Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

XỬ LÝ KỶ LUẬT MỘT SỐ CÁN BỘ CÓ SAI PHẠM KHÔNG HỀ LÀM GIẢM VỊ THẾ, UY TÍN CỦA BỘ CÔNG AN.

Đây là lời khẳng định của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại buổi lễ khai mạc Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74, đã được tổ chức trọng thể vào sáng ngày 03/01/2019 tại thủ đô Hà Nội.

XỬ LÝ KỶ LUẬT MỘT SỐ CÁN BỘ CÓ SAI PHẠM KHÔNG HỀ LÀM GIẢM VỊ THẾ, UY TÍN CỦA BỘ CÔNG AN.

Có mặt và phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đánh giá cao những kết quả tích cực mà lực lượng CAND đã đạt được trong năm qua, và ông cũng nhấn mạnh rằng: Công an cần nỗ lực để “không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường, không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của Đảng, Nhà nước, nhân dân”.
Một điều dễ nhận thấy rằng, 2018 là một năm chứng kiến nhiều biến động lớn đối với nhiều lĩnh vực, ban ngành nói chung, cũng như đối với ngành Công an nói riêng. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhiều nguyên lãnh đạo, cán bộ ngành Công an đã bị phát hiện và vướng vào vòng lao lý. Nhiều nguyên tướng lĩnh cấp cao trong lực lượng CAND đã bị đưa ra khởi tố, xét xử như ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Hữu Tuấn, Trần Việt Tân hay Bùi Văn Thành... Chính vì vậy, đã có không ít lo ngại rằng, với vị trí, chức năng và nhiệm vụ của mình trong cuộc chiến với các loại tội phạm, nhưng chính trong lực lượng Công an lại để xảy ra tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân, vi phạm pháp luật, điều này sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế của lực lượng Công an khi thi hành nhiệm vụ của mình về sau. Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Việc xử lý nghiêm một số cán bộ có sai phạm không hề làm giảm vị thế, uy tín của Công an như có người lo ngại, mà ngược lại, càng khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, bản lĩnh, sức mạnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao uy tín của lực lượng Công an nhân dân”.
Điều này hoàn toàn là chính xác. Như lời Bác Hồ đã nói “tự phê bình và phê bình”, muốn đánh giá, nhận xét, xử lý các lực lượng, ban ngành khác một cách có hiệu quả, thì trước hết chính bản thân lực lượng Công an - với vai trò tiên phong cần phải tự nhìn nhận, tự kiểm điểm và làm trong sạch chính mình. Chỉ khi làm tốt được mặt công tác này thì mới có thể có tiền đề vững chắc để hướng đến đạt được hiệu quả cao trong cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua.
Hơn nữa, ngoại trừ một số điểm tiêu cực, thì trong năm 2018 lực lượng CAND đã thực hiện các công tác đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, điển hình như việc tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm cấp trung gian, tăng cường cơ sở; đảm bảo, giữ vững an ninh, sự ổn định chính trị, mặc dù phải đối mặt với sự chống phá mạnh mẽ, sử dụng nhiều thủ đoạn xảo quyệt của các thế lực thù địch; hay kết quả cao trong công tác điều tra, khám phá án “gần 45.000 vụ phạm pháp hình sự (đạt tỷ lệ 82,32%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 12,32%, cao hơn 1,9% so với năm 2017); đã triệt phá gần 3.000 băng, nhóm tội phạm; công tác xây dựng pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực với sự ủng hộ cao của các đại biểu và nhân dân, trong đó điển hình như ban hành Luật an ninh mạng với trọng trách làm sạch không gian mạng, đảm bảo an toàn cho người dùng…”
Vai trò lực lượng Công an rất to lớn trong giữ gìn ổn định chính trị trong nước như lời Bác: “Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”.
Có thể kết luận rằng, kiểm điểm, kỷ luật không phải là để hạ thấp, làm mất uy tín của người này, người kia, hay là sự soi mói của bộ này, ban kia, mà đó vừa là để đảm bảo sự nghiêm minh, công tâm, không có vùng cấm của pháp luật, đồng thời cũng là sự răn đe, lời cảnh tỉnh đối với những người khác để không xuất hiện những trường hợp tương tự./.