Từ năm 1975 đến 1979, đất nước Campuchia ngập chìm trong nỗi đau tột cùng bởi họa diệt chủng mà chính quyền Khmer Đỏ gây nên. Bè lũ phản động Pol Pot đã xua quân lấn chiếm biên giới và tàn sát nhân dân Việt Nam ở phía Tây Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng lực lượng yêu nước Campuchia chiến đấu, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và xây dựng nước Cộng hòa nhân dân Campuchia ngày càng phát triển.
Bối cảnh chiến sự trước năm 1979
Sau Chiến tranh Việt Nam (1975), Việt Nam và Campuchia xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Tranh chấp và xung đột biên giới xảy ra liên tục trong các năm 1977 và 1978. Ngày 4/5/1975, một toán quân Khmer Đỏ đột kích đảo Phú Quốc, ngày 10/5, quân Khmer Đỏ đánh chiếm và hành quyết hơn 500 dân thường ở đảo Thổ Chu. Quân đội nhân dân Việt Nam đã phản công, giành lại các đảo này. Khi đó, Trung Quốc đang có lực lượng cố vấn ở Campuchia và Trung Quốc tăng cường viện trợ quân sự cho lực lượng vũ trang Khmer Đỏ.
Tiếp đó, Khmer Đỏ tiến hành hai cuộc xâm nhập qui mô lớn vào Việt Nam. Cuộc tấn công lớn đầu tiên diễn ra vào tháng 4 năm 1977, quân chính qui Khmer Đỏ tiến sâu 10 km vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tàn sát rất nhiều dân thường. Cuộc tấn công thứ hai diễn ra vào ngày 25/9 cùng năm, lần này 4 sư đoàn quân Khmer Đỏ đánh chiếm nhiều điểm ở các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (tỉnh Tây Ninh), đốt phá 471 ngôi nhà, làm gần 800 người dân bị giết, bị thương hoặc mất tích.
Ngày 31/12/1977, Quân đội Nhân dân Việt Nam huy động 6 sư đoàn đánh vào sâu trong đất Campuchia đến tận bến phà Neak Luong rồi rút lui từ ngày 5/1/1978, mang theo một số nhân vật quan trọng bên phía Campuchia, trong đó có cả Thủ tướng tương lai Hun Sen. Cuộc tấn công này được xem là lời “cảnh cáo” cho Khmer Đỏ. Phía Việt Nam đề nghị một giải pháp ngoại giao nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới, nhưng Pol Pot từ chối và chiến tranh ở biên giới Tây Nam tiếp diễn.
Pol Pot đã điều 13 trong số 17 sư đoàn chủ lực và một số trung đoàn địa phương liên tục tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi vào sâu tới 15–20 km. Trong các đợt tấn công đó, Khmer Đỏ đã thực hiện thảm sát đối với người Việt Nam, điển hình là vụ thảm sát Ba Chúc vào tháng 4 năm 1978 với 3157 dân thường bị giết hại. Từ năm 1975 cho tới năm 1978, có tới 30 ngàn người Việt Nam bị Khmer Đỏ sát hại trong các cuộc tấn công dọc biên giới.
Việt Nam cố gắng giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao nhưng phía Khmer Đỏ từ chối đàm phán, Trung Quốc không chịu làm trung gian hòa giải, còn Liên hợp quốc không có biện pháp gì phản hồi lại các phản đối của Việt Nam về các hành động gây hấn của Khmer Đỏ. Việt Nam phải chuyển sang sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc xung đột.
Ngày 13/12/1978, được sự trang bị và hậu thuẫn của Trung Quốc, Khmer Đỏ đã huy động 10 trong 19 sư đoàn (khoảng 50.000 đến 60.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Ba sư đoàn đánh vào Bến Sỏi với mục tiêu chiếm thị xã Tây Ninh, 2 sư đoàn đánh vào Hồng Ngự (Đồng Tháp), 2 sư đoàn đánh khu vực Bảy Núi (An Giang), 1 sư đoàn đánh Trà Phô, Trà Tiến (Kiên Giang). Tại những vùng chiếm đóng, Khmer Đỏ đã thực hiện sách lược diệt chủng đối với người Việt, như đã làm với người Khmer.
