Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

ĐỒNG TÂM TOÀN CẢNH


Đã hơn một năm từ sau khi vụ án tại Đồng Tâm xảy ra, nhưng tính chất nghiêm trọng, dã man của nó vẫn làm dư luận chưa hết hoang mang, bàng hoàng. Nhìn lại toàn cảnh vụ Đồng Tâm, có thể thấy bản chất của vụ việc là kết quả leo thang trong suốt thời gian dài của sự tham lam quá độ, của những cái ác nảy sinh và được nuôi lớn trong ảo tưởng của những lời tung hô, ca ngợi, cổ xúy… Nhìn lại vụ Đồng Tâm để thấy rằng, bi kịch, thực chất đều xuất phát từ lòng tham của con người…

ĐỒNG TÂM TOÀN CẢNH


✅ Trước hết, nói cho nhanh, khu vực đất tranh chấp tại xã Đồng Tâm là đất quốc phòng. Điều này đã được thể hiện từ Quyết định số 113/TTg, ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp 208 ha đất cho Quân chủng phòng không - không quân (Bộ Quốc phòng) để thực hiện dự án xây dựng Sân bay Miếu Môn, trong đó có phần diện tích của xã Đồng Tâm là 47,36 ha. Quyết định số 386/QĐ-UB, ngày 10/11/1981 của UBND tỉnh Hà Sơn Bình về việc giao 208 ha đất đợt 1 cho Bộ Tư lệnh Công binh để thi công các công trình của Sân bay Miếu Môn, trong đó diện tích đất bị thu hồi của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức là 47,36 ha. Từ ngày 28/8/1981 đến 25/9/1982, xã Đồng Tâm đã bàn giao cho Bộ tư lệnh Công Binh (Bộ Quốc Phòng) 34,06 ha đất. Phần đất còn lại là 13,3 ha do chưa thi công tới nên xã Đồng Tâm tạm thời sử dụng. Năm 2012, Xí nghiệp đo đạc bản đồ (Bộ Quốc phòng) tiến hành đo lại toàn bộ khu đất được giao trên cơ sở 16 mốc giới sân bay Miếu Môn đã được xác lập và bàn giao cho Bộ Quốc phòng quản lý. Kết quả: Diện tích đất trong khu vực mốc giới được bàn giao là 236,7 ha (nhiều hơn 28,7 ha so với diện tích đất được giao theo Quyết định số 113/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Ngày 20/10/2014, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra Quyết định số 5383/QĐ-UBND về việc giao 236,7 ha đất tại các xã Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc thuộc huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm thuộc huyện Mỹ Đức cho Quân chủng Phòng không - Không quân để tiếp tục sử dụng cùng với công trình đã xây dựng làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28. Ngày 27/3/2015, Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng có Quyết định số 551/QĐ-TM về việc thu hồi 50,03 ha đất Quốc phòng hiện do Quân chủng Phòng không - Không quân đang quản lý tại sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel xây dựng dự án Quốc phòng (trong đó diện tích thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là 32,57ha). Ngày 24/3/2016, Quân chủng Phòng không - Không quân đã bàn giao mốc giới ngoài thực địa cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel để tiến hành thi công dự án Quốc phòng. 
Cũng nói luôn cho biết, là ông Lê Đình Kình từng là Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm giai đoạn 1981 - 1982 (đến cuối năm 1982, tại Đại hội Đảng bộ xã, Lê Đình Kình không trúng cử vào Ban chấp hành Đảng bộ vì vậy không được tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo xã). Ông Kình đã từng tham gia chứng kiến việc giao, nhận đất giữa đại diện xã Đồng Tâm và Bộ Tư lệnh Công binh, biết quá rõ nguồn gốc đất đai trên là đất Quốc phòng nhưng lại tuyên truyền đất là của xã Đồng Tâm, đi kêu gọi người dân xã Đồng Tâm đấu tranh để giữ đất, hứa nếu lấy lại được đất thì sẽ chia cho những người tham gia đòi đất và đi theo “Tổ Đồng thuận”, là hà cớ làm sao?

