Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Bí mật về ‘đội quân áo đen’ đặc biệt của Việt Nam Cộng Hòa


Đây là lần đầu tiên họ gặp những người “lính” quần áo bà ba đen, chân mang dép râu hoặc giày bố, đầu đội nón vải rộng vành, vũ trang bằng những loại súng cũ kỹ như thể chỉ cho có chứ không phải để đánh nhau. Một điều lạ nữa là những ông áo đen này gặp ai cũng lễ phép khoanh tay, thưa ba, thưa má, thưa thím, thưa dì…, nghe lễ phép hết biết.


Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, người Mỹ đã bỏ ra những khoản tiền khổng lồ để nuôi dưỡng và duy trì một đội quân với hơn 1,3 triệu người của chính quyền Sài Gòn, bao gồm các sắc lính như bộ binh, hải quân, không quân, pháo binh, xe tăng, lính thủy đánh bộ, biệt động quân, biệt kích dù, địa phương quân, nghĩa quân, cảnh sát, mật vụ, người nhái…Bên cạnh đó, còn có một lực lượng khác với tên gọi rất hiền lành: “Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn” mà về mặt nổi, họ đến các thôn xã, “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với người dân nhằm xây dựng “cuộc sống mới” nhưng thực chất, nhiệm vụ chính của họ là tìm hầm bí mật, chỉ điểm du kích, cán bộ cách mạng nằm vùng…
1. Đầu năm 1967, người dân xã Hội Mỹ, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy (nay là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) lấy làm ngạc nhiên khi thấy gần 30 con người kéo về xã mình.
Đã quá quen với những sắc lính thuộc chính quyền Sài Gòn, lính Mỹ, lính Australia nhưng đây là lần đầu tiên họ gặp những người “lính” quần áo bà ba đen, chân mang dép râu hoặc giày bố, đầu đội nón vải rộng vành, vũ trang bằng những loại súng cũ kỹ như thể chỉ cho có chứ không phải để đánh nhau.
Một điều lạ nữa là những ông áo đen này gặp ai cũng lễ phép khoanh tay, thưa ba, thưa má, thưa thím, thưa dì…, nghe lễ phép hết biết. Bà Tám Bảnh, năm nay 76 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, từng có thời gian ở ấp Hội Bài, xã Hội Mỹ nhớ lại: “Họ thưa thì mình nghe thôi vì bà con lạ gì lính ông Thiệu: Sáng giở nón thưa ba, tối vào chuồng bắt gà”.
Đoàn “áo đen” về buổi sáng thì ngay đầu giờ chiều, viên xã trưởng đã ra lệnh cho mọi người dân tập họp ở sân vận động xã để nghe phổ biến về một chủ trương mới của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
Theo viên xã trưởng, nhằm tạo ra một cuộc sống ấm no, sung túc cho bà con, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã cử “Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn” (Đội quân áo đen) về đây để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với mọi người.
Nhà ai hư hỏng sẽ được “cán bộ” chung tay sửa chữa, đường xá sẽ được chỉnh trang, trường học được nâng cấp, trạm y tế sẽ không thiếu thuốc men. Ngay cả những chuyện lặt vặt như chuồng heo, nhà cầu hay giếng nước – cái nào chưa tốt cũng sẽ được làm lại cho hợp vệ sinh, vật nuôi mau lớn, bán được nhiều tiền, bà con bớt ốm đau bệnh tật.
Tiếp lời viên xã trưởng, một người đàn ông được giới thiệu là Nguyễn Văn Ký, Đoàn trưởng “Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn quận Đất Đỏ” bước ra phát biểu.
Theo ông Ký, trong thời gian công tác tại xã nhà, ông mong mỏi mọi người cùng chung tay hợp tác với cán bộ. Bên cạnh đó, ai cũng có quyền nêu lên những mặt chưa tốt của “cán bộ” khi “ba cùng” với bà con. Mọi hành vi nhũng nhiễu, quấy rối, gây khó khăn cho sinh hoạt của bà con đều sẽ bị nghiêm trị.
