KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, THỜI ĐẠI CỦA CHIẾN THẮNG 30 THÁNG 4

Năm nay, trong những ngày hướng đến kỷ niệm Chiến thắng lịch sử vĩ đại 30/4/1975, nhân dân ta đón mừng sự kiện này với nhiều niềm vui mới. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển.

NHẬN DIỆN VÀ NGĂN NGỪA THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG LÒNG YÊU NƯỚC ĐỂ KÍCH ĐỘNG NGƯỜI DÂN XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH, GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Người yêu nước chân chính là người biết sử dụng pháp luật, đạo đức, truyền thống tốt đẹp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Nhận diện được phương thức, thủ đoạn lợi dụng lòng yêu nước để kích động nhân dân làm việc xấu chính là nhằm đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tránh được sự lợi dụng đó để gây ra rối loạn xã hội, phức tạp tình hình.

Thông cáo Báo chí Kỳ họp 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Từ ngày 03 đến 06/12/2018 tại Hà Nội, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 32. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

UBKTTW kết luận vụ AVG: Sai phạm của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng

UBKTTW vừa họp kỳ 26 kết luận vụ AVG có những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ TT-TT, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng.

Bốn kỳ vọng thay đổi lớn về công tác cán bộ sau 4 ngày Hội nghị T.Ư 7

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có công tác cán bộ, bởi đây là vấn đề “nóng” trong tình hình hiện nay.

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG: 6 NĂM CHUẨN BỊ CHO 12 NGÀY ĐÊM SÁNG TẠO VÀ CHIẾN THẮNG

 Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong công tác chuẩn bị, thực hành Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972, quân và dân ta bước vào trận quyết chiến chiến lược với lực lượng không quân hùng mạnh của đế quốc Mỹ trong tâm thể chủ động và tự tin.

Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo từ rất sớm. Năm 1962, khi máy bay B.52 còn chưa tham chiến ở Việt Nam, với nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, trên cơ sở nghiên cứu tìm hiểu âm mưu, thủ đoạn, quy luật sử dụng lực lượng không quân Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo đế quốc Mỹ sẽ sử dụng loại máy bay này ở Việt Nam và căn dặn: "…phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B.52 này".

Đúng như dự báo của Người, ngày 18/6/1965, lần đầu tiên đế quốc Mỹ sử dụng B.52 ném bom khu vực Bến Cát (tây bắc thành phố Sài Gòn). Người đã khẳng định ý chí sắt đá của Đảng và cả dân tộc: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B.57, B.52 hay “bê” gì đi nữa ta cũng đánh, từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh mà đánh là nhất định thắng".
Ngay sau khi đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B52 đánh ra Quảng Bình (4/1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân: “B.52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B.52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú phòng không, không quân”. Đến cuối năm 1967, với tầm chiến lược, sáng suốt, Người khẳng định: "Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua ở đây” (Hà Nội).
Thực hiện chỉ thị, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, xây dựng thế trận phòng không, không quân của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng được tiến hành từ rất sớm. Trước khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc (2/1965), Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ có 12 trung đoàn pháo cao xạ, 1 trung đoàn không quân chiến đấu và 3 trung đoàn radar với tổng quân số 18.244 người, trang bị chủ yếu là các loại vũ khí, khí tài cũ; đến năm 1972, Quân chủng Phòng không - Không quân đã có đầy đủ 4 binh chủng: Không quân, Tên lửa, Radar, Pháo phòng không, với tổng quân số 68.393 người, được trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại, có thể bắn rơi được tất cả các máy bay của quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam.
Cùng với đó, lực lượng phòng không tầm thấp của các đơn vị binh chủng hợp thành và hàng chục vạn dân quân, tự vệ được trang bị súng, pháo phòng không. Lực lượng phòng không, không quân phát triển nhanh chóng đã tạo điều kiện để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng thế trận phòng không nhân dân nhiều tầng, nhiều lớp, có thể đánh địch từ xa đến gần ở mọi hướng, mọi độ cao, tập trung trên hướng chủ yếu, bảo vệ mục tiêu chủ yếu, đặc biệt là bảo vệ Thủ đô Hà Nội.



Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Muốn bắt cọp phải vào tận hang, từ giữa năm 1966, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân đưa các đơn vị tên lửa, radar, không quân, trinh sát điện tử, cùng các "Đoàn công tác B" của Bộ Quốc phòng vào chiến trường Quân khu 4 để phối hợp chiến đấu và cùng nghiên cứu cách đánh B.52.
Những kinh nghiệm thực tiễn quý báu đánh B.52 đã giúp cho lực lượng phòng không, không quân nắm rõ hơn về quy luật hoạt động, tìm ra nguyên nhân cơ bản ta chưa bắn rơi tại chỗ B.52. Đây là những kinh nghiệm vô cùng quý giá sau nhiều năm chiến đấu với không quân địch để Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu biên soạn tài liệu “Cách đánh B.52".
Tháng 1/1969, Quân chủng Phòng không - Không quân đã biên soạn tài liệu “Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B.52". Mặc dù tài liệu còn đơn giản, nhưng bước đầu đã giúp các đơn vị hiểu biết về tính năng, kỹ chiến thuật và những quy luật hoạt động của B.52, cách đánh B.52 trong điều kiện thông thường.
Sau đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo và tăng cường nhiều cán bộ tác chiến, huấn luyện để cùng Quân chủng không - Không quân nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung.
Tháng 10/1972, tài liệu "Cách đánh B.52 (Cẩm nang bìa đỏ) được biên soạn xong và thông qua Bộ Tư lệnh Quân chủng. Tài liệu đã đi sâu giải quyết những nội dung cơ bản về xạ kích, về cách đánh B.52 đạt hiệu quả cao nhất.... làm cho cán bộ, chiến sĩ tín tưởng vào khí tài, cách đánh và khả năng bắn rơi tại chỗ B.52, từ đó nâng cao chất lượng huấn luyện.
Cùng với chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu cách đánh máy bay B.52, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sớm chỉ đạo ngành Tình báo quân sự tìm hiểu về âm mưu, thủ đoạn, phương thức tác chiến bay B.52 đánh phá miền Bắc.
Cùng với tin tức của điệp báo chiến lược, lực lượng trinh sát kỹ thuật thu thập được nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của không quân địch trong quá trình chuẩn bị đưa B.52 đánh ra Hà Nội (12/1972). Những tin tức tình báo tin cậy, quan trọng trên là cơ sở để Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo lực lượng phòng không, không quân biên soạn tài liệu, xây dựng kế hoạch, sớm chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu đón đánh B.52 địch.
Cuối năm 1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định “Năm 1972 hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp; nếu chưa được chúng có thể tập trung không quân đánh phá. Ta cần có biện pháp đề phòng”. Ngày hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ thị “B.52 không chỉ đánh ở miền Nam. Đến mức độ nào đó cũng có thể đánh vào Thủ đô Hà Nội. Quân chủng Phòng không - Không quân phải nghiên kỹ đối tượng này”.
Đầu năm 1972, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam và giành được những thắng lợi to lớn, làm thất bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ. Chính quyền Nixon phải “Mỹ hóa trở lại", tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc.
Ngày 16/4/1972, đế quốc Mỹ mở đầu bước leo thang chiến tranh phá hoại bằng việc sử dụng không quân đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Đặc biệt, chúng sử dụng cả máy bay B.52 đánh phá Hải Phòng. Trước tình hình trên, Quân ủy Trung ương đã ra chỉ thị kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại mới của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc.
Ngày 28/6, sau khi nghe Đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo tình hình chiến đấu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Sắp tới, địch đánh mạnh hơn, ác liệt hơn... B.52 sẽ đánh đêm, gây nhiễu nặng. Vừa qua, ta mới đánh được những trận riêng lẻ, nay ta phải kiên quyết tổ chức những trận hiệp đồng nhiều binh chủng, đánh địch đau hơn nữa, nhất là vào những thời gian cao điểm...”.
Đầu tháng 7/1972, Bộ Tổng Tham mưu mở hội nghị (phạm vi hẹp) bàn chuyên đề về đánh B.52. Kết luận hội nghị, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài nhấn mạnh: "Bộ đã sớm có chỉ thị nghiên cứu đánh rơi B.52. Nay tuy giặc lái lo sợ phải bay ra phía Bắc, nhưng Mỹ sẽ đem B.52 đến ném bom ngoài Bắc, kể cả Hà Nội, Hải Phòng...
