Trên nhiều trang Facebook,
website của các tổ chức phản động cũng như các trang báo nước ngoài như Việt
Tân, Chân trời mới media, RFA tiếng Việt… liên tục đưa ra các bài viết về việc “tù nhân chính trị” tại Trại giam số 6,
Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đồng loạt “tuyệt thực”. Đi liền với đó, các đối tượng
lan truyền các thông tin sai lệch, vu khống bản chất chế độ.
Chống đối là điều dễ nhận thấy ở
các đối tượng bị kết án về hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Bất chấp
việc bị áp dụng hình phạt tù, nhiều người vẫn câu kết với các đối tượng bên
ngoài để thực hiện hành vi chống phá Đảng, Nhà nước ta. Thậm chí, nhiều kẻ còn
sử dụng việc bị kết án phạt tù như một
“thành tích tiêu biểu” nhằm đánh bóng tên tuổi.
Khi vào tù, các đối tượng phạm tội
và đồng bọn tự “tẩy trắng” cho bản
thân bằng việc nhận mình là “tù chính trị”,
“tù nhân lương tâm”. Dù bản thân có những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp
luật hình sự của Việt Nam, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ
nhưng các đối tượng này vẫn “mồm năm, miệng
mười” đưa ra các thông tin sai lệch, cố tình xuyên tạc bản chất vấn đề, cho
rằng mình là nạn nhân của chế độ, nạn nhân của sự bất công.
Trong quá trình chấp hành hình phạt,
người bị kết án vẫn không ngừng khiêu khích và thực hiện các chiêu trò chống
phá. Trong đó, “tuyệt thực” là một
chiêu trò cũ rích nhưng vẫn được những nhà “tù
nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” tự phong liên tục áp dụng.
Tuyệt thực - Chiêu trò cũ rích
Gần đây, trên nhiều trang truyền
thông của các tổ chức, cá nhân phản động, chống đối đồng loạt đăng tải các bài
viết có nội dung về việc một số đối tượng đang chấp hành án tại Trại giam số 6,
huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An tuyệt thực tập thể. Và như một lẽ hiển nhiên, ẩn
sau các bài viết này là những thông tin mang tính bịa đặt, vu khống về tình
hình dân chủ, nhân quyền ở nước ta.
Với những tiêu đề đầy thu hút như
“Nhà tù không phải là nơi huỷ diệt nhân
tính”, “Nhiều tù nhân lương tâm Trại giam số 6 tuyệt thực phản đối áp bức”,
“Tuyệt thực trong tù để làm gì”..., các bài viết có nội dung bịa đặt liên
quan đến việc một số người tự cho mình là “tù
nhân chính trị” tiến hành tuyệt thực đã tiếp cận được với không ít người.
Đây là điều vô cùng nguy hiểm bởi
nếu người đọc thiếu nhận thức, thông tin thì sẽ rất dễ bị đánh lừa bởi các
thông tin bịa đặt nói trên. Thẳng thắn nhìn nhận, việc tuyệt thực không phải là
chiêu trò gì mới. Nó đã được rất nhiều đối tượng “tù nhân lương tâm” tự phong
áp dụng trong quá trình chấp hành án phạt tù.
Thực tế, nhiều người bị kết án do
có hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia trong quá trình chấp hành án phạt
tù giở chiêu tuyệt thực. Trong đó, những cái tên có thể kể đến như Nguyễn Văn
Đài, Trần Thị Nga, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…
Việc tuyệt thực của các đối tượng
không phải diễn ra một cách ngẫu nhiên, mà nó được tính toán một cách hết sức cẩn
thận. Nghiên cứu về việc này, chúng ta không khó để nhận ra một điều hài hước
là các lần tuyệt thực đều diễn ra theo một quy trình chung. Ban đầu, thông qua
việc thăm gặp người nhà, các đối tượng đang chấp hành án sẽ rêu rao thông tin bản
thân mình đang tiến hành tuyệt thực trong trại giam. Sau đó, người nhà của các
đối tượng này trở thành cầu nối lan truyền thông tin đến những báo, đài, cũng
như những cá nhân, tổ chức phản động, chống đối.
Trên cơ sở nguồn tin từ người
thân của các “tù nhân lương tâm”, các
hãng báo chí thù địch hoặc thiếu thiện cảm với Việt Nam và các đối tượng chống
đối tiến hành viết bài xuyên tạc, thổi phồng sự việc, vu khống bản chất chế độ
ta.
Sâu xa của tuyệt thực là gì?
Trong bài viết “Tuyệt thực trong tù để làm gì?” của đối
tượng Diễm Quỳnh được Việt Tân và một số website khác đăng tải, rất nhiều lý do
được đưa ra như tuyệt thực để bảo vệ quyền lợi cá nhân, chống lại sự bất công,
đấu tranh vì nhân quyền… Thông qua việc “múa bút”, những kẻ có hành vi xâm phạm
an ninh quốc gia được tô vẽ như những anh hùng: “Tuyệt thực không có nghĩa là người tranh đấu muốn kết cục là cái chết,
nhưng họ sẵn sàng chấp nhận cái chết, như một cột mốc để chính quyền xét lại tư
cách cầm quyền của mình, trước sự giám sát và phẫn nộ của nhân dân”.
