Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

“NHÀ NƯỚC ĐÊ GA” CHỈ LÀ SỰ HOANG ĐƯỜNG

 Có hay không Nhà nước Đê Ga độc lập cho người dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam? Tuyên bố thành lập Nhà nước này do ai thực hiện và ý đồ của họ là gì? Câu trả lời xét từ cơ sử lý luận về chính trị, pháp lý và từ chính thực tiễn lịch sử của dân tộc Việt Nam đã khẳng định, tuyên bố Nhà nước Đê Ga cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên chỉ là sự hoang đường.

Nhận diện âm mưu thành lập Nhà nước Đê Ga độc lập của lực lượng phản động FULRO
Sau khi vụ việc tấn công vào trụ sở Uỷ ban nhân dân hai xã Ea Tiêu, Ea Ktuh, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, đến nay, 100 nghi phạm đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Qua quy trình xét xử, ngày 20/01/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nói trên đã tuyên án đối với 100 bị cáo về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “khủng bố”, “tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”, “che dấu tội phạm”.
Đến nay, tình hình địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đã yên bình trở lại. Tuy nhiên, dư luận vẫn đang băn khoăn trả lời câu hỏi: “Tại sao các đối tượng tham gia tấn công vào trụ sở Uỷ ban nhân dân hai xã Ea Tiêu, Ea Ktuh, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk lại manh động, liều lĩnh và hành xử vô nhân tính đến vậy?”. Thực tế đấu tranh với các đối tượng cầm đầu và các nghi phạm tham gia vụ tấn công nói trên cho thấy, hầu hết các nghi phạm tham gia do bị dụ dỗ, mua chuộc, kích động bằng lời hứa về viễn cảnh sung sướng nếu thực hiện theo sự chỉ đạo của những kẻ cầm đầu và chịu sự chỉ đạo của lực lượng phản động ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc bị kích động ảo tưởng về “Nhà nước Đê Ga độc lập” của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng thúc đẩy họ đi vào sai lầm. Ý tưởng thành lập Nhà nước Đê Ga độc lập bắt nguồn từ âm mưu đòi tự trị cho người thiểu số ở Tây Nguyên của tổ chức phản động FULRO ("Mặt trận thống nhất giải phóng các dân tộc bị áp bức") được thành lập ở Campuchia từ năm 1965. Tổ chức này có vũ trang, và đã gây ra nhiều vụ tấn công đẫm máu ở địa bàn Tây Nguyên sau khi chúng ta giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Đến thập niên 80 của thế kỉ XX, về cơ bản lực lượng FULRO bị đánh bại, phải dạt sang Campuchia. Tuy đã tuyên bố giải tán vào năm 1992, nhưng FULRO vẫn ngấm ngầm hoạt động và tài trợ cho các tổ chức phản động của người thiểu số ở Tây Nguyên dưới hình thức “Tin lành Đê Ga”. Cuối năm 1999, Ksor Kơk - đứng đầu Hội những người miền núi (MFI) thành lập năm 1992 tại hải ngoại - tuyên bố thành lập “Nhà nước Đê Ga”, tự xưng là “Tổng thống Nhà nước Đê Ga độc lập” và bắt đầu kế hoạch gây dựng lực lượng trong nước”. Từ tuyên bố của Ksor Kơk, các lực lượng phản động do FULRO chỉ đạo đã ráo riết tuyên truyền về Nhà nước Đê Ga độc lập vào đồng bào người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, thông qua truyền bá “Tin Lành Đê Ga”. Ngày 20/9/2000, mục sư Bdasu K'Bông ở nước ngoài đã ký quyết định thành lập tổ chức “Tin lành Đê Ga” trong nước, bổ nhiệm những người đứng đầu ở Gia Lai, trong đó Ama Chăm lãnh đạo Hội Thánh trong nước, Ama Thái giữ chức vụ thư ký....
Dưới vỏ bọc tổ chức truyền đạo “Tin Lành Đê Ga”, các lực lượng phản động thường tuyên truyền, lôi kéo, kích động những người dân nhẹ dạ, cả tin về ý tưởng Nhà nước Đê Ga độc lập cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Từ năm 2000 đến nay, hoạt động đòi quyền độc lập của Nhà nước Đê Ga luôn được “Tin Lành Đê Ga” thúc đẩy, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm ảnh hưởng sinh kế, đời sống của nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên, ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.