Đối với ta, đánh trúng, đánh rơi B.52 là nhiệm vụ cấp bách, là một yêu cầu cao về quân sự, chính trị, ngoại giao... Khi B.52 ra ngoài Bắc này thì tên lửa, không quân đều đánh tốt hơn, còn dùng cả pháo phòng không 100mm. Radar phát hiện được B.52; cần dùng cả các loại máy cũ như P8 hay 406...".
Ngay sau đó, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị Quân chủng khẩn trương bổ sung hoàn thiện phương án tác chiến, huấn luyện bộ đội đánh B.52 trong các tình huống phức tạp.
Đây là những chỉ thị, hướng dẫn rất quan trọng để Quân chủng Phòng không - Không quân bổ sung vào tài liệu "Cách đánh B.52" và xây dựng kế hoạch tác chiến. Được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ Tổng Tham mưu, tháng 9/1972, Quân chủng Phòng không - Không quân đã hoàn thành việc xây dựng “Kế hoạch Tác chiến phòng không sẵn sàng đánh bại địch tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng”.
Cùng với chỉ đạo nghiên cứu cách đánh máy bay B.52, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng còn chỉ đạo việc tổ chức sử dụng lực lượng, bố trí đội hình chiến đấu tập trung để đánh đối tượng chủ yếu là máy bay B.52. Do vậy, khi triển khai đội hình chiến đấu bảo vệ Hà Nội, ta đã cơ động toàn bộ lực lượng tên lửa vào vòng trong theo phương pháp “chốt vòng trong đánh địch trực tiếp bảo vệ mục tiêu" để tập trung nhiều tiểu đoàn tên lửa cùng đánh địch trên một đường bay.
Đây là một trong những yếu tố quyết định để Bộ đội Tên lửa bắn rơi 36/81 máy bay các loại, trong đó có 29 chiếc B.52. Toàn bộ 16 chiếc máy bay B.52 rơi tại chỗ đều do Bộ đội Tên lửa bắn.
Ngày 24/11/1972, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng đã ký phê chuẩn “Kế hoạch Tác chiến phòng không chống cuộc tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận" và chỉ thị cho Bộ Tư lệnh hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu trước ngày 3/12/1972.
Ngay sau khi Tổng Tham mưu trưởng phê chuẩn kế hoạch, ngày 25/11/1972, Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị Tăng cường sẵn sàng chiến đấu. Chỉ thị nêu rõ: "... Sắp tới chúng ta cần đề phòng địch có thể có những hành động phiêu lưu quân sự mới. Chúng có thể ném bom bắn phá trở lại từ vĩ tuyến 20 trở ra với mức độ ác liệt hơn trước. Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B.52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng, các chân hàng, đầu mối giao thông... Các đơn vị phải hết sức đề cao cảnh giác, kiểm tra và hoàn chỉnh thêm công tác sẵn sàng chiến đấu".
Ngày 27/11/1972, Bộ Quốc phòng nhận định: Địch có nhiều khả năng đánh lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả dùng B.52 đánh Hà Nội, Hải Phòng và ra lệnh cho các lực lượng vũ trang tăng cường chuẩn bị chiến đấu. Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị: "Nhiệm vụ trọng tâm đột xuất trước của Quân chủng Phòng không - Không quân là tập trung mọi khả năng nhằm đối tượng chính là máy bay B.52 mà tiêu diệt".
Ngày 6/12/1972, Bộ Tổng Tham mưu họp với các quân khu, quân chủng, binh chủng, các cơ quan, nhà trường kiểm tra mọi công tác chuẩn bị cho tác chiến phòng không sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, kể cả khi địch sử dụng máy bay B.52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng.
Theo dõi sát các hoạt động đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao và thông qua các tin tức tình báo, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã phán đoán chính xác thời điểm đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B.52 ném bom Hà Nội.
Ngày 17/12/1972, Bộ Tổng Tham mưu lệnh cho Quân chủng Phòng không Không quân và các lực lượng phòng không miền Bắc chuyển lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Đến 16h30 ngày 18/12/1972 (3 giờ trước khi B.52 dội bom xuống Hà Nội), Bộ Tổng Tham mưu đã thông báo cho Quân chủng "có nhiều tốp B.52 đã cất cánh từ sân bay Anderson, đảo Guam đến đánh miền Bắc".
