Bài 1: Cuộc chiến
chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc
Cuộc
chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc diễn ra trong bối cảnh nhân dân Việt
Nam vừa kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng đất nước không lâu (1975), hậu
quả chiến tranh để lại rất nặng nề. Chưa kể, nhân dân Việt Nam lại vừa phải trải
qua cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam chống lại tập đoàn phản động
Pôn Pốt - Iêng Xary. Do đó, đây là thử thách rất lớn đối với nhân dân Việt Nam
trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ.
Phải khẳng
định rằng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc,
nhân dân Trung Quốc đã có sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn đối với nhân dân Việt Nam
trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Tuy nhiên,
sau Đại thắng mùa xuân (30/4/1975), giang sơn liền một dải, khi mối quan hệ của
ta với Liên Xô khăng khít hơn..., Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự,
khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai (từ 234 vụ năm 1975, 812 vụ năm 1976,
tăng lên 873 vụ năm 1977 và 2.175 vụ năm 1978), gây tình hình căng thẳng, phức
tạp trên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam. Đặc biệt, khi thấy tập đoàn phản động
Pôn Pốt bị quân dân Việt Nam trừng trị và bị nhân dân Campuchia (với sự giúp sức
của quân tình nguyện Việt Nam) vùng lên đánh đổ, để đỡ đòn Pôn Pốt, đồng thời
khích lệ Mỹ và các thế lực phản động khác tiếp tục chống phá cách mạng hai nước
Campuchia và Việt Nam, ngày 17/02/1979, Trung Quốc mở cuộc tiến công xâm lược
Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, dài hơn 1.400km.
Trước
diễn biến ngày càng phức tạp ở biên giới phía Bắc, tháng 12/1978, Hội nghị lần
thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) họp, ra Nghị quyết xác định nhiệm
vụ trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh “sẵn
sàng mọi mặt công tác chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh quy mô lớn có thể xảy
ra”. Tiếp đó, ngày 06/01/1979, Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị về việc tăng cường chiến đấu ở các tỉnh phía
Bắc, nêu rõ: “Gấp rút đẩy mạnh công
tác sẵn sàng chiến đấu ở các địa phương trên toàn tuyến biên giới, bảo đảm sẵn
sàng đánh bại địch ngay từ đầu trong bất kỳ tình huống nào”. Hai ngày sau,
ngày 08/01/1979, Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị sẵn sàng chiến đấu, nêu rõ: “Tất
cả các quân khu, quân chủng, binh chủng, đặc biệt là Quân khu 1, Quân khu 2 và
các tỉnh biên giới phía Bắc, các quân chủng: Phòng không, Không quân, Hải quân
phải ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao nhất…”.
Bất chấp
nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng con đường hòa bình của ta, dưới sự chỉ đạo của
nhà cầm quyền Trung Quốc, từ 3h30’ ngày 17/02/1979, quân Trung Quốc
sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ của nước ta, sau đó
huy động lực lượng lớn (hơn 600 nghìn quân) tiến công sang lãnh thổ Việt Nam.
Hướng tiến công chủ yếu là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai;
hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh, thu hút lực lượng ta
là Quảng Ninh và Hà Giang.
Trước
cuộc tiến công quy mô lớn của Trung Quốc, ngày 18/02/1979, Chính phủ Việt Nam
ra Tuyên bố về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của những người cầm quyền
Trung Quốc, trong đó kêu gọi toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, triệu người
như một, nhất tề đứng dậy quyết chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trên cơ sở Tuyên bố của Chính phủ, dưới sự
chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trên mặt trận Lạng Sơn (Quân khu
1), các lực lượng vũ trang địa phương nhanh chóng chặn đánh các mũi tiến công của
quân bành trướng.
Trong
những ngày đầu của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, Bộ Chính trị, trực tiếp
là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang
cùng nhân dân địa phương phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân
dân, sử dụng lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 trực tiếp chiến đấu và
điều động một bộ phận lực lượng của các quân khu, các tỉnh phía sau lên tăng cường.