Cuối cùng, viên xã trưởng thông báo: Tùy theo vị trí, diện tích và số nhân khẩu của từng gia đình, mỗi nhà sẽ nhận 2 hoặc 3 “cán bộ” về ở chung. Bà Tám Bảnh nói: “Tuy nhiên, coi đi coi lại thì những nhà có “vinh dự” nhận “cán bộ” về ở chung phần lớn là nhà có người đi tập kết, hoặc thoát ly theo Cách mạng…”.
2. Ngược dòng thời gian, cuối năm 1965, khi phong trào Cách mạng miền Nam càng lúc càng lớn mạnh với những chiến thắng lẫy lừng ở Ba Gia, Bình Giã, Ấp Bắc, Đồng Xoài…, cùng với hàng nghìn “ấp chiến lược”, “khu trù mật” bị người dân phá tan, biến thành vùng giải phóng thì Chính phủ Mỹ quyết định gia tăng quân số các binh chủng trực tiếp tham chiến tại Việt Nam lên 75 nghìn người, đồng thời ra lệnh tổng động viên 225 nghìn người làm lực lượng dự bị.
Bên cạnh đó, họ cấp tốc thành lập một cơ quan, đặt tên là “Hoạt động dân sự và hỗ trợ cách mạng – Civil Operations and Revolutionary Development Support – gọi tắt là CORDS”.
Mục tiêu của CORDS là tạo ra những vùng nông thôn ở miền Nam Việt Nam mà trước đây vẫn ủng hộ, che giấu Quân Giải phóng hoặc tổ chức các nhóm du kích đánh lại lính Mỹ và quân đội VNCH hành những vùng an toàn, không còn bóng dáng Cộng sản.
Người đẻ ra chương trình “Hoạt động dân sự và hỗ trợ cách mạng” là Robert W. Komer, Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA, được Bộ Ngoại giao Mỹ nhanh chóng chấp thuận.
Bay đến Sài Gòn, Komer gửi cho Đại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam là Bunker bản dự thảo “khái niệm về việc tổ chức các Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn”, đồng thời cung cấp một lịch trình và các bước để thực hiện.
Bên cạnh đó, Komer cũng đề nghị thành lập một Ban chỉ đạo nhằm tránh sự chồng chéo và trùng lặp giữa Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV) và Đội quân áo đen.
Komer nói: “Mặc dù cả hai đều cùng chung mục đích là tiêu diệt Cộng sản nhưng mỗi bên lại có những phương thức hoạt động khác nhau. Với những “Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn”, biện pháp mà họ áp dụng là làm thế nào để người dân tự đuổi Cộng sản ra khỏi từng làng, từng  xóm”.
Ngày 11/12/1965, Đại sứ Bunker chính thức công bố với báo chí sự ra đời của cơ quan CORDS. Ông ta nhấn mạnh những ưu điểm của Đội quân áo đen với sự hỗ trợ của người Mỹ nhưng sẽ không có sự xuất hiện trực tiếp của cố vấn Mỹ như với quân đội VNCH.
Hai ngày sau, trong một hội nghị chỉ huy do MACV tổ chức tại vịnh Cam Ranh, Bunker và Westmoreland, Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã thống nhất triển khai các hoạt động của CORDS.
Theo đó, tất cả những báo cáo của các bộ phận thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn sẽ được chuyển thẳng về cho CORDS rồi tùy theo mức độ và tính chất, CORDS sẽ chia sẻ thông tin cho các cơ quan quân sự, tình báo VNCH.
