Với con người, lương tâm luôn
là một phạm trù đạo đức, và dù trừu tượng đến đâu vẫn có thể đánh giá lương tâm
của mỗi người trên cơ sở họ thực hành các giá trị chân - thiện - mỹ. Không thể
gọi là có lương tâm khi “công khai hoạt động chống phá chính quyền, biến nơi ở
thành nơi làm ra, tàng trữ, lưu hành, phát tán nhiều tài liệu, hoạt động chống
phá Nhà nước...
Nhiều năm qua, mỗi khi đề cập vấn
đề nhân quyền tại Việt Nam, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu
thiện chí thường sử dụng khái niệm “tù nhân lương tâm” để vu khống, bịa đặt,
xuyên tạc. Và xét theo lịch sử, “tù nhân lương tâm” là khái niệm do Ân xá quốc
tế (AI) “nghĩ ra” rồi dựa vào đó để áp đặt, bênh vực, dung túng một số người có
hành vi vi phạm pháp luật. Vậy bản chất cái gọi “tù nhân lương tâm” là gì, “tù
nhân lương tâm” ở Việt Nam vẫn được AI ra sức bảo vệ là ai?
Khái niệm mới về “tù nhân lương
tâm”?
Ân xá quốc tế (Amnesty
International - AI) là một tổ chức phi chính phủ, ra đời năm 1961. Như Nguyễn
Trường Sơn - “hiện là người làm chiến dịch cho AI ở Campuchia và Việt Nam” trả
lời phỏng vấn của RFA ngày 12/3/2019 đã nói, thì trước đây người ta thường sử dụng
thuật ngữ “tù nhân chính trị”, nhưng “AI nhận thấy có rất nhiều người, không hề
hoạt động chính trị, mà chỉ đơn thuần thực hiện các quyền con người cơ bản của
mình, hoặc các quyền công dân của mình, vì thế mà họ phải chịu cảnh tù đày, bắt
bớ, đàn áp.
Những người như vậy nếu xét
theo tiêu chuẩn của một tù nhân chính trị thì không phải, cho nên AI đã nghĩ ra
một khái niệm mới, đó là tù nhân lương tâm”! Và xem xét cách thức AI sử dụng
khái niệm này thì phải khẳng định bản chất vấn đề là ở chỗ: AI cố tình sản xuất
ra một khái niệm mập mờ để xóa nhòa ranh giới giữa người hoạt động nhân quyền
đích thực với người chỉ nấp dưới chiêu bài nhân quyền để gây rối, chống đối,
phá hoại.
Qua thực tế sử dụng cái gọi “tù
nhân lương tâm” nhằm vu cáo chính quyền tại một số quốc gia, AI tỏ rõ thái độ
xem thường, bất chấp luật pháp, xâm phạm vào công việc nội bộ của một số quốc
gia có chủ quyền.
Điều này giúp lý giải tại sao đầu
năm 2016, đề cập “báo cáo nhân quyền năm 2015” của AI, Bộ Ngoại giao Thái Lan
cho rằng phần đề cập nhân quyền tại Thái Lan là “không cân bằng”, “không xét bối
cảnh đặc biệt” của nước này, “phớt lờ các thách thức dai dẳng Thái Lan đang đối
mặt, đó là nhu cầu phải có sự cân bằng giữa quyền tự do tụ tập, tự do bày tỏ
quan điểm trong khi phải ngăn chặn những xung đột chính trị tái diễn...; không
phản ánh các tiến triển tích cực xuất phát tự nỗ lực thực sự của Chính phủ Thái
Lan để cải thiện nhân quyền”.
Về cơ bản, “tù nhân chính trị”
là khái niệm chỉ các cá nhân có quan điểm, hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa,
thách thức chính quyền, xâm phạm an ninh, chủ quyền quốc gia nên bị tòa án xét
xử, bị giam giữ hoặc quản thúc. Luật pháp mọi quốc gia trên thế giới đều có điều
khoản cụ thể về các hành vi này, làm cơ sở để tòa án xác định tội danh.
Cần nhấn mạnh, đã vi phạm pháp
luật thì không cá nhân nào có quyền miễn trừ, dù người đó có được AI gắn nhãn
hiệu “tù nhân lương tâm”. Do vậy, với việc “nghĩ ra” khái niệm “tù nhân lương
tâm” sử dụng làm quy chuẩn áp đặt lên thế giới, AI đã cố tình tấn công các quốc
gia lựa chọn con đường phát triển riêng, không chấp nhận sự chi phối của các thế
lực đã tạo dựng AI; đồng thời biện hộ, bảo vệ người gây rối xã hội, chống phá
chế độ, xâm phạm an ninh quốc gia… và bị pháp luật xử lý.
