KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, THỜI ĐẠI CỦA CHIẾN THẮNG 30 THÁNG 4

Năm nay, trong những ngày hướng đến kỷ niệm Chiến thắng lịch sử vĩ đại 30/4/1975, nhân dân ta đón mừng sự kiện này với nhiều niềm vui mới. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển.

NHẬN DIỆN VÀ NGĂN NGỪA THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG LÒNG YÊU NƯỚC ĐỂ KÍCH ĐỘNG NGƯỜI DÂN XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH, GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Người yêu nước chân chính là người biết sử dụng pháp luật, đạo đức, truyền thống tốt đẹp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Nhận diện được phương thức, thủ đoạn lợi dụng lòng yêu nước để kích động nhân dân làm việc xấu chính là nhằm đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tránh được sự lợi dụng đó để gây ra rối loạn xã hội, phức tạp tình hình.

Thông cáo Báo chí Kỳ họp 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Từ ngày 03 đến 06/12/2018 tại Hà Nội, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 32. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

UBKTTW kết luận vụ AVG: Sai phạm của ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng

UBKTTW vừa họp kỳ 26 kết luận vụ AVG có những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ TT-TT, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng.

Bốn kỳ vọng thay đổi lớn về công tác cán bộ sau 4 ngày Hội nghị T.Ư 7

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có công tác cán bộ, bởi đây là vấn đề “nóng” trong tình hình hiện nay.

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

VỀ NƠI CẢ LÀNG CÙNG LÀM GIỖ VÀO NGÀY 27/7


Vào ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), cả làng Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cùng tổ chức cúng, giỗ để tưởng nhớ cha, mẹ, anh chị em, những người đã hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.

VỀ NƠI CẢ LÀNG CÙNG LÀM GIỖ VÀO NGÀY 27/7
Bà Nguyễn Thị Bông làm lễ cúng tưởng nhớ những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Toàn làng Thạch Tân nay có khoảng 262 hộ dân thì có đến 203 liệt sĩ, 59 mẹ Việt Nam Anh hùng, 18 đối tượng chính sách, mẹ, vợ liệt sĩ, 8 thương binh, 12 người nhiễm chất độc da cam. Nơi đây còn có di tích Địa đạo Kỳ Anh, chứng tích của những năm tháng bám trụ kiên cường, gìn giữ từng tấc đất quê hương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Với những người ở Thạch Tân, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, là dịp để những người con nhớ về cội nguồn, nhớ những người đã ngã xuống. Ngay từ sáng sớm ngày 27-7, rất nhiều ngôi nhà quanh khu di tích Địa đạo Kỳ Anh đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng những lễ vật để cúng bái, tưởng nhớ cha anh.
Bà Nguyễn Thị Bông (làng Thạch Tân) năm nay đã 79 tuổi, sống neo đơn trong ngôi nhà nhỏ gần Khu di tích Địa đạo Kỳ Anh, thờ cúng 3 liệt sỹ, 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trong chiến tranh bà là một thiếu nữ quả cảm, cũng là nhân chứng sống một thời đào địa đạo. Bà từng bị địch bắt và tra tấn dã man ngay tại địa đạo Kỳ Anh nhằm lấy thông tin về căn cứ cách mạng này nhưng bà nhất mực không khai. Sau đó cha và lần lượt các chị gái, em trai của bà cũng hy sinh trong kháng chiến. Bà Bông ở vậy một mình, hằng ngày lo hương khói cho cha, các chị em và mẹ Việt Nam anh hùng.
Đến sáng 27-7, cùng với cả làng, bà cũng chuẩn bị những mâm cúng, thắp nén nhang để tưởng nhớ cha, anh và những người đã hi sinh trong chiến tranh. “Ngày 27-7, cả làng đều cúng, nhớ ơn cha mẹ, anh chị em đã đổ xương máu, đã ngã xuống, đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Năm nay do đã lớn tuổi nên tôi phải nhờ hai người anh em thúc bá phụ nấu nướng và chuẩn bị chu đáo mọi thứ để làm mâm cúng. Với chúng tôi, ngày 27-7 là để tưởng nhớ những người thân đã ngã xuống”, bà Bông nói.
Cũng trong ngôi làng ấy, hôm nay, gia đình ông Nguyễn Viết Ngọ (53 tuổi) cũng đang chuẩn bị mọi thứ cho mâm cúng các liệt sĩ. Đưa chúng tôi vào nhà, chỉ vào những tấm huân chương kháng chiến, anh Ngọ bộc bạch cả dãy nhà ông nằm sát địa đạo Kỳ Anh, trước đây là nôi nuôi dưỡng cách mạng. Không chỉ gia đình ông mà những gia đình khác đều có những tấm huân chương kháng chiến.
“Chúng tôi đã duy trì lễ giỗ này gần 20 năm. Với tôi, 27-7 là ngày quan trọng, ngoài ngày giỗ riêng của từng người thân hy sinh thì đây là ngày giỗ chung. Sau này có già yếu, tôi sẽ dặn con cháu tiếp nối truyền thống cúng ngày thương binh liệt sĩ”, ông Ngọ nói.
Có cha hi sinh trong chiến tranh nhưng đến nay chưa tìm được hài cốt, cũng không biết ngày mất, để tưởng nhớ cha, anh Huỳnh Kim Nho (thôn Thạch Tân) cũng làm mâm cơm cúng ngày 27-7 và coi đó là ngày giỗ cha. “Gần 45 năm kết thúc chiến tranh, gia đình đã đi tìm nhiều nơi, nhưng chưa thấy hài cốt của cha. Nên cứ ngày 27-7 gia đình lại làm mâm cơm như ngày giỗ cha. Chúng tôi vẫn mong chờ một ngày tìm được hài cốt cha đưa về quê nhà an táng”, anh Nho chia sẻ.
Ông Huỳnh Kim Ta, Trưởng thôn Thạch Tân cho biết, có liệt sĩ hy sinh không biết ngày tháng, có người không biết hài cốt ở đâu, chưa đem về được nên đa phần chọn ngày 27-7 cúng giỗ tưởng nhớ. Đây là truyền thống được người dân thực hiện hàng chục năm nay. Với người dân ở đây, ngoài tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì tổ quốc còn là dịp để nhắc nhở con cháu về truyền thống hào hùng, quý báu của ông cha để lại.