Đi vào hoạt động, CORDS cho ra đời nhiều bộ phận như “Biệt đội Thiên Nga, Phượng Hoàng” chuyên săn lùng bắt bớ, ám sát cán bộ cách mạng nằm vùng, “Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn” làm nhiệm vụ dò la, phát hiện du kích sống như những người dân bình thường trong thôn xóm, tìm hầm bí mật, nơi chôn giấu vũ khí, các nguồn tiếp tế cho Quân Giải phóng, bộ phận “Chiêu hồi” tiến hành mua chuộc, lôi kéo những người tham gia cách mạng ra đầu hàng…
Ngày 26/1/1966, theo sự chỉ đạo của nhóm chuyên gia CIA nằm trong cơ quan CORDS, Ủy ban Hành pháp Trung ương chính quyền Sài Gòn ban hành nghị định số 137, chính thức thành lập đồng thời hoàn chỉnh bản quy chế hoạt động cho các “Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn” dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng –  bấy giờ là Tổng Ủy viên Tổng bộ xây dựng kiêm Tổng thư ký Hội đồng xây dựng nông thôn Trung ương.
Mark Moyar, một người Mỹ gốc Do Thái, là sĩ quan CIA phụ trách kế hoạch bình định miền Nam Việt Nam, cố vấn cho CORDS đã viết trong cuốn sách mang tên “Phượng hoàng và những con chim mồi – Phoenix and Birds of Prey”, xuất bản năm 1997: “Tính đến cuối năm 1966, đã có 700 đoàn được thành lập.
Tại các tỉnh, cán bộ xây dựng nông thôn được tổ chức thành Tỉnh đoàn, các quận có Liên đoàn (về sau đổi thành Quận đoàn) còn tại các xã thì có Xã đoàn, các ấp mỗi ấp có một toán.
Y phục cho “cán bộ” là quần áo bà ba đen theo kiểu nông dân, mũ vải rộng vành, giày bố hoặc dép râu, vũ trang bằng những loại súng bán tự động hạng nhẹ như Carbine M1, Garant M14 nhằm tránh cho người dân có ý nghĩ rằng đây cũng chỉ là một đội quân chuyên bắn giết. Trung tâm huấn luyện cán bộ xây dựng nông thôn đặt tại Trại Lam Sơn trong khu rừng dương liễu Chí Linh, Vũng Tàu. …”.
Về nhân sự, các Đội quân đen lấy người từ các ngành khác như đoàn Biệt chính Nhân dân, Biệt chính Tiền phong, cán bộ hành chính lưu động, cán bộ xã, ấp.
Vẫn theo Mark Moyar, ngoài kỹ thuật quân sự, chúng còn được huấn luyện về công tác tâm lý chiến, cách moi tin nơi những người nghi ngờ theo Cộng sản, cách phát hiện hầm bí mật, nơi chôn giấu vũ khí, cách theo dõi các đường dây giao liên.
Ông Hai Đặng ở ấp Hội Bài kể: “Hồi đó tôi làm nhiệm vụ tiếp tế cho cách mạng, chủ yếu là pin đèn, thuốc Tây, giấy in truyền đơn, đôi khi cả máy đánh chữ…
Trước khi tụi xây dựng nông thôn về xã, việc chuyển hàng vào chiến khu Minh Đạm khá dễ dàng. Chỉ cần đưa hàng tới một địa điểm đã hẹn trước rồi bỏ đó thì sẽ có người đến lấy”. Tuy nhiên, khi hai “cán bộ” xây dựng nông thôn về ba cùng tại nhà ông thì nhất cử nhất động của ông đều bị họ để ý.
Ông kể tiếp: “Một bữa, tôi nhận được tin của cơ sở mật cho biết là “mấy ảnh” cần 50 cục pin đại. Pin mua thì dễ rồi nhưng làm cách nào chuyển đi mà không bị nghi ngờ mới khó”.
Sau vài ngày suy nghĩ, ông Hai Đặng tìm ra một cách là cứ chập tối, ông đi soi cá. Với một cây chĩa và cái đèn pin đội ngang đầu, ông chèo chiếc xuồng nhỏ, cặp theo mấy con rạch ra sông lớn rồi gần sáng ông về.