Khẳng định tuyên bố về Nhà nước Đê Ga độc lập là sự hoang đường
Trở lại với câu hỏi: Có hay không Nhà nước Đê Ga độc lập ở khu vực Tây Nguyên của nước Việt Nam? Câu trả lời hết sức rõ ràng là quan điểm về Nhà nước Đê Ga độc lập theo tuyên bố của Ksor Kơk và các lực lượng phản động núp dưới vỏ bọc “Tin lành Đê ga” không có cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và đi ngược lại với ý chí, nguyện vọng của dân tộc Việt Nam.
Thứ nhất, Nhà nước Đê Ga độc lập cho người dân tộc thiểu số chẳng dựa trên luận thuyết khoa học nào.
Lý luận về nhà nước và pháp luật, nhất là lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật đều nhất quán cho rằng, nhà nước là một tổ chức chính trị của xã hội, công cụ cơ bản của quyền lực chính trị trong xã hội có giai cấp; nhà nước ra đời trong quá trình phân công lao động xã hội và gắn với cương vực lãnh thổ quản lý. Do đó, tương ứng với các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau, là các hình thức nhà nước khác nhau và nhà nước tồn tại, hoạt động trên cơ sở bộ máy nhà nước để thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại; nhiệm vụ của nhà nước là quản lý, điều hành toàn bộ mọi hoạt động trong đời sống xã hội bằng hệ thống pháp luật.
Đối chiếu với lý luận về nhà nước và pháp luật, chúng ta thấy rằng, việc tuyên bố thành lập “Nhà nước Đê Ga độc lập” năm 1999 của Ksor Kơk, cũng như tuyên truyền của tổ chức “Tin lành Đê Ga” không có sơ sở lý luận khoa học. Do vậy, quan điểm của Ksor Kơk và của tổ chức “Tin lành Đê Ga” về “Nhà nước Đê Ga độc lập” cho người dân tộc thiểu số chỉ là lời tuyên bố suông, vì Nhà nước này không hề có bộ máy hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được dựa trên cơ sở phân công lao động xã hội, không có cương vực lãnh thổ để quản lý, nên rõ ràng đây chỉ là nhà nước dựa trên ý tưởng phi thực tế, không có tư cách pháp nhân thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại; chỉ nhằm phục vụ cho ý đồ cá nhân của Ksor Kơk và lực lượng phản động Fulro núp dưới vỏ bọc tổ chức “Tin lành Đê Ga” mà thôi, chứ không vì lợi ích cho đa số đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, “Nhà nước Đê Ga độc lập” không có cơ sở chính trị, pháp lý.
Về mặt chính trị, ý tưởng về “Nhà nước Đê Ga độc lập” cho người dân tộc thiểu số chỉ là ý chí viển vông của một số phần tử được hậu thuẫn bởi FULRO, không được đa số nhân dân trên địa bàn Tây Nguyên đồng tình và ủng hộ. Bên cạnh đó, “Nhà nước Đê Ga” cũng không có tổ chức bộ máy đại diện cho quyền lực của giai cấp nắm quyền trong đời sống xã hội, không có đường hướng chính trị rõ ràng trong vận hành và dĩ nhiên không được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Thực tiễn cho thấy, quyền lực nhà nước là vấn đề trung tâm của chính trị, đây là quyền lực phải được đa số quần chúng thừa nhận.
Về mặt pháp lý, một nhà nước hoạt động trên thực tế phải có hệ thống pháp luật để quản lý, điều hành xã hội, trong đó Hiến pháp là đạo luật gốc, hiến định toàn bộ thể chế, thiết chế cơ bản của bộ máy nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội. Song, lời tuyên bố suông về “Nhà nước Đê Ga độc lập” cho người dân tộc thiểu số hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để tồn tại, chứ chưa nói đến sự phát triển. Do đó, nhà nước theo tuyên bố của Ksor Kơk và tuyên truyền của tổ chức “Tin lành Đê Ga” chỉ là ý chí cá nhân thuộc về thiểu số, không hề có căn cứ pháp lý nào cho sự tồn tại trên thực tế.
