Trận đánh đáng nhớ nhất của quân Đại Nam mà không phải ai cũng biết chính là trận đánh tại nơi mà quân Pháp đặt chân đầu tiên đến Đại Nam vào năm 1858: Đà Nẵng. Cuộc đụng độ đầu tiên đó ghi nhận những nỗ lực to lớn của quân nhà Nguyễn với vũ khí thô sơ, phải đương đầu với vũ khí hiện đại hàng đầu thế giới lúc bấy giờ.
Quân Pháp đến Đà Nẵng
Thế kỷ 16 người Tây phương với vũ khí hiện đại đã dòm ngó và thôn tính các vùng đất ở phương Đông. Năm 1563, người Bồ Đào Nha xâm nhập Ma Cao. Năm 1568, người Tây Ban Nha chiếm Philippines, người Hà Lan chiếm Indonesia.
Sang thế kỷ 18, người Pháp cũng muốn chiếm thêm các nước bản địa ở Đông Nam Á. Sau hai đợt ra quân nhằm thăm dò lực lượng phòng thủ bờ biển của nhà Nguyễn ở Đà Nẵng, năm 1857, người Pháp quyết định chọn Đà Nẵng để tấn công đầu tiên, bởi nơi đây có hải cảng sâu và rộng rãi, rất thuận tiện cho các tàu chiến tiến vào, dễ dàng sang Lào và Campuchia, lại chỉ cách kinh đô Huế chỉ khoảng 100 km, đáp ứng được yêu cầu “đánh nhanh thắng nhanh”.
Để tấn công Đà Nẵng, quân Pháp có thêm đồng minh là Tây Ban Nha. Ban đầu lực lượng liên quân có 3.000 quân (phía Tây Ban Nha có 450 quân) cùng 14 chiến hạm, trong đó có soái hoạm Némésis. Đây là những chiến hạm hiện đại nhất vào thời điểm đó, mỗi chiến hạm được trang bị 50 đại bác với sức công phá rất mạnh.
Lực lượng quân Đại Nam ban đầu có 2.000 lính chính quy dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Trần Hoằng.
Quân Pháp do phó Đô đốc Hải quân De Genouilly chỉ huy, quân Tây Ban Nha do đại tá Lanzarotte chỉ huy xuất phát từ đảo cảng Yulikan đảo Hải Nam (Trung Quốc) tiến đến Đà Nẵng bắt đầu cuộc chiến tại Đông Dương. Đến chiều tối ngày 31/8/1858, toàn bộ lực lượng liên quân đã có mặt tại cửa biển Đà Nẵng.
Cuộc chiến bắt đầu
Bản đồ cuộc chiến tại Đà Nẵng. (Ảnh từ art2all.net) |
Sáng 1/9, De Genouilly gửi tối hậu thư cho tướng trấn thủ Đà Nẵng yêu cầu trong 2 giờ phải giao nộp toàn bộ thành trì. Sau 2 giờ vẫn không nhận được trả lời, De Genouilly ra lệnh khai hỏa, lập tức toàn bộ đại bác đặt trên các chiến hạm bắn vào cửa sông Đà Nẵng cũng như các đồn trong bán đảo Sơn Trà.
Sau nửa giờ nã pháo dồn dập nhằm vô hiệu hóa khả năng phòng thủ, De Genouilly ra lệnh cho quân sĩ đổ bộ. Liên quân đổ bộ tấn công phía hữu ngạn, vừa đi vừa hô “Vive l’Empereur!” (tức Hoàng Đế vạn tuế) dưới sự yểm trợ của đại bác trên các chiến hạm, sức công phá mạnh mẽ khiến các pháo đài quân Đại Nam bị tiêu diệt. Thành An Hải cùng các pháo đài Phòng Hải, Trấn Dương, các Đồn trấn thủ đều lần lượt lọt vào tay quân Pháp. Chiều ngày 1/9, liên quân làm chủ hoàn toàn vùng Tiên Sa.
