Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

MỘT QUYẾT ĐỊNH MANG TÍNH LỊCH SỬ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP


Đó là quyết định hoãn cuộc tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, xây dựng các phương án tác chiến mới, kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trước giờ nổ súng.

MỘT QUYẾT ĐỊNH MANG TÍNH LỊCH SỬ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo như kế hoạch cũ, ta sẽ tấn công Điện Biên Phủ vào lúc 17 giờ ngày 25/01/1954. Tuy nhiên gần ngày nổ súng, một chiến sĩ của đại đoàn 312 bị địch bắt. Bộ phận thông tin kỹ thuật của ta nghe địch thông báo cho nhau qua điện đài về ngày giờ tiến công của bộ đội ta. Đây là diễn biến đầu tiên nằm ngoài dự kiến, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn lại thời gian nổ súng 24 tiếng để đánh giá lại tình hình. Là người giữ trọng trách chỉ huy chiến dịch Đại tướng Võ Nguyên Giáp không khỏi có những băn khoăn trăn trở, Đại tướng nhớ lại lời dặn của Hồ Chủ tịch trước lúc lên đường: “Chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn”. Sau khi đánh giá lại tình hình, Đại tướng nhận thấy sự lạc quan tinh thần của bộ đội ta là rất tốt nhưng lại không đúng với thực tế của chiến trường. Nhiều người cho rằng sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo và cao xạ sẽ làm cho quân địch choáng váng, nhưng chúng ta chỉ có vài nghìn viên. Đặc biệt, mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội khi xuất quân, tin vào sức mạnh tinh thần. Nhưng sức mạnh tinh thần cũng chỉ có giới hạn. Không phải chỉ với sức mạnh tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch! Chúng ta cũng không thể giành chiến thắng với bất kể giá nào, vì phải giữ gìn vốn liếng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Trong khí đó tình hình địch đã thay đổi nhiều. Chúng đã củng cố công sự phòng ngự, không còn là trận địa dã chiến. Bộ đội ta sẽ phải tiến hành một trận công kiên vào một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc chưa từng có. Phân tích điểm mạnh của tập đoàn cứ điểm, Đại tướng nhận định ba khó khăn khi bộ đội ta tấn công: thứ nhất, bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, chúng ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, dưới tiểu đoàn, công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều; thứ hai, trận này tuy ta không có máy bay, xe tăng, nhưng đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với qui mô lớn lần đầu, mà lại chưa qua diễn tập; thứ ba, bộ đội ta từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài 15km, rộng 6-7km. Vấn đề này phải giải quyết nhanh bởi khi đó các đơn vị pháo binh đã vào vị trí, các đại đoàn đều có mặt ở tuyến xuất phát xung phong.
Nhận thấy những điểm yếu và khó khăn trên, Đại tướng đã có một quyết định sáng suốt và kịp thời là hoãn trận đánh, cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu cách đánh khác dù bộ đội có thắc mắc. Phải chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Thời gian chuẩn bị sẽ kéo dài. Ngoài công tác chuẩn bị đánh địch ở Điện Biên Phủ, bộ đội ta cần có những hoạt động tạo nên bất ngờ mới cho địch. Sẽ điều ngay một cánh quân sang Thượng Lào thu hút quân địch về hướng này, có thể quét sạch hành lang Điện Biên Phủ - Luông Pha băng chúng mới lập ở lưu vực sông Nậm Hu và yêu cầu Liên khu V triển khai nhanh chiến dịch Tây Nguyên. Để triển khai nhanh các kế hoạch trên Đại tướng đã triệu tập cuộc họp Đảng ủy mặt trận vào ngày 26/01/1954. Trước cuộc họp Đại tướng đã có nửa giờ gặp mặt với đồng chí Vi Quốc Thanh, trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc để trao đổi những kế hoạch của mình và đề nghị đồng chí thuyết phục các đồng chí chuyên gia đã cho rằng chỉ có đánh nhanh, thắng nhanh mới giành được thắng lợi…
Tại buổi họp Đảng ủy mặt trận, Đại tướng đã trình bày những suy nghĩ chung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau hội nghị Thẩm Púa tới nay, ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh. Có rất nhiều ý kiến của các cán bộ chủ chốt trong cuộc họp vẫn bảo lưu kế hoạch tác chiến cũ như: “đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em đều rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích cho bộ đội làm sao”“cứ giữ vững quyết tâm. Hậu cần chuẩn bị tới bây giờ đã khó khăn. Nếu không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được” hay “lần này ta có ưu thế về binh lực, pháo 105 ly và pháo cao xạ xuất hiện lần đầu sẽ tạo bất ngờ lớn, lại có kinh nghiệm của bạn, nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi”. Trước những ý kiến đó, Đại tướng nhấn mạnh “tình hình khẩn trương. Cần sớm có quyết định. Vô luận tình hình nào, chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là: Đánh chắc thắng… tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi “nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”. Sau nhiều ý kiến trả lời câu hỏi trên, Đảng ủy đi tới nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục. Từ đó, Đại tướng đưa ra kết luận: Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tấn công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về điểm tập kết và kéo pháo ra, chuẩn bị lại. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.
Và thực tế đã chứng minh quyết định sáng suốt của Đại tướng, để sau một thời gian chuẩn bị lại kỹ lưỡng về mọi mặt, ngày 13/3/1954, pháo binh ta trút bão lửa xuống trung tâm đề kháng Him Lam, mở màn cho chiến dịch và trải qua 56 ngày đêm chiến đấu với những cách đánh táo bạo nhưng chắc thắng, ngày 07/5/1954 lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nắp hầm sở chỉ huy của quân Pháp, chúng ta đã kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ với thắng lợi hoàn toàn.
Trung Nghĩa (tổng hợp)