Lần nào cũng vậy, cứ về tới nhà thì bữa sáng hai anh “cán bộ” có món cháo cá, trưa có canh cua, tép rang còn tối thì lai rai với mấy con chình, con chạch. Riết rồi cái việc ông mua cả chục cục pin là việc bình thường.
Ông nói: “Nhờ vậy, việc tiếp tế cho cách mạng diễn ra êm ả. Thậm chí có bữa, tụi nó cho tui nguyên cả khối pin của máy truyền tin PRC25 đã xài rồi. Loại này bền lắm. Dù xài rồi nhưng khi gắn vào đèn soi cá, nó vẫn sáng được cả tuần lễ còn pin tôi mua, tôi gửi vào khu cho mấy ảnh”.
3. Với mục đích phát hiện cơ sở cách mạng trong nhân dân nên dần dần các Đội quân đen được tổ chức rất bài bản.
Theo các tài liệu ta thu được sau ngày giải phóng thì ở mỗi tỉnh đều có một đơn vị xây dựng nông thôn gọi là Đoàn 59, gồm 3 bộ phận là Ban Chỉ huy Đoàn, Liên toán xây dựng và Liên toán dân quân.
Năm 1966, cả miền Nam Việt Nam có hơn 12 nghìn “ấp đời mới”, được phân loại từ A đến E, trong đó A là “ấp không du kích, không Cộng sản nằm vùng, không có người đi tập kết, không có người có cảm tình với Cộng sản” còn ấp loại E là ấp “có đủ thứ”.
Trong tài liệu công tác do Thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng, Chỉ huy trưởng Tổng “Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn” ký ban hành, có đoạn: “Nhiệm vụ của cán bộ xây dựng nông thôn là ưu tiên 1 cho những ấp loại E, và mục tiêu số 1 là tiêu diệt Cộng sản nằm vùng trong những ấp đó…”.
Theo Mark Moyar, nếu một xã có dưới 5 nghìn dân thì Đoàn 59 sẽ bố trí 6 người, xã trên 5 nghìn dân có 8 người, xã từ 20 nghìn dân trở lên có 23 người.
Ông Hồ Niềm, người dân huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Bọn xây dựng nông thôn vùng tui toàn người địa phương, hầu hết là đảng viên đảng Đại Việt vì vậy, chúng rành rẽ đường đi nước bước, phong tục, tập quán. Thậm chí trong nhà, bồ thóc, bồ gạo để đâu chúng cũng biết”.
Bà Nguyễn Thị Bé Em, ở Bình Đại, Bến Tre, có chồng đi tập kết nói: “Khi chúng bố trí hai tên “cán bộ ba cùng” với nhà tui, tui từ chối vì nhà chỉ có 3 mẹ con. Tui nói chồng tui đi đâu mất tăm mất tích, tui hổng biết, bây giờ tự dưng cho đàn ông vô ăn ngủ, coi sao đặng! Không ở chung để theo dõi được, chúng bày trò phun thuốc diệt trừ sốt rét bằng cách đeo bình xịt, tự động xộc vào từng buồng, thậm chí chui cả xuống gậm giường nhà tui phun phun xịt xịt mà mục đích là để tìm hầm bí mật”…
4. Có thể nói, giai đoạn đầu khi những “Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn” đi vào hoạt động, phong trào Cách mạng miền Nam đã gặp phải một số khó khăn. Với hình thức “ấp đời mới” mà mục tiêu căn bản là tách rời du kích và cán bộ nằm vùng ra khỏi nhân dân, mọi ấp đều được bảo vệ bởi nhiều lớp hàng rào kiên cố, các cổng chính ra vào có trạm gác cùng nhiều chòi canh. Ban ngày, người dân được tự do đi lại làm ăn nhưng người lạ mặt muốn vào ấp thì phải qua thủ tục kiểm soát rất chặt chẽ. Ban đêm, các cổng chính đóng lại. Nếu muốn đi bệnh viện chẳng hạn, phải có sự đồng ý của “cán bộ”.