Quân đội Việt Nam đã chống trả quyết liệt và ngăn chặn địch, đồng thời tiêu hao sinh lực của quân Khmer đỏ. Các hướng tiến quân của Khmer Đỏ không thể phát triển được. Ngoại trừ Hà Tiên bị chiếm giữ trong thời gian ngắn, không một thị xã nào của Việt Nam bị chiếm.
Quân đội Việt Nam đã tiêu diệt 38.563 quân Khmer đỏ, bắt sống 5.800 tên, đồng thời dùng không quân phối hợp với bộ binh tiến hành các cuộc không kích và giao tranh trên bộ, đánh vào các đơn vị quân Khmer Đỏ dọc biên giới, nhằm làm suy yếu quân Khmer Đỏ trước khi quân Việt Nam bắt đầu chiến dịch đã tiêu diệt khoảng 17 ngàn quân Khmer Đỏ.
Chiến dịch biên giới Tây Nam và Campuchia
Chỉ huy trực tiếp chiến dịch là Thượng tướng Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Đầu tháng 12/1978, quân đội Việt Nam được hỗ trợ bởi một số tiểu đoàn Khmer thân Việt Nam. Đây là những đơn vị quân đội Campuchia yêu nước, chống lại chính quyền Khmer đỏ, đã kiểm soát một vùng đệm dọc biên giới trong lãnh thổ Campuchia, từ Mimot đến Snuol ở các tỉnh Kampong Cham và Kratié. Ở phía Bắc, quân Việt Nam cũng kiểm soát một vùng rộng thuộc lãnh thổ Campuchia dọc theo đường 19.
Ngày 23/12/1978, sau khi được tăng viện, với 80.000 quân, quân đội Việt Nam đã tiến hành phản công trên toàn bộ mặt trận, đẩy lùi quân Khmer Đỏ. Sư đoàn 2 cùng trung đoàn chủ lực tỉnh Tây Ninh mở cuộc tấn công nhằm đánh bật các Trung đoàn 23 thuộc Sư đoàn 304 và Trung đoàn 13 thuộc Sư đoàn 221 của Campuchia ra khỏi các vị trí dọc theo tỉnh lộ 13 sát biên giới.
Tuy nhiên, cuộc chiến chưa chấm dứt, quân đội Việt Nam quyết định mở cuộc tấn công sâu vào đất Campuchia…
Đánh chiếm bờ đông sông Mekông
Sau khi đánh tan sức kháng cự của quân Khmer Đỏ, các lực lượng Việt Nam thuộc Quân khu 5 nhanh chóng hành tiến theo đường 19, sư đoàn 309 quét sạch tỉnh Ratanakiri, phía Bắc tỉnh Mondolkiri và tiến vào phía Bắc tỉnh Stung Treng. Sư đoàn 307 tiến theo đường 19, dùng cầu phao vượt sông Serepok và sông Mekong. Tới ngày 1/1/1979, lực lượng Quân khu 5 tiến dọc sông Mekong chiếm được Stung Treng.
Cùng thời gian này, Sư đoàn 5 thuộc Quân khu 7 tiến từ hướng đông, cùng Sư đoàn 303 tiến theo hướng tây bắc từ Snuol cùng đánh vào Kratié do Sư đoàn 260 và 2 trung đoàn địa phương của đặc khu 505 phòng thủ. Ngày 29 tháng 12, thành phố Kratié được giải phóng. Cùng lúc, Sư đoàn 302 tiến về phía Tây đã chiếm được Kampong Cham. Sau đó, hai Sư đoàn 302 và 303 cùng quay lại đánh chiếm thị xã Chhlong. Kể từ đó, lãnh thổ Campuchia ở phía đông sông Mekong đã nằm trong tầm kiểm soát của QĐND Việt Nam.
