Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Có cần phải ầm ĩ như thế không, thưa quý zị?


Loi nhoi và ầm ĩ, là hai từ tôi phản ánh về việc cộng đồng mạng “liên quân chiến phím” nhưng quên lắp não trong những ngày vừa qua. Khi tổng công kích “lên án” bìa SGK lớp 7 của NXB Giáo dục Việt Nam in hình Vạn lý trường thành (Trung Quốc) - một trong những di sản văn hóa của nhân loại đã được UNESCO công nhận. 

Có cần phải ầm ĩ như thế không, thưa quý zị?

Sở dĩ tôi nói hai từ này là vì một bộ phận cộng đồng mạng “thông thái” và quý phụ huynh “đáng kính” của chúng ta cứ auto chửi, chửi trời, chửi đất, nâng cao quan điểm chính trị, abc các kiểu… và chửi luôn ông Phùng Xuân Nhạ, bắt ông giải trình này nọ, vì sao không in hình các di tích, thắng cảnh của đất nước, vân vân và mây mây. Ơ kìa, cuốn sách này thì liên quan gì đến ông ý, nó xuất bản từ đợt cải cách SGK năm 2002, và đến nay đã được 16 năm, con em vẫn học hành ổn định, có ai thắc mắc gì đâu. Hơn nữa, ông Bộ trưởng mới nhậm chức từ 2016, sao phải bắt ông ấy giải trình… Mà nếu có ý kiến, tâm sự giải bày hay lên đồng tập thể thì phải nói tới cả bìa sách lịch sử lớp 6 - đấu trường La Mã (Italia), lớp 9 - cây cầu vượt biển (Nhật Bản), lớp 10 - Đền Parthenon (Hy Lạp) cho nó công bằng, ai lại “ưu ái, thiên vị” cho anh hàng xóm xấu bụng đến thế. Tất cả các cuốn sách đó, bên cạnh lịch sử Việt Nam đều in hình biểu tượng của một quốc gia hay một giai đoạn lịch sử nhất định của thế giới. Ơ hay, sao phải xoắn lên thế nhỉ! 


Có cần phải ầm ĩ như thế không, thưa quý zị?

Xin nói thêm về cuốn lịch sử lớp 7 cho quý phụ huynh và những nhà “yêu nước” (vì chắc chả mấy khi quý zị đọc tới nó) rằng, cuốn sách này có 2 phần: Phần 1 là Khái quát lịch sử thế giới trung đại, gồm 7 bài học, trong đó có sự hình thành và phát triển của xã hội phong kiến ở Châu Âu, Trung Quốc thời phong kiến, Ấn Độ thời phong kiến, các quốc gia phong kiến Đông Nam Á và những nét chung về xã hội phong kiến. Phần 2 là lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX. Nên việc trang bị kiến thức lịch sử thế giới cho học sinh là cần thiết, không có gì phải bàn. Các nước Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ có bề dày lịch sử mà các quốc gia trên thế giới đều tìm hiểu, nghiên cứu. Với hai phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam trong một cuốn sách, việc chọn một hình là cổng Văn Miếu Quốc Tử Giám và hình Vạn lý trường thành để làm bìa sách là điều rất đỗi bình thường. Chưa kể, việc trình bày đưa Văn Miếu lên trên để tôn vinh lịch sử nước nhà trước, sau đó mới đến đại diện của lịch sử thế giới thì đã là một điều đáng trân quý. Mặt khác, trong phần lịch sử thế giới có bài “Trung Quốc thời phong kiến”, thì việc lựa chọn Vạn lý trường thành để gợi mở về nội dung cho các em là điều không có gì ngạc nhiên; trong khi nó còn là một trong bảy di sản văn hóa của nhân loại, là thắng cảnh mà du khách trên toàn thế giới vẫn hằng ngày đến tham quan. Biết lịch sử thế giới, để dần hòa nhập vào thế giới hiện đại, nhất là trong thời kỳ giao thoa văn hóa và hội nhập quốc tế thì có gì sai? 

Cái thói đời thích chửi, tra khảo và moi móc tự bao giờ trở thành trào lưu vậy? Và ở bất cứ lĩnh vực nào, nó lại càng nóng bỏng hơn, khi có sự hiện diện của yếu tố TQ. Dân chủ và tự do ngôn luận đến mức này thì quá trớn quá, chả khác gì đám “nhân quyền” bờ hồ; cái tư tưởng “nhược tiểu”, a dua bầy đàn “bài Tàu thoát Hán” nó đã ăn vào máu nên khó thay đổi được phải không, thưa quý zị. Cổ nhân có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” nên việc nghiên cứu và tìm hiểu về TQ hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới luôn quan trọng. Để từ đó, ta tiếp thu những nền văn minh, những tư tưởng hay biết được bản chất, ưu khuyết điểm trong quá khứ của họ. Từ đó, để phòng ngừa và đối đầu tốt hơn khi xảy ra những biến cố trong tương lai. Phải biết tiên sư nó là ai, lịch sử hình thành, phát triển của nó như thế nào (đặc biệt là TQ) thì mới có biện pháp đối phó hữu hiệu, trong khi đây chỉ là một tấm hình, giời ạ! Đương nhiên, thủ đoạn thâm độc của TQ là có thật, âm mưu độc chiếm Biển Đông của chúng là có thật; và chúng ta hợp tác (đôi bên cùng có lợi) với nó là có thật, bởi chả dại gì mà không hợp tác với một nền kinh tế thứ 2 thế giới, một đất nước đông dân nhất thế giới với một thị trường tiêu thụ vô cùng rộng lớn như vậy… Thử hỏi, trên người hay trong nhà của quý zị có bao nhiêu đồ không phải có thành phần hay xuất xứ từ TQ? 

Mỗi người dân Việt luôn mang trong mình một tinh thần tự tôn dân tộc, một tình yêu quê hương đất nước cháy bỏng và luôn lo lắng cho vận mệnh của quốc gia. Nhưng không phải một cách mù quáng, như cờ hó ăn phải bả; ngáo đá phê thuốc mà nhảy dựng lên, moi móc, thêu dệt và nâng cao quan điểm gây hoang mang dư luận. Hãy yêu nước bằng một trái tim nóng và một cái đầu lạnh, thưa quý zị!


ĐỜI CÁT