“Chất lượng âm nhạc chạm đáy” không còn là lời cảnh báo mà dần trở thành hiện thực với âm nhạc giải trí trong nước hiện nay. Bởi, thay vì được thưởng thức các ca khúc hay, những giọng hát đẹp, giờ đây công chúng bị “bội thực” những bài hát có nội dung đánh đố hoặc câu từ dễ dãi, phản cảm,…
Trong sự ồn ào của các trò chơi truyền hình (gameshow) về âm nhạc đình đám, như Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc, Nhân tố bí ẩn,… ít người còn nhớ tới chương trình Bài hát Việt. Sau 11 năm tồn tại và đã ngưng phát sóng từ ngày 22-1-2016, Bài hát Việt thật sự đã để lại nhiều tiếc nuối cho không ít tác giả, ca sĩ và khán giả trên cả nước, vì đây là một sân chơi sáng tác âm nhạc hiếm hoi trên sóng truyền hình từng giới thiệu nhiều gương mặt trẻ tài năng và bước đầu có phong cách riêng như Nguyễn Đức Cường, Lê Cát Trọng Lý, Phạm Toàn Thắng, Vũ Cát Tường…
Sự ra đi lặng lẽ của Bài hát Việt dường như cũng là dấu chấm hết cho nỗ lực hiếm hoi trong việc tìm kiếm các hướng đi mới cho âm nhạc đương đại. Cho dù tại thời điểm nói lời từ biệt, ê-kíp sản xuất từng chia sẻ rằng, Bài hát Việt sẽ sớm “tái sinh với diện mạo mới” với khung chương trình thú vị hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Sing my song (Bài hát hay nhất) được cho là sự kế thừa Bài hát Việt chưa thể tạo được nhiều điểm nhấn như kỳ vọng, chưa kể những lùm xùm không đáng có về tư cách của một vài thí sinh, khiến sức hấp dẫn của chương trình bị giảm sút.
Trái ngược với sự vắng bóng của các cuộc thi sáng tác âm nhạc, sự nở rộ của nhiều gameshow, liveshow âm nhạc với xu hướng giải trí bình dân, có phần dễ dãi dường như đang chiếm lĩnh nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Một trong những trào lưu “đang lên”, gây nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian qua là bolero với sự ra đời của hàng loạt các gameshow có tên gọi na ná nhau: Thần tượng Bolero, Song ca cùng Bolero, Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Tình Bolero hoan ca, Kịch cùng Bolero…
Một số cuộc thi âm nhạc tuy không gắn “mác” bolero nhưng đội hình ban giám khảo ngồi trên “ghế nóng” đều chủ yếu nổi lên từ dòng nhạc này, vì thế phần lớn thí sinh đã lựa chọn giải pháp an toàn bằng việc hát… bolero! Sự thái quá dẫn đến tình trạng: một dòng nhạc bình dân, ít được đánh giá cao tại chính mảnh đất từng sản sinh ra nó, bolero đã bất ngờ trở thành trào lưu được một bộ phận ca sĩ và khán, thính giả ở Việt Nam nhiệt tình hưởng ứng. Điều này sẽ không có gì đặc biệt nếu như bolero không phải là một dòng nhạc “giẫm chân tại chỗ”, vì dù đã có lịch sử hình thành gần 60 năm mà số lượng sáng tác vẫn ít ỏi, không có nhiều sáng tạo từ giai điệu, phối khí đến ca từ và phong cách biểu diễn. Và nội dung của hầu hết các bài hát bolero chỉ quẩn quanh những chuyện tình ngang trái, đẫm nước mắt.
Vì vậy, nhận định của một ca sĩ nổi tiếng cho rằng: “Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi” tuy có làm mất lòng nhiều người trong giới giải trí nhưng đã đề cập một cách thẳng thắn tình trạng “nghèo nàn trong sáng tạo” trong đời sống âm nhạc Việt Nam đương đại.
