Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

LÀM GÌ CŨNG ĐỪNG CỰC ĐOAN

Chỉ vì một cây phượng mà phải đốn hàng ngàn cây phượng (nói chung và cây xanh nói riêng) thì ngành cần nên xem lại cách thức quản lý.
LÀM GÌ CŨNG ĐỪNG CỰC ĐOAN
Tuổi học trò đến trường không có những hàng phượng vĩ, những hàng cây xanh mát... thì chính các vị đang đốt cháy tuổi học trò.

Đừng triệt hạ cây Phượng. Cây Phượng đổ, rất đau lòng học sinh không may gặp nạn. Người ta bắt đầu thi nhau chặt cây Phượng. Nhưng hành động đó là quá cực đoan vơ cả nắm, chặt luôn cả các cây tốt khỏe thay vì chỉ nên chặt một số cây bị chết rễ. Và một viễn cảnh: sân trường trống trơn, những cây phượng nằm lăn lóc.

Chúng ta phải xem lại, nếu không phải là Phượng, mà trồng vào đó những bàng, sưa, trắc gụ hay cẩm lai thì có xảy ra tình trạng tương tự không, chắc chắn là có. Bất cứ cây nào cũng đều có những tuổi đời nhất định và mục ruỗng đi theo quy luật của tạo hoá.

Vậy thì dù là Phượng hay bất cứ cây gì, theo thời gian, rễ cũng sẽ bị thoái hoá, cây cũng bị rỗng ruột và việc không chịu được sự quăng quật của mưa bão, đó là lẽ thường tình. Một vấn đề chưa ai chịu đề cập, là cây cối trồng trong khuôn viên bên trên là bê tông hoá, thì việc bị thoái hoá rễ nhanh hơn cũng là điều dễ hiểu.

Thế nên vấn đề ở đây không phải là cây Phượng hay cho dù có bất cứ cây gì đi chăng nữa. Người ta đang không hiểu quy luật của cây cối nên sự việc đau lòng đã xảy ra.

Mọi người nhìn nhận lại, cây Phượng có thực sự "yếu ớt", có trở thành hung thủ thực sự hay không, khi mà bao đời nay, hàng Phượng vẫn đứng hiên ngang ở thành phố Hoa phượng đỏ Hải Phòng hay nhiều con phố nên thơ khác? Bên bờ sông Hương, Phượng vẫn đỏ rực tháng năm, hiên ngang qua mưa bão. Ngay bên bờ hồ Gươm, những cây Phượng xiêu ngã xuống mặt hồ, có thấy chúng bật gốc để đè lên bất cứ thứ gì?

Bao nhiêu thế hệ học trò đi qua, bao cây Phượng vẫn ngồi đếm thời gian như nhân chứng nhìn các thế hệ học trò đi qua, bao nhiêu cây đã ngã xuống và đè vào học trò?

Người ta đã chọn cây Phượng để đổ lỗi, thay vì chịu động não tìm giải pháp phù hợp. Ngoài việc tàn phá thiên nhiên, sẽ làm mất đi những hình ảnh đẹp của loài hoa học trò tạo ra muôn trùng lớp lớp ký ức trong trẻo của bao lứa tuổi cắp sách đến trường.

Chúng ta có cơ quan cây xanh đô thị và đơn vị có thể tham khảo ý kiến của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về thực vật học..., họ chắc chắn cũng từng có đề tài nghiên cứu về việc trồng cây xanh ở các khuôn viên bê tông, và giải pháp cho mùa mưa bão.

Các công ty cây xanh hàng năm vẫn cưa cây cắt cành trên phố mùa mưa bão. Vậy những khuôn viên công cộng như sân trường, công sở cũng cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn.

Trước khi chưa có những kết luận xác đáng của các cơ quan chuyên ngành, xin hãy dừng việc triệt hạ cây thiếu tính khoa học như thế!

Sân trường còn không chứa
Phượng bây giờ về đâu?

PS: xin lưu ý là mình không phải thuộc thành phần dân chủ cuội "yêu cây yêu cá" (thực chất các nhóm này là phản động trá hình để chống phá đất nước), nhưng vấn đề này rõ ràng ai cũng có thể nhìn ra sự cực đoan của hành động chặt cây vô tội vạ như thế, chúng ta cần phải có biện pháp quản lý cây xanh trong công sở, trường học một cách khoa học hơn thay vì cứ "thà cưa lầm còn hơn bỏ sót" như thế!
Đình Điệp.