Liên quân đổ bộ tấn công. (Ảnh từ infonet.vn) |
Sau khi chiếm được phía hữu ngạn, sáng ngày 2/9 liên quân tiến đánh phía tả ngạn, tàu El Cano của Tây Ban Nha cùng 5 tàu khác nã pháo liên tục vào thành Điện Hải – căn cứ chủ yếu của Đà Nẵng. Quân Đại Nam sau nửa giờ chịu đựng hỏa lực của đạn pháo đã quyết định vừa bắn vừa lùi, lập phòng tuyến Liêu Trì trước huyện Hòa Vang để ngăn liên quân tiến sâu vào Đà Nẵng.
Liên quân sau khi chiếm được thành Điện Hải thì phá hủy hết kho tàng vũ khí rồi rút vào Tiên Sa vì lo ngại nếu ở lại có thể gặp phải đợt phản công; đồng thời phòng thủ Mỹ Khê đề phòng bị đánh vào mạn sườn ở phía Đông.
Liên quân thu được 450 đại bác bằng đồng và gang, được xem là đẹp và tốt hơn đại bác của Trung Quốc mà quân Pháp thu được ở Quảng Đông, tuy thế vẫn kém nhiều so với đại bác được liên quân trang bị. Phía liên quân cũng bắt được 100 binh sĩ và 3 quan võ.
Tại Huế vua Tự Đức nghe tin liền cách chức Tổng đốc Trần Hoằng, cho Đào Trí lên tạm thay, đồng thời cho 2.000 cấm vệ quân tinh nhuệ của nhà Nguyễn từ Huế đến tiếp viện.
Lúc này liên quân làm chủ bán đảo Tiên Sa ở hữu ngạn. Sau khi liên quân rút khỏi phía tả ngạn, quân Đại Nam đã đến và cố gắng củng cố trở lại.
Ngày 13-9-1858, Genouilly lại nhận thêm viện binh từ Manila do tàu Durance chở đến, gồm 550 người, cả lính và sĩ quan, do đại tá Lanzarote chỉ huy.
Khi súng hỏa mai phải chống lại vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới
Ngày 6/10 tàu quân Pháp đi ngược sông Hàn tấn công các cứ điểm phòng thủ của quân nhà Nguyễn, đổ bộ tấn công đồn Mỹ Thị. Quân Nguyễn đưa binh đến ứng cứu, hai bên đánh nhau to ở làng Cẩm Lệ. Quân Đại Nam phải đối mặt với loại súng trường bắn rất nhanh và chính xác so với thời đó. Tuy nhiên quân Nguyễn chỉ có súng hỏa mai (điểu thương cò máy đá), bắn được một viên thì lại lo nạp đạn, khoảng cách sát thương rất gần, lại trang bị thiếu thốn. Thế nhưng quân Nguyễn vẫn cố gắng đến cùng nhằm ngăn cản quân Pháp. Thống chế Lê Đình Lý chỉ huy quân đến ứng cứu bị thương nặng, vài hôm sau thì mất.
Súng hỏa mai (điểu thương) của quân nhà Nguyễn. |
Hồ Đắc Tú chỉ huy đồn Hóa Khuê dù ở gần đó nhưng khi nghe tiếng súng ầm ầm và hỏa lực mạnh của Pháp thì lo sợ đóng chặt cửa mà không cho quân đi ứng cứu. Cuối cùng dù với vũ khí thô sơ nhưng với nỗ lực tận cùng, quân Đại Nam cũng giữ được đồn Mỹ Thị, quân Pháp phải rút lui khỏi đây.
