Sau hơn hai thập kỉ “du nhập” vào Việt Nam, mạng Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Với sự bùng nổ mạnh mẽ của mạng xã hội, sự ảnh hưởng của thế giới mạng vào đời sống thực tiễn ngày càng sâu sắc. Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, rất nhiều vấn đề tiêu cực cũng đã phát sinh trên thế giới mạng, đặc biệt là việc các đối tượng chống đối, thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, bôi nhọ, đả kích Đảng, Nhà nước và tuyên truyền các quan điểm, luận điệu xuyên tạc.
Trong bối cảnh đó, Luật An ninh mạng đã được ra đời. Đây là bước đi vô cùng quan trọng để bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia nói chung và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng nói riêng. Sự ra đời của Luật An ninh mạng đáp ứng được như cầu, mong muốn của người dân nhưng ở phía bên kia “chiến tuyến”, nó lại đang là nỗi lo sợ của không ít người.
Ngay từ khi Quốc hội có kế hoạch xây dựng Luật An ninh mạng, các đối tượng cơ hội chính trị, những nhà “dân chủ” tự phong đã đả phá, xuyên tạc nội dung của Luật An ninh mạng với mục đích cuối cùng là ngăn chặn Luật này được thông qua và có hiệu lực trên thực tế.
Đến nay, khi Luật An ninh mạng đã chính thức có hiệu lực, các đối tượng trên vẫn cố “thoi thóp” tung ra các thông tin sai lệch để tạo ra sự hoài nghi trong quần chúng nhân dân.
Lướt qua một số trang Facebook của các nhà “dân chủ mạng”, không khó để bắt gặp các bài viết đả phá, xuyên tạc nội dung của Luật An ninh mạng.
Luận điệu được những đối tượng này đưa ra là “Luật An ninh mạng tước đoạt quyền tự do riêng tư, tự do sử dụng internet, và tự do ngôn luận của nhân dân, nói đơn giản là “bịt miệng dân”, nhằm đàn áp dẫn đến triệt tiêu những tiếng nói phản biện. Luật ANM sẽ làm kìm hãm sự phát triển của đất nước, và duy trì, gia tăng áp bức, bất công”.
Thậm chí, có kẻ còn mạnh miệng xuyên tạc rằng “Luật An ninh mạng đưa chúng ta vào thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử, cũng như bắt đầu đi ngược lại với quy luật tự nhiên, ngược lại với tiến trình phát triển của xã hội loài người”.
Khi những luận điệu sai lệch này được đưa ra và tiếp cận đến người dân, nếu ai không đủ bản lĩnh, không đủ hiểu biết sẽ rất dễ bị “dắt mũi” và tin vào các thông tin sai lệch tạo ra vô số hệ lụy tiêu cực.
Thẳng thắn mà nói, việc các nhà “dân chủ mạng” kịch liệt phản đối đối Luật An ninh mạng là một điều mà không quá khó đoán. Suy cho cùng, khi mà “cần câu cơm” của các nhà “dân chủ” tự phong này bị mất đi thì hiển nhiên họ sẽ la hét om sòm.
Bởi nếu nhìn vào những cái tên “lão làng” trong nhóm “dân chủ”, những kẻ kiếm sống bằng nghề “dân chủ” như: Mẹ Nấm, Trần Thị Nga, Huỳnh Thục Vy, đối tượng nào cũng triệt để sử dụng mạng xã hội, từ facebook đến blog để đăng tải, chia sẻ những bài nói, bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Và hiển nhiên, không ai làm việc không công, đằng sau những bài viết sai trái như trên là những khoản vật chất không nhỏ của những cá nhân, tổ chức phản động được chuyển về cho các đối tượng.
Quay ngược vấn đề, nguồn gốc sâu xa của các nhà “dân chủ mạng” và “cuộc chiến” trên không gian mạng bắt nguồn tư chính chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thể lực thù địch. Bản chất của “diễn biến hoà bình” là làm cho chế độ ta bị lung lay, sụp đổ từ bên trong.
Thông qua các chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền… theo kiểu phương Tây, các đối tượng cơ hội chính trị, những kẻ thù địch, chống đối một mặt đả kích chế độ ta, một mặt cổ suý lối sống tư bản nhằm tạo ra sự phân hoá ngay trong lòng xã hội Việt Nam. Để đạt được mục đích này, các thế lực thù địch, chống đối sử dụng nhiều phương thức khác nhau.
Trong đó, mạng xã hội nói riêng và thế giới mạng nói chung đã được triệt để sử dụng để đăng tải những bài nói, bài viết sai trái nhằm đánh thẳng vào nhận thức, tư tưởng của người dân. Tư tưởng kỳ thị chế độ, thù hằn lãnh đạo, không có niềm tin vào chế độ đã nhen nhóm phát sinh trong một số cá nhân suy thoái, biến chất và trong những người thiếu hiểu biết, bị lôi kéo.
Những điều này một phần bắt nguồn từ việc các đối tượng thù địch, chống đối đẩy mạnh chống phá trên không gian mạng nhưng một phần nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ bất cập và những khoảng trống về pháp lý.
Khi Luật An ninh mạng có hiệu lực trên thực tế, các hoạt động trên không gian mạng được thắt chặt hơn. Với những người dùng bình thường, việc này không ảnh hưởng nhiều vì Luật này sẽ góp phần tạo dựng một môi trường mạng trong sạch hơn. Và đặc biệt, Luật sẽ bảo vệ chặt chẽ hơn những quyền lợi của người dân trên mạng.
Vậy nhưng ngược lại, những nhà “dân chủ” tự phong, những kẻ lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và chống phá Đảng, Nhà nước nói riêng sẽ lo lắng, tìm cách phản ứng, vì sợ mất không gian quậy phá, chống đối.
Sự ra đời của Luật An ninh mạng là bước đi cần thiết trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia cũng như các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lợi dụng thế giới mạng để chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Trần Anh Tú