Hai kẻ có tên Thỏa Thuận và Tự Nguyện đã đánh cắp niềm tin và sự kính trọng của phụ huynh với một nơi, với những người mà lẽ ra đáng được kính trọng.
Tôi đoán chắc trong những ngày đầu năm học thì “Thoả thuận” và “Tự nguyện” là hai từ ám ảnh phụ huynh (kể cả thầy cô giáo đứng lớp) nhiều nhất. Nó gắn chặt với các loại phí phải đóng đầu năm học.
Câu chuyện về lạm thu nói nhiều, nói mãi cả chục năm nay, dư luận bức xúc nên cấp quản lý và chính quyền đã đưa ra những quy định để siết chặt (và cũng để chứng tỏ sự nghiêm khắc) trong việc thu chi ở trường cũng như đóng góp của phụ huynh.
Những biện pháp như thế ít nhiều có tác dụng. Với xã hội thì để trấn an, còn các trường thì cũng không thể tự tung tự tác, muốn thu kiểu gì thì thu được nữa.
Song, quy định nào thì cũng vẫn có chỗ lách nếu như các trường rắp tâm. “Thoả thuận” và “Tự nguyện” được thai nghén và sinh nở trong hoàn cảnh như thế. Thực tế thì cái tên của chúng cũng đã được người ta gợi ý trước khi sinh ra, ngay trong những quy định rồi.
“Thoả thuận” và “tự nguyện”, dù xuất phát từ thực tâm người học thì lúc này nhà trường, từ chỗ chủ động cung ứng dịch vụ một cách hệ thống bỗng dưng biến thành bị động đáp ứng yêu cầu một cách manh mún, cục bộ. Trong khi đó, giáo dục là lĩnh vực khoa học vừa khó, vừa nhạy cảm, không phải ai cũng hiểu nên việc “đáp ứng yêu cầu” cũng cần xem xét.
Còn nếu “Thoả thuận” và “Tự nguyện” được đưa ra để đối phó nhằm hợp pháp hoá hoạt động của nhà trường (cho dù phần đông học sinh và phụ huynh không mong muốn) thì chả cần phân tích gì thêm vì nó thể hiện rõ sự áp đặt và mất dân chủ.
Ví dụ như ở bậc tiểu học hiện nay thì nhiều trường liên kết với các trung tâm tiếng Anh để dạy thêm cho học sinh. Đây là công việc cần có sự bàn bạc và nhất trí với phụ huynh. Tuy nhiên, mọi công việc có lẽ đều làm chiếu lệ giữa hiệu trưởng với ban phụ huynh nhà trường.
Trường con tôi năm nay tiếng Anh liên kết chuyển sang một trung tâm khác. Lý do đưa ra chưa thuyết phục nên một vài phụ huynh phản ứng. Rốt cuộc thì những phản ứng yếu ớt và đơn lẻ ấy cũng đành “Thoả thuận” và “Tự nguyện” vì biết mình là thiểu số.
Họ ký vào tờ giấy xác nhận sự thoả thuận và tự nguyện trong trạng thái miễn cưỡng, thậm chí có cảm giác bị ép buộc. Làm như thế, nhiều phụ huynh đã tự dối lòng để đổi lấy sự an toàn và đảm bảo việc học của con em mình được yên ổn.
Dù “Thoả thuận” và “Tự nguyện” diễn ra trong sự ấm ức, chưa hài lòng nhưng phần đông phụ huynh đều ý thức không để con mình biết, sợ ảnh hưởng đến tâm hồn trong trẻo của các cháu. Tuy nhiên làm vậy cũng tức là đẩy chủ thể học tập ra ngoài rìa mà đáng ra chúng hoàn toàn được phép tham gia vào một vài nội dung nào đó.
“Thỏa thuận” và “Tự nguyện” thể hiện sự thân thiện, hợp tác và đồng thuận. Nhưng chính trong nhà trường chúng đã trở thành bình phong và mất đi ý nghĩa tích cực đó.
Hai kẻ trộm có tên là Thỏa Thuận và Tự Nguyện đã đánh cắp niềm tin và sự kính trọng của phụ huynh với một nơi, với những người mà lẽ ra đáng được kính trọng. Tôi chắc rằng chẳng thầy cô nào muốn “hai tên trộm” này lẻn vào trường nhưng đôi khi lực bất tòng tâm. Dần dà, sự hiện diện của chúng ở trường cũng trở thành quen, một số giáo viên đã bắt đầu thỏa hiệp, số khác ngó lơ vì sự yên ổn của chính bản thân mình.
Tho NGÔ THIỆU PHONG / VOV