Dư luận thế giới đã rất nhiều lần
lên tiếng phản đối, coi báo cáo nhân quyền của AI chỉ một chiều; AI không coi
hành vi đe dọa an ninh là yếu tố cần xem xét, và mở rộng sự độc đoán, thúc đẩy
ý thức hệ của khái niệm nhân quyền. Và người làm việc ở AI cũng nhận ra điều
này, như tại Hội nghị hội đồng quốc tế AI tổ chức ở Dakar (Senegan) có đại biểu
cho rằng “AI có thể biến thành một “cửa hàng tạp hóa nhân quyền” và mất uy
tín”.
Còn F. Boyle - cựu thành viên
ban điều hành AI tại Mỹ, nói: “AI chủ yếu được thúc đẩy không phải vì quyền con
người, mà vì sự công khai. Thứ hai, là tiền. Thứ ba, nhiều thành viên hơn. Thứ
tư là trận chiến nội bộ. Cuối cùng mới là quyền con người”...
Những kẻ buôn lương tâm
Nhiều năm nay, trong các loại
tuyên bố, phúc trình, báo cáo, phát ngôn… của một số tổ chức, cá nhân, thậm chí
một số chính phủ, về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, khái niệm “tù nhân lương
tâm” được sử dụng như mặc định để biện hộ cho một số người Việt Nam có hành vi
vi phạm pháp luật, bị tòa án nhân dân (TAND) xét xử, tuyên án...
Mỗi khi một vụ án liên quan hoạt
động chống phá Nhà nước được đưa ra xét xử, là AI vội trưng cái gọi “tù nhân
lương tâm” để vu cáo Việt Nam, yêu cầu “phải trả tự do vô điều kiện”! Trong số
người được AI gọi là “tù nhân lương tâm” và một mực bảo vệ, nổi lên thấy có
Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Lê Công Định, Nguyễn Đan Quế, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn
Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức,
Nguyễn Văn Hải, Hoàng Đức Bình, Huỳnh Trương Ca...
Với con người, lương tâm luôn là
một phạm trù đạo đức, và dù trừu tượng đến đâu vẫn có thể đánh giá lương tâm của
mỗi người trên cơ sở họ thực hành các giá trị chân - thiện - mỹ. Không thể gọi
là có lương tâm khi “công khai hoạt động chống phá chính quyền, biến nơi ở
thành nơi làm ra, tàng trữ, lưu hành, phát tán nhiều tài liệu, hoạt động chống
phá Nhà nước, thành lập cái gọi là đảng Thăng tiến Việt Nam, móc nối, cấu kết
các thế lực phản động ở trong và ngoài nước chống đối Nhà nước, đi ngược lại lợi
ích của nhân dân, của dân tộc” như Nguyễn Văn Lý; “lợi dụng các quyền tự do dân
chủ, kích động nhân dân chống chính quyền, chống chế độ, gây phương hại tới an
ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội” như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh; “đưa ra đường
lối, các kế hoạch hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, cấu kết với đối
tượng cầm đầu tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài để bàn bạc, thống nhất
phương thức hoạt động để lật đổ chính quyền nhân dân…” như Trần Huỳnh Duy Thức;
“thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên Facebook cá nhân những thông tin, tài liệu
tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ đa nguyên, đa đảng; kích động người dân Giáo
xứ Trung Nghĩa (Hà Tĩnh) bao vây, tấn công tổ tuần tra của Công an, đập phá tài
sản nhà trưởng Công an xã, kéo lên trụ sở Công an huyện, UBND huyện Lộc Hà (Hà
Tĩnh) gây mất trật tự an ninh” như Hoàng Đức Bình…
Chỉ với âm mưu lật đổ chế độ, tấn
công lực lượng chức năng, đập phá trụ sở chính quyền thì ở bất kỳ quốc gia nào
cũng bị truy tố, xét xử trước pháp luật. Riêng có AI lu loa đó là “hoạt động ôn
hòa, thực thi quyền tự do bày tỏ ý kiến để thúc đẩy nhân quyền”!
