ bị triệt hạ”.
Song khác với 1954, hàng giáo phẩm lần này đã không tổ chức cho giáo dân di tản. Các giám mục đều nhất quyết ở lại, dầu có phải dọn mình chịu chết vì đạo như họ vẫn nghĩ.
Khi đọc những dòng trên, người ta có thể hiểu được bầu không khí sợ hãi và lo âu trong đồng bào công giáo. Dầu có những lời kêu gọi kể trên, hơn 100 Linh mục và 250 tu sĩ nam nữ người Việt đã ra đi.
Tại thành phố từ nay được gọi bằng tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như trên khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam được giải phóng, thái độ cởi mở và hòa giải của Mặt trận Giải phóng đều được thừa nhận bởi cả những kẻ thù địch triệt để nhất. Cuộc tắm máu đã không hề xảy ra. Không có đàn áp, không có xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng.
Bây giờ người ta mới tự hỏi: Giáo hội ở miền Nam có chấp nhận cách phân tích tình hình như thế và thay đổi thái độ với chế độ mới chăng? Giáo hội có thể sang trang được không?
Đã có một số câu trả lời cho những thắc mắc đó.
Sáu ngày sau khi Huế được giải phóng, trong một bức thư đề ngày 01/4/1975, Đức Cha Nguyễn Kim Điền - Tổng giám mục Huế gởi cho giáo dân của Ngài như sau: “Giữa quang cảnh vui mừng hoan hỉ này, đã đến lúc chúng ta phải sẵn sàng cộng tác với hết thảy mọi người thiện chí để xây dựng lại quê hương đã từng chịu đau thương tang tóc biết bao rồi, và việc này ở dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng, hầu đem lại cho đồng bào sự tự do, sự phồn vinh và hạnh phúc. Hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc phải củng cố sự đoàn kết dân tộc, tình yêu thương nhau và phục vụ đồng bào, giúp đỡ và cứu trợ, chia sẻ với đồng bào cơm ăn và áo mặc”.
Ngày 09/4, Đức Tổng giám mục lại công bố: “Trên trần gian này, chẳng có sự sống con người, và đối với loài người thì không có gì quý giá hơn độc lập và tự do. Sống trong độc lập là một điều có thật tại đây, cố đô Huế. Còn về tự do, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã long trọng đảm bảo với toàn thể đồng bào, sự tự do trong đó có sự tự do lương tâm của các tôn giáo. Chính vì vậy mà người công giáo Việt Nam háo hức đóng góp phần tích cực của mình. Và cùng nhau, cùng toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng, chúng ta sẽ xây dựng một xã hội đầy yêu thương, một xã hội tự do, dân chủ, thịnh vượng; ở đó chúng ta được an tâm chu toàn bổn phận mình đối với Tổ quốc và đối với Thiên Chúa”.