✅ Thứ 2, lợi dụng việc một số cán bộ chính quyền địa phương có sai sót, vi phạm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã Đồng Tâm, từ năm 2013, Lê Đình Kình đã đứng ra lập cái gọi là “Tổ Đồng thuận” bao gồm 19 thành viên; qua đó, lôi kéo, kích động người dân tập trung đông người, khiếu kiện vượt cấp. Trong quá trình Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel triển khai thi công dự án quốc phòng, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” do Lê Đình Kình đứng đầu thường xuyên tập trung tại khu đất 32,57 ha tự ý đo đạc, phân lô, thuê máy cày, máy xúc để san lấp đất, tự ý canh tác, gieo trồng ngô trên khu vực này gây cản trở đến hoạt động xây dựng dự án của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel. 
Ngày 01/3/2017 và 07/3/2017 Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức cử hai đoàn công tác đến làm việc với Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đồng Tâm để giải quyết tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Các đối tượng do Lê Đình Công cầm đầu kéo đến trụ sở UBND xã Đồng Tâm để tập trung đông người sau đó xông vào phòng họp chửi bới, lăng mạ các thành viên trong đoàn công tác và cán bộ xã Đồng Tâm khiến cuộc họp phải dừng lại. Khi đoàn công tác ra về, một số đối tượng chặn đầu xe, giả vờ ngất và hô hoán bị xe Công an đâm để kích động các đối tượng khác, một số đối tượng nhảy lên nắp capo xe và chửi bới, không cho xe của đoàn công tác ra về. 
Ngày 15/4/2017 khi Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội thi hành lệnh bắt giữ 04 đối tượng Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Lê Đình Ba, Nguyễn Văn Doanh trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng tại địa bàn xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội ngày 01/3/2017 và 07/3/2017”, các đối tượng đã chống đối quyết liệt, đập phá nhiều xe ô tô của lực lượng chức năng, bắt giữ trái pháp luật 34 cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động và 04 cán bộ Huyện ủy, Công an huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ đi ngang qua, không liên quan vụ việc; bố trí lực lượng canh gác, chặn các ngả đường vào thôn Hoành. Quá trình giam giữ trái pháp luật 38 cán bộ, chiến sỹ, các đối tượng liên tục có các hành vi manh động để gây áp lực, uy hiếp tinh thần cán bộ (đổ xăng quanh nơi giam, giữ và đe dọa châm lửa đốt...)

✅ Thứ 3, Thanh tra các cấp đã nhiều lần vào cuộc, kiểm tra, kết luận đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm đều là đất Quốc phòng. Cụ thể: Ngày 19/4/2017, UBND TP Hà Nội đã giao Thanh tra TP Hà Nội thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, Mỹ Đức. Ngày 19/7/2017, Thanh tra TP Hà Nội ban hành Kết luận thanh tra số 2346 kết luận: “Sân bay Miến Môn diện tích 236,7 ha trong đó có 64,03 ha” và đã phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức tổ chức đối thoại, làm việc nhiều lần về các nội dung trong kết luận Thanh tra. 
Ngày 25/4/2019, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo số 611/TB- TTCP về việc rà soát, kiếm tra tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19/7/2017 của Thanh tra TP Hà Nội nêu rõ: “Việc tiến hành thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về thanh tra, các nội dung của Kết luận thanh tra phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo tính chính xác”. Tuy nhiên, sau khi được thông báo về các Kết luận Thanh tra, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” không đồng ý, tiếp tục thực hiện hàng loạt các hoạt động tuyên truyền, kích động người dân chống đối lại các hoạt động của chính quyền xã Đồng Tâm, đe dọa, uy hiếp tinh thần, xâm phạm sức khỏe của cán bộ xã Đồng Tâm khiến cho cán bộ và quần chúng nhân dân xã Đồng Tâm hoang mang, lo sợ, hệ thống chính trị cơ sở xã Đồng Tâm bị tê liệt (điển hình như vụ việc 28/6/2018 tại Hội trường UBND xã Đồng Tâm; ngày 15/4/2018 tại Nhà văn hóa thôn Hoành; ngày 03/12/2018 tại Hội trường UBND xã Đồng Tâm, ngày 26/11/2019 tại phòng tiếp dân UBND xã Đồng Tâm...). Manh động hơn, các đối tượng còn chuẩn bị vũ khí, công cụ phương tiện để chống đối lực lượng chức năng nếu về cưỡng chế thu hồi đất tại đồng Sênh.