Trong cuốn “Phượng hoàng và những con chim mồi”, Mark Moyar viết: “Cán bộ xây dựng nông thôn ở cấp xã còn có nhiệm vụ tổ chức “Đội Thiếu nhi”, huấn luyện cho các em nhỏ cách thức cảnh giới và báo động kịp thời mỗi khi có người lạ lén lút vào ấp, “Đội Phụ nữ” làm công tác tiếp tế, cứu thương. “Đội Lão ông, Lão bà” tung tin gây hoang mang cho địch, che giấu và bảo vệ cán bộ xây dựng nông thôn hoạt động trong xã với phương châm không biết, không nghe, không thấy…”.
Tuy nhiên, có một điều mà Mark Moyar phải thừa nhận là: “Bắt đầu từ năm 1965, nhận thức của đa số nông dân miền Nam Việt Nam về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có sự thay đổi nhưng hầu hết người Mỹ đều không nhìn ra điều này. Sự thay đổi bắt nguồn từ những trận ném bom, bắn phá bừa bãi của Mỹ lẫn Việt Nam Cộng hòa đã tàn phá nhà cửa ruộng vườn, giết chết những người thân trong gia đình họ.
Phần nữa, nhiều “cán bộ xây dựng nông thôn” lợi dụng tình thế khó khăn của những phụ nữ có chồng đi tập kết để cưỡng bức họ – và điều này mặc nhiên được phép nhằm ngăn không để họ che giấu, tiếp tế cho chồng họ nếu chồng họ trở về. Tại những xóm ấp hẻo lánh ở Định Quán, Mã Đà, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai), một “cán bộ xây dựng nông thôn” ép buộc 2, 3 phụ nữ phải quan hệ tình dục là chuyện bình thường vì nếu không chấp nhận, những phụ nữ ấy sẽ bị tước đi những quyền căn bản nhất…”.
Để đập tan âm mưu của địch, mở rộng vùng giải phóng, bẻ gãy chiến lược “ấp đời mới”, phá ách kìm kẹp “xây dựng nông thôn”, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích cách mạng đã tiến hành nhiều trận đánh mà mục tiêu là những “Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn” đang hoạt động tại những xã ấp. Sau cuộc phục kích tại ấp Hội Bài, xã Hội Mỹ, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy, Nguyễn Văn Ký, Tỉnh đoàn trưởng Tỉnh đoàn Phước Tuy thừa nhận: “Việt Cộng chơi trò giương đông kích tây và chúng tôi đã mắc bẫy”.
Ngày 6/7/1967, một “cán bộ xây dựng nông thôn” ở ấp Hội Bài nhận được tin “mật báo”, rằng “khuya nay sẽ có một nhóm Việt Cộng lẻn về tuyên truyền”.
Ngay lập tức, Nguyễn Văn Ký, Tỉnh đoàn trưởng và Trần Văn Hiền, Tỉnh đoàn phó thuộc Ban chỉ huy Đoàn 59 tỉnh Phước Tuy xuống tận nơi. Sau khi quan sát địa thế, Ký ra lệnh cho một toán “xây dựng nông thôn” đợi đến sẩm tối, phục kích gần một lò sản xuất nước mắm, cạnh con đường mà “nhóm Việt Cộng” sẽ đột nhập. Trên con đường này, Ký bố trí 2 trái mìn claymore với chiến thuật cắt đầu, khóa đuôi. Theo kế hoạch, khi nhìn thấy “Việt Cộng”, một bộ phận sẽ điểm hỏa 2 trái mìn, bộ phận còn lại dùng súng, lựu đạn tấn công, tiêu diệt.
