Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

CẠM BẪY TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG: CẢNH GIÁC VỚI TỘI PHẠM MẠNG THỜI 4.0


Tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng đa dạng, phức tạp và tinh vi. Thông qua các trang mạng xã hội, các ứng dụng gọi và gửi tin nhắn miễn phí như zalo, Viber hay các trò games cùng vô vàn các trang mạng trên Internet, người dùng mạng dễ dàng trở thành miếng mồi cho các đối tượng xấu.

CẠM BẪY TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG: CẢNH GIÁC VỚI TỘI PHẠM MẠNG THỜI 4.0
Các đối tượng Kim Joo Hyeon, An Kwang Ho và Kim Hong Min.
Nạn nhân của chúng có thể là những người già hưởng lương hưu, cánh chị em “nghiện fây” hoặc những người đàn ông trụ cột trong các gia đình hay các cô bé cậu bé tuổi ô mai.
Tôi xin nêu ra đây con số, hiện Việt Nam có trên 30 nhà cái quốc tế tổ chức đánh bạc, cá độ bằng việc thiết lập hàng trăm trang web và đặt máy chủ tại nước ngoài để thấy, chỉ riêng lĩnh vực này thôi cũng đủ thấy, cờ bạc trên Internet phong phú, phức tạp và “chiều lòng” các con bạc thế nào.

Muôn hình vạn trạng

Tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng trong hành trình chuyển đổi số do Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin Truyền thông) và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Đại tá, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Cục phó Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao cho biết: “Thông qua không gian mạng, nhiều đối tượng tiến hành lừa đảo qua tin nhắn rác, nhắn tin làm quen, gửi quà hoặc giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản; nhắn tin trúng thưởng; chiếm quyền tài khoản xã hội; mua bán qua mạng, kinh doanh đa cấp; truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy...”.
Ý kiến này đã phản ánh khá sinh động “đời sống” tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay. Đối tượng phạm tội đã tiếp cận 64 triệu người dùng Internet ở Việt Nam cực kỳ dễ dàng bằng chính hạ tầng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số mang lại.
Có thể tạm liệt kê ra đây các loại tội phạm công nghệ cao như: Tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng; lừa đảo qua mạng; game online trái phép, game cờ bạc; phim ảnh đồi trụy; trộm cắp tiền qua tài khoản ngân hàng; tấn công mạng; lừa đảo thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp, huy động tài chính… Tội phạm công nghệ cao ngày càng đa dạng, phức tạp, dễ biến hoá và nạn nhân của chúng có thể bất ai.
Trưa ngày 22-4, tôi nhận được cuộc điện thoại của anh lái xe trong cơ quan về việc, anh vừa nhận được cuộc gọi từ một người xưng là ở Viện Kiểm sát, bảo anh 16h đến TAND TP Hà Nội ở 42 Hai Bà Trưng để nhận giấy tờ liên quan đến giao dịch của anh tại Ngân hàng Agribank.
Nghe vậy, anh giật mình, bảo không có giao dịch gì với ngân hàng trên thì đầu dây bên kia yêu cầu cung cấp họ tên đầy đủ, số chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà riêng… Anh răm rắp cung cấp thông tin cá nhân theo yêu cầu.
Sau đó, người này bảo sẽ nối máy cho anh nói chuyện với đường dây nóng của Bộ Công an. Người đàn ông bên kia đầu dây nói rất dài nhưng chốt lại, sẽ thông báo kết quả cho anh sau khi xác minh.
Sau cuộc gọi, anh ngồi ngẫm lại thì thấy có gì đó không bình thường, bởi bản thân anh không vay nợ ngân hàng. Với lại, do công việc nên anh cũng tiếp xúc nhiều với cán bộ Công an, anh nghe giọng người đàn ông “đường dây nóng của Bộ Công an” giống giọng đọc truyện… ma. Chính chi tiết này khiến anh cảm thấy nghi ngờ nên gọi điện chia sẻ với tôi.
Thực tế, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để phân tích sự việc và giãi bày tâm sự với người xung quanh như anh lái xe này. Chẳng thế mà anh T, ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ sau một cuộc gọi của người tự xưng là Cảnh sát đã 2 lần chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của người này 4,5 tỷ đồng.
Chuyện bắt đầu khi anh T nhận được cuộc gọi của một phụ nữ xưng là nhân viên bưu điện, bảo anh có bưu phẩm là lệnh bắt của Công an Hà Nội vì liên quan đến đường dây ma tuý, rửa tiền. Anh lên tiếng phủ nhận thì cô này nối máy với “anh Cảnh sát”.
“Anh Cảnh sát” yêu cầu anh T chuyển tiền đến tài khoản của cơ quan Công an, nếu không sẽ bắt giam. Sau khi xác minh, nếu anh không phạm tội cơ quan Công an sẽ trả lại. Anh T đã làm theo sự chỉ dẫn và đợi mãi không nhận được kết quả xác minh cũng như lời hứa trả lại tiền.
Giật mình, anh đến cơ quan Công an trình báo. Kết quả điều tra của cơ quan Công an cho thấy, tiền anh gửi vào hai tài khoản trên đã bị rút hết. Đứng tên chủ tài khoản không phải là cơ quan điều tra mà là hai người ở thành phố Đà Nẵng và Hà Nội.
Anh T không phải nạn nhân đầu tiên và duy nhất của chiêu lừa đảo này, nhiều người khác, đặc biệt là người cao tuổi có lương hưu, có tiền tiết kiệm gửi ở ngân hàng cũng rơi vào tình cảnh này.
Nhiều người, sau khi cuống cuồng gom góp tiền gửi vào tài khoản theo yêu cầu của chúng mới chợt tỉnh ngộ đi báo cơ quan Công an thì hầu hết, tiền đã bị chúng rút. Câu hỏi đặt ra là, nếu tìm được chủ tài khoản (mà việc này là đương nhiên), sẽ tìm ra thủ phạm.
Thế nhưng, một đồng chí Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao cho chúng tôi biết, thường là khi tìm đến, những chủ tài khoản này không liên quan. Người thì khai rằng trước đó bị mất chứng minh nhân dân, người thì bảo được người lạ thuê mở tài khoản ngân hàng…
Thế nên, để bắt được đối tượng phạm tội trong tình huống này chẳng khác nào mò kim đáy bể và cũng bởi vì thế nên việc “đòi” lại tiền cho các nạn nhân cũng rất khó khăn.
Đã có thời gian, ở nhiều địa phương trên cả nước rộ lên tình trạng lừa đảo này nên cơ quan Công an phải phát đi thông báo trên các phương tiện truyền thông để người dân nâng cao cảnh giác, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức.

Tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao

Tội phạm sử dụng công nghệ cao không chỉ có ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang đối diện với loại tội phạm này. Không gian mạng không giới hạn về không gian, thời gian và được thiết lập bởi những biên giới mềm nhưng không ít đối tượng phạm tội người nước ngoài lại chọn vùng lãnh thổ của Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội, nạn nhân chính là người cùng quốc tịch với chúng. Đây có lẽ cũng là điểm khác biệt của loại tội phạm thời đại công nghệ đang phát triển như vũ bão hiện nay.
Mới đây, ngày 18-4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp Cục Đối ngoại, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công an TP. Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ 3 công dân Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam tổ chức, điều hành đường dây đánh bạc trăm tỷ qua mạng Internet cho người nước ngoài đánh bạc.
Theo cơ quan Công an, 3 đối tượng Kim Joo Hyeon, An Kwang Ho, Kim Hong Min nhập cảnh vào nước ta với mục đích du lịch nhưng đã thuê server, đăng ký tên miền của nước ngoài, sau đó mua phương tiện, thuê nơi hoạt động tại Việt Nam để tổ chức thiết lập, quản trị website cho công dân Hàn Quốc đánh bạc, cá cược thể thao trên mạng Internet.
Từ tháng 11-2018 đến khi bị phát hiện, đã có hàng nghìn tài khoản chơi bạc và tham gia cá cược với số tiền khoảng 8,6 tỷ WON (tương đương 170 tỷ VNĐ). Hành vi của nhóm đối tượng này vi phạm nghiêm trọng pháp luật về cá cược, xúc tiến thể thao của Hàn Quốc, gây ra nguy cơ mất an ninh, an toàn trên không gian mạng tại Việt Nam.
Cơ quan Công an đã thu giữ tại hiện trường 20 điện thoại di động, 9 thẻ ngân hàng, 37 máy tính để bàn, 2 máy tính xách tay, 1 Modem Internet, 7 thiết bị nhận mã OTP (Token key), nhiều thiết bị điện tử và tài liệu liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc.
Đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, đây là ổ nhóm người nước ngoài phạm pháp thứ 4 mà đơn vị này đã phối hợp với Công an Bà Rịa - Vũng Tàu khám phá thành công.
Sang Việt Nam, thành lập đường dây, thiết lập hạ tầng để lừa đảo công dân trong nước bằng hình thức giả danh người của cơ quan pháp luật, dọa nạt, yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản. Nhóm đối tượng 21 tên, chủ yếu là người Thái Lan và nạn nhân của chúng cũng là công dân Thái Lan đã được Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện vào năm ngoái.
Kết quả điều tra cho thấy, nhóm đối tượng này sau khi đến Việt Nam đã thuê nhà ở TP Hồ Chí Minh, thiết lập tổng đài gọi điện trên nền Internet. Tại Việt Nam, chúng giả nhân viên bưu điện, ngân hàng, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan gọi điện cho nạn nhân, thông báo họ đang bị điều tra do nghi ngờ phạm pháp. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, lập tức chúng rút hết khỏi tài khoản. Được biết, chúng đã thực hiện hàng nghìn cuộc gọi về nước và đã lừa đảo hàng triệu USD.
Mới đây nhất, ngày 20-4, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hoà), lực lượng cảnh sát đã đột kích vào khách sạn Ba Nhất trên đường Nguyễn Tất Thành để bắt giữ 77 người có quốc tịch Trung Quốc vì sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội.
Được biết, nhóm người này đã đến đây tạm trú từ cuối năm 2018. Tại hiện trường, cơ quan Công an phát hiện bên trong khách sạn lắp đặt nhiều thiết bị công nghệ, và nhóm đối tượng này đã thực hiện hành vi lừa đảo bằng chiêu giả danh nhà chức trách để gọi điện đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản… 
* Tội phạm mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự.(Theo Luật An ninh mạng)
* Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội:
- Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng.
- Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng trái phép các phương tiện thanh toán.
- Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật;
- Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
- Hành vi hướng dẫn người khác sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.(Theo Luật An ninh mạng)
Cao Hồng