Theo dõi trên bảng xếp hạng ca khúc mới của một số website âm nhạc nổi tiếng thời gian qua, vị trí “độc tôn” thường thuộc về một số bài hát không mấy xuất sắc, cho thấy “mảnh đất” này còn quá nghèo nàn và thiếu tính cạnh tranh. Điều đó trái ngược với các bảng xếp hạng âm nhạc nước ngoài, bởi ở đó sự thay đổi ngôi vị liên tục của nhiều ca khúc, giọng ca, nhóm nhạc cho thấy một đời sống âm nhạc thật sự sôi động và phát triển. Sự chiếm lĩnh của bolero cùng các trào lưu K-pop (nhạc pop Hàn Quốc), C-pop (nhạc pop tiếng Trung) trên thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay đang đặt ra câu hỏi về sự yếu kém trong một bộ phận nhạc sĩ, ca sĩ trẻ.
Các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ chiếm được sự yêu mến của người hâm mộ bằng những sáng tạo của mình như Lê Cát Trọng Lý, Tạ Quang Thắng hay Hà Anh Tuấn không nhiều. Thay vì tìm lối đi riêng, dày công tập luyện thanh nhạc, rèn luyện vũ đạo, tham gia các chương trình âm nhạc có tính chất cống hiến, không ít ca sĩ trẻ mải mê với các gameshow để đánh bóng hình ảnh, hoặc sa vào thể hiện lại ca khúc của người nổi tiếng, như trong các chương trình Gương mặt thân quen, Giọng ải giọng ai, Gương mặt thân quen nhí, Phiên bản hoàn hảo…
Thậm chí, một số nhạc sĩ còn bị tố đạo nhạc. Đáng chú ý, xu hướng ca khúc, ca từ dễ dãi, thiếu lành mạnh, tục tĩu từng chìm xuống một thời gian,… nay đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Điểm qua danh sách ca khúc “đình đám” trong thời gian gần đây, nhiều người phát hoảng với những ca khúc có nhan đề khó hiểu như: Đ.C.M.A, Đ.C.M.E, Quăng tao cái boong…
Mới nhất, ca khúc thảm họa “Như cái lò” tiếp tục gây bức xúc trong dư luận với những ca từ gợi dục, kích động. Đáng buồn hơn, người sáng tác ca khúc này từng là một nhạc sĩ trẻ triển vọng có dấu ấn nhất định trong lòng người hâm mộ. Nội dung sáo rỗng, ca từ vô nghĩa của nhạc giải trí Việt Nam cũng trở thành chủ đề châm biếm trên nhiều diễn đàn, website, mạng xã hội. Một số trang giải trí còn thường xuyên đăng tải video thống kê về số lượng ca khúc đạo nhạc hoặc chứa các ca từ vô nghĩa. Bất ngờ là đến thời điểm hiện tại, loạt video nhiều kỳ này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại! Có thể coi đây là minh chứng về sự bất cập của thị trường âm nhạc giải trí hiện nay.
Khi thị trường âm nhạc đang trở nên bão hòa, một bộ phận nhạc sĩ, ca sĩ và thính giả trẻ bắt đầu tìm đến những xu hướng âm nhạc mới như Underground (Underground music – âm nhạc phi chính thống), Indie (Independent music – âm nhạc độc lập). Về cơ bản, đây là hai xu hướng âm nhạc với sự tham gia của các nhà sản xuất, nhạc sĩ, ca sĩ hoạt động độc lập, phân biệt với những hãng ghi âm, công ty giải trí hoạt động mang tính thương mại, chịu sự chi phối của thị trường.
Tuy nhiên, giữa Underground và Indie vẫn có nhiều điểm khác biệt. Từ lịch sử hình thành của nó, Underground gắn liền với các hoạt động nghệ thuật ngợi ca tinh thần tự do cá nhân đến mức cực đoan. Có nhiều trường hợp, các ca sĩ theo dòng Underground chỉ tham gia hoạt động sáng tác trên internet, không biểu diễn, phát hành ca khúc. Trong khi đó, Indie là xu hướng âm nhạc theo hướng tìm tòi, thể nghiệm cá nhân. Các nhạc sĩ, ca sĩ thường tự phát hành ca khúc, album thông qua các website chia sẻ nhạc trực tuyến như Soundcloud, youtube,… và tổ chức các chương trình biểu diễn tại nhiều địa điểm công cộng nhỏ lẻ như đường phố, quán cafe, quán bar… Những nhạc sĩ theo trào lưu Indie cũng không cố định mình trong bất kỳ một phong cách rap, pop, rock hay dân ca,… mà đi theo sở thích cá nhân.