Thứ ba, “Nhà nước Đê Ga” cho người dân tộc thiểu số không có cơ sở thực tiễn và hoàn toàn xa lạ với lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong tiến trình lịch sử của mình, dân tộc Việt Nam đã khẳng định một chân lý: nước Việt Nam là một quốc gia dân tộc thống nhất, có chủ quyền. Từ thời các vua Hùng dựng nước đến nay, cộng đồng các dân tộc trên nước Việt Nam luôn chung sống hoà bình, đoàn kết dân tộc để bảo vệ, phát triển đất nước trước thiên tai, địch họa. Ý chí, nguyện vọng, quyết tâm xây dựng quốc gia dân tộc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã được nêu rõ trong bài thơ thần của Lý Thường Kiệt – được xem là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định rõ ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Đến tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi – được xem là bản Tuyên ngôn Độc lập thứ hai của dân tộc đã khẳng định về quyền độc lập, thống nhất của một quốc gia dân tộc có chủ quyền: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sống bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bào đời gây dựng nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”.
Từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam năm 1858 và dần dần biến Việt Nam thành xứ thuộc địa của Pháp, song cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, các phong trào yêu nước diễn ra liên tục từ Bắc chí Nam để đấu tranh giành lại nền độc lập, thống nhất của đất nước. Mặc dù các phong trào yêu nước trong giai đoạn này thất bại do sự đàn áp của thực dân Pháp và do sự bế tắc về đường lối cứu nước, nhưng đã khẳng định ý chí được sống trong độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Mùa Xuân năm 1930, dưới sự chỉ đạo, tổ chức của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự kiện này đã mở ra chương mới trong lịch sử dân tộc, chính thức chấm dứt sự bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã giành được thắng lợi sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Ngay sau đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời gắn với vai trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á - một Nhà nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Trải qua quá trình cách mạng vô cùng gian khổ nhưng anh dũng, bất khuất, từ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đến Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, quốc gia dân tộc Việt Nam là thống nhất không phân chia, là Tổ quốc chung của 54 dân tộc anh em. Điều này, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “nước Việt Nam là một khối thống nhất về mặt dân tộc, lịch sử và kinh tế, và không một lực lượng nào trên thế giới có thể chia cắt nổi Việt Nam” và “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai chia cắt được”.
Thực tiễn còn cho thấy, xây dựng một quốc gia dân tộc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay. Quan điểm này của Đảng đã được thể chế hóa vào Hiến pháp, từ bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc năm 1946, đến bản lần thứ 5 là Hiến pháp năm 2013. Các bản hiến pháp của nước ta đều khẳng định, nước Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều 1, Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”.
Theo đó, việc xây dựng một quốc gia dân tộc Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là lý tưởng, ý chí, nguyện vọng xuyên suốt tiến trình lịch sử của dân tộc. Và trong suốt tiến trình đó, từ nhận thức cho đến hành động, mỗi người dân Việt Nam trên khắp dải đất hình chữ S đều hiểu rõ giá trị của một quốc gia độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, luôn nêu cao trách nhiệm, sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ quyền tự do, độc lập, thống nhất đó theo tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “quốc gia tinh lực, toàn dân hữu trách” và chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, “Nhà nước Đê Ga độc lập” cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hoàn toàn xa lạ với lịch sử, truyền thống và ý chí, nguyện vọng của toàn thể Nhân dân Việt Nam.
Như vậy, tuyên bố thành lập “Nhà nước Đê Ga độc lập” cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên của Ksor Kơk và lực lượng phản động FULRO núp dưới tổ chức “Tin lành Đê Ga”, là hoàn toàn phi lý, ảo tưởng, không có cơ sở khoa học, cơ sở chính trị, pháp lý và hoàn toàn bị thực tiễn lịch sử phủ nhận. Đó chỉ là lời tuyên bố hoang đường của Ksor Kơk dưới sự hậu thuẫn của tổ chức phản động ở hải ngoại, đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc Việt Nam, làm phương hại đến mối đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng các dân tộc, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Do đó, chúng ta cần nhận diện đầy đủ, qua đó lên án, đấu tranh loại bỏ, nhằm mang lại cuộc sống trong yên bình, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, góp phần xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc./.
TQV
Vấn Đề Đa Chiều