Sáng ngày 31/12, được pháo binh bắn yểm trợ, xe tăng và bộ binh Quân đoàn 3 Việt Nam tiến công và nhanh chóng đánh tan 5 sư đoàn quân Khmer Đỏ trên toàn tuyến phòng thủ dọc theo biên giới ở tỉnh Kampong Cham. Tới cuối ngày, trừ sở chỉ huy quân Khmer Đỏ, toàn bộ các cứ điểm còn lại thất thủ, quân Khmer Đỏ rút chạy về thị trấn Kampong Cham ở bờ tây sông Mekong, bị quân Việt Nam truy kích ráo riết.
Không quân Việt Nam cũng tham chiến, tấn công vào tuyến phòng thủ của Khmer Đỏ và ném bom phá hủy một sân bay mà từ đó máy bay T-28 Khmer Đỏ vẫn xuất kích ném bom vào quân tiền phương Việt Nam. Sáng ngày 1 tháng 1 năm 1979, sau khi tập hợp lại lực lượng, Quân đoàn 3 đánh chiếm sở chỉ huy Khmer Đỏ sau một giờ. Tướng Kim Tuấn hạ lệnh cho các đơn vị dưới quyền truy quét và tiêu diệt các lực lượng Khmer Đỏ còn sót lại.
Tới ngày 3 tháng 1, Sư đoàn 320 (Sư đoàn Đông Bằng) đã tiến tới bờ đông của bến phà Kampong Cham trên sông Mekong. Tại đây, sư đoàn dừng lại, rồi dùng 2 đại đội xe bọc thép mở đường, đánh về phía nam, chiếm thủ phủ tỉnh Prey Veng.
Trong thời gian đó, ngày 28/12, ở hạ lưu đồng bằng sông Mekong, lực lượng Khmer Đỏ thuộc Quân khu Đông Nam mở cuộc tấn công dọc biên giới. Sáng ngày 31 tháng 12, sư đoàn 4 của Quân khu 9 và Trung đoàn 9 của Sư đoàn 304 (Sư đoàn Vinh Quang) phối thuộc mở cuộc phản công. Sau 24 giờ giao tranh kịch liệt, quân Việt Nam đã đánh lui quân Khmer Đỏ khỏi bờ tây kênh Vĩnh Tế.
Chiều ngày 1/1, được pháo binh và không quân yểm trợ, Lữ đoàn công binh 219 thuộc Quân đoàn 2 bắc cầu phao vượt sông. Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe bọc thép 203 mở đường tiến vào đất Campuchia. Tới trưa ngày 3 tháng 1, Quân đoàn 2 và Quân khu 9 đã tiêu diệt hoặc đánh tan tất cả các lực lượng Khmer Đỏ ở hạ lưu sông Mekong dọc biên giới. Sở chỉ huy Quân khu Tây Nam của Khmer Đỏ phải rút về Takeo.
Sau ba ngày tấn công, tại hướng chủ yếu Tây Ninh, Quân đoàn 4 với sự yểm trợ của không quân, trực thăng, pháo binh, hải quân, thiết giáp… quân đội Việt Nam đánh bật được quân Khmer Đỏ khỏi các vị trí Năm Căn, Hòa Hội dọc theo tỉnh lộ 13, và các đơn vị của các Sư đoàn 703, 340, 221 của Khmer Đỏ phải rút về thành lập một tuyến phòng thủ mới tại Svay Rieng, tập trung ở cầu Don So.
Được 15 xe tăng và xe bọc thép mở đường, cùng với pháo 105mm, 155mm bắn yểm trợ, Sư đoàn 7 của Quân đoàn 4 mở cuộc tấn công vào quân Khmer Đỏ ở Don So. Tới đêm ngày 1/1, Thượng tướng Hoàng Cầm hạ lệnh cho Sư đoàn 7 tung hết lực lượng dự bị vào trận. Quân Khmer Đỏ kháng cự dữ dội, nhưng sau khi bị đánh thua ở Tây Ninh, quân Khmer Đỏ đã bị mất tinh thần; hơn nữa, do phải chấp nhận một trận đánh quy ước với một địch thủ có hoả lực, quân số và kinh nghiệm chiến trường trội hơn quá nhiều nên quân Khmer Đỏ bị tan rã.
