Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

GIỮ GÌN VĂN HOÁ ỨNG XỬ TỐT ĐẸP TRONG GIA ĐÌNH!

   Dù chịu sự tác động, ảnh hưởng của nền văn minh phương Đông hay phương Tây, chắc chắn mỗi người đều cảm nhận được vai trò, vị trí của gia đình. Gia đình là tổ ấm, là chốn bình yên của mỗi chúng ta. Chính môi trường gia đình là cội nguồn nuôi dưỡng tình yêu thương gia đình, dòng họ, cộng đồng, quê hương, đất nước. Câu nói “Dù là vua hay dân cày, người nào tìm thấy sự bình yên dưới mái ấm gia đình thì đó là người hạnh phúc” phản ánh trọn vẹn vai trò, ý nghĩa của tổ ấm gia đình.
   Với tất cả ý nghĩa tốt đẹp đó, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2020 có chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” mang đến cho chúng ta nhiều thông điệp hay, hữu ích: Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc; xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; xây dựng môi trường gia đình - cộng đồng - xã hội an toàn, lành mạnh; yêu thương và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình; ông bà, cha mẹ mẫu mực - con cháu thảo hiền...
GIỮ GÌN VĂN HOÁ ỨNG XỬ TỐT ĐẸP TRONG GIA ĐÌNH!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Bác Hồ khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Do vậy, kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, quan tâm đến công tác gia đình, trong bất cứ thời kỳ nào cũng rất cần thiết. Qua đó, nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình; khẳng định vai trò to lớn của gia đình là tế bào của xã hội với mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.

“Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”; “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; “Anh em như thể chân tay/ Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”... đều là những câu ca dao lưu truyền từ đời này qua đời khác ca ngợi truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam. Trước những tác động của mặt trái xã hội đến gia đình, các cấp, các ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng, kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị mới, tiến bộ, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc...

Trong bộn bề lo toan của cuộc sống, mỗi người, mỗi gia đình nên cố gắng “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Gia đình luôn luôn mở rộng vòng tay chào đón chúng ta trước những ưu phiền, thất bại trong cuộc sống. Dù đi đâu, làm gì, mỗi người hãy luôn nhớ phía sau lưng mình là những người thân đang trông ngóng, chờ đợi. Bữa cơm gia đình chính là bữa ăn hạnh phúc, ý nghĩa nhất, dù đạm bạc. Hãy dành những tình cảm tốt đẹp nhất, những lời động viên, sẻ chia, yêu thương dành cho nhau...

Trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần gương mẫu xây dựng gia đình văn hóa, nêu gương người tốt, việc tốt, phòng, chống bạo lực gia đình và nuôi dạy trẻ em tốt, an toàn./.

KQ.