Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Bão Linda 1997 - Bài học và nỗi ám ảnh kinh hoàng!

TTO - “Đó là bài học đau đớn của chúng ta về ứng phó với bão, là nỗi day dứt không nguôi đối với tôi. 3.000 sinh mạng con người đã chết và mất tích… Đau đớn, xót xa lắm, day dứt lắm…”.

Đường đi của cơn bão Linda.
Nguyên bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ mở đầu câu chuyện với Tuổi Trẻ, 20 năm sau bão Linda (2-11-1997) gây tang thương ở Nam Bộ. 
Ông Lê Huy Ngọ với khuôn mặt khắc khổ rất đặc trưng như càng khắc khổ, buồn rầu hơn khi nhắc lại "thảm họa" Linda. 
Dù đã 82 tuổi, nhưng sự đau đớn, nỗi day dứt như vẫn còn nguyên với vị nguyên bộ trưởng, trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương.
Ông Lê Huy Ngọ
Tâm lý chủ quan
* Bão Linda xảy ra lúc ông vừa nhận chức bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Lúc đó, ông đã phản ứng ra sao?
- Tháng 10-1997, tôi nhận chức vụ bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trưa 1-11, tôi vừa đi công tác về, bước ra xe tôi hỏi ngay: "Mấy hôm ở nhà có vấn đề gì không?". Anh em nói có áp thấp đã mạnh lên thành bão và khả năng đổ bộ vào bán đảo Cà Mau.
Tôi là dân Tĩnh Gia (Thanh Hóa), nhà làm nghề biển, đối mặt với bão nhiều, nghe bão đổ bộ vào phía Nam là thấy có vấn đề rồi. 
Tôi yêu cầu về thẳng bộ, chỉ đạo phải họp khẩn ngay lập tức. Và tôi cũng yêu cầu mời ngay lãnh đạo Bộ Thủy sản, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an qua họp luôn để nắm tình hình, bàn phương án đối phó.


