Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

BẢN CHẤT NGHĨA HIỆP LÀ THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT

Mấy ngày nay, dư luận truyền thông và mạng xã hội (MXH) xôn xao trước clip ghi lại cảnh một nam thanh niên ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bị một nhóm người tự xưng “hành động nghĩa hiệp” tìm đến nhà hành hung gây thương tích nặng.
BẢN CHẤT NGHĨA HIỆP LÀ THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT
Nguyên nhân của vụ việc là do nhóm người này phát hiện một clip quay cảnh nam thanh niên này có hành vi bạo hành con ruột của mình. Điều đáng nói, mặc dù vụ việc ông bố trẻ đánh con ruột còn nhỏ xảy ra từ hai năm trước, nhưng khi xem clip, nhóm người “nghĩa hiệp” tập hợp nhau từ MXH vẫn quyết định truy tìm thông tin về người đàn ông rồi tìm đến nhà hành hung, nhằm “dạy” anh này “cách làm bố”.
Vụ việc trên chỉ là một dẫn chứng trong chuỗi hành vi tự xưng “nghĩa hiệp” của một bộ phận công dân ở nhiều địa phương khắp cả nước. Họ phần lớn là những “tín đồ” của MXH, có chung lối suy nghĩ sẵn sàng ra tay hành động bảo vệ kẻ yếu, trừng trị những kẻ có hành vi gian ác. Không chỉ diễn ra đơn lẻ, không ít nhóm người còn tổ chức quay video, dựng phim tung lên MXH như một cách để khẳng định “đẳng cấp”, khoe chiến tích. Trên các trang MXH như Facebook, YouTube… hiện có nhan nhản các clip của những đối tượng “nghĩa hiệp”, kiểu như: Thắng “cá chép”, Dương Minh Tuyền… cùng khá nhiều đối tượng, nhóm đối tượng tự xưng “hiệp sĩ”. Họ hành động một cách tự phát, tự cho mình quyền “thay trời hành đạo” nên trong rất nhiều trường hợp, hành vi của họ đã vi phạm pháp luật. Việc nhóm người hành hung ông bố trẻ ở Tiền Giang như đã dẫn ở trên là một ví dụ. Theo nhận định của một số luật sư, hành vi “dạy dỗ” ông bố trẻ của nhóm người trên đã có dấu hiệu hình sự, phạm tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng, cần phải điều tra, xử lý nghiêm.
Không thể phủ nhận công lao, nhiệt huyết cùng những đóng góp xuất sắc của rất nhiều cá nhân trong các nhóm “hiệp sĩ”, điển hình là tại các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… Hoạt động của mô hình “hiệp sĩ” đặt dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của Công an địa phương đã góp phần giúp lực lượng chức năng truy bắt trộm, cướp, tấn công tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. Hiệu quả của những mô hình “hiệp sĩ” này chính là nhờ tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi hoạt động đều tuân thủ nghiêm chỉnh các quy tắc, quy định của pháp luật. Đã có nhiều tấm gương “hiệp sĩ” dũng cảm, hy sinh khi tham gia truy bắt, tấn công tội phạm, được các cấp, các ngành và quần chúng tôn vinh. Họ xứng đáng là những tấm gương sáng có hành động nghĩa hiệp, cần được học tập, nhân rộng trong đời sống xã hội.
Vấn đề đáng bàn hiện nay là hành động nghĩa hiệp, “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” đã và đang bị không ít người lạm dụng, làm cho lòng tốt bị biến dạng méo mó, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Ai cũng đồng tình việc đấu tranh ngăn chặn, chống lại những thói hư tật xấu, những hành vi gian ác trong đời sống xã hội, nhưng tất cả đều phải trong khuôn khổ, chế tài pháp luật. Nếu ai có lòng nghĩa hiệp cũng tự cho mình cái quyền “thay trời hành đạo”, bất chấp luật pháp thì còn đâu trật tự kỷ cương, còn đâu tính nghiêm minh của pháp luật. Những người trong cuộc hành động nông nổi, thiếu hiểu biết pháp luật đã đành, nhưng việc một bộ phận không nhỏ trên cộng đồng mạng lại đi cổ xúy, tung hô những đối tượng này như là những “Lục Vân Tiên” của thời đại mới là không thể chấp nhận.
Nghĩa hiệp là thuộc tính của lòng tốt. Bản chất của nghĩa hiệp, của lòng tốt là tinh thần thượng tôn pháp luật. Thay vì hành động tự phát để chứng tỏ bản thân, những người có hành vi nghĩa hiệp hãy chủ động thông báo, phối hợp với lực lượng thực thi pháp luật để giải quyết những việc bất bình. Thay vì a dua, cổ xúy, tung hô những hành vi trái pháp luật, cộng đồng mạng hãy dành những lời khuyên chân thành, đấu tranh với những biểu hiện coi thường pháp luật để góp phần chấn chỉnh, giúp cho những con người, những hành vi nghĩa hiệp đi đúng hướng, hành động đúng pháp luật, vì một xã hội thượng tôn pháp luật./.