Toàn bộ lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân và lực lượng vũ trang miền Bắc được lệnh báo động chiến đấu. Trước khi chiến dịch bắt đầu, các đồng chí chỉ huy cao nhất của Bộ Quốc phòng đã có mặt tại Tổng hành dinh để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.
Quá trình tác chiến chiến dịch, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu luôn tổ chức theo dõi chặt chẽ hoạt động của địch, của ta để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng tham gia chiến dịch chiến đấu đạt hiệu quả cao.
Ngay sau khi ta giành thắng lợi lớn trong trận then chốt mở đầu đêm 18/12, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã họp và quyết nghị: “... Mỹ đã mở cuộc tập kích lớn bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng. Chúng đã sử dụng máy bay chiến lược B.52, đánh ồ ạt, quy mô lớn, ác liệt và sẽ đánh phá liên tục trong một thời gian ngắn. Nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang ta, đặc biệt là bộ đội phòng không, không quân phải cùng toàn dân quyết tâm đánh bại bước leo thang rất nghiêm trọng của địch...”.
Tiếp đó Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân: “Bộ đội phòng không, không quân phải kiên quyết đánh thắng, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B.52, trước mắt phải nhanh chóng rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục mặt còn yếu, phát huy sức mạnh của không quân, quyết tâm tạo thời cơ và bảo đảm tốt cho không quân ta bắn rơi máy bay...
Sáng 21/12/1972, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Thắng lợi của chúng ta trong những ngày qua là rất lớn, cần phải phát huy hơn nữa; từ hôm nay trở đi, địch sẽ tìm và đánh trận địa tên lửa ác liệt, ta phải tìm mọi cách bảo vệ tên lửa để tiêu diệt B.52, phải bảo đảm cho tên lửa đánh liên tục, cố gắng phát huy tác dụng của không quân”.
Sáng 26/12, khi làm việc với Đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng kết luận: “... Tuy chúng có bị tổn thất, nặng nhất là B.52, bọn giặc lái có hoang mang, lo sợ nhưng bọn cầm đầu chưa chịu thất bại, mà liều lĩnh hơn, tập trung lực lượng đánh lớn hơn vào Hà Nội, Hải Phòng”.
Đêm 27, 28/12/1972, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài trực tiếp xuống Sở Chỉ huy Quân chủng cùng Bộ Tư lệnh chỉ đạo Bộ đội Không quân đánh máy bay B.52. Sự chỉ đạo của Phó Tổng Tham mưu trưởng đã giúp lực lượng không quân bắn rơi liên tiếp 2 máy bay B.52.
Tối 29/12/1972, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân viên: “Các anh em đánh giỏi lắm! Bị thất bại nặng nề thế này, Nixon sẽ không chịu nổi và sẽ phải sắp ngừng cuộc”. Đại tướng cũng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân chủng tập trung đạn tên lửa đánh một trận quyết định buộc địch phải ngừng cuộc tập kích vào Hà Nội.
Được sự chỉ đạo của Đại tướng Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân chỉ thị Sư đoàn phòng không 361 đánh những trận cuối cùng, không hạn chế số lượng đạn tên lửa để bắn rơi nhiều B.52 địch. Đúng như chỉ đạo của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, bằng trận đánh tiêu diệt chiếc B52 cuối cùng đêm 29/12/1972, đế quốc Mỹ đã phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972 giành thắng lợi to lớn.
Như vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong công tác chuẩn bị, thực hành Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972, quân và dân ta bước vào trận quyết chiến chiến lược với lực lượng không quân hùng mạnh của đế quốc Mỹ trong tâm thể chủ động và tự tin.
Ta chủ động, tự tin vì đã có thời gian dài tìm hiểu về địch, tiến hành các công tác chuẩn bị về xây dựng lực lượng, thế trận, phương án chiến đấu, nghiên cứu cách đánh B.52, huấn luyện cho bộ đội..., vì đã dự kiến chính xác về thời gian, khu vực, mục tiêu đánh phá của địch nên đã chuyển cấp kịp thời đưa toàn bộ lực lượng phòng không, không quân miền Bắc vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất để đánh địch./.
Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh
Lược trích từ cuốn “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”

