Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

CUỘC ĐẤU PHÁO KHÔNG CÂN SỨC TRÊN ĐỒI E1

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…” chiến đấu và phục vụ chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, mưu trí “gan không núng, chí không mòn”; những tấm gương anh dũng hy sinh “dù bom đạn xương tan, thịt nát. Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”….

CUỘC ĐẤU PHÁO KHÔNG CÂN SỨC TRÊN ĐỒI E1
Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu tặng quà gia đình chính sách trong một lần lên thăm xã Mường Păng, huyện Điện Biên.
65 năm đã trôi qua, những người lính khi đó đang độ tuổi đôi mươi nay đều đã qua tuổi bát tuần. Sau chiến tranh, những người lính lần lượt ra quân và trở về với cuộc sống đời thường, nhưng trong tất cả họ vẫn luôn tâm niệm: Là Chiến sĩ Điện Biên, là Cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ; thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở…
“Không ai muốn chiến tranh để trở thành Anh hùng, nhưng khi có chiến tranh, thì cả nước cùng bảo nhau cầm súng. Nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, tất cả để chúng ta có cuộc sống độc lập, tự do…” - Đại tá, Anh hùng LLVT (lực lượng vũ trang) Phùng Văn Khầu mở đầu câu chuyện khi tiếp chúng tôi.
Đã 65 năm trôi qua, người lính mưu trí, dũng cảm, một mình với khẩu sơn pháo đánh địch khi đó đang độ tuổi đôi mươi nay đã gần 90 tuổi, song những ký ức trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ - về 36 ngày đêm chiến đấu trên đồi E1 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí Đại tá Phùng Văn Khầu, dân tộc Nùng, xã Đức Hùng, huyệnTrùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Nhớ lại những ngày cuối năm 1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, được sự động viên khích lệ của cha, ông đã cùng với bao thanh niên khác trong bản rời quê hương Trùng Khánh đến thị xã Cao Bằng tìm gặp bộ đội cách mạng.
Sau khi đăng tuyển nhập ngũ, ông xin vào Bộ đội Pháo binh bởi một suy nghĩ đơn giản “bộ binh có súng nhỏ bắn một phát chỉ được một tên địch thôi, còn pháo binh bắn một phát nhưng diệt được nhiều tên địch, đất nước sẽ mau hết giặc và sớm được giải phóng”…
Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, sau khi quân ta giành được thắng lợi đợt 1, ngày 18/3/1954, Đại đội Sơn pháo 755 của Đại tá Phùng Văn Khầu đang đóng quân tại đồn Vàng (Phú Thọ) được lệnh hành quân gấp lên tham gia Chiến dịch.
Như bao người lính khác, ông vui mừng hò reo vì có cơ hội được ra trận, sát cánh cùng đồng đội chiến đấu giải phóng quê hương, trái ngược hẳn cái cảm giác xốn xang, bứt rứt, đứng ngồi không yên mỗi khi nghe tin từ chiến trường báo về…
“Đại đội tôi có 3 khẩu đội (mỗi khẩu đội 9 người) được cấp 3 khẩu pháo 75 ly, mỗi khẩu nặng gần 500kg, tầm bắn xa nhất là 6km. Thông thường, để di chuyển được một khẩu pháo như thế, đơn vị phải tháo rời ra từng mảnh, chia cho 27 người khuân, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, khẩu đội của tôi phải gấp rút vào trận địa, tôi cùng 8 đồng đội đã vác nặng gấp 3 lần bình thường. Sau 6 ngày hành quân, đến tối 20-3, chúng tôi đã tiếp cận được đồi E1 và bắt đầu chuẩn bị công sự chiến đấu...” - ông Khầu nhớ lại.
Đồi E1, nơi chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt nằm ở phía Đông Bắc trung tâm Mường Thanh, cạnh đường 42, đường Tuần Giáo vào Điện Biên. Quân Pháp đặt đồi E1 là cứ điểm quan trọng trong cụm cứ điểm phòng ngự tuyến 2 sau cụm Him Lam. E1 nằm sát đường 42, từ Him Lam qua E1 xộc thẳng vào trung tâm Mường Thanh. E1 được quân Pháp xây dựng thành một cứ điểm rất mạnh trong phòng ngự không khác gì Him Lam, có hệ thống giao thông hào bao quanh nối dọc, ngang rất cơ động trong tác chiến.