Tại cuộc họp, bên dự báo khí tượng thủy văn trung ương báo cáo bão đã mạnh lên và khả năng đổ bộ vào vùng biển phía Nam, khu vực bán đảo Cà Mau với sức gió có thể lên cấp 8, vượt cấp 8. 
Mà bão đi nhanh, lại dự báo sẽ quét qua vùng ngư trường rộng và vùng dân cư đông đúc, nghèo khó ở dọc các tỉnh ven biển phía Nam.
Tôi hỏi mọi người: "Cái khó khăn nhất lúc này là gì?". Mọi người nói cái khó nhất là phía Nam ít khi hứng bão nên lo ngại công tác thông tin, tuyên truyền đến chính quyền, người dân. 
Chính quyền, người dân có thể không lường hết được sự nguy hiểm của cơn bão này nên có thể có tâm lý chủ quan.
* Với vùng Nam Bộ ít biết bão, tâm lý chủ quan trong phòng chống bão là vấn đề có thể hiểu được. Ông đã xử lý thực tế đó như thế nào?
- Tôi quyết định trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cùng một số thành viên chủ chốt, đại diện lãnh đạo Bộ Thủy sản, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bay vào ngay khi kết thúc cuộc họp. 
Đồng thời, tôi yêu cầu lập ngay ban chỉ huy túc trực 24/24 giờ tại Bộ NN&PTNT và việc đầu tiên là gọi điện đến lãnh đạo các tỉnh để thông báo và nắm tình hình. Bên cạnh đó, chuẩn bị mọi điều kiện để khi có biến là phải xử lý kịp thời các tình huống.
Tôi nhớ khi đó, theo yêu cầu của tôi, anh em phải điện thoại thẳng đến lãnh đạo các tỉnh. Có quan chức giọng say rượu lè nhè: "Vùng Biển Tây, vùng biển Kiên Giang là thánh địa, xưa nay chưa hề có bão, các anh ở Hà Nội vừa quan liêu vừa không hiểu biết gì về vùng này, làm gì có bão?".
Đúng là khi đó bão đối với người dân phía Nam và ngay với cả lãnh đạo địa phương cũng lạ lẫm lắm. Năm thì mười họa mới có cơn bão đổ vào đây, vì thế tâm lý chủ quan cũng có. 
Tôi không muốn nhắc lại, nhưng khi đoàn chúng tôi đến để chuẩn bị bay ra Côn Đảo phải đợi hơn tiếng đồng hồ chờ một lãnh đạo địa phương vì hôm đó cuối tuần. 
Chúng tôi phải chờ vì địa bàn đó phải có lãnh đạo địa phương đi cùng để chỉ đạo, khi đó tôi cũng chỉ là chân ướt chân ráo vừa về bộ và đảm nhiệm chức bộ trưởng kiêm trưởng Ban phòng chống lụt bão trung ương.
Tìm mọi cách cứu ngư dân
* Và sau đó điều gì đã xảy ra?
- Đến Côn Đảo, chúng tôi ra hiện trường vô cùng lo lắng khi thấy lượng tàu thuyền về quá đông, âu tàu không chứa đủ, rất nhiều tàu thuyền phải đỗ ở ngoài. Khi đó, kinh nghiệm của ngư dân trong neo chằng tàu thuyền cũng chưa có. 
Vì thế khi bão vào, một thuyền bị đánh chìm là kéo theo nhiều tàu thuyền xung quanh chìm theo hoặc đổ nghiêng. 
Dân cũng thiếu kinh nghiệm chằng chống nhà cửa, mái nhà... Bão thì sầm sập vào rồi. Thấy như vậy mà không biết làm gì hơn. Cái này ám ảnh tôi lắm lắm.
Khi bay ra Côn Đảo, từ trên máy bay nhìn xuống thấy còn rất nhiều tàu thuyền của ngư dân ở phía ngoài không cập được vào âu tàu trú tránh bão. 
Bão qua, nhìn hàng trăm tàu thuyền tan nát, chìm, lật nghiêng ngả ở âu tàu, cảnh nhà cửa tan hoang... chúng tôi cực kỳ xót xa.
Điều đầu tiên khi đó tôi nghĩ là phải tìm mọi cách ra cứu hàng ngàn ngư dân cùng tàu thuyền của họ ở ngoài khơi. Rồi chăm lo hậu cần làm sao để người dân trên bờ không bị đói rét.
Lúc đó chưa có chủ trương, chính sách gì, nhưng tôi vẫn quyết định yêu cầu các địa phương huy động mọi tàu thuyền hiện có ra ngoài khơi tìm kiếm, cứu nạn, tiền xăng dầu Nhà nước sẽ hỗ trợ. 
Với chỉ đạo này, trong hơn một tháng, đến cuối tháng 12-1997 lực lượng tàu thuyền các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng đã tìm kiếm, cứu sống gần 5.800 ngư dân đưa vào bờ.
Chỉ trong mấy ngày, từ 2 đến 7-11, chúng ta điều động 30 tàu hải quân, bộ đội biên phòng và 16 lần máy bay của không quân tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
* Nhìn lại, bài học gì ông thu được từ trận bão đầu tiên trong "sự nghiệp phòng chống bão lũ" của ông?
- Bài học ở đây là phải nâng cao khả năng ứng phó tại chỗ của người dân và chính quyền. Phải tăng cường công tác thông tin, liên lạc, dự báo, cảnh báo. 
Đặc biệt phải trang bị phương tiện, thiết bị liên lạc cho mỗi tàu thuyền khi ra khơi. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, áp dụng đưa khoa học kỹ thuật vào dự báo và dự báo phải càng chi tiết, càng sớm càng tốt.
Thay đổi nhận thức
* Sau cơn bão đó, công tác phòng chống bão, theo ông, đã chủ động và tốt hơn?
- Sau thiệt hại quá lớn này, điều quan trọng nhất là nhận thức của người dân, chính quyền về bão đã thay đổi hẳn. Mọi người đã thích ứng và thích nghi với bão, rất chủ động ứng phó chứ không chủ quan, lơ là như trước cơn bão Linda.
Trong giao ban rút kinh nghiệm, tôi đã chỉ ra rằng bão Linda là bài học, chỉ ra cho chúng ta nhiều điều. Cần phải thay đổi tư duy về công tác phòng chống lụt bão, nhất là ở các tỉnh phía Nam. 
Phải nâng cao nhận thức về phòng tránh thiên tai, giáo dục kiến thức đến cộng đồng không chỉ cho người dân, mà cho cả cấp lãnh đạo. Cần xây dựng quy chế, quy trình mang tính pháp lý và quy định trách nhiệm cụ thể của từng cấp lãnh đạo.
Cũng kể từ bão Linda mà sau này mọi tàu thuyền ra khơi đã được trang bị và bắt buộc phải trang bị thiết bị Icom để liên lạc. 
Vì thế bây giờ không chỉ ngư dân trên biển được tiếp nhận thông tin từ trung ương, từ địa phương, mà ngay gia đình họ cũng nắm bắt được tàu thuyền của mình đang ở đâu, việc liên lạc vì thế có nhiều kênh.

Bia tưởng niệm nạn nhân bão Linda tại Cà Mau
* Thiên tai ngày càng khắc nghiệt, bất thường và diễn biến khó lường. Như vừa qua, bão lớn thiệt hại nhỏ, nhưng áp thấp nhiệt đới thì thiệt hại rất lớn. Là người mà hình ảnh luôn gắn liền với những đợt bão lũ, ông có gửi gắm gì?
- Đúng là thời tiết giờ càng cực đoan, bất thường, cường độ mạnh hơn, nên dù chủ động vẫn có những bất ngờ và có những thiệt hại. 
Trong phòng chống bão lũ cần phải thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ", phải có lực lượng, phương tiện tại chỗ.
Mỗi vụ việc, người chỉ huy, người lãnh đạo địa phương cần có mặt ngay tại hiện trường, phải đến được với người dân để nắm bắt và chỉ đạo. 
Như bão Linda, tôi có mặt tại hiện trường thì tôi quyết luôn việc hỗ trợ xăng dầu để các tàu thuyền lớn, lành lặn ra ngay ngoài khơi tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, vì thế mà kịp thời cứu cả ngàn người về.
Cũng từ bão Linda, thấy việc thông tin giữa các tàu bị hạn chế quá. Phải làm sao đưa được nhiều thông tin đến với ngư dân đang hoạt động trên biển. 
Nếu có đủ Icom thì chính quyền và gia đình ở đất liền đều có thể liên lạc, thông báo, nhắc nhở các tàu. Và điều này giờ đã thành quy định bắt buộc.
Những số liệu thống kê của cơn bão Linda.
Và những thiệt hại kinh hoàng....

Theo Tuổi Trẻ