Sau chiến thắng Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, ngày 01-4-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp và quyết định: "Mở cuộc Tổng tiến công nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể chậm".
Sau đó, ngày 08-4-1975, tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh, Trung ương Cục và Quân ủy Miền họp nghe phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về việc cử 03 ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng làm đại diện của Bộ Chính trị tại mặt trận và thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ và Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh. |
Bộ Tư lệnh gồm: Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh, Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng - Chính ủy, Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện - Phó Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền - Quyền Tham mưu trưởng. Ngày 22-4, Bộ Chính trị chỉ định bổ sung Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Phó Tư lệnh, Trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó Chính ủy.
Cùng ngày 08-4, Đoàn 232 (đơn vị chủ lực Miền, quy mô cấp quân đoàn, thành lập đầu tháng 02-1975 do Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu làm Tư lệnh, Đại tá Trần Văn Phác làm Chính ủy đánh chiếm các vị trí Bến Cầu, Mộc Bài, An Thạnh, Trà Cao, Quéo Ba, mở đường đưa lực lượng chủ lực xuống vùng đồng bằng Khu 8, thực hiện đòn chia cắt chiến lược cô lập Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long. Cũng trong ngày 08-4, phi công Nguyễn Thành Trung (cơ sở nội tuyến của cách mạng trong lực lượng không quân quân đội Sài Gòn) lái máy bay F5E ném bom Dinh Độc Lập, sau đó hạ cánh an toàn xuống sân bay dã chiến vùng giải phóng Phước Long.
Sự kiện thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định cùng với các diễn biến khác trên toàn mặt trận đã đẩy nhanh tiến trình trực tiếp chuẩn bị đòn tổng tiến công vào thành phố Sài Gòn.
Nguồn: SGGP.