3 giờ 30 sáng, nằm phục mãi mà chẳng thấy bóng dáng “Việt Cộng” nào, toán trưởng xin lệnh Ký cho rút lui. Tháo xong 2 trái mìn claymore rồi trên đường quay trở lại nơi đóng quân nằm cạnh trụ sở ấp thì bất ngờ có một ánh chớp lóe lên và tiếp theo là một tiếng nổ long trời. Toán “cán bộ xây dựng nông thôn” nháo nhào, kẻ chúi vào gốc cây, người lăn xuống vệ đường, súng các loại nổ loạn xạ.
Bắn suốt 10 phút nhưng không thấy đối phương đáp trả, cả bọn mới hoàn hồn. Nhìn lại, hai “cán bộ” Phạm Công Ngọc Hải, Bùi Thiện Thọ chết tại chỗ vì trúng mìn, còn 6 người khác bị thương. Chưa hết, sáng hôm sau trên bức tường vôi trắng của trụ sở ấp, ai đó đã viết một dòng chữ lớn bằng than: “Giết một tên cán bộ xây dựng nông thôn bằng giết ba tên xâm lược Mỹ”.
Tỉnh đoàn phó Đoàn 59 là Trần Văn Hiền sau này khi sang Mỹ định cư, đã thú nhận trong một buổi họp mặt “cán bộ xây dựng nông thôn” ở miền Nam bang California: “Lúc đó chúng tôi bị lừa. Một phụ nữ đến ấp mua bán cá, làm như vô tình tiết lộ việc “Việt cộng về tuyên truyền” cho một mật báo viên của toán xây dựng nông thôn ấp Hội Bài. Lực lượng Cộng sản phục kích chúng tôi đêm hôm đó là Đội du kích cơ động của Long Phước Hội – gồm 3 xã Long Mỹ, Phước Hải và Hội Mỹ…”.
Nhận thấy Chiến khu Minh Đạm là mối nguy hiểm cho chương trình “xây dựng nông thôn” quận Đất Đỏ, cuối năm 1967, dưới sự chỉ đạo của cố vấn Mỹ thuộc Cơ quan CORDS, Nguyễn Đức Thắng, Chỉ huy trưởng Xây dựng nông thôn đưa về xã Phước Hải “Đoàn Phát triển 1”, Ban chỉ huy đặt tại miếu thờ ông chủ xã.
Đêm giao thừa Tết Mậu Thân, bộ đội chủ lực huyện Đất Đỏ phối hợp với du kích tiến đánh Phước Hải và bao vây nơi này gần một tuần lễ. Nguyễn Văn Á, cán bộ xây dựng nông thôn kể lại với Mark Moyar rồi được ông ta đưa vào cuốn sách “Phượng hoàng và những con chim mồi”: “Các cấp chỉ huy quá chủ quan. Họ tin rằng chỉ cần “ba cùng” với người dân là dân sẽ ủng hộ Chính phủ Việt Nam Cộng hòa nên việc vũ trang cho cán bộ xây dựng nông thôn rất sơ sài. Cả 15 người chỉ có 1 trung liên Bar, 10 Carbine M1, 2 Garant M14 cùng vài quả lựu đạn trong khi Việt Cộng xài AK-47, B40. Đã vậy, bên ngoài hàng rào ấp đời mới, đêm nào họ cũng phát loa kêu gọi chúng tôi quay súng trở về với nhân dân, không làm tay sai cho đế quốc Mỹ…”.
5. Bước qua năm 1969, Cơ quan CORDS gia tăng viện trợ cho chương trình bình định, “xây dựng nông thôn” đồng thời tuyển thêm người, mở thêm nhiều khóa huấn luyện ở Trại Lam Sơn, Chí Linh, Vũng Tàu, trong đó có những khóa huấn luyện mà học viên đều là phụ nữ.