Đều là những xu hướng âm nhạc xuất hiện từ những năm 50 đến 60 của thế kỷ trước tại các quốc gia phương Tây, song Underground và Indie mới chỉ thật sự trở thành cơn sốt trong giới “chơi nhạc” thời gian qua nhờ các tiện ích chia sẻ nhạc trực tuyến. Một vài gương mặt quen thuộc từ cộng đồng Indie bước đầu đã để lại dấu ấn trong công chúng phổ thông, tiêu biểu có thể kể đến: Quái vật Tý hon, ban nhạc Đa Sắc, Ngọt hay Vũ. Dẫu vậy, điểm nổi bật của các ban nhạc này mới chỉ dừng lại ở sự gần gũi, ấm áp về mặt ca từ, đề tài giản dị mang hơi thở cuộc sống chứ chưa có nhiều đột biến, thể nghiệm trong giai điệu.
Trong khi đó, phong trào Underground sau một thời gian dài phát triển tại Việt Nam cũng bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chính đến từ sự cạn kiệt về mặt chủ đề cùng những tranh cãi không hồi kết giữa những tên tuổi đình đám của dòng nhạc này. Mặc dù đang là những trào lưu cuốn hút giới trẻ đam mê âm nhạc, đời sống của Underground và Indie cũng khá bấp bênh. Chủ yếu xuất phát từ vấn đề bản quyền âm nhạc khi nhiều sản phẩm Underground, Indie hay rất thoải mái trong việc “mượn” giai điệu, phối lại (remix) giai điệu của ca khúc khác.
Vì lý do này, nhiều trang chia sẻ âm nhạc trực tuyến – “mái nhà” của các sản phẩm Underground và Indie đang đối mặt với các vụ kiện lớn dẫn đến nguy cơ đóng cửa, dừng hoạt động. Bên cạnh đó, việc tự ý phát hành album mà không qua cấp phép của một số ca sĩ thuộc dòng nhạc Underground, Indie đã và đang vi phạm các quy định của pháp luật.
Dù đã đạt được một số điểm nhấn tại Việt Nam nhưng cũng như tại các quốc gia khác trên toàn thế giới, Underground và Indie mới chỉ là sân chơi, nơi tập dượt, tìm cơ hội của những người đam mê âm nhạc trước khi họ bắt đầu bước vào hoạt động chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, sự phát triển của Underground và Indie cũng cho thấy thực tế thiếu hụt các cuộc thi, sân chơi âm nhạc chính thống, uy tín để các nhạc sĩ, ca sĩ tiềm năng cho đến nhà sản xuất âm nhạc thể hiện năng lực của mình thay vì chạy theo các trào lưu có tính nhất thời.
Chính vì thiếu sân chơi chuyên nghiệp, thiếu các hoạt động khuyến khích sáng tạo âm nhạc, các buổi biểu diễn, khóa học khuyến khích sự tìm tòi những phong cách mới,… mà hiện nay số người “làm âm nhạc tử tế” tại Việt Nam ngày một ít ỏi. Tình trạng này cũng có một phần trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nhất là trong vấn đề định hướng, kiểm soát các chương trình, hoạt động âm nhạc kém chất lượng, tạo những sân chơi âm nhạc lành mạnh, thúc đẩy sự sáng tạo. Trong xã hội hiện đại, giải trí và hưởng thụ âm nhạc là nhu cầu quan trọng của công chúng, bởi vậy, nếu không sớm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng của nền âm nhạc giải trí trong nước thì sớm hay muộn thị phần âm nhạc Việt Nam sẽ bị sản phẩm âm nhạc nước ngoài lấn lướt trên chính sân nhà.
Theo QUANG MINH / NHÂN DÂN ONLINE