Cứ khoảng 3m giao thông hào, trên mép hào có một hố đựng sẵn vài chục quả tạc đạn màu vàng, các ụ súng máy, hầm hào thiết bị vững chắc, nóc hầm lát những khúc gỗ to đường kính 20 - 40 cm, trên xếp những bao cát, đất rất dày, rất khó phá bằng đạn pháo. Từ E1 có thể quan sát, phát hiện khống chế mọi hoạt động tiếp cận của ta từ phía đường 42 vào và là lá chắn bảo vệ an toàn cho trận địa pháo và sân bay Mường Thanh của địch…
Chính vị trí quan trọng như vậy nên trận chiến đấu ở đồi E1 luôn trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, đã là người lính chiến đấu ở đây, chắc chắn ai cũng phải “bền gan, ngoan cường, mưu trí, dũng cảm”.
Theo Đại tá Phùng Văn Khầu, trận địa pháo của địch nằm bên cạnh sông Nậm Rốm, cách khẩu đội ông khoảng 250m. Đài quan sát bổ trợ của ta nằm trong tầm bắn của xe tăng địch cách đó chưa đầy 300m, cùng với phi pháo, chúng xới tung nhiều lần khiến chiến sĩ bị thương vong tưởng không trụ nổi.
Các trận địa cối và cả các trận địa của đại đội sơn pháo của ông cũng không nằm ngoài tầm bắn của tăng địch, luôn luôn trong tình thế hiểm nguyên ác liệt, sau nhiều lần bị bắn trúng, thương vong gần hết. Người đồng đội còn lại là Khẩu đội phó kiêm pháo thủ Lý Văn Pao cũng bị trúng đạn, mất đi bàn chân trái…
Cuối cùng, đại đội sơn pháo chỉ còn lại mỗi Khẩu đội trưởng kiêm pháo thủ Phùng Văn Khầu. Dù bị thương, ông vẫn cùng với đài quan sát kiên cường bám trụ chiến đấu đến cùng, quần nhau với địch.
Một trận đấu pháo diễn ra không cân sức, vô cùng ác liệt, nhưng bằng sự dũng cảm, mưu trí, khẩu đội sơn pháo của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt hoàn toàn cụm hỏa lực, trận địa pháo của địch với 4 lô cốt, 5 khẩu 105 ly, 6 khẩu đại liên, một kho đạn và nhiều sinh lực địch, phục vụ chi viện đắc lực cho bộ binh ta tiến công vào trung tâm tập đoàn cứ điểm cho đến giờ toàn thắng, 17h ngày 07/5/1954 lịch sử…
“Mỗi lần thấy đồng đội nằm xuống, được đưa về tuyến sau, tôi càng thấy mình cần phải quyết tâm cao hơn, dồn hết tâm trí vào nòng pháo để bắn hạ từng mục tiêu địch. Sau khi anh Pao bị thương, không thể chiến đấu được, lúc đó chỉ còn lại mình tôi, tình thế cấp bách, tôi gắng sức một mình thao tác từ quan sát, ngắm mục tiêu, nạp đạn, giật cò…” - giọng ông Khầu đầy nhiệt huyết, sinh động khiến chúng tôi mường tượng, cảm nhận trận chiến khốc liệt đó diễn ra ngay trước mắt.
Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, Khẩu đội trưởng kiêm pháo thủ Phùng Văn Khầu cùng một số đồng chí đã vinh dự được đại diện cho lực lượng tham gia chiến dịch, lên chiến khu Việt Bắc báo công với Bác Hồ. Tại đây, pháo thủ Phùng Văn Khầu được Bác ôm hôn, tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên. Ngày 31/8/1955, ông và một số đồng chí khác được gặp Bác Hồ lần thứ hai và vinh dự được tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
Vậy là đã 65 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…, chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của quân thù trong tâm trí người Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Phùng Văn Khầu vẫn vẹn nguyên. Khóe mắt ông cay cay, ông cười vui trong khi những giọt nước mắt trực trào rồi lăn dài trên má, rồi ông bảo, không bao giờ quên được hình ảnh ngày chiến thắng 07/5/1954, khi cờ trắng, vải trắng của địch giơ cao trên đầu dọc khắp các chiến hào - “Tất cả chúng tôi cùng sung sướng hô vang: Chiến thắng! Chiến thắng rồi, Hồ Chủ tịch muôn năm!”…
Thảo Vy