Nguyễn Thị Hồng, một trong những “cán bộ” theo học khóa 3/69, tổ chức vào tháng 3/1969 kể: “Khóa tôi có 400 chị em. Tùy theo từng môn, giảng viên có thể là người Việt hoặc người Mỹ. Các sĩ quan người Việt chủ yếu dạy về chiến thuật quân sự, cách tổ chức phòng ngự, phản công, cách phục kích, gài mìn, cách sử dụng một số các loại súng và công tác dân vận, còn người Mỹ thì dạy cách khai thác tin tình báo, cách theo dõi, điều tra người tình nghi, cách phát hiện du kích, Cộng sản nằm vùng từ những dấu vết nghi ngờ…”.
Tốt nghiệp khóa huấn luyện, Hồng được đưa về Quận đoàn Củ Chi, Xã đoàn An Nhơn Tây. Tại vùng này 90% các gia đình đều có người tham gia cách mạng nên công tác “dân vận” của Hồng hầu như chỉ là con số 0! Trong nhật ký, cô ta viết: “Người dân ở xã nhìn những cán bộ xây dựng nông thôn chúng tôi bằng con mắt nghi kị, thậm chí thù địch. Có lần tôi ghé vào nhà của một bà cụ già mà tôi đã nhắm từ trước với ý định hỏi thăm, làm quen, sau đó đề nghị sửa lại cho bà cái mái tranh đã gần sập.
Tuy nhiên, khi tôi vừa mở lời thì bà ta đã lắc đầu: “Cám ơn cô. Cô sửa xong thì ngày mai – nếu không Mỹ thì lính Cộng hòa cũng lại kéo đổ. Cô có sửa thì cô sửa cho mấy người đó, sửa cho họ đừng giết hại nhân dân”. Tôi rất chán nản, chỉ muốn trở về nhà..”. Lê Văn Hội, “cán bộ xây dựng nông thôn” xã Tân Phong, quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Cả toán cán bộ xã Tân Phong chúng tôi, buổi sáng nếu có quân đội mở đường thì chúng tôi từ thị trấn Cai Lậy mới dám vào, làm việc ất ơ một lát rồi chiều lại rút ra. Không ai dám ngủ đêm tại vì sợ du kích”.
Một tháng 4 ngày sau khi nhận công tác, Nguyễn Thị Hồng đạp phải một trái mìn do du kích Củ Chi gài, chết tại chỗ. Nhưng không phải chỉ có Nguyễn Thị Hồng, cũng trong năm 1969, “Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn” ở ấp Hội Cửu, huyện Đất Đỏ lĩnh thêm một búa nữa. Nằm ngay trên tỉnh lộ 44, ấp Hội Cửu thuộc xã Hội Mỹ có vị trí địa lý phía đông giáp rừng chồi sát biển; phía tây giáp với những thửa ruộng và tiếp theo là những cánh rừng kéo dài đến mật khu Minh Ðạm. Phía nam giáp một ngọn đồi cát, nơi đây có đồn Lò Gốm do một trung đội Ðịa phương quân trú đóng, còn phía bắc giáp cánh đồng xã Phước Lợi, Gò Tre. Theo báo cáo của “cán bộ xây dựng nông thôn” ấp Hội Cửu: “Ấp có 76 nóc nhà, dân số 750 người, là vị trí chiến lược rất quan trọng vì Việt Cộng từ mật khu Minh Đạm sang mật khu Mây Tào đều đi ngang qua đây”.
