Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

LÀM GÌ TRƯỚC THÔNG TIN XẤU, ĐỘC TRÊN MẠNG XÃ HỘI

LÀM GÌ TRƯỚC THÔNG TIN XẤU, ĐỘC TRÊN MẠNG XÃ HỘI


Cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ số, ngày càng nhiều các phương tiện truyền thông mới ra đời và với ưu thế của nó đã mang lại nhiều ứng dụng tích cực trong đời sống xã hội. Mạng xã hội không chỉ phục vụ con người tiếp cận thông tin mà đã thực sự phá vỡ mọi khoảng cách về không gian địa lý, nhiều mối quan hệ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội được kết nối bất chấp các khoảng cách về không gian, thời gian.

Tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, internet trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Trước dòng thác khổng lồ về lượng thông tin trên mạng xã hội hiện nay, có rất nhiều thông tin tốt, bổ ích, nếu như chúng ta sử dụng mạng xã hội đúng mục đích và phù hợp sẽ là công cụ hữu hiệu để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân. Tuy nhiên, mặt trái của internet cũng đem lại những tổn hại đáng kể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bọn tội phạm công nghệ cao sử dụng mạng để thu thập các thông tin cá nhân, lừa đảo, đánh bạc qua mạng. Nhiều thông tin xấu, độc hại, giả mạo, xuyên tạc trên mạng xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt nhằm dắt mũi dư luận. Đơn cử như vụ việc cháu bé sáu tuổi tử vong nghi do bỏ quên trên xe xảy ra ở trường Gateway, trong lúc cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra, thu thập, củng cố chứng cứ thì một số phần tử xấu đã đưa tin tuyên truyền, phân tích nguyên nhân cái chết của cháu bé theo sự suy diễn cá nhân để hướng lái dư luận, thậm chí còn tung tin tài xế Doãn Qúy Phiến đã tử vong, ghép ảnh mặt của cháu Long vào người khác để khẳng định cháu Long đã xuống xe... Ngoài ra, còn có vô vàn các sự việc khác bị các đối tượng xấu đưa tin sai sự thật để câu “like”, kích động khiến cộng đồng mạng dậy sóng, bất an. Nguy hiểm nhất vẫn là việc không gian mạng đang trở thành môi trường lý tưởng cho các thế lực thù địch, đặc biệt là tổ chức phản động lưu vong “Việt tân”, các đối tượng cực đoan, chống đối sống lưu vong ở nước ngoài (Nguyễn Văn Đài, Bùi Thanh Hiếu…) tiến hành các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, nói xấu lãnh tụ, phủ nhận thành quả cách mạng, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Những vụ việc như: Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam, sự kiện biểu tình ở Hồng Kông (TQ), công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước Việt Nam… đều được “Việt tân” và các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Thực tế cho thấy đã có một số người do nhận thức còn hạn chế, nhẹ dạ, cả tin, thiếu bản lĩnh chính trị đã bị các đối tượng xấu tuyên truyền, lôi kéo, mua chuộc để thực hiện mưu đồ chính trị của chúng.

Tác hại của những thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, nhận thức đối với quần chúng nhân dân, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang cho dư luận, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, nhân cách của các cá nhân và cộng đồng mạng xã hội, tác động đến An ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Để ngăn chặn, đẩy lùi các thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội, mong rằng các cơ quan thực thi pháp luật xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đưa tin giả, sai sự thật hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ của công dân để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, đối với người dùng mạng xã hội hãy tỉnh táo, sàng lọc, tiếp nhận các thông tin bổ ích, đồng thời “miễn dịch” trước các thông tin độc hại, nhiễu loạn trên mạng xã hội./.