Trong quan hệ với Việt Nam,
càng gần đây AI càng tỏ ra ngạo mạn, hung hăng, luôn tìm cách phê phán, xuyên tạc
mọi sự kiện, hành vi vi phạm pháp luật. Đối với Luật An ninh mạng của Việt Nam,
AI vừa gửi “thư ngỏ” đến Quốc hội Việt Nam để phản đối, vừa gửi “thư ngỏ” đến
Facebook, Microsoft, Samsung Apple, Google, để yêu cầu “tạo áp lực lên Nhà nước
Việt Nam”!
Dù không được mời dự Diễn đàn
Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tháng 9/2018 ở Hà Nội, AI vẫn cố tình cử người đến,
và không được nhập cảnh thì la lối vu cáo. Ngày 09/3/2019, sau khi cơ quan Công
an thông báo bắt giữ Hà Văn Nam để điều tra hành vi “Gây rối trật tự công cộng”,
AI lập tức gắn cho người này nhãn hiệu “tù nhân lương tâm”, đòi “phải trả tự do
ngay lập tức”!
Thậm chí, gần đây, trước -
trong và sau các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm xét xử Từ Công Nghĩa, Nguyễn Quốc
Hoàn, Lưu Văn Vịnh, Phan Trung, Nguyễn Văn Đức Độ vì đã hoạt động xâm phạm an
ninh quốc gia, lập tổ chức phản động, tuyên truyền đả kích, bôi nhọ, xuyên tạc
chủ trương, đường lối, chính sách, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và lật
đổ Nhà nước, AI cũng la lối bằng đủ loại tuyên bố, yêu cầu, vu cáo, xuyên tạc…
Đề cập cái gọi là “tù nhân
lương tâm” ở Việt Nam theo quan niệm của AI, Kim Âu - một kẻ nổi tiếng chống cộng,
cho rằng: “Gọi chúng là tù nhân lương tâm thì sai nên sửa lại là “tù nhận lương
tháng” mới đúng”! Ý kiến của Kim Âu dựa trên điều ông ta cho rằng các “tù nhân
lương tâm” này không quan tâm đến nhân quyền, mà chỉ hoạt động để kiếm tiền tài
trợ của nước ngoài.
Sau khi ra nước ngoài định cư,
qua bài “Cây muốn lặng, gió chẳng đừng”, Trần Khải Thanh Thủy kể các khoản
lương hằng tháng người này được chu cấp gồm: tổ chức khủng bố “Việt Tân” 200
USD, Bích Huyền 400 USD, Báo Người Việt 200 USD, “từ Đàn chim Việt đến Viet
Tide, Người Việt, Thời báo, bèo nhất cũng trả 25 USD, cao nhất là 80 - 100
USD/bài, còn lại từ 30 - 50 USD một bài”!... Do đó, chỉ có thể coi đây là những
người buôn lương tâm, họ lấy AI làm chỗ dựa, là thế lực giúp họ biện hộ cho mọi
hành vi bất minh.
Xét đến cùng, lương tâm là nền
tảng tinh thần để mỗi người tự điều hướng suy nghĩ, hành động. Người trân trọng
lương tâm sẽ có hành vi lành mạnh, đúng đắn, góp điều tốt đẹp với cuộc sống. Vì
thế, trong xã hội đã nảy sinh hai khái niệm đối lập nhau là lương tâm và vô
lương tâm.
Từ thái độ, việc làm của AI với
cộng đồng quốc tế và Việt Nam, hoàn toàn có thể đặt các câu hỏi: Phải chăng AI quan tâm bảo vệ hành vi vô
lương tâm hơn là ca ngợi, bảo vệ các hành vi biểu thị cho giá trị của lương
tâm? Phải chăng trên thực tế, AI không chỉ bảo bọc người vi phạm pháp luật, mà
còn cố tình làm chỗ dựa giúp một số người biến lương tâm thành món hàng để trục
lợi?
Tất nhiên, chỉ những người đang
tổ chức, điều hành AI mới có thể trả lời các câu hỏi này, cũng chỉ có họ mới là
yếu tố quyết định AI có hành xử thật sự xứng đáng với những gì tổ chức này vẫn
rêu rao. Và cũng chỉ có họ mới điều chỉnh được lương tâm của chính AI trước khi
phán xét vấn đề nhân quyền, hoặc gắn tên tuổi của bất kỳ người nào với khái niệm
“lương tâm”./.
Phạm Nguyễn