BẾN KHÔNG CHỒNG...

Ở xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình có một bến sông như bao bến sông khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngày xưa bến sông này có tên là Bến Đình Đoài, bây giờ được đặt một tên mới, mà được dân làng thống nhất gọi tên là "BẾN KHÔNG CHỒNG".


Nơi đây vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dân làng đã tiễn đưa 1.500 thanh niên trai tráng của làng lên đường tòng quân giết giặc, cứu nước. Sau ngày 30-4-1975, có 230 người không trở về quê hương, các Anh đã nằm lại rải rác các chiến trường, để lại nỗi buồn cho mẹ già và những người vợ trẻ.




Hằng ngày, các chị ra bến sông xưa để ngóng chờ tin chồng. Ngày tháng qua đi, từ một thiếu nữ nay đã trở thành những Bà lão mất rồi.
Bến sông xưa có tên bình dị, nay mang tên mới với bao nỗi buồn BẾN KHÔNG CHỒNG, nghe xót xa mà đau nhói trong tim.

Nhà văn Dương Hướng, người con của quê hương đã viết một tiểu thuyết cùng tên, VTV cũng đã có phóng sự về Bến sông này.
Điều đặc biệt là những người vợ Liệt sĩ ở đây hầu như là không đi lấy chồng. Họ ở vậy thờ chồng nuôi con và phụng dưỡng Cha mẹ chồng. Có rất nhiều người không có con họ cũng không đi bước nữa, họ lấy niềm vui là hàng ngày ra bến sông xưa ngóng chờ một nỗi xa xôi, với ước mơ một ngày nào đó, Người xưa khoác ba lô trở về.

Trên đất nước mình không biết có bao nhiêu bến sông như thế này, biết bao người vợ Liệt sĩ hàng ngày ra bến sông đón chồng trong niềm hy vọng không phai mờ rằng: Rồi có một ngày chinh chiến tàn, các anh trở lại bến sông xưa.

Có một mùa hoa cải,
Chờ anh trong mê mải,
Chờ anh bến sông xưa
Yêu em anh giữ câu thề
Đánh xong giặc Mỹ, anh về với em.

Như Khánh Trần

CẨN TRỌNG VỚI TRÀO LƯU "CHỮA LÀNH TRÁI TIM", "CHỮA LÀNH TRÁI TIM"!

“Chữa lành” trái tim, “chữa lành” tâm hồn, quay về với chính mình, kết nối với “đứa trẻ bên trong”…, đó là những lời quảng cáo rất quen thuộc về dịch vụ “chữa lành” đang nở rộ hiện nay. Vậy, ai có thể thực hiện việc “chữa lành”? Dịch vụ này có cần phải quản lý hay không?

Muôn kiểu “chữa lành”

Với nhu cầu cần “chữa lành” vết thương tinh thần do cuộc hôn nhân rơi vào thời kỳ khủng hoảng, chị Nguyễn Ngọc, 30 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã đến một trung tâm chuyên chữa lành do một “coach” (người huấn luyện) đứng đầu có tên TA, người đã có một số video đăng tải trên mạng internet liên quan đến “chữa lành” như “chữa lành” tâm hồn, “chữa lành” trái tim, “hành trình yêu thương”… Tại đây, chị Ngọc được nhân viên trung tâm trao đổi, hỏi han về tình trạng hôn nhân hiện tại và vấn đề cần “chữa lành”.

