Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

TƯ TƯỞNG BỎ TẾT NGUYÊN ĐÁN LÀ BIỂU HIỆN CỦA SỰ MẤT GỐC, LAI CĂNG, CHỐI BỎ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC VIỆT NAM

Trong thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến cho rằng Việt Nam cần phải bỏ Tết Nguyên đán (còn gọi là Tết Âm lịch), chỉ nên đón Tết Dương lịch như các nước trên thế giới.

TƯ TƯỞNG BỎ TẾT NGUYÊN ĐÁN LÀ BIỂU HIỆN CỦA SỰ MẤT GỐC, LAI CĂNG, CHỐI BỎ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC VIỆT NAM

Những người này cho rằng duy trì Tết Nguyên đán như lâu nay dẫn đến sự tốn kém về kinh tế xã hội, từ nhà nước đến người dân, trung bình mỗi người dân đã tiêu tốn cho việc mua sắm Tết Nguyên đán từ vài triệu, cho đến hàng chục triệu đồng. Sự tốn kém còn kéo dài sau Tết, nhất là việc tham gia các lễ hội văn hóa dân gian. Các doanh nghiệp ở nước ngoài làm việc trong dịp Tết, còn người Việt Nam thì lo nghỉ Tết, do vậy bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh. Một số khác cho rằng Tết Nguyên đán là sản phẩm của văn hóa Trung Quốc, không phải văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Tuy nhiên, những người có tư tưởng như đã nêu ở trên có thể đã quên, không tính toán kỹ hoặc chưa biết những vấn đề sau đây:
Về kinh tế, Tết Nguyên đán là cơ hội làm ăn của các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là cung cấp những hàng hóa, dịch vụ truyền thống. Sự phát triển của các ngành cung cấp hàng hóa và dịch vụ này cho thu nhập lên đến hàng ngàn tỷ đồng trong mỗi dịp Tết đến xuân về, đóng góp rất lớn vào sự phát triển nền kinh tế của đất nước. Mặt khác, Tết Nguyên đán cùng với các lễ hội văn hóa dân gian được tổ chức trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán đem lại nguồn thu to lớn cho ngành du lịch Việt Nam, thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan, du lịch, khám phá vẻ đẹp về thiên nhiên, con người, ẩm thực, nền văn hóa đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam mà phần lớn các nước trên thế giới không có được. Đối với nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp rất thuận lợi trong việc giao lưu với nước ngoài, để đi đến những thỏa thuận về ngoại giao, kinh tế và cả về chính trị, hoặc để ký kết các hợp đồng kinh doanh.
Về văn hóa, từ “Tết” là một từ thuần Việt. Người Trung Quốc gọi là “Tiết” (phiên âm Hán Việt). Lịch sử đã chứng minh rằng Tết Nguyên đán là sản phẩm văn hóa, phong tục tập quán có từ lâu đời của người Việt, có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhất là nền nông nghiệp trồng lúa nước, dựa vào “lịch mặt trăng”, thời tiết các mùa trong một năm để tính toán cho vụ mùa đạt kết quả cao. Tết Nguyên đán bắt nguồn từ các bộ lạc Việt ở phía nam sông Trường Giang với nghề trồng lúa nước lâu đời.
Còn ở Trung Nguyên (tức Cao nguyên Hoàng thổ), nơi khởi phát nền văn minh Trung Hoa, người dân xây dựng nền kinh tế của mình chủ yếu bằng nghề trồng lúa mì và chăn nuôi du mục, nên việc canh tác, nuôi trồng những sản vật cũng tuân theo một chu trình thời tiết nông vụ hoàn toàn khác so với những cư dân vùng lúa nước.
Trong quá trình xâm lược và mở rộng lãnh thổ xuống phía nam, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã lần lượt thôn tính các bộ lạc Việt. Một số bộ lạc đã bị Hán hóa như Điền Việt (vùng Vân Nam, Quý Châu), Mân Việt (vùng Phúc Kiến), Đông Việt (vùng Giang Tây), Dương Việt (vùng Giang Tô), Ư Việt (vùng Chiết Giang), Sơn Việt (vùng Quảng Đông)… Chỉ có Âu Việt và Lạc Việt còn tồn tại, mở rộng bờ cõi và phát triển xuống phía nam, hình thành nên nước Việt Nam ta như hiện nay.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, Tết Nguyên đán của người Việt mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, thuần Việt và được lưu giữ đến ngày hôm nay. Các thủ tục nghi thức tế lễ, đến các sản vật, các trò chơi… đều có trong các lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán, gắn với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. “Lễ hội cày tịch điền” là sự đánh dấu khởi đầu của một vụ mùa tươi tốt trong năm. Các sản vật như bánh chưng, bánh dày, bánh tét, bánh in... được làm với gạo nếp, đậu xanh thường được dùng trong dịp Tết Nguyên đán cũng chính là những sản vật của nền nông nghiệp lúa nước. Người Việt còn có lễ cúng Ông Táo và thả cá chép về chầu trời trong ngày 23 tháng chạp âm lịch, mâm ngũ quả được bày trang trọng trên bàn thờ tổ tiên; các lễ hội như chọi trâu (ở Đồ Sơn, Hải Phòng), rước giò hoa tre (Sóc Sơn, Hà Nội), cày ruộng tịch điền (Đọi Sơn, Hà Nam)… tất cả đều gắn với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, đậm đà bản sắc văn hóa của người Việt Nam ta mà không một quốc gia nào khác trên thế giới có được.
Trong quá trình giao lưu văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhiều phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số được tích hợp vào những tục lệ chung trong dịp Tết Nguyên đán hoặc được bảo lưu trong mỗi vùng miền. Trong quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với nước ngoài, một số phong tục liên quan đến Tết Nguyên đán của một số nước đông á cũng được du nhập và tích hợp vào tục lệ Việt Nam, nhưng không bao giờ là sự sao chép nguyên vẹn, mà được biến đổi, điều chỉnh cho phù hợp với phong tục tập quán người Việt. Dù có phong phú, đa dạng đến đâu thì Tết Việt vẫn luôn gắn liền với nghề nghiệp của thủy tổ cư dân người Việt là nghề trồng lúa nước.
Vì vậy, việc cho rằng Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Trung Quốc là hoàn toàn không có logic và không có biện chứng lịch sử.
Không phải tất cả mọi người dân Việt Nam ai cũng đều được nghỉ Tết, mà ngược lại, tất cả các cơ quan nhà nước đều cử cán bộ, công nhân viên trực trong dịp Tết; các ngành như quân đội, công an nghỉ Tết rất hạn chế, tăng cường làm việc nhằm bảo vệ an ninh, quốc phòng; các doanh nghiệp thiết yếu như ngành điện, ngành vệ sinh môi trường vẫn hoạt động bình thường… để nhân dân đón cái Tết vui tươi, bình an.
Tết Nguyên đán là dịp để mỗi người Việt Nam từ trong và ngoài nước sum họp, hướng về tổ tiên, quê hương đất nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc.
Trong thời kỳ hội nhập, chúng ta nên hòa nhập chứ không hòa tan, phải luôn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Do vậy, cần nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, đa chiều về góc độ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, không nên nhìn một cách phiến diện, thiển cận để rồi hô hào đòi bỏ Tết Nguyên đán là điều bất hợp lý, biểu hiện của sự mất gốc, lai căng văn hóa phương Tây, chối bỏ văn hóa truyền thống tốt đẹp có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Viết Thanh