Vua Tự Đức cho cách chức Hồ Đắc Tú, rồi cử tướng Nguyễn Tri Phương làm Tổng thống Quân vụ Quảng Nam, Nguyễn Thế Hiển làm tham tán, với hy vọng ngăn được quân Pháp
Đến Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương sau khi nắm tình hình cho rằng vũ khí của liên quân hiện đại và hỏa lực mạnh vượt xa vũ khí của mình, nên chủ trương tránh đánh trực diện để tránh sức mạnh hỏa lực của đối phương, thực hiện “vườn không nhà trống” nhằm cắt nguồn lương thực, cho quân mai phục nếu bên liên quân tấn công.
Tháng 11/1858, quân Pháp lại cho tàu đi ngược sông Hàn vào sông Nại Hiên mở cuộc tấn công mới, quân Đại Nam mai phục hai bên bờ sông, khi quân Pháp đến thì bất ngờ xông ra đánh, quân Pháp thất bại phải rút lui.
Ngày 21/12, quân Pháp lại cho tàu ngược sông Hàn đánh các đồn Nại Hiên và Hóa Khuê. Dưới hỏa lực quân Pháp, quân Đại Nam đã anh dũng chống lại. Dù quân Pháp vừa đông vừa có vũ khí mạnh hơn, quân cứu viện không đến kịp, nhưng hai tướng chỉ huy là Nguyễn Triều và Nguyễn An vẫn quả cảm cùng quân binh chống lại đến cùng cho đến khi cả hai đều trúng đạn và tử trận. Quân tiếp viện dù đến muộn nhưng đã nỗ lực tấn công đánh thẳng vào quân Pháp khiến quân Pháp phải tháo chạy.
Sự ra đi của hai tướng Nguyễn Triều và Nguyễn An gây xúc động và cũng giúp động viên rất lớn đến quân Đại Nam ở Đà Nẵng. Vua Tự Đức cũng tiếc thương mà than rằng: “Quân đã cô, cứu viện lại không có; một quan tướng đã khó tìm, huống chi chết đến hai; bọn tổng đốc (chỉ Nguyễn Tri Phương) không đau lòng sao?”.
Sau đó quân Pháp còn vài lần cho quân tiến đánh nhưng lần nào quân Đại Nam cũng anh dũng chống trả quyết liệt, khiến quân Pháp gặp tổn thất lớn mà không chiếm được đồn nào.
Tiếng hô của quân Pháp “Vive l’Empereur!” (tức Hoàng Đế vạn tuế) ngày đầu đến Đà Nẵng cũng biến mất không biết từ khi nào.
Chỉ huy quân Pháp: Đô đốc De Genouilly. |
Liên quân bị sa lầy ở Đà Nẵng
Tháng 1/1859, sau khi nghiên cứu trận địa, Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển cho xây thêm một đồn ở Liên Trì.
Quân Pháp cho quân tấn công Thạc Gián và Nại Hiên, quân Đại Nam tránh đánh đối mặt mà mai phục sẵn đợi quân Pháp rồi đánh, khiến quân Pháp tiếp tục nhận thảm bại và rút lui. Vua Tự Đức hay tin đã gửi tặng Nguyễn Tri Phương một thanh ngự kiếm và sâm quế để khích lệ.
Nguyễn Tri Phương lại cho đắp một lũy đất chạy từ thành Điện Hải bao quanh Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián. Bên ngoài lũy là hào sâu đào theo kiểu chữ “Phẩm” (品), dưới đáy cắm đầy chông tre, trên đậy bằng vĩ tre phủ đất và trồng cỏ ngụy trang. Sau lũy luôn luôn có quân mai phục, sẵn sàng nổ súng chống trả.
Khi bên liên quân ba mặt tấn công vào đồn, số bị rơi xuống hào sâu, số bị chông tre đâm, số còn lại bị quân Đại Nam phục kích bắn. Liên quân bị tổn thất rất nhiều, phải rút hẳn về căn cứ ở Tiên Sa.
Vua Tự Đức nhận tin vui thì lệnh ban thưởng tiền cho quân sĩ, lệnh cho tỉnh Quảng Nam mang thịt trâu cùng rượu ra chiến tuyến để khao quân sĩ.