Hà Vy

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

Kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2019) hãy tưởng nhớ đến các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, là ngày để chúng ta tưởng nhớ về công ơn của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc nước nhà, cũng là ngày để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn của mình đến những người cha người mẹ đã cống hiến những đứa con của mình cho Tổ quốc.
          Trong bài viết này, tôi muốn nói về những người mẹ, trên dải đất hình chữ S này có rất nhiều những người mẹ Việt Nam anh hùng nhưng tôi chỉ xin phép được nhắc đến Mẹ Thứ, bởi vì nỗi đau mà Mẹ đã chịu đựng là quá lớn.
          Mẹ Nguyễn Thị Thứ có 12 người con gồm 1 người con gái và 11 người con trai. Không có nỗi đau nào hơn khi 9 người con trai, 2 cháu ngoại và 1 người con rể của Mẹ tiếp chân nhau ra trận rồi lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc. Mất mát đầu tiên, ngày 18/6/1948, người con trai thứ hai của Mẹ, chiến sĩ giao liên Lê Tự Xuyến hy sinh khi bị Pháp bắn trong lúc làm nhiệm vụ. Ngày 5/10/1948, người con Lê Tự Hàn Anh hy sinh khi làm nhiệm vụ tải thương, 10 ngày sau, người con Lê Tự Hàn Em ngã xuống trong một trận chống càn. Đầu tháng 4/1954, người con trai vừa tròn 20 tuổi của Mẹ Lê Tự Lem hy sinh trong lúc chiến đấu với giặc.
          Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, tháng 9/1966, con trai Mẹ là anh Lê Tự Nự ra đi. Đến năm 1972, Mẹ lại khóc tiễn đưa hai con là Lê Tự Mười và Lê Tự Trịnh. Năm 1974, đến người con Lê Tự Thịnh ngã xuống trong một trận công đồn. Đúng 9 giờ ngày 30/4/1975, người con trai cả của Mẹ, chiến sỹ biệt động Sài Gòn Lê Tự Chuyển hy sinh ngay trên cầu Rạch Chiếc ở cửa ngõ vào thành phố, chỉ vài giờ trước khi đất nước ta hoàn toàn giải phóng.
          Không chỉ những người con ruột, con rể Mẹ là chiến sĩ cách mạng Ngô Tường, bị giặc Pháp bắt vào năm 1956 và tra tấn đến chết nhưng ông không khai báo nửa lời. Hai cháu ngoại của Mẹ là Ngô Thị Cúc và Ngô Thị Điểu cũng tham gia cách mạng từ rất sớm và hy sinh trong những năm đầu 1970 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
          Ngày 17/12/1994, Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trao tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 27/7/2009, tỉnh Quảng Nam đã khởi công xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại Tp Tam Kỳ - Quảng Nam lấy nguyên mẫu hình tượng của Mẹ Nguyễn Thị Thứ. Ngày 10/12/2010, Mẹ Nguyễn Thị Thứ qua đời, thượng thọ 106 tuổi.
          Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ tuy không còn trên cõi đời này nữa nhưng tấm gương hy sinh, cống hiến vì sự nghiệp độc lập dân tộc của Mẹ vẫn mãi rạng ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

MẠNG XÃ HỘI – TUNG TIN GIẢ, XỬ PHẠT THẬT

Tin giả có thể núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau như những dòng trạng thái bàn chuyện ô nhiễm tại một địa phương nhưng lại dùng hình ảnh tận bên kia địa cầu, xảy ra từ lâu trong quá khứ hay một bức hình của quan chức cao cấp bị gắn với một phát ngôn gây sốc, mọi người chia sẻ và bình luận mà không quan tâm xem nội dung đó có bị xuyên tạc hay không. Tạo dựng clip, cắt ghép thông tin không có thật, dùng công nghệ để phát tán nhanh, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đó là những cách mà các đối tượng đang sử dụng để lan truyền những thông tin giả hiện nay trên mạng Internet.


Hiệu ứng đám đông là những gì chúng ta vẫn nhắc đến khi hàng loạt những thông tin xuất hiện liên tục trên mạng xã hội. Và nếu đó là một thông tin giả có thể dẫn tới tiêu cực của hàng loạt vấn đề như kinh tế, xã hội, tạo dư luận xấu... thậm chí, tin giả có thể cướp đi cả tính mạng của một con người khi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng. Thông tin giả, thế nhưng hậu quả thật sự của tin giả là hiện hữu.

Ngoài việc tung tin giả, nhiều đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để đăng tin xuyên tạc, bịa đặt, vu khống chống lại Đảng, Nhà nước. Cơ quan chức năng đã phát hiện 250 trang mạng, blog, gần 500 tài khoản Facebook, 50 kênh Youtube có hành vi này. Hiện Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới, chính vì vậy, tốc độ lan truyền của những những thông tin không được kiểm chứng sẽ rất nhanh chóng chỉ với một cú click chuột.

Thời gian qua, các cơ quan quản lí nhà nước đã tăng cường rà soát, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Google thời gian qua đã ngăn chặn, gỡ bỏ được gần 4.500 video clip xấu độc trên trang Youtube theo yêu cầu của Bộ. Facebook cũng gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Nhiều đối tượng tung tin giả mạo, xuyên tạc bịa đặt đã bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Tung tin giả nhưng sẽ bị phạt thật và sẽ có biện pháp để tìm ra tên tuổi cụ thể những người tung tin giả. Đây sẽ là lời cảnh báo cho không ít đối tượng đã, đang và sẽ thực hiện các hành vi sai trái này. 