Sau khoảng 15 phút ghi nhận những thông tin cần thiết, nhân viên này cho biết, trung tâm sẽ có khóa “chữa lành” kéo dài 3 tháng dành cho chị Ngọc với chi phí là 15 triệu đồng. Trong 3 tháng, chị Ngọc sẽ được một chuyên gia tâm lý “kèm” thông qua room online để có thể “chữa lành” tâm hồn, trị liệu tâm lý và dần dần thoát khỏi được những áp lực. Trong các tình huống cụ thể, chị Ngọc có thể liên hệ với chuyên gia tâm lý để chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên cụ thể cho chị. Trong suốt 3 tháng, chị Ngọc còn được tham gia nhiều buổi trị liệu tâm lý, miễn phí một số giáo trình học.




Nhân viên trung tâm này cũng cho biết, một khóa chữa lành có thể kéo dài lên đến 5, 6 tháng giúp người chữa lành có thể cân bằng được cảm xúc, cân bằng được cuộc sống. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý sẽ “kèm” chị Ngọc trong suốt quá trình lại không phải là “coach” TA - người được trung tâm quảng cáo, mà lại là những người được đào tạo về “chữa lành”, còn được đào tạo như thế nào thì chị Ngọc không được cho biết cụ thể.

Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ "chữa lành" sẽ cho hơn vô số các kết quả đủ để thấy trào lưu "chữa lành" đang được nhiều người tìm kiếm. Chúng ta cũng rất dễ bắt gặp cụm từ "chữa lành" như "du lịch chữa lành", "điện ảnh chữa lành", "âm nhạc chữa lành"… Thông thường, khi tìm đến với các dịch vụ “chữa lành”, người có nhu cầu “chữa lành” sẽ không được gặp gỡ ngay chuyên gia mà sẽ được được các nhân viên ghi nhận một số thông tin cơ bản của cá nhân như tên, tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, các vấn đề đang gặp phải… Sau đó, người có nhu cầu “chữa lành” sẽ được gửi báo giá về các gói “chữa lành”.

Mỗi trung tâm lại đưa ra các mức giá khác nhau nhưng đều từ vài triệu đồng cho đến cả chục triệu đồng. Đặc biệt, nếu có các chuyên gia “chữa lành” đồng hành hằng ngày thông qua việc nhắn tin, điện thoại thì giá tiền sẽ cao hơn. Trong khi, người tham gia “chữa lành” thông thường sẽ không được tiếp cận nhiều thông tin về các chuyên gia, các "coach" “chữa lành”. Họ được giới thiệu rất chung chung là đã được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn về Tâm lý học.

Không quản lý, sẽ gây nhiều hệ lụy

Có lẽ, trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, nhiều thông tin tiêu cực xuất hiện, áp lực công việc, trọng trách vai trò trong đời sống gia đình… khiến người trẻ ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề sức khỏe tinh thần và họ bắt đầu tìm kiếm đến các dịch vụ “chữa lành” để được xoa dịu những tổn thương tâm lý, những áp lực đang phải đương đầu.

Xét dưới góc độ Tâm lý học, theo TS. Trần Thu Hương, Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý học Xã hội, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, “chữa lành” chính là một hoạt động trợ giúp tâm lý, trong đó nhà tham vấn tâm lý với sự hiểu biết sâu sắc về các hệ thống lý thuyết cùng các kỹ thuật tham vấn, trị liệu sẽ tiến hành hoạt động hỗ trợ giúp cho người có những vấn đề khó khăn và nan giải tìm được sự cân bằng trong cuộc sống và trong công việc. Tất cả chúng ta ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời đều có thể cần đến sự trợ giúp tâm lý. “Âm nhạc chữa lành”; “Hội họa chữa lành”; “Phim ảnh chữa lành”; “Du lịch chữa lành”,… là những hình thức trị liệu tâm lý giúp cho những người có tổn thương, ẩn ức, đau khổ, mất cân bằng giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực, tìm thấy lại niềm vui, động lực, cảm hứng để sống, làm việc và cống hiến.