Tuyến phòng thủ Svay Rieng bị vỡ ngày 2/1/1979, quân Khmer Đỏ phải rút về Prey Veng và Neak Luong, chỉ để lại một số đơn vị đánh cầm chân Quân đoàn 4.
Tới ngày 2/1/1979, quân đội Việt Nam đánh tan các sư đoàn chủ lực của Khmer Đỏ án ngữ các trục đường số 1, 7 và 2 ở lối vào Phnom Penh. Chiều ngày 3 tháng 1, Sư đoàn 7 chiếm được cầu Don So và tới ngày 4 tháng 1 đã làm chủ toàn bộ vùng phía đông sông Mekong. Tới ngày 5 tháng 1, Sư đoàn 7 tiến đến Neak Luong.
Giải phóng Phnom Penh
Ngày 6/1, các đơn vị Việt Nam vượt sông Mekong qua ngả Neak Luong và bắc Kompong Cham. 9 sư đoàn quân Việt Nam làm thành hai gọng kìm tiến vào Phnom Penh từ phía Đông Nam và phía Bắc: Sư đoàn 7 và Sư đoàn 2 di chuyển theo quốc lộ 1, Sư đoàn 9 tiến song song bảo vệ sườn phía nam và Sư đoàn 341 bảo vệ sườn phía bắc.
Tại Kompong Cham, Quân đoàn 3 của Thiếu tướng Kim Tuấn cũng chiến đấu quyết liệt với quân Khmer Đỏ để vượt sông. Quân Khmer Đỏ thiết lập trận địa phòng ngự dọc bờ tây sông Mekong. Thiếu tướng Kim Tuấn quyết định dùng hỏa lực áp đảo bắn vào trận địa phòng thủ của quân Khmer Đỏ, rồi cho thả khói mù, dùng thuyền chuyển quân sang bờ tây. Đến 8h30 sáng, Kampong Cham thất thủ.
Ngay trong sáng ngày 6 tháng 1, lực lượng đột kích Phnom Penh, gồm Trung đoàn 28 của Sư đoàn 10 và các đơn vị phối thuộc, dẫn đầu bởi 6 xe lội nước và một số xe thiết giáp M-113 vượt sông, tổng cộng lực lượng lên đến 120 xe quân sự. Lực lượng đột kích vừa hành quân vừa chiến đấu với các ổ phục kích của quân Khmer Đỏ, tới chiều tối đã tới bờ sông Tonglé Sap và tổ chức đánh vượt sông để tiến vào Phnom Penh.
Trong khi đó, ngày 6/1/1979, những đơn vị đầu tiên của Sư đoàn 7 Quân đoàn 4 chiếm được bờ phía đông của bến phà Neak Luong. Quân Campuchia trong khi rút lui vội vã đã không kịp thiết lập công sự phòng thủ. Trong đêm, cách bến phà khoảng hai cây số về phía nam, Trung đoàn 113 cùng Trung đoàn 14 của Sư đoàn 7 được tàu đổ bộ đưa sang bên kia sông, tiến chiếm bờ phía tây của bến phà.
Ngày 7/1, toàn bộ đội hình Quân đoàn 4 tiến hành vượt sông. Do sự tan rã nhanh chóng của lực lượng phòng thủ biên giới và sự chủ quan của Pol Pot, quân đội Việt Nam tiến vào Phnom Penh từ Neak Luong mà không gặp sức chống cự đáng kể nào. Trưa ngày 4/1, Quân đoàn 4 đã có thể bắt tay với Quân đoàn 3 ở ngoại ô phía bắc Phnom Pênh.