Tin giả tấn công cộng đồng đang ngày càng báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa với các nhà cung cấp dịch vụ và những đối tượng xấu. Còn người dùng mạng xã hội cũng cần phải có kỹ năng để tạo cảnh giác và ý thức trách nhiệm cao với mỗi hoạt động của mình, trên tinh thần "thượng tôn pháp luật", phù hợp với chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử, tránh bị cả tin, lôi kéo và mắc bẫy các đối tượng xấu. 

Việc phát tán thông tin giả, mạo danh là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho hành vi phát tán tin giả, được quy định trong Nghị định 174/2013/NĐ-CP và Bộ Luật Hình sự, cụ thể: 

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; hoặc hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm; 

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; 

Ngoài ra, còn bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn từ 01 tháng đến 03 tháng và buộc phải hoàn trả hoặc buộc thu hồi số lợi bất hợp pháp có được, thu hồi đầu số, kho số viễn thông. 

- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam. 

* Tùy tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi mà người tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội như là Facebook, Zalo, Twitter, Instagram,... có thể bị xử lý hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông được quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015. 

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. 

Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội trên có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. 

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 

Dang Toan 

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

LỰA CHỌN GIẢI PHÁP HÒA BÌNH TRƯỚC HÀNH VI XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC?

       Thời gian qua, dư luận khu vực và quốc tế đang chú ý theo dõi phản ứng của Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ liên quan vụ đối đầu tại Bãi Tư Chính giữa các tàu Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông, khi tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Trường Sa. Tàu Hải Dương 8 cùng với các tàu bảo vệ và tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 đã có các hoạt động trong khu vực Tư Chính - Vũng Mây, gần với lô 06-01 của Việt Nam. Dù đây không phải là vùng biển tranh chấp mà là vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

       Cho đến nay, chưa có khẳng định chính thức nào về động cơ của Trung Quốc lần này. Đây có thể đơn thuần là động thái thể hiện cái gọi là “chủ quyền” sau khi đã quân sự hóa các đảo nhân tạo bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc luôn tìm mọi cách hạn chế hoặc ngăn chặn Việt Nam thăm dò, khai thác năng lượng trong vùng biển mà Trung Quốc coi là “khu vực tranh chấp”. Hay có thể đây là hành động thăm dò phản ứng, gây sức ép với Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang có uy tín, vị thế nhất định trên trường quốc tế nhờ tuân thủ đường lối đối ngoại đa phương, độc lập, tự chủ. Quan hệ Việt - Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục có những bước phát triển có lợi cho hai bên. Hoặc đánh lạc hướng dư luận trong nước, “chuyển lửa ra ngoài” như lâu nay vẫn làm, trong bối cảnh kinh tế trong nước đang chịu đựng cú sốc lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, biểu tình ở Hồng Kông, quan hệ Mỹ - Triều có nhiều tiến triển đe dọa đến vai trò Trung Quốc trên báo đảo Triều Tiên, quan hệ Đài Loan bất ổn… 
       
       Ngày 19/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo chính thức thứ hai liên quan tới vụ việc này trong tuần qua, trong đó kêu gọi sự ủng hộ của các nước khác. Đáng chú ý, khác với sự kiện HD-981 lần trước, lần này Mỹ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo chính thức thứ hai liên quan tới vụ việc này trong tuần qua. Còn Trung Quốc, trước đó vào ngày 12/7 vẫn tuyên bố rằng "Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải trên Biển Đông”. Tuy nhiên, sau khi bị Việt Nam nêu đích danh hôm 19/7, đến nay chưa thấy có phản ứng gì từ phía Trung Quốc. 

       Các sự việc diễn ra gần đây tuy phức tạp nhưng vẫn chưa đến mức tranh chấp căng thẳng cực độ. Bất chấp các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc, Việt Nam hiện vẫn đang hết sức bình tĩnh và kiên trì không sử dụng vũ lực. Theo nhận định của nhiều chuyên gia đăng tải trên báo chí quốc tế (kể cả BBC và VOA), đây là một hành động hết sức khôn ngoan và sáng suốt của Việt Nam. Bởi, để đối phó với Trung Quốc, quốc gia luôn biết cách tính toán để viện ra cớ “đóng vai nạn nhân”, thì các hành vi trái với pháp luật như sử dụng vũ lực, sẽ làm tiền đề để Trung Quốc lấn tới. Việt Nam đã lựa chọn biện pháp hòa bình để giải quyết. Từ phát ngôn trực tiếp của lãnh đạo trong các cuộc gặp ngoại giao, trao đổi công hàm, nêu vấn đề trong các hội nghị quốc tế, vận dụng cơ chế làm việc của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên để kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế…Ngoài ra, Việt Nam có thể cân nhắc sử dụng cơ chế hòa giải bắt buộc đối với các vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học theo phụ lục V Công ước về Luật Biển 1982, hay việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc ở phụ lục VII của Công ước về các vấn đề pháp lý liên quan khác trong hai sự kiện trên. 

       Việc Việt Nam thể hiện thái độ thận trọng là đương nhiên, bởi nếu nghiên cứu qua thông tin báo chí, đánh giá của các chuyên gia và diễn biến hiện trường có thể thấy ngay cả Trung Quốc cũng dường như tránh đề cập trực tiếp đến tranh chấp lần này. Việc tuyên bố mạnh mẽ có thể khiến các kênh đối thoại đang diễn ra khó khăn hơn, và có thể dẫn đến việc lợi dụng sự kiện này để lôi kéo người dân tụ tập tuần hành, biểu tình dưới danh nghĩa “yêu nước”, chống Trung Quốc, nhưng thực chất là tiến hành bạo loạn, tấn công lực lượng chức năng; đập phá tài sản người dân, nhà nước, doanh nghiệp; xâm phạm trụ sở cơ quan công quyền; khiến tình hình an ninh trật tự rơi vào trạng thái mất kiểm soát và hậu quả kinh tế vô cùng nặng nề. Điều này thể hiện rất rõ bản chất khủng bố của các tổ chức, cá nhân tham gia kích động. 