✅ Thứ 4, vụ án xảy ra ngày 09/01/2020 là vụ án giết người, chống người thi hành công vụ, có các đối tượng được tổ chức và mang tính chất của một nhóm đối tượng khủng bố. 
Lời khai của các đối tượng sau khi bị bắt đã thể hiện: Tháng 11/2019, sau khi biết thông tin Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng tường rào xung quanh sân bay Miếu Môn tại khu vực đất đồng Sênh, các đối tượng đã cùng nhau bàn bạc, góp tiền mua lựu đạn, chế tạo bom xăng, dao phóng… để tấn công, tiêu diệt lực lượng Công an đến làm nhiệm vụ. Cả nhóm đã góp tiền mua 10 quả lựu đạn với giá 30 triệu đồng; lên mạng internet tìm hiểu cách chế tạo vũ khí “bom” xăng và mua hơn 70 lít xăng về chế tạo được hơn 100 chai bom xăng; 03 hộp pháo và khoảng 06 quả pháo; chuẩn bị 10 dao phóng lợn, vôi bột, ớt bột, khoảng 10 bao tải gạch đá để chuẩn bị đối phó với cơ quan chức năng… tất cả số vũ khí, công cụ trên được các đối tượng mang về tập kết tại nhà Lê Đình Kình. 
Trong quá trình bàn bạc để tìm cách chống đối cơ quan chức năng, các đối tượng đã tổ chức quay video, ghi hình trực tiếp và đăng tải các video clip trên mạng xã hội, mạng internet tuyên bố đe dọa “giết chết 200 thằng trở lên”. 
Ngày 09/01/2020, khi lực lượng chức năng tiến về cổng thôn Hoành để làm nhiệm vụ thì các đối tượng đánh kẻng báo động, bắn pháo báo hiệu, pháo về phía cổng làng, ném bom xăng, gạch đá để tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ. Tổ công tác đã sử dụng loa phát thanh kêu gọi các đối tượng chấm dứt ngay các hành vi vi phạm và đầu thú nhưng các đối tượng trên không thực hiện, tiếp tục dùng dao phóng lợn, lựu đạn tấn công. Khi thấy 03 chiến sĩ Công an bị rơi xuống hố sâu 04m nằm giữa nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức, chúng đã đổ xăng châm lửa đốt nhiều lần (cứ 3-5 phút đổ 1 lần), mặc cho các chiến sĩ la hét, cho đến khi thấy cả 03 người bị lửa thiêu dẫn đến tử vong thì mới dừng lại. Đó là hành vi man rợ, máu lạnh của những kẻ vô nhân tính đối với đồng loại, là hành vi giết người không gì có thể bao biện được.

✅ Thứ 5, “Tổ đồng thuận” cũng như thành phần trong gia đình của Lê Đình Kình toàn quy tụ những thành phần “anh tú” cả, điển hình: 
+ Con đẻ: Lê Đình Công, sinh năm 1964, có 01 tiền án về tội cố ý gây thương tích (năm 1998). 
+ Con đẻ: Lê Đình Chức, sinh năm 1980, từng có 01 tiền án về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. 
+ Cháu nội: Lê Đình Doanh, sinh năm 1988, từng có 01 tiền án về tội Cướp tài sản (2006); 01 tiền án về các tội: Tàng trữ trái phép chất ma túy, Trộm cắp tài sản, Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (2010); 01 tiền án về tội Trộm cấp tài sản (2014). 
+ Bùi Viết Hiểu, nguyên Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Đồng Tâm, bị kỷ luật khai trừ Đảng ngày 10/10/1990 về hành vi chiếm dụng vốn của nhà nước, thu phí của dân nhưng không đóng vào ngân sách của nhà nước… 
Vì quy tụ toàn những thành phần cốt cán, “hào kiệt” như thế nên cũng không có gì khó hiểu khi nhóm đối tượng trên, dưới trướng Lê Đình Kình đã bộc lộ hết bản chất côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật …

✅ Thứ 6, từ năm 2017 đến tháng 6/2020, cơ quan chức năng phát hiện có gần 40 lượt đối tượng chống đối chính trị bên ngoài về Đồng Tâm gặp gỡ, trao đổi với Lê Đình Kình nhằm thu thập tài liệu, phỏng vấn, viết bài xuyên tạc tình hình tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ca ngợi, tung hô, cổ xúy cho các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng, bóp méo sự thật, lên án Đảng, Nhà nước... Con số đó đã đủ nói lên được bản chất thật sự đằng sau các hoạt động than vay, khóc mướn giùm cho nhóm Lê Đình Kình chưa ạ? 
Cuối cùng, còn nhiều vấn đề mà trong khuôn khổ một bài viết, người viết không thể thống kê, đề cập đến. Nhưng chỉ cần như thế cũng đủ hiểu bản chất thật sự của vụ án tại Đồng Tâm và việc trấn áp, bắt giữ, khởi tố và cả xét xử các đối tượng trong thời gian tới của cơ quan chức năng là cần thiết, đúng người, đúng tội./.