Việc quân Việt Nam tiến quá nhanh khiến cho Khmer Đỏ chỉ kịp sơ tán bộ máy lãnh đạo. Son Sen chạy xuyên qua mặt trận, ngược về phía Việt Nam để tập hợp tàn quân của các sư đoàn thuộc quân khu miền Đông. Pol Pot, Nuon Chea và Khieu Samphan được vài chiếc xe Jeep chở quân bảo vệ chạy về Pursat. Ieng Sary chạy về Battambang trên một chuyến xe lửa đặc biệt chở vài trăm nhân viên Bộ ngoại giao.
Việc rút lui khẩn khiến nhiều Bộ khác cùng hàng ngàn nhân viên không được thông báo về cuộc rút lui. Các chuyến xe tiếp theo sơ tán Phnom Penh bị tắc nghẽn bởi quá nhiều người tìm cách bỏ chạy. Như vậy, với việc ban lãnh đạo sơ tán, khoảng 40 ngàn dân chúng và binh lính Khmer Đỏ tại Phnom Penh, cũng như các đơn vị quân phòng thủ các mục tiêu lân cận bị bỏ mặc, tự thân vận động.
Đánh đuổi Polpot trên toàn Campuchia
Ngày 7/1, quân Việt Nam chiếm sân bay Kampong Chonang và bắt được 10 máy bay A-37, 3 C-123K, 6 C-47, 3 Alouette III cùng một số T-28. Ngoài ra Khmer Đỏ cũng bỏ lại hàng trăm xe tăng và xe bọc thép, rất nhiều đạn dược và lương thực dự trữ chiến lược.
Ngày 8/1, Hội đồng Nhân dân Cách mạng Campuchia do Heng Samrin làm Chủ tịch đã được thành lập với sự hậu thuẫn của Việt Nam.
Ở phía Bắc, các sư đoàn của Quân đoàn 3 cũng tiến xuống Phnom Penh, sau đó Sư đoàn 320 theo quốc lộ 4 xuống các tỉnh phía nam. Các sư đoàn còn lại theo các quốc lộ 5 và 6 tiến về hướng Tây và hướng Bắc.
Tại mặt trận phía nam, từ An Giang, quân Việt Nam bắt đầu vượt biên giới vào ngày 3/1/1979 và tấn công theo hai hướng. Hướng thứ nhất, Sư đoàn 325 (Sư đoàn Bình Trị Thiên) và Sư đoàn 8 tiến về phía Tây, dọc theo quốc lộ số 2. Ngày 5/1/1979, trong khi lực lượng Quân khu 9 tiến đánh Takeo, sư đoàn 325 bắt đầu hành tiến theo hướng Tây Bắc. Cùng lúc đó tướng Nguyễn Hữu An cũng tung Sư đoàn 8 theo hướng tây để đánh chiếm quận lỵ Kampong Trach, nằm ở giao điểm với đường quốc lộ ven biển.
Nắm quyền chỉ huy trực tiếp trung đoàn xung kích 24, Trung tướng Nguyễn Hữu An dẫn trung đoàn tiến từ Tuk Meas về Chhuk. Các xe tăng hạng nặng, xe tải và trọng pháo di chuyển khó khăn trên đường đất và ruộng lúa. Tới chiều ngày 7 tháng 1, lực lượng xung kích đã ra đến đường số 3 và trong quá trình tiến công, đã đánh tan sư đoàn quân Khmer Đỏ phòng ngự Chhuk.
Trong hai ngày 4, 5 tháng 1/1979, từ đảo Phú Quốc, hai phân đội Hải quân Việt Nam gồm một số tàu tuần tiễu loại lớn, hai tàu khu trục Petya cùng nhiều tàu chiến nhỏ chuẩn bị chuyển Lữ đoàn Hải quân 101 và 126 đổ bộ. Hải quân cũng lập trận địa pháo 130mm ở mũi đảo Phú Quốc để yểm trợ cho lực lượng đổ bộ.