       Cần nhớ rằng với hàng loạt thành công ngoại giao từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, vị thế của Việt Nam nay đã khác, không dễ bị lấn áp và cô lập. Trong khi đó, Trung Quốc với những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, quên mất di ngôn “ẩn mình chờ thời”, giờ có nguy cơ rơi vào cảnh “tứ bề thọ địch”. Huống chi Việt Nam suốt hàng nghìn năm qua và hàng chục năm gần đây đã quá quen với những động thái gây hấn của Trung Quốc. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng nói “lấy đoản binh để thắng trường trận”, lấy những dẫn chứng về quá trình chống giặc ngoại xâm của dân tộc để nhận định: "Họ cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được”. 

       Lời của Hưng Đạo Vương cũng là lời nhắc hãy giữ bình tĩnh, sáng suốt trong thể hiện lòng yêu nước. "Bờ yên biển mới lặng", giữ hòa bình là để làm ra tiền của, để chăm lo tốt nhất cho con em chúng ta, để không phụ xương máu bao anh hùng liệt sĩ đã đánh đổi. Chúng ta không sợ Trung Quốc nhưng phải đủ khôn ngoan để đối phó với họ như cha ông từng dạy. Đừng lấy đá tự đập chân mình!
    Lam Vân

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2019

PHÁN QUYẾT VỀ BIỂN ĐÔNG, SAU 3 NĂM NHÌN LẠI


Ngày 12/7 vừa qua đánh dấu 3 năm kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration - PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng biển trong đường 9 đoạn trên Biển Đông và khẳng định đó là “không có cơ sở pháp lý”.

PHÁN QUYẾT VỀ BIỂN ĐÔNG, SAU 3 NĂM NHÌN LẠI
Tòa Trọng tài Thường trực công bố phán quyết về Biển Đông, năm 2016.
Cùng nhìn lại các diễn biến thời gian qua để thấy rõ hiện trạng và thực chất vấn đề khi có quốc gia thì đang sa lầy trong các toan tính hậu phán quyết và Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách áp đặt chủ quyền một cách thô bạo và trái với luật pháp quốc tế.
Ngày 22/01/2013, Philippines đã khởi đầu quy trình trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) tại PCA. Bất chấp sự phản đối và vận động tẩy chay của Trung Quốc, ngày 12/7/2016, PCA ra phán quyết xác định rằng yêu sách chủ quyền về “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh là vô lý và vi phạm UNCLOS.
Phán quyết của tòa PCA kết luận: “Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã từng “độc quyền kiểm soát” các vùng biển và các nguồn tài nguyên tại đây”.

Philippines: Rối rắm các tính toán

Tuy nhiên, đến tháng 10/2016, sau khi thắng cử, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bất ngờ có chuyến thăm Trung Quốc cấp nhà nước. Trước khi khởi hành, ông Duterte có cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), trong đó đề cập đến các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Tổng thống Duterte cho biết ông hy vọng loại bỏ hoàn toàn “vùng xám” trong quan hệ song phương, mà một phần quan trọng là vấn đề Biển Đông.
Cùng với tuyên bố này, nhà lãnh đạo Philippines đã thực hiện chính sách “gác lại” phán quyết PCA để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, đổi lấy các lợi ích kinh tế. Sau chuyến đi, ông Duterte về nước với những cam kết của Bắc Kinh sẽ cho vay cũng như đầu tư khoảng 24 tỷ USD, kể cả cho các dự án quy mô đầy tham vọng của ông Duterte để canh tân cơ sở hạ tầng Philippines.
Tuy nhiên, số liệu Chính phủ Philippines đã công bố, chỉ có 3 dự án, 2 chiếc cầu và 1 cơ sở thủy lợi, trị giá chung là 167 triệu USD, là đã bắt đầu được xúc tiến. Phần còn lại, gồm 3 dự án đường sắt, 3 đường cao tốc và 9 cây cầu, vẫn nằm trong giai đoạn quy hoạch và phân bố ngân sách, hoặc đang chờ Bắc Kinh phê duyệt tài chính, hoặc đang trong giai đoạn chọn nhà thầu Trung Quốc.
Theo số liệu của Cục Thống kê Philippines, trong nửa đầu năm 2018, cam kết đầu tư vào Philippines của Trung Quốc chỉ đạt 33 triệu USD, bằng 40% của Mỹ và 1/7 các cam kết của Nhật Bản, theo xu hướng tương tự như năm trước đó. Giao thương giữa Trung Quốc và Philippines đã tăng đáng kể nhưng dữ liệu cho thấy phần lớn chỉ có lợi cho Trung Quốc.
Có thể nói, cho tới giờ chỉ một phần nhỏ các cam kết của Trung Quốc cho Philippines trở thành hiện thực. Bản thân ông Duterte bị dư luận trong nước chỉ trích. Giới quan sát cho rằng nếu ông không chứng minh được là chính sách ngoại giao nhân nhượng của ông đã mang về lợi ích kinh tế cho Philippines thì vị thế của ông sẽ bị suy yếu trước các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019, mà kết quả có thể định đoạt sự thành công hay thất bại nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Sự áp đặt chủ quyền vẫn tiếp diễn