Vì vậy, viên chức xã ấp muốn đi từ quận Đất Đỏ đến Hội Mỹ, Hội Cửu, chỉ dám đi vào ban ngày nhưng trước khi đi, phải có lực lượng Địa phương quân mở đường, dò mìn, phát hiện những chốt phục kích của Quân Giải phóng. Để bình định vùng này, ngày 3/9/1969 “Tỉnh đoàn cán bộ xây dựng nông thôn” tỉnh Phước Tuy quyết định đưa về đây một “đoàn cán bộ” gồm 30 người, gọi là Đoàn Phát triển 9. Trong một báo cáo gửi Tỉnh đoàn Phước Tuy, Đoàn trưởng Đoàn Phát triển 9 là Đặng Hướng viết: “Ngay khi đến nhiệm sở, tôi đã đôn đốc anh em củng cố những vọng gác, đào thêm giao thông hào, huy động người dân trong ấp rào lại hàng rào ở những nơi hiểm yếu. Ban đêm đặt mìn claymore, gài lựu đạn…”.
Biết vị trí đóng quân của Ðoàn Phát triển 9 rất quan trọng và nguy hiểm, chiều ngày 5/9/1969, Ban chỉ huy Tỉnh đoàn Phước Tuy xuống kiểm tra. Quả y như rằng, lúc 22 giờ 30 phút đêm hôm đó, trời bỗng nổi gió, mây đen mù mịt báo hiệu một cơn giông. Đột ngột, có tiếng nổ đầu nòng của súng cối 61mm, tiếng điểm hỏa của B40, B41 rồi tiếp theo là hàng chục ánh chớp lóe lên kèm theo từng chuỗi tiếng nổ tức ngực, kéo dài gần 15 phút.
Trận mưa pháo vừa dứt, đã nghe tiếng thét xung phong của Quân Giải phóng, tiếng súng AK, trung liên RPD đanh gọn từng loạt dài. Ở cổng gác chính, một “cán bộ xây dựng nông thôn” tên An chết ngay trong loạt đạn đầu. Tại vọng gác số 2, “cán bộ xây dựng nông thôn” Huỳnh Muội giữ khẩu trung liên BAR cũng chết. Theo Đoàn trưởng Đặng Hướng: “Việt Cộng áp sát hàng rào thép gai, mìn claymore trở nên vô dụng vì họ nằm ngoài tầm sát thương của mìn. Phía ta do mất khẩu trung liên BAR, chỉ còn súng carbine nên tổ chức chống trả rất rời rạc”.
Gần 20 phút sau cuộc tấn công, pháo 105mm từ Chi khu Đất Đỏ mới bắn chi viện nhưng lúc này, Quân Giải phóng đã rút hết. Vẫn theo Đoàn trưởng Đặng Hướng, ngoài 2 “cán bộ” xây dựng nông thôn tử thương, còn có 9 “cán bô”å bị thương.  Tưởng là đã xong, ai dè đến 23 giờ 50 phút, Quân Giải phóng bất ngờ tập kích thêm một lần nữa. Do chủ quan, không đề phòng, 3 “cán bộ xây dựng nông thôn” chết trong đó có Đoàn trưởng Đặng Hướng.
6. Năm 1973, Hiệp định Paris ký kết. Lính Mỹ rút về nước, tiền viện trợ của CORDS cho chương trình xây dựng nông thôn cũng hết nên các “Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn” chỉ còn cái vỏ rồi mạnh ai nấy chạy trong Đại thắng mùa Xuân 1975.
Bây giờ ở Mỹ, cứ gần đến ngày 30/4 là một số ông bà “xây dựng nông thôn” lại tụ họp nhau ở một nhà hàng nào đó với quần áo bà ba đen, mũ vải, giày bố, tổ chức “lễ thượng kỳ” ba sọc rồi “tự sướng” với nhau về những “chiến tích oai hùng” thời… đó! Trong luận văn đánh giá về hiệu quả của “chương trình xây dựng nông thôn” do Đại học Baylor, bang Texas xuất bản vào tháng 8/1989, tác giả Douglas J. Brooks viết: “Vì đã từng làm cố vấn cho CORDS nên tôi được họ mời nhưng xem ra, những hành động của họ chỉ là ăn mày dĩ vãng mà thôi…”.
Theo AN NINH THẾ GIỚI