Xẩm tối ngày 6/1, toán quân đặc công gồm 87 người bí mật đổ bộ và tấn công chiếm một trận địa pháo Khmer Đỏ bảo vệ bờ biển; cùng lúc, pháo 130mm bắt đầu bắn phá các vị trí quân Khmer Đỏ. Số tàu phóng lôi Khmer Đỏ chạy thoát khỏi cuộc hải chiến và các cuộc không kích của không quân Việt Nam, đến ngày 16/1 lại bị Hải quân Việt Nam chặn đánh trong vịnh Thái Lan và bị tiêu diệt gần hết.
Tối ngày 7/1, Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 tiến hành đổ bộ ở chân núi Bokor, nằm ở khoảng giữa thị xã Kampot và cảng Sihanoukville.
Hướng thứ hai, Quân khu 9 phụ trách, tiến về phía Bắc đánh chiếm hai thị xã Tan và Takéo. Các sư đoàn Khmer Đỏ trấn giữ quân khu Tây Nam như Sư đoàn 2, 210, 230, 250, bị tan rã và rút lui vào rừng.
Cuối tháng 1/1979 cuộc phản công kết thúc thắng lợi. Đến ngày 17/1 thị xã cuối cùng là Ko Kong rơi vào tay quân đội Việt Nam và chính quyền mới của Campuchia. Cho tới cuối tháng 3, quân đội Việt Nam coi như chiếm được hết những thành phố và tỉnh lỵ quan trọng của Campuchia và tiến sát tới biên giới Thái Lan. Tuy nhiên tàn quân Pol Pot vẫn tiếp tục chống cự và quấy nhiễu. Quân tình nguyện Việt Nam đã có 10 năm truy quét tàn quân Pol Pot và giúp nhân dân Campuchia xây dựng chính quyền cách mạng, ổn định cuộc sống.
Thành lập chính quyền mới
Ngày 5/1/1979, có 66 đại biểu Campuchia được triệu tập họp ở Mimot để bàn về việc thành lập một đảng cộng sản Campuchia mới. Đảng này lấy lại tên Đảng Nhân dân Cách mạng có từ thời 1951. Những Ủy viên thường vụ của đảng gồm Hun Sen, Bou Thoong, Chan Kiri, Heng Samrin và Chia Soth.
Ngày 8/1/1979, đài phát thanh Phnom Penh loan báo Phnom Penh đã được giải phóng bởi những lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia. Một Hội đồng cách mạng được thành lập do Heng Samrin làm chủ tịch. Khoảng mười ngày sau, hội đồng này ký một hiệp ước với Việt Nam, hợp thức hóa sự hiện diện của quân đội Việt Nam trên đất Campuchia.
Tới mùa xuân 1981, hiến pháp mới của Campuchia được thông qua, sau đó là cuộc bầu cử toàn quốc để chọn ra 117 đại biểu quốc hội. Hun Sen được bầu làm Bộ trưởng Ngoại giao, Heng Samrin làm Chủ tịch nước. Ba sư đoàn mới được thành lập và đặt dưới Bộ Quốc phòng, nhưng an ninh vẫn được duy trì chủ yếu dựa vào sự hiện diện của 180.000 quân Việt Nam mà lực lượng chủ chốt là Quân đoàn 4 do đại tướng Lê Đức Anh chỉ huy.
Chính quyền mới của Campuchia chỉ được một số nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa công nhận.
Từ năm 1979 đến giữa năm 1985, quân đội Việt Nam thực hiện các chiến dịch quân sự truy quét đánh phá các căn cứ của Khmer Đỏ. Tháng 1/1980, chiến dịch quân sự nhằm vào Khmer Đỏ tại Phnom Chhat bắt đầu. Thời gian này, Khmer Đỏ bắt đầu tái xâm nhập Campuchia từ Thái Lan với khoảng 3-4 ngàn quân. Khi mùa mưa tới, Khmer Đỏ đã tái tổ chức lực lượng, chỉ huy và huấn luyện, bắt đầu các cuộc giao tranh qui mô nhỏ như đánh du kích, phục kích, pháo kích quấy rối.