Theo TS Trần Thu Hương, trong đời sống cá nhân, bản thân mỗi người đều có khả năng tự chữa lành cho chính mình. Thực tế, hiện nay đã xuất hiện những chuyên gia “chữa lành” tự phong, họ nhận hỗ trợ cho người khác bằng chính những kinh nghiệm, trải nghiệm mà họ có được sau khi đã tự vượt qua những giai đoạn khó khăn, bất ổn về tâm lý của bản thân. Chính họ tự mang kinh nghiệm của mình để thực hiện "sứ mệnh chữa lành" cho người khác. Tuy nhiên, khi chúng ta đã sử dụng những kinh nghiệm của cá nhân để áp dụng cho những người khác, cần phải hết sức thận trọng, không nên coi nó là độc tôn, duy nhất, hiệu quả nhất trong quá trình “chữa lành”.

TS Trần Thu Hương cũng cho rằng, đang xuất hiện tình trạng thương mại hóa dịch vụ “chữa lành” khi ngày càng nhiều người quan tâm đến các vấn đề, sức khỏe tâm thần. Hoạt động “chữa lành” là một trong những kỹ thuật đã được ứng dụng trong Tâm lý học Lâm sàng, và phải được thực hiện bởi những người được đào tạo, có bằng cấp chuyên môn và cần tuân thủ đạo đức hành nghề. TS Trần Thu Hương cho rằng, lĩnh vực này cần có sự quản lý về pháp luật.

Liên quan đến các dịch vụ “chữa lành” đang nở rộ hiện nay, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, “chữa lành” không phải là một phương pháp chữa bệnh vì nó không phải là bệnh. Như người có dấu hiệu bệnh tâm thần (động kinh, hoang tưởng…), hoặc rối loạn tâm thần (trầm cảm, strees, lo âu) phải do các bác sĩ chuyên khoa, thầy thuốc có chứng chỉ hành nghề khám, chẩn đoán và điều trị bằng dùng thuốc hoặc không dùng thuốc.

Chuyên gia cũng cho hay, hiện nay nở rộ các lớp “chữa lành”, thậm chí có người còn mạo nhận là chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý, thu tiền giá cao. “Chữa lành” không còn đơn lẻ nữa mà nó trở thành trào lưu, nếu tiếp tục để nó tự phát nở rộ mà không có biện pháp quản lý, sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng và hệ luỵ cho người dân. Theo đề xuất của chuyên gia, cần phải quản lý hoạt động này với sự xem xét của nhiều bộ, ngành. Chẳng hạn, Ban Tôn giáo Chính phủ phải xem các lớp “chữa lành” tự mở có phải của một giáo phái nào không; Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch quản lý về văn hoá vì có yếu tố liên quan đến thần linh xem có ảnh hưởng đến tự do tín ngưỡng hay không; Bộ Công an phải xác định xem những hành vi này có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, lừa đảo hay không để có hướng giải quyết...

“Các bộ, ngành phải cùng vào cuộc xem xét để xác định nó là loại hình nào để cùng phối hợp quản lý. Vấn đề này cần phải có sự quản lý để làm lành mạnh xã hội. Sau khi xem xét, nếu phương pháp “chữa lành” mang tính tích cực thì phải đưa vào quản lý, còn nếu mang lại quả tiêu cực thì cần phải loại bỏ”, TS Nguyễn Huy Quang đề xuất.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra khuyến cáo với người dân, để biết đó có phải là bệnh hay không, người dân phải đi khám bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, có chứng chỉ hành nghề, đừng nên tin và nghe theo những phương pháp chưa có căn cứ khoa học, sẽ làm mất đi cơ hội điều trị nếu có bệnh.

Nguyễn Hương - Trần Hằng

Chú thích ảnh: Yoga là một bộ môn được nhiều người có nhu cầu “chữa lành” tìm đến