Tròn 3 năm kể từ ngày PCA ra phán quyết, theo đánh giá của Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) công bố ngày 12/7, nhìn chung, Trung Quốc đã không chịu tuân thủ gần như toàn bộ nội dung của phán quyết.
Cụ thể, các quan chức Trung Quốc dù đã ít đề cập hơn về cái gọi là “đường 9 đoạn” như là cơ sở cho yêu sách của họ đối với Biển Đông nhưng họ tiếp tục tuyên bố có chủ quyền lịch sử (vốn không rõ ràng) đối với hầu hết các vùng biển và đáy biển ở Biển Đông. Chính vì dựa trên cơ sở này mà ngư dân Trung Quốc tiếp tục hoạt động phi pháp trong các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Indonesia. Trung Quốc tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các trang thiết bị tại Đá Vành Khăn.
Trắng trợn hơn, Trung Quốc tiếp tục tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, bao gồm phần lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Việt Nam.
Ngay trước dịp kỷ niệm 3 năm ngày PCA ra phán quyết, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/7 đã có tuyên bố lên án Trung Quốc phản bội lời hứa không quân sự hóa Biển Đông đã đưa ra năm 2015. Mỹ đồng thời tái khẳng định việc Washington cực lực phản đối các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền “bất hợp pháp” ở Biển Đông.
Trung Quốc ngay từ đầu đã từ chối tham gia vào tiến trình vụ kiện, chủ yếu với lý do PCA không có thẩm quyền. Sâu xa hơn, Trung Quốc dường như cảm thấy không tự tin với cơ sở pháp lý trong các yêu sách trên Biển Đông của mình và lo sợ bị thua kiện, bị ràng buộc bởi các phán quyết khiến quyền tự do hành động bị hạn chế. Điều này là dễ hiểu khi Trung Quốc đang muốn củng cố sức mạnh hàng hải và vị thế chiến lược của mình trên Biển Đông nhằm giành ưu thế trong cạnh tranh chiến lược vốn đang ngày càng gay gắt với Mỹ.
Việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện đã bị công luận nhiều nước trên thế giới chỉ trích bởi nó thể hiện sự thiếu thiện chí và coi thường luật pháp quốc tế, nhất là khi Trung Quốc vẫn luôn khẳng định mong muốn trở thành một cường quốc có trách nhiệm. Tiếp đó, Trung Quốc phủ nhận tính pháp lý trong phán quyết của PCA và tiếp tục tiến hành các hành động mang tính khiêu khích trên Biển Đông, cũng như tiếp tục hoàn thiện và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa.
Tựu trung lại, hành động phủ nhận phán quyết PCA và tiếp tục sự áp đặt chủ quyền một cách thô bạo ở Biển Đông của Trung Quốc được giới quan sát đánh giá là “lợi bất cập hại” khi không chỉ ảnh hưởng tới uy tín quốc tế của Trung Quốc mà còn có thể làm hại các lợi ích hàng hải của nước này không chỉ ở Biển Đông mà còn ở cả các vùng biển khác.
Trong bối cảnh đó, các nước có lợi ích trong khu vực cần thiết phải đề cao tầm quan trọng trong việc thực thi phán quyết của PCA, nỗ lực đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) ràng buộc pháp lý giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài ra, cần phải có các biện pháp giảm thiểu căng thẳng trong vùng biển này và khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế và xây dựng một trật tự khu vực dựa trên các quy tắc.
Nam Sơn

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

SỰ THẬT CÁI GỌI LÀ “NHÀ NƯỚC TIN LÀNH ĐỀ GA”


Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng của đất nước. Các thế lực thù địch, phản động từ lâu đã rất quan tâm đến vùng đất này, với mưu đồ chia cắt đất nước ta. Để thực hiện âm mưu thâm độc đó, chúng đã chỉ đạo thành lập “Nhà nước Đề Ga độc lập” ở bên ngoài, dùng tổ chức “Tin lành Đề Ga” làm công cụ phát triển lực lượng chống phá trong nước. Thời gian gần đây, nổi lên các hoạt động tái phục hồi, xây dựng các khung cơ sở phản động trong nước của tổ chức FULRO lưu vong làm bàn đạp tiến hành các hoạt động chống phá Nhà nước ta. 
 
SỰ THẬT CÁI GỌI LÀ “NHÀ NƯỚC TIN LÀNH ĐỀ GA”