Tới năm 1985, Việt Nam huy động khoảng 60 ngàn quân cho chiến dịch tấn công, cùng với hàng chục ngàn dân công Campuchia xây đường và mở rộng các sân bay dã chiến tại khu vực biên giới. Cuối tháng 12/1984, khoảng 1.000 quân Việt Nam đánh hạ căn cứ Nong Samet.
Tháng 1/1985, khoảng 4.000 quân Việt Nam, với hơn 30 xe tăng và xe bọc thép hỗ trợ, đánh vào căn cứ Ampil của lực lượng KPNLF với 5.000 quân phòng ngự và triệt hạ hoàn toàn căn cứ này sau 36 giờ. Quân Việt Nam và quân chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia cũng mở chiến dịch triệt hạ căn cứ lớn của Khmer Đỏ tại Phnom Malai. Chiến dịch mùa khô năm 1984-1985 là chiến dịch lớn chưa từng có của Việt Nam kể cả về qui mô, thời gian và mức độ thành công.
Kể từ năm 1986, các lực lượng này về cơ bản không thể là mối đe dọa lớn đối với chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia được nữa.
Năm 1989, Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã đủ mạnh để tự bảo vệ. Tháng 12 cùng năm, Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, rút toàn bộ khỏi Campuchia.
Campuchia hồi sinh mạnh mẽ
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Hoàng gia Campuchia Men Sam On từng nói: “Nhắc lại chiến thắng ngày 7/1, Campuchia không thể quên sự hy sinh to lớn của quân tình nguyện Việt Nam trên đất nước mình. Mồng 7/1 là ngày sinh thứ hai của Campuchia”.
Chiến thắng Tập đoàn Polpot, dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng sau thời kỳ đen tối 3 năm 8 tháng 20 ngày dưới chế độ Khmer Đỏ. Hơn 2 triệu người dân Campuchia đã bị giết hại, mọi cơ sở xã hội bị xóa bỏ tận gốc trong thời gian này vì chính sách lãnh đạo cực đoan, tàn bạo, cưỡng bức người dân, bắt lao động khổ sai của Polpot.
Nhắc lại chiến thắng này, nhân dân Campuchia không thể nào quên công ơn của các chiến sĩ cứu quốc Campuchia, mặt trận giải phóng Campuchia và sự hy sinh to lớn của quân tình nguyện Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam trên đất nước Campuchia.
Trong những tháng ngày đen tối đó, Polpot cũng có dã tâm phát động cuộc chiến tranh đẫm máu xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam. Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mật trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia anh em, Đảng, Nhà nước dân dân và quân đội Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng và giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, đưa đến thắng lợi ngày 7/1/1979. Với thắng lợi đó, nhân dân Campuchia đã khép lại một trang lịch sử đen tối và mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình, tự do và phát triển.
36 năm qua, Campuchia đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một quốc gia năng động, đầy tiềm năng, thống nhất và tiến lên bình đẳng xã hội. Campuchia đã góp phần vào sự phát triển hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen cũng khẳng định lập trường của Campuchia về quyết tâm tăng cường, củng cố mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện lâu dài với Việt Nam.
36 năm là một chặng đường vẻ vang rất đỗi tự hào của mối quan hệ láng giềng hữu nghị, truyền thống tốt đẹp của hai nước. Nhìn lại chặng đường qua, quan hệ tốt đẹp giữa hai nước đang ngày càng đơm hoa kết trái; kết quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, ngày càng đi vào thực chất. Những thành tựu đó không chỉ mang lại niềm hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước mà còn vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực và thế giới.
Trong 10 năm (1979 – 1989), chuyên gia Việt Nam đã tận tụy đem hết tài năng, trí tuệ giúp cách mạng Campuchia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế trọng đại với tinh thần vô tư trong sáng cao cả chưa có tiền lệ trong lịch sử ngoại giao thế giới. Qua đó, hai nước càng hiểu rõ hơn tình hữu nghị, đoàn kết của hai dân tộc. Đó thật sự là mối quan hệ láng giềng thủy chung son sắt.