Ngày mai 22/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XIV khai mạc. Ngoài những
công việc thường kỳ, phiên họp lần này sẽ có hai sự kiện rất quan trọng, đó là
bầu Chủ tịch nước và lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê
chuẩn.
Đối với lấy phiếu tín nhiệm, kết quả, chất lượng có thể còn bàn
cãi, song về nguyên lý, đây được coi tương tự như một cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm
kỳ.
Song, công bằng thì việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, người dân
vẫn còn những băn khoăn, lo ngại. Điều này có thể hiểu được bởi đã từng xảy ra
một số vị được tỉ lệ phiếu tín nhiệm nhưng sau đó ít lâu, bị kỉ luật nghiêm
khắc.
Cũng có trường hợp về hưu rồi vẫn “day dứt” vì cho rằng việc đánh
giá về mình chưa chính xác như nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã
hội Phạm Thị Hải Chuyền khi bà trả lời trên VTV1 trong chương trình Quốc hội
với cử tri gần đây.
Vì thế, điều mà cử tri cả nước mong đợi tại kỳ lấy phiếu lần này
là sự khách quan, khoa học và chính xác.
Nói khách quan là mong muốn những lá phiếu không bị chi phối bởi
cảm tình, nể nang hay lý do nào đó. Việc nào ra việc ấy, tình riêng là tình
riêng, phép công là phép công. Đừng vì tình riêng mà phụ lòng cử tri trông đợi.
Đừng vì lý do nào đó để mất niềm tin cậy của Nhân dân.
Đó là không loại trừ việc “chạy” phiếu tín nhiệm như lời cảnh tỉnh
của ông Trương Tấn Sang (khi đó là Chủ tịch nước) cách đây gần 6 năm
(15/12/2012), tại buổi tiếp xúc cử tri các Quận 1, 3 và 4 TP.HCM:
“Coi chừng bỏ phiếu là đi chạy, đi vận động, sẽ có tình trạng chạy phiếu tức là vận động phiếu, mà vận động ở đây là vận động nháy nháy, móc ngoặc với nhau, được anh, được tôi. Đó là chuyện không lành mạnh. Phải bỏ phiếu trung thực, ông tốt thì phiếu nhiều, ông xấu thì phiếu ít hoặc không phiếu…” - Ông Sang nói.
Điều lo ngại thứ hai, chính là tính khoa học mà ở đây là nhận thức
và tiếp cận thông tin. Các đại biểu Quốc hội không chỉ cần tri thức để nhận
biết những ưu, khuyết điểm của từng vị trí mà còn phải có nhiều luồng thông tin
khác nhau để soi rọi dưới các góc nhìn khác nhau, từ đó có thể tiếp cận gần
chân lý nhất.
Công bằng, trong việc lấy phiếu như thế này, các thành viên Chính
phủ, lãnh đạo các bộ, ngành chịu nhiều áp lực nhất. Lý do, họ là những người
“tay chém, vai vác”, luôn luôn trực tiếp đối diện và giải quyết công việc.
Họ phải “đi” nên dễ “vấp” và càng đi nhiều, càng hay vấp còn nếu
những vị trí rất ít “di chuyển”, thậm chí có “đi” đâu mà “vấp”, có làm đâu mà
sai.
Công bằng, còn ở chỗ lựa chọn phương tiện, dụng cụ “cân, đo, đong,
đếm” bởi trong dân gian đã có câu “Đi nhẹ, nói khẽ, hay cười - Việc đâu bỏ đó,
là người phiếu cao”!
Việc đánh giá công bằng, khoa học, chính xác không chỉ để chỉ ra
những mặt hạn chế cần khắc phục, những mặt mạnh cần phát huy, động viên những
nỗ lực mà còn là mong mỏi của cử tri và của chính các đối tượng nằm trong diện
lấy phiếu.
Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng không chỉ là cuộc “sát hạch” giữa
nhiệm kỳ của Quốc hội đối với các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn mà còn
là dịp cử tri “sát hạch” các đại biểu Quốc hội và Quốc hội cả về tâm, tầm, trí,
đặc biệt là sự khách quan, trung thực, công bằng.
Thực ra qua nửa nhiệm kỳ, ai làm được gì, ai chưa làm được gì, cái
gì hay, cái gì dở dân biết hết. Mong rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc
hội tương đồng với đánh giá của cử tri, phải không các bạn?