Liên quân thất bại và hoàn toàn sa lầy ở Đà Nẵng. Diễn biến tại đây vượt xa dự đoán lạc quan ban đầu của Pháp và Tây Ban Nha. Ban đầu khi hoạch định kế hoạch đánh Đại Nam, người Pháp cho rằng với vũ khí hiện đại của phương Tây, việc giành chiến thắng sẽ không khó khăn, chiếm được Đà Nẵng rồi đến kinh đô Huế, buộc triều đình phải đầu hàng nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc chiến. Nhưng viễn cảnh Đà Nẵng lại hoàn toàn trái ngược.
Quân Pháp cũng muốn dùng các chiến hạm của mình đến đánh thẳng vào kinh thành Huế, nhưng các chiến hạm hiện đại của Pháp chỉ di chuyển được vùng đáy sâu, không vào được lòng sông cạn dẫn đến kinh thành.
Để giải quyết việc bị sa lầy ở Đà Nẵng, quân Pháp quyết định chuyển hướng sang tấn công Sài Gòn – Gia Định, bởi việc tấn công vào nơi đây có lợi thế là thuận theo gió mùa và sông sâu. Sài Gòn lại là trung tâm kinh tế lớn, trù phú.
Với số viện binh mới sang, ngày 2/2/1859, liên quân Pháp – Tây Ban Nha với 2.176 lính và sĩ quan cùng 10 chiến hạm (9 của Pháp, 1 của Tây Ban Nha), 4 thương thuyền chở quân dụng rời Đà Nẵng tiến về phía Nam.
Đại tá Faucon cùng vài trăm quân ở lại căn cứ Tiên Sa cố thủ chờ quân chủ lực.
Cuộc chiến cầm cự
Ngay sau khi phần lớn quân Pháp tiến về Gia Định, Nguyễn Tri Phương cùng Phạm Thế Hiển nhanh chóng củng cố lại các phòng tuyến, đặc biệt là thành Điện Hải vốn bị liên quân phá hại nặng nề. Đồng thời cũng cho các nhóm quân nhỏ đột kích nhằm tiêu hao sinh lực liên quân, thế nhưng phía liên quân phòng bị từ xa với hỏa lực rất mạnh, nên những cuộc đột kích chỉ có tác dụng quấy rối chứ không gây thiệt hại nhiều cho phía liên quân.
Tàu chiến Pháp bắn phá Đà Nẵng. (Ảnh từ wikipedia.org) |
Faucon thấy bị đột kích nhiều thì cũng không ngồi yên chịu trận. Ngày 6/2 liên quân tiến đánh đồn Hải Châu nhưng bị đầy lùi, 3 thuyền chở quân của Pháp bị cháy.
Hôm sau 7/2, liên quân kéo đến đông hơn tấn công đồn Hải Châu cả 3 mặt, quân Đại Nam với vũ khi thô sơ bắn từng phát một nhưng vẫn cố cầm cự trước hỏa lực điên cuồng của liên quân. Hai Hiệp quản Nguyễn Tình Lương và Lê Văn Đa bị trúng đạn nằm xuống. Đề đốc Tống Phước Minh thấy tình thế không giữ được thành, để bảo toàn lực lượng liền cho rút quân về giữ đồn Phước Ninh đồng thời chờ viện binh.
Khi viện binh đến quân Đại Nam dũng mãnh tấn công đẩy lui quân Pháp, chiếm lại được đồn Hải Châu. Tuy thế với vũ khí thô sơ, quân Đại Nam bị thiệt hại 1.000 quân.
Đến tháng 3/1859, Faucon lại đưa quân tấn công Hải Châu và Thạc Gián. Đứng trước hỏa lực mạnh mẽ của liên quân, binh lính Đại Nam vẫn chiến đấu kiên cường khiến liên quân không thể làm gì được, đành rút lui.
(Còn tiếp)