Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc đau lòng xảy ra trong ngành giáo dục trên cả nước đã khiến cho xã hội rất bàng hoàng về nhân cách đạo đức của một số con người đang được học trò gọi là thầy, cô giáo.
Việc em H.L.N, học sinh lớp 6.2 trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình phải nhập viện vì bị giáo viên phạt bằng cách bắt các bạn trong lớp tát 231 cái tát gây chấn động dư luận.
Ngày 15/12/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam thời hạn 3 tháng đối với đối tượng Đinh Bằng My, sinh năm 1961, trú ở phố Hạ Sơn, thị trấn Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn vì có hành vi dâm ô các học sinh ngay tại phòng làm việc của mình.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tối ngày 19/12/2018, đối tượng Hồ Trọng Đăng, sinh năm 1983, là Tổng phụ trách Đoàn, Đội tại trường THCS Phan Bội Châu (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ), y đã đi ngang qua nhà cháu N.T.L, là học sinh lớp 8 của một trường THCS thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ giả vờ hỏi đường đến Trung tâm y tế huyện, nhờ cháu L. ngồi trên xe máy của y để chỉ đường và hứa sẽ chở cháu L. quay trở về nhà. Tuy nhiên, đối tượng này đã chở cháu L. đến bãi đất trống phía sau Trung tâm y tế huyện để thực hiện hành vi đồi bại.
Ngày 24/12/2018, UBND huyện Ia Grai đã ban hành các quyết định giáng chức bà Trần Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo 15-5 xuống giữ chức Phó Hiệu trưởng, cách chức bà Nguyễn Thị Phương, Phó Hiệu trưởng của trường này xuống làm giáo viên vì để xảy ra các sai phạm trong việc thực hiện các chính sách pháp luật về giáo dục và thực hiện nhiệm vụ quyền hạn được giao như: nâng khống sĩ số lớp học, lập khống hồ sơ, chứng từ thanh toán dạy thêm để Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai chi trả lương dạy thêm lớp, chi sai chế độ cho giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật…
Có nhiều vết nhơ khác trong ngành giáo dục xảy ra liên tục trong thời gian gần đây đã làm hoen ố hình ảnh tốt đẹp của nhà giáo trong mắt mọi người. Phải chăng nhân cách đạo đức của nhà giáo hiện nay đang xuống cấp?
Tuy nhiên, đại đa số người dân Việt Nam, với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… Vì vậy trong con mắt mọi người, nghề giáo là một trong những nghề trong sáng, đáng được tất cả mọi người tôn kính.
Hình ảnh thầy giáo Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) qua đời, hàng ngàn phụ huynh và học sinh xúc động, đến khóc tiễn đưa thầy về nơi an nghỉ cuối cùng đã làm lay động lòng người.
Rất nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy với công việc, yêu ngành, yêu nghề, hết lòng vì học trò của mình. Những nhà giáo dạy học ở vùng sâu vùng xa đã phải lặn lội vào rẫy, vào rừng, đến từng nhà để vận động, động viên học trò đến lớp, để họ được gieo con chữ, gieo kiến thức cho thế hệ mai sau. Nhiều nhà giáo sinh sống ở thành thị đã tình nguyện đến vùng sâu, vùng xa công tác, chỉ vì họ muốn trồng người, truyền đạt kiến thức, những điều hay lẽ phải cho học sinh. Hay rất nhiều nhà giáo đã tìm đủ mọi cách như thông qua các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, trích những đồng lương ít ỏi của mình để góp phần quyên góp, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nghèo mua sách vở, dụng cụ học tập, quần áo…
Có lẽ, từ trong sâu thẳm tâm hồn, mỗi người giáo viên khi chọn nghề này đều mang cho mình một hoài bão là cái tâm trong sáng, lành mạnh để làm gương cho các thế hệ học trò nên người, thành công trong cuộc sống.
Do vậy, những việc làm khó chấp nhận kia chỉ là những cá biệt, “con sâu làm rầu nồi canh”, cả xã hội cần phải lên án, cần phải loại bỏ ngay lập tức ra khỏi ngành giáo dục. Chúng ta hãy nhìn một cách tổng thể, không nên nhìn phiến diện một vài hiện tượng để vội vàng đánh giá quy chụp về nhân cách, đạo đức nhà giáo trong giai đoạn hiện nay./.
Tô Thảo Nhiên