Điển hình là Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo và điều động Sư đoàn Bộ binh 327 (Quân
khu 3), Sư đoàn 337 (Quân khu 4) cơ động lên Quân khu 1; điều động 4 tiểu đoàn
bộ đội địa phương TP Hà Nội lên mặt trận Lạng Sơn, 3 tiểu đoàn bộ đội địa
phương Hải Phòng đến mặt trận Quảng Ninh và 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh
Hà Sơn Bình lên mặt trận Hoàng Liên Sơn. Ngoài ra, đầu tháng 3/1979, Quân đoàn
2 nhanh chóng chuyển toàn bộ lực lượng từ Campuchia về tập kết ở khu vực phía Bắc
Hà Nội bí mật, an toàn, sẵn sàng bảo vệ biên giới phía Bắc.
Về phía
Trung Quốc, tính đến đầu tháng 3/1979, trên dọc tuyến biên giới phía Bắc, đối
phương đã chiếm được các thị xã: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Cam Đường, Phố
Lu, Sa Pa và một số thị trấn trên vùng biên giới. Nhằm ngăn chặn sự mở rộng tiến
công xâm lược của Trung Quốc, ngày 05/3/1979, Chủ tịch nước công bố Lệnh tổng động viên lực lượng để bảo vệ Tổ quốc.
Theo đó, hàng triệu người, chủ yếu là thanh niên ở hầu khắp các tỉnh, thành phố
đã tình nguyện đăng ký gia nhập lực lượng vũ trang, ra mặt trận, lên tuyến trước
xây dựng trận địa chống quân thù. Nhiều đoàn viên, thanh niên ở Hà Nội và các địa
phương khác đã viết đơn tình nguyện lên biên giới để được trực tiếp tham gia
chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt,
chấp hành Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, trên hai hướng Quân khu 1 và
Quân khu 2, toàn quân và toàn dân đã tích cực chuẩn bị, tăng cường tổ chức lực
lượng, củng cố và xây dựng thêm một số đơn vị, sẵn sàng chiến đấu, tập trung
cho phản công đánh bật quân Trung Quốc ra khỏi biên giới Tổ quốc. Trước những tổn
thất lớn về lực lượng và bị dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ, ngày 05/3/1979,
Trung Quốc tuyên bố rút quân trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Với truyền thống
nhân nghĩa và lòng mong muốn củng cố hòa bình, hữu nghị giữa nhân dân hai nước,
Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam chỉ thị cho các lực lượng vũ trang và
nhân dân trên vùng biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để
Trung Quốc được yên ổn rút toàn bộ lực lượng và phương tiện chiến tranh về nước.
Ngày 07/3/1979,
Báo Nhân Dân đăng Xã luận nêu rõ thắng lợi của quân và dân Việt Nam, trong đó
nhấn mạnh: “Bọn xâm lược không thể đùa giỡn
với ý chí của chúng ta, càng không thể đùa giỡn với sức mạnh bách chiến bách thắng
của Quân đội nhân dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam chúng ta”. Trong cuộc
chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (tính từ ngày 17/02 đến 18/3/1979),
quân và dân ta đã gây tổn thất cho 9 quân đoàn chủ lực, loại khỏi vòng chiến đấu
62.500 quân, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn
cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy
115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự... của quân
bành trướng.
Không
thành công với mục tiêu “đánh nhanh, thắng
nhanh” do bị sự kháng cự quyết liệt của quân ta và thiệt hại nặng nề, trong
quá trình rút quân, quân Trung Quốc đã phá hoại nhiều thị trấn và các thị xã:
Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn; phá hủy nhiều đường sá, cầu cống… Trước tình hình
đó, Bộ Chính trị chủ trương “để cho địch
rút quân và ngừng triển khai cuộc phản công, nhưng tiếp tục dùng lực lượng tại
chỗ đánh nhằm hạn chế các hoạt động phá hoại của địch, thúc đẩy chúng rút nhanh
hơn”. Đến ngày 18/3/1979, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc cơ bản quân
Trung Quốc đã rút khỏi đất Việt Nam.
Nhìn lại
cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979 là dịp để tôn
vinh, tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, giáo dục
cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường và quyết tâm bảo
vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, phấn đấu vươn lên xây dựng một Việt
Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời!
Trường Phương