Dư luận những ngày qua đang xôn xao về thông tin một cô gái tên Y Nhiêu (SN 1995, trú tại thôn Pêng Siêl, xã Đak Pét, huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum) tố cáo bị đánh đập, hành hạ dã man khi đi làm thuê tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Khi cơ quan Công an vào cuộc, báo chí liên tục thông tin, sự việc dần dần được làm sáng tỏ, người ta mới vỡ lẽ ra rằng: cô gái đáng thương ấy lại là nạn nhân của một “chị sồn sồn” ngáo đá! Mà đúng là chỉ có bị ngáo đá, người ta mới đối xử với nhau như thời trung cổ thế, chứ thời đại nào rồi lại còn có chuyện người biến người thành nơi để trút giận, để hành hạ, để tra tấn tàn nhẫn thế kia!
Đối tượng Nguyễn Thị Hà. |
Theo người dân địa phương thì “chị sồn” ấy cũng chẳng mấy ai xa lạ. “Chị” là Nguyễn Thị Hà (tên thường gọi là “Nga phoọc”, SN 1979, trú tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai; tạm trú tại tổ 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku). Khi được Công an TP.Pleiku mời lên làm việc, xác định “chị” có biểu hiện ngáo đá nặng, lực lượng Công an đã đưa đến cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai để điều trị từ ngày 12/7.
Những ngày đầu ở cơ sở cai nghiện, “chị” liên tục la hét, quậy phá, có biểu hiện ngáo đá ma túy nặng với 2 hội chứng là “ảo thính” và “ảo giác”. Y sĩ Trịnh Đình Tài (Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai) cho biết đây chính là 2 hội chứng đặc trưng của việc sử dụng ma túy đá kết hợp cùng “hút cỏ” trong một thời gian dài, với tần suất dày đặc. Điều này cũng chứng tỏ “chị” Hà thuộc diện nghiện “có thâm niên”. Suốt 3 ngày đầu ở trung tâm, hết la hét, quậy phá “chị” còn thường xuyên có biểu hiện sợ hãi, cho rằng có người muốn tìm giết mình, không chịu ăn uống. Các cán bộ y sĩ tại đây phải tìm mọi cách cho “chị” bình tâm trở lại, “chị” mới bắt đầu chịu ăn và uống sữa. Cứ nhìn các vết thương trên người cô gái tên Y Nhiêu, người ta mới tưởng tượng hết được mức độ tàn bạo của các đòn tra tấn mà “chị sồn” Hà dành cho cô gái này và mức độ đau đớn về cả thể xác, tinh thần mà Y Nhiêu phải chịu đựng. Tay trái bị ủi bàn là, hơ nóng thanh sắt trên bếp than rồi dí lên người. Mặt thì vừa rạch dao lam, ủi bàn là và hơ sắt nóng. Răng bị dùng búa đập, kìm bẻ. Tai thì bị dùng kìm cắt kẽm cắt đứt, thỉnh thoảng còn bị dùng khò lửa khò vào da, vào thịt. Mang thai 5 tháng bị dẫm đạp vào người dẫn đến xảy thai… Còn gì tàn bạo hơn? Ắt hẳn, mỗi lần “phê” xong, “chị sồn” Hà thiếu chỗ lắc, bay, lại đưa Y Nhiêu ra làm trò tiêu khiển. May mà chị chưa nhét tỏi vào mồm, chưa tưởng tượng Y Nhiêu thành con rồng, con quái vật gì đấy đang truy sát mình. Nếu không, thứ mà người dân tìm thấy trong ống cống kia chắc chắn không phải là một Y Nhiêu còn thoi thóp, lành lặn…
Toàn thân chị Nhiêu còn di chứng của vô vàn vết thương. |
Sau một thời gian khẩn trương tích cực điều tra, ngày 24/7/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hà, ra lệnh tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Dư luận đang rất hoan nghênh việc làm của các cơ quan chức năng đã kịp thời xác minh, điều tra làm rõ vụ án để đưa ra truy tố, xét xử đúng người, đúng tội. Nhưng cũng không khỏi cám cảnh. Cám cảnh bởi vấn nạn chơi ma túy đá, ngáo đá với những hệ quả, hành vi vô cùng nguy hiểm cho xã hội đã diễn ra khắp các địa phương trong cả nước thời gian qua. Buồn tình đu dây điện - ngáo, chém người, giết người - ngáo, nhét tỏi vô mồm người khác đến chết - ngáo, nay thì hành hạ, tra tấn người ta như con vật - cũng ngáo. Mẹ kiếp! Giờ mới thấy, một khi anh chị đã ngáo, chuyện quái gì cũng có thể xảy ra…
Mà nghĩ cũng lạ, trong suốt thời gian bà Hà hành hạ, tra tấn Y Nhiêu, rất nhiều dấu hiệu lạ, nhiều sự việc bất thường diễn ra xung quanh nhưng vụ việc không hề bị phát giác, ngăn chặn. Phải chăng, tại chị Hà có ba đầu sáu tay, giỏi che đậy. Hay sự gắn kết của mỗi cá nhân trong xã hội chúng ta ngày nay, mà trên hết là mối quan hệ láng giềng, hàng xóm… đã không còn đủ mạnh? Việc cả xã hội đồng thanh lên án, xót thương cho hoàn cảnh của Y Nhiêu đã cho thấy: cái ác, cái xấu xa, man rợ không bao giờ có chỗ đứng trong xã hội văn minh. Thế nhưng, việc hành động thế nào để cái ác, cái man di không lặp lại trong mối quan hệ giữa người với người, nhất là việc cảnh giác, phát hiện, dũng cảm tố cáo, lên án, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thì còn phải bàn đến nhìu lắm!