FULRO là tên gọi tắt theo cách ghép những chữ cái đứng đầu các từ tiếng Pháp: Front Unifie de Lutte des Races Opprimees (Mặt trận thống nhất đấu tranh của các dân tộc bị áp bức), là một tổ chức chính trị phản động có vũ trang, đã tồn tại dai dẳng trong nhiều thập kỷ qua, câu kết với các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá cách mạng nước ta. Đó là tổ chức do các thế lực đế quốc nặn ra, nuôi dưỡng và chỉ đạo, nhằm mục đích chia cắt sự thống nhất đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam, ngăn chặn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Mấy năm gần đây, mặc dù đã bị ta truy quét nhiều lần, tổ chức này vẫn tồn tại lay lắt, ngoan cố chống phá cách mạng và đã gây nhiều tội ác với đồng bào Tây Nguyên. 
Hiện có 5 tổ chức FULRO lưu vong ở Mỹ, trong đó, hoạt động mạnh là tổ chức Hội những người miền núi - MFI của Ksor Kơk và tổ chức Nhân quyền người Thượng - MHRO của Nay Rông. MFI (Montagnard Foundation Inc), thành lập năm 1992, tại Spartanburg, bang Nam Carolina, Hoa Kỳ, là tiền thân của tổ chức “Nhà nước Đề Ga độc lập”. Cầm đầu tổ chức là “Tổng thống” tự phong Ksor Kơk. “Nhà nước Đề Ga độc lập” được thành lập với mục đích là đấu tranh đòi lại đất Tây Nguyên, lập “Nhà nước Đề Ga” của người Tây Nguyên. Một số đối tượng FULRO, cơ sở FULRO cũ và một số đồng bào nhận thức còn mơ hồ tham gia vào tổ chức “Nhà nước Đề Ga” do chúng lập ra với quy mô lớn và bộ khung khá hoàn chỉnh. 
Dưới sự chỉ đạo của bọn cầm đầu tổ chức “Nhà nước Đề Ga độc lập” ở nước ngoài, các đối tượng trong nước đã tiến hành một số hoạt động gây mất ổn định về an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên. Chính tổ chức này dưới sự giật dây, chỉ đạo, hậu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài đã kích động số phần tử phản động trong nước gây ra các vụ bạo loạn ở Tây Nguyên vào các năm 2001, 2004, 2008. 
Nay Rông (cầm đầu tổ chức “Nhân quyền người Thượng - MHRO”) đã cho thành lập tổ chức “Người Thượng thống nhất - UMP” với mục đích kêu gọi người Thượng trong và ngoài nước tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thành lập “Nhà nước” cho người Tây Nguyên; công bố lá cờ của tổ chức UMP, đơn tham gia, bản tuyên thệ (gồm 7 lời thề), yêu cầu các thành viên phải thực hiện được nhiệm vụ “giải phóng dân tộc”, thành lập “Nhà nước độc lập" cho người Tây Nguyên; quyết định đặt tên cho “Nhà nước” của người Tây Nguyên là “Chính phủ Đề Ga PMSI” (Đất nước của người Thượng Nam Đông Dương). Chúng cử đoàn thăm trại tị nạn tại Thái Lan thu thập bằng chứng; đi Washington để phối hợp với đại diện các nhóm người dân tộc thiểu số (DTTS) khác (Chăm, Khmer, Mông) để cung cấp tài liệu cho phụ tá đặc biệt của Tổng thống Mỹ về nhân quyền và đại diện Quốc hội nhằm xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp người dân tộc thiểu số, kiến nghị đưa Việt Nam trở lại CPC (những quốc gia có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo)... 
Các tổ chức này tích cực củng cố, chuẩn bị các điều kiện để cho ra đời cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị” tại Tây Nguyên. Chúng tăng cường xây dựng cơ sở kinh tài; mở các lớp đào tạo kiến thức văn hóa cho đồng bào; tổ chức các thành viên học “Luật Đề Ga”; thu thập cờ, tài liệu, bản đồ liên quan “Nhà nước Đề Ga”. Từ nước ngoài, chúng gửi kinh phí, cờ vào trong nước, khẳng định “phong trào Đề Ga” sẽ thành công vì được nhiều nước ủng hộ. Các đối tượng cầm đầu thường xuyên tham dự các diễn đàn, các hội nghị quốc tế về nhân quyền, tôn giáo và người tị nạn nhằm kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ, liên kết của các thế lực thù địch, phản động; vận động hành lang các nước ủng hộ tài chính. 
Chúng triệt để lợi dụng các văn bản pháp lý quốc tế để xuyên tạc sự thật ở Việt Nam, đặc biệt là Tuyên ngôn về quyền của người bản địa 2007 mà Nhà nước ta đã tham gia; thường xuyên thu thập về tình hình vùng đồng bào DTTS để từ đó bóp méo, xuyên tạc, làm “bằng chứng” đấu tranh với Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền; quyên tiền thuê Hội luật sư ở Washington giúp đỡ trình bày các vấn đề liên quan trước Liên hợp quốc; chuẩn bị tài liệu để tổ chức vụ kiện Việt Nam ra Tòa án quốc tế... Chúng đã triệt để lợi dụng sự phát triển của Internet, mạng di động để liên lạc, tuyên truyền lừa bịp gây chia rẽ đoàn kết, củng cố tổ chức, lừa mị về sự thành công của tổ chức Đề Ga để củng cố niềm tin cho bọn phản động trong nước. 
Khi bị thất bại trong các cuộc biểu tình, gây rối ở Tây Nguyên, chúng kích động người DTTS trốn sang Campuchia, tuyên bố cho định cư ở Mỹ nhằm tái lập “trại tị nạn” làm chỗ đứng chân, tập hợp lực lượng, gây mất ổn định lâu dài ở Tây Nguyên. Cùng với những hoạt động chống phá ngầm, chúng còn sử dụng các diễn đàn chính trị can thiệp trực tiếp vào vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên. Thông qua hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ, các đoàn lâm thời và một số người Thượng lưu vong tại Mỹ về Việt Nam thăm thân, chúng tìm cách thu thập tình hình cũng như việc thực hiện chính sách tôn giáo, dân tộc của Nhà nước ta ở Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, chúng thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của ta, xuyên tạc sự thật, tố cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, phân biệt đối xử với người DTTS trong các cuộc điều trần ở Quốc hội Mỹ. Đặc biệt, từ khi Thượng Nghị viện Mỹ thông qua luật HR 2431 về tự do tín ngưỡng quốc tế, các hoạt động điều tra nhằm kích động vấn đề nhân quyền trong dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên được tiến hành công khai, ráo riết hơn. 
Tiếp đó, Hạ viện Mỹ lại thông qua Dự luật HR 2368 về “Đạo luật nhân quyền Việt Nam”, đây là một dự luật sai trái, vi phạm nghiêm trọng những quy định của pháp luật quốc tế, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Một số nội dung trong Dự luật đã khuyến khích người Thượng Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Campuchia, gây mất an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. 
Như vậy, có thể thấy cái gọi là “Nhà nước Đề Ga”, “Tin lành Đề Ga” thực chất là một biến thể của FULRO do các thế lực thù địch, phản động bên ngoài dựng lên. Âm mưu, hoạt động của chúng hiện nay là tập trung tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta đối với các DTTS, kích động, gieo rắc tư tưởng ly khai, tự trị, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc Việt Nam. Đồng thời, thông qua sự chỉ đạo, chi viện về vật chất của các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài, chúng ráo riết xây dựng, phát triển lực lượng ở trong nước, chủ trương cắm cờ FULRO, cho ra mắt “Nhà nước Đề Ga tự trị”. Tổ chức biểu tình và cao hơn là tiến hành bạo loạn chính trị, hòng tạo cớ để kẻ thù bên ngoài nhảy vào can thiệp. Đây là những vấn đề chúng ta cần nhận diện một cách đầy đủ để phòng ngừa và kịp thời đấu tranh ngăn chặn. 
Lê Xuân Trình

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2019

PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” CẦN KIÊN QUYẾT

Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vốn là công việc rất khó khăn, phức tạp, vì nó liên quan tới vấn đề tư tưởng, biểu hiện âm thầm, gặm nhấm dần lòng tin, xói mòn dần phẩm chất đạo đức của cá nhân, tổ chức. Trong thực tế thì hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng liên quan cả gián tiếp và trực tiếp tới công tác xây dựng tổ chức, xây dựng con người, công tác cán bộ v.v..

PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” CẦN KIÊN QUYẾT

Hơn nữa, khi thực hiện nhiệm vụ này rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của mỗi con người. Tuy khó nhưng không thể không làm, vì vấn đề này có liên quan đến sinh mệnh chính trị, uy tín của Đảng và sự tồn vong chế độ. Bởi thế, ngoài quan điểm tích cực và chủ động thì việc kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, khắc phục những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là rất quan trọng. Nếu không kiên quyết trong phòng, chống "“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì việc thực hiện sẽ trở nên “nửa vời” và không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Để thể hiện tính kiên quyết trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì trong quá trình thực hiện phải nắm vững nguyên tắc kỷ luật tự giác, nghiêm minh của Đảng, chống phải đi đôi với xây và phải lấy xây làm chính. Cần phải tiến hành đồng bộ, toàn diện đối với mọi tổ chức, cá nhân, gắn kết chặt chẽ giữa đấu tranh, phê bình với các biện pháp hành chính, pháp luật và kinh tế.
Việc tạo ra phong trào và hành động cụ thể, thiết thực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân khi đấu tranh ngăn chặn, khắc phục những biểu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là rất cần thiết. Có một số vấn đề cần tập trung, đó là: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp, vấn đề này đã được Đảng ta chú trọng thực hiện trong thời gian qua và đã thu được những kết quả nhất định; kiên quyết sử dụng nhiều biện pháp để đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên quyết thực hiện phê bình, tự phê bình. Khi có dấu hiệu vi phạm thì dù cán bộ ở cương vị nào cũng cần phải được kiểm điểm, phê bình, xử lý kịp thời, mạnh mẽ, không “dĩ hòa vi quý”, không nể nang, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, không có vùng cấm, không loại trừ cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp cao tự coi mình là “bề trên”, đứng ngoài tổ chức. Những biểu hiện, những đối tượng như thế càng phải kiên quyết trong đấu tranh, khắc phục, loại trừ, bởi đó thực sự là “mầm họa” của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, là nguyên nhân sâu xa nhưng trực tiếp dẫn tới làm ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.
TRẦN VŨ

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

LẬT TẨY MƯU ĐỒ CHỐNG PHÁ BẰNG CHIÊU TRÒ TUYỆT THỰC


Trên nhiều trang Facebook, website của các tổ chức phản động cũng như các trang báo nước ngoài như Việt Tân, Chân trời mới media, RFA tiếng Việt… liên tục đưa ra các bài viết về việc “tù nhân chính trị” tại Trại giam số 6, Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đồng loạt “tuyệt thực”. Đi liền với đó, các đối tượng lan truyền các thông tin sai lệch, vu khống bản chất chế độ.

LẬT TẨY MƯU ĐỒ CHỐNG PHÁ BẰNG CHIÊU TRÒ TUYỆT THỰC

Chống đối là điều dễ nhận thấy ở các đối tượng bị kết án về hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Bất chấp việc bị áp dụng hình phạt tù, nhiều người vẫn câu kết với các đối tượng bên ngoài để thực hiện hành vi chống phá Đảng, Nhà nước ta. Thậm chí, nhiều kẻ còn sử dụng việc bị kết án phạt tù như một “thành tích tiêu biểu” nhằm đánh bóng tên tuổi.
Khi vào tù, các đối tượng phạm tội và đồng bọn tự “tẩy trắng” cho bản thân bằng việc nhận mình là “tù chính trị”, “tù nhân lương tâm”. Dù bản thân có những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự của Việt Nam, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ nhưng các đối tượng này vẫn “mồm năm, miệng mười” đưa ra các thông tin sai lệch, cố tình xuyên tạc bản chất vấn đề, cho rằng mình là nạn nhân của chế độ, nạn nhân của sự bất công.
Trong quá trình chấp hành hình phạt, người bị kết án vẫn không ngừng khiêu khích và thực hiện các chiêu trò chống phá. Trong đó, “tuyệt thực” là một chiêu trò cũ rích nhưng vẫn được những nhà “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” tự phong liên tục áp dụng.

Tuyệt thực - Chiêu trò cũ rích

Gần đây, trên nhiều trang truyền thông của các tổ chức, cá nhân phản động, chống đối đồng loạt đăng tải các bài viết có nội dung về việc một số đối tượng đang chấp hành án tại Trại giam số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An tuyệt thực tập thể. Và như một lẽ hiển nhiên, ẩn sau các bài viết này là những thông tin mang tính bịa đặt, vu khống về tình hình dân chủ, nhân quyền ở nước ta.
Với những tiêu đề đầy thu hút như “Nhà tù không phải là nơi huỷ diệt nhân tính”, “Nhiều tù nhân lương tâm Trại giam số 6 tuyệt thực phản đối áp bức”, “Tuyệt thực trong tù để làm gì”..., các bài viết có nội dung bịa đặt liên quan đến việc một số người tự cho mình là “tù nhân chính trị” tiến hành tuyệt thực đã tiếp cận được với không ít người.
Đây là điều vô cùng nguy hiểm bởi nếu người đọc thiếu nhận thức, thông tin thì sẽ rất dễ bị đánh lừa bởi các thông tin bịa đặt nói trên. Thẳng thắn nhìn nhận, việc tuyệt thực không phải là chiêu trò gì mới. Nó đã được rất nhiều đối tượng “tù nhân lương tâm” tự phong áp dụng trong quá trình chấp hành án phạt tù.
Thực tế, nhiều người bị kết án do có hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia trong quá trình chấp hành án phạt tù giở chiêu tuyệt thực. Trong đó, những cái tên có thể kể đến như Nguyễn Văn Đài, Trần Thị Nga, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…
Việc tuyệt thực của các đối tượng không phải diễn ra một cách ngẫu nhiên, mà nó được tính toán một cách hết sức cẩn thận. Nghiên cứu về việc này, chúng ta không khó để nhận ra một điều hài hước là các lần tuyệt thực đều diễn ra theo một quy trình chung. Ban đầu, thông qua việc thăm gặp người nhà, các đối tượng đang chấp hành án sẽ rêu rao thông tin bản thân mình đang tiến hành tuyệt thực trong trại giam. Sau đó, người nhà của các đối tượng này trở thành cầu nối lan truyền thông tin đến những báo, đài, cũng như những cá nhân, tổ chức phản động, chống đối.
Trên cơ sở nguồn tin từ người thân của các “tù nhân lương tâm”, các hãng báo chí thù địch hoặc thiếu thiện cảm với Việt Nam và các đối tượng chống đối tiến hành viết bài xuyên tạc, thổi phồng sự việc, vu khống bản chất chế độ ta.

