Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

Bỏ tư duy không quản được thì cấm

Có một thực tế trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua là một bộ phận cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tham mưu trong lĩnh vực này vẫn còn tư duy “không quản được thì cấm”. Hệ lụy là không ít quy định cấm một cách cứng nhắc, cực đoan đã xuất hiện trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc thậm chí đã được ban hành.

Đơn cử như mới đây, dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có quy định không cho phép mua bán điện dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, ý kiến của đông đảo chuyên gia và người dân, cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo nghị định đã sửa nội dung cấm này, tạo cơ chế mạnh mẽ khuyến khích phát triển năng lượng sạch.
Cần phải khẳng định, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để cấm những vấn đề mang tính quy luật, tất yếu khách quan. Những gì tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống sẽ luôn có xu hướng phát triển. Nếu cố tình cấm đoán, sẽ làm méo mó thị trường, tạo môi trường hoạt động “chui”, cản trở sự phát triển của xã hội và cuối cùng, cả người dân, doanh nghiệp, Nhà nước đều chịu thiệt. Vì thế, phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp... dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm...”.
Ảnh minh họa


Vì sao lại có tư duy “không quản được thì cấm”? Thực tiễn cho thấy, nguyên nhân không hẳn do cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm mà chủ yếu bởi các vấn đề quản lý mới phát sinh, rất khó và phức tạp, trong khi năng lực, trình độ của cán bộ chưa theo kịp. Bởi vậy, nhiều cán bộ đành chọn giải pháp “cấm” cho... an toàn. Từ đây cũng cho thấy, để khắc phục tình trạng này, trước hết và quan trọng nhất là phải chú trọng xây dựng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác xây dựng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội đang phát triển nhanh chóng, xuất hiện nhiều xu hướng mới, mô hình mới, vấn đề mới không dễ để nhận diện, quản lý.
Ngày 27-8-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 916/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030”. Đề án này cần được triển khai thực hiện một cách hiệu quả để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có cơ cấu hợp lý, năng lực, trình độ chuyên môn cao, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp.
Cùng với đó, để xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm” thì không thể thiếu một môi trường làm việc thực sự chuyên nghiệp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan; việc xây dựng, thẩm định, thông qua luật phải được tiến hành một cách dân chủ, khoa học, khách quan, huy động được trí tuệ tập thể. Đồng thời, cần gắn trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc xây dựng dự thảo, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật.
PHƯƠNG HIỀN
Vấn đề đa chiều