Nãy ngồi xem tin tức về LCK trên Twitter, vô tình nhìn thấy hashtag #coronavirus vẫn đang xếp hạng đầu, mình nhấn vào để xem vì tò mò và dừng lại ở một bài đăng của một người Mỹ, ông dẫn một liên kết viết về việc Việt Nam đưa 30 công dân Việt Nam trở về nước từ tâm dịch Vũ Hán, ông đính kèm theo dòng chữ: “Việt Cộng, họ vẫn như vậy trong bao nhiêu năm qua, tôi thực sự tôn trọng họ, một Chính phủ tốt, người Việt Nam thật may mắn”.
“Tôi vừa mới trở về Việt Nam, tôi biết dịch Corona cũng đã ảnh hưởng đến nơi này và khá lo lắng, tôi ra cửa hàng và tìm mua khẩu trang nhưng ở đâu cũng hết. Đang rất lo lắng thì tôi được các bạn sinh viên ở gần Hồ Hoàn Kiếm phát cho 6 chiếc khẩu trang cho 3 người trong gia đình tôi. Tôi vẫn giữ những chiếc khẩu trang này, bọc ni long làm kỉ niệm. Tôi chưa bao giờ nhận được những hành động này ở Pháp” - Một dòng tweet khác.
“Nhật cần học tập Việt Nam, một đất nước nghèo hơn chúng ta rất nhiều và luôn phải nhận tiền từ chúng ta nhưng họ đã làm xuất sắc hơn chúng ta. Họ không ém số liệu người bệnh để rồi bị phanh phui, đã có nhiều ca bệnh ở Việt nam được chữa khỏi, người Việt được đưa về nước miễn phí. Còn họ (ý nói Chính phủ Nhật) đã thu của những người Nhật tại Trung Quốc gần 90000 Yên đấy” - Một người Nhật bình luận tại video đưa tin về Corona tại Nhật trên kênh Youtube của ABC News. Một người Đức khác phản hồi lại bình luận trên: “Ở Đức, họ cũng thu tiền thì phải, mà phải ở trong diện không nghi vấn, không có tiền sử đi lại và phải dưới 40 tuổi mới được trở về”.
Một tiếp viên của Vietnam Airlines trên chuyến hành trình đưa 30 công dân Việt Nam trở về nói rằng: “Tôi không sợ virus, tôi chỉ sợ đồng bào không được về”.
Hơn 100 phi công, tiếp viên của Vietnam Airlines đã làm đơn tình nguyện để lên đường đến “chiến trường” Vũ Hán nhưng chỉ có 15 người “may mắn” được chọn. Nói may mắn bởi vì, tỷ lệ “chọi” để nằm trong danh sách đi đến Vũ Hán và trở về trên tàu bay A321 còn cao hơn cả tỷ lệ “chọi” vào Y Hà Nội. Đi vào tâm dịch? Có sợ không? Chắc chắn là sợ. Nhưng tại sao lại có những con người bất chấp sự sợ hãi và nguy hiểm đến tính mạng như vậy?
Một bạn công nhân của một công ty thiết bị y tế nói với đầy lòng tự hào: “Cám ơn các bạn, họ đã được về, còn chúng tôi đang tăng ca để sản xuất khẩu trang bảo vệ mọi người”.
Tối qua “nằm vùng” trong một diễn đàn có cái tên rất kêu: Tinh Tế. Khi một thành viên viết bài nói về việc Việt Nam cử đội ngũ sang đưa đón những người Việt về, có rất nhiều bình luận đả kích, chê bai. Trong đó mình có nhớ có một bình luận thế này: “Cộng sản chỉ làm màu làm mè, lũ tiếp viên bay sang đó được mấy tháng lương nên đua nhau làm đơn tình nguyện, được nghỉ 14 ngày cách ly vẫn hưởng trọn lương, thích bỏ mẹ ra đấy”. Đúng là có những kẻ tiểu nhân luôn muốn dùng cái đầu thấp hèn để đánh giá cái “chất” của một người quân tử. Đầu óc tiêu cực thì nhìn đâu cũng thấy cái xấu, những điều tốt đẹp bao nhiêu cũng được hô biến thành những điều tầm thường, ích kỷ, nhỏ nhoi.
Một bình luận khác: “Nước thì nghèo mà lại còn bày trò ủng hộ Tàu. Nó giàu bỏ mẹ ra đấy, dân Việt còn đói khổ. Thóc đâu mà đãi gà rừng”.
Mình nhớ đến câu nói nổi tiếng trong tác phẩm điện ảnh Train To Busan: “Một lũ người cặn bã.”
Nhưng cũng thật may, sự căm tức của mình nhanh chóng nguôi ngoai đọc những bình luận với đầy lòng tự hào dân tộc trên diễn đàn Weibo Việt Nam, K Crush, Ký Sự Đường Phố và rất nhiều diễn đàn khác.
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai?
Mình nhớ đến câu nói của cô Ngân, hiện đang là chủ tịch Quốc Hội đã từng nói tại cuộc giải cứu 10,000 lao động Việt Nam khỏi Libya do chiến sự: "Trong cuộc giải cứu này không có chuyện mặc cả tiền bạc, điều kiện với các nước trong khu vực mà mục đích là nhanh chóng đưa người lao động về nước an toàn".
Từ Hà Nội đến Vũ Hán rồi về Vân Đồn, một chuyến bay lịch sử nối liền vùng đất bình yên với nơi tâm bão “đại dịch”, một chuyến bay vừa làm tròn được nghĩa vụ quốc tế và nghĩa vụ quốc gia, vừa đem hàng hóa viện trợ đến nước bạn, vừa đưa những người con xa xứ trở về. Việt Nam chưa phải là một nước lớn, cũng chẳng phải là một nước giàu, nhưng Việt Nam đã, đang và sẽ luôn muốn hòa mình vào dòng chảy thế giới với lương tri khao khát.
“Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào”
Nguồn tifosi
“Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào”
Nguồn tifosi