Sâu xa của tuyệt thực là gì?

Trong bài viết “Tuyệt thực trong tù để làm gì?” của đối tượng Diễm Quỳnh được Việt Tân và một số website khác đăng tải, rất nhiều lý do được đưa ra như tuyệt thực để bảo vệ quyền lợi cá nhân, chống lại sự bất công, đấu tranh vì nhân quyền… Thông qua việc “múa bút”, những kẻ có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia được tô vẽ như những anh hùng: “Tuyệt thực không có nghĩa là người tranh đấu muốn kết cục là cái chết, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận cái chết, như một cột mốc để chính quyền xét lại tư cách cầm quyền của mình, trước sự giám sát và phẫn nộ của nhân dân”.
Sự thật hành vi tuyệt thực của những đối tượng xâm hại an ninh quốc gia này chỉ là một chiêu trò chống đối. Đằng sau những lần tuyệt thực là những động cơ hết sức sâu xa về mặt chính trị.
Trước hết, các đối tượng tuyệt thực nhằm đánh bóng tên tuổi và để bản thân không bị lãng quên. Không khó để chúng ta nhận thấy những nhà “dân chủ” đang mọc lên như nấm sau mưa. “Dân chủ” đã trở thành một nghề kiếm cơm của không ít đối tượng. Và hiển nhiên, trong nghề “dân chủ” này, việc cạnh tranh là điều khó có thể tránh được.
Chính vì vậy, khi bị kết án và chấp hành hình phạt tù, nếu không tuyệt thực, không có các hành động chống phá thì tên tuổi của những nhà “dân chủ” cũng sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Do không thể từ bỏ những lợi ích nên dù bị kết án phạt tù, các đối tượng vẫn tìm mọi cách để tiến hành các hành động chống đối nhằm thu hút sự chú ý từ các các nhân, tổ chức cũng như các thế lực phản động ở bên ngoài.
Thông qua việc tuyệt thực, các đối tượng đang chấp hành án ở trong nhà tù câu kết với các đối tượng phản động, chống đối ở bên ngoài bôi nhọ chế độ, xuyên tạc bản chất Nhà nước. Muôn vàn thông tin sai lệch liên quan đến việc tuyệt thực được các đối tượng thêu vẽ. Trong đó, lập luận được các đối tượng liên tục sử dụng là Nhà nước ta sử dụng nhà tù để đàn áp, trả thù người chống đối, bất đồng chính kiến, xâm phạm đến nhân quyền của người chấp hành án.
Đây là thông tin bịa đặt một cách trắng trợn, thể hiện sự thâm hiểm của các đối tượng phản động. Bởi lẽ, với lập luận trên, các đối tượng phủ nhận sạch trơn việc bản thân có hành vi vi phạm pháp luật. Mặt khác, các đối tượng vu khống nhà nước ngăn cản các quyền lợi chính đáng của người dân. Suy cho cùng, đích đến của các đối tượng này cũng chỉ để thực hiện mưu đồ xâm hại an ninh quốc gia của Việt Nam.
Mặt khác, qua hành vi tuyệt thực, các đối tượng thổi phồng sự việc, từ đó kêu gào sự giúp đỡ từ các tổ chức bên ngoài nhằm gây sức ép với Việt Nam. Thông qua bàn tay của các tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam, các đối tượng chờ đợi những tác động nhằm giúp bản thân được sớm ra tù.
Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rõ, việc tuyệt thực chính là một cách để các đối tượng phản động, chống đối tạo cớ cho các tổ chức bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước ta. Trước hết, đó là các cá nhân, tổ chức phản động, cơ hội chính trị người Việt ở trong và ngoài nước. Các nhóm trên có sự câu kết chặt chẽ với nhau nhằm thực hiện mục tiêu chung là chống phá Nhà nước, xoá bỏ chế độ, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở nước ta.
Thực tế, các đối tượng lu loa “tuyệt thực”, song tại trại giam cho thấy, các phạm nhân này vẫn ăn uống bình thường theo tiêu chuẩn quy định, thậm chí họ còn tiếp nhận thực phẩm tiếp tế từ gia đình khá đầy đủ.
Với chiêu trò tuyệt thực, các đối tượng bị kết án đã tạo ra cái cớ để những thế lực bên ngoài thò tay vào công việc nội bộ của nước ta, tạo lý do để các bản phúc trình về dân chủ, nhân quyền có nội dung sai lệch được công bố.
Hành động tuyệt thực của các đối tượng thể hiện sự chống đối quyết liệt, ngoan cố và thiếu tôn trọng pháp luật. Nguy hiểm hơn, hành động này lại được không ít kẻ cổ suý, tung hô và sử dụng vào việc xâm hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam. Bên cạnh việc xử lý những kẻ có hành vi sai phạm, Đảng, Nhà nước đẩy mạnh việc tuyên truyền các thông tin chính thống, chủ động đấu tranh với các thông tin sai lệch về vấn đề tuyệt thực để người dân hiểu rõ sự thật, cảnh giác với các âm mưu, hành vi chống phá.
Trần Anh Tú