Sự thật hành vi tuyệt thực của những
đối tượng xâm hại an ninh quốc gia này chỉ là một chiêu trò chống đối. Đằng sau
những lần tuyệt thực là những động cơ hết sức sâu xa về mặt chính trị.
Trước hết, các đối tượng tuyệt thực
nhằm đánh bóng tên tuổi và để bản thân không bị lãng quên. Không khó để chúng
ta nhận thấy những nhà “dân chủ” đang mọc lên như nấm sau mưa. “Dân chủ” đã trở
thành một nghề kiếm cơm của không ít đối tượng. Và hiển nhiên, trong nghề “dân
chủ” này, việc cạnh tranh là điều khó có thể tránh được.
Chính vì vậy, khi bị kết án và chấp
hành hình phạt tù, nếu không tuyệt thực, không có các hành động chống phá thì
tên tuổi của những nhà “dân chủ” cũng sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Do không thể
từ bỏ những lợi ích nên dù bị kết án phạt tù, các đối tượng vẫn tìm mọi cách để
tiến hành các hành động chống đối nhằm thu hút sự chú ý từ các các nhân, tổ chức
cũng như các thế lực phản động ở bên ngoài.
Thông qua việc tuyệt thực, các đối
tượng đang chấp hành án ở trong nhà tù câu kết với các đối tượng phản động, chống
đối ở bên ngoài bôi nhọ chế độ, xuyên tạc bản chất Nhà nước. Muôn vàn thông tin
sai lệch liên quan đến việc tuyệt thực được các đối tượng thêu vẽ. Trong đó, lập
luận được các đối tượng liên tục sử dụng là Nhà nước ta sử dụng nhà tù để đàn
áp, trả thù người chống đối, bất đồng chính kiến, xâm phạm đến nhân quyền của
người chấp hành án.
Đây là thông tin bịa đặt một cách
trắng trợn, thể hiện sự thâm hiểm của các đối tượng phản động. Bởi lẽ, với lập
luận trên, các đối tượng phủ nhận sạch trơn việc bản thân có hành vi vi phạm
pháp luật. Mặt khác, các đối tượng vu khống nhà nước ngăn cản các quyền lợi
chính đáng của người dân. Suy cho cùng, đích đến của các đối tượng này cũng chỉ
để thực hiện mưu đồ xâm hại an ninh quốc gia của Việt Nam.
Mặt khác, qua hành vi tuyệt thực,
các đối tượng thổi phồng sự việc, từ đó kêu gào sự giúp đỡ từ các tổ chức bên
ngoài nhằm gây sức ép với Việt Nam. Thông qua bàn tay của các tổ chức thiếu thiện
chí với Việt Nam, các đối tượng chờ đợi những tác động nhằm giúp bản thân được
sớm ra tù.
Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rõ,
việc tuyệt thực chính là một cách để các đối tượng phản động, chống đối tạo cớ
cho các tổ chức bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước ta. Trước
hết, đó là các cá nhân, tổ chức phản động, cơ hội chính trị người Việt ở trong
và ngoài nước. Các nhóm trên có sự câu kết chặt chẽ với nhau nhằm thực hiện mục
tiêu chung là chống phá Nhà nước, xoá bỏ chế độ, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng
Cộng sản ở nước ta.
Thực tế, các đối tượng lu loa
“tuyệt thực”, song tại trại giam cho thấy, các phạm nhân này vẫn ăn uống bình
thường theo tiêu chuẩn quy định, thậm chí họ còn tiếp nhận thực phẩm tiếp tế từ
gia đình khá đầy đủ.
Với chiêu trò tuyệt thực, các đối
tượng bị kết án đã tạo ra cái cớ để những thế lực bên ngoài thò tay vào công việc
nội bộ của nước ta, tạo lý do để các bản phúc trình về dân chủ, nhân quyền có nội
dung sai lệch được công bố.
Hành động tuyệt thực của các đối
tượng thể hiện sự chống đối quyết liệt, ngoan cố và thiếu tôn trọng pháp luật.
Nguy hiểm hơn, hành động này lại được không ít kẻ cổ suý, tung hô và sử dụng
vào việc xâm hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam. Bên cạnh việc xử lý những kẻ
có hành vi sai phạm, Đảng, Nhà nước đẩy mạnh việc tuyên truyền các thông tin
chính thống, chủ động đấu tranh với các thông tin sai lệch về vấn đề tuyệt thực
để người dân hiểu rõ sự thật, cảnh giác với các âm mưu, hành vi chống phá.
Trần Anh Tú