Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

"Cách mạng màu" và "mùa xuân Ả Rập" có mỹ miều như thế!?


Mỗi khi một cuộc “cách mạng màu” hạ màn, hoặc “gió mùa xuân” đã thổi qua một quốc gia nào đó thì dân chủ, nhân quyền lại trở nên sa sút, tham nhũng ngày càng lan tràn, và quyền lực lại được sử dụng làm công cụ chủ yếu giúp một số phe phái chính trị thanh toán, triệt hạ lẫn nhau…

‘Cách mạng màu’ và ‘mùa xuân Ả Rập’ có mỹ miều như thế!?

Ngày 11-11-2016, đề cập báo cáo của Ủy ban Kinh tế, Xã hội vùng Tây Á (ESCWA) thuộc Liên hợp quốc mới công bố, bài Mùa xuân Ả Rập “gây tổn thất cho khu vực 600 tỷ USD” trên trang BBC tiếng Việt cho biết “phong trào mùa xuân Ả Rập” khiến khu vực này tổn thất 614 tỷ USD do từ năm 2011 đến nay không tăng trưởng; con số này tương đương với 6% tổng GDP của khu vực trong thời gian từ 2011 đến 2015.
Báo cáo mô tả tiến trình xã hội ở khu vực là “ảm đạm”, quyền công dân bị thụt lùi tại một số quốc gia. Số liệu cũng cho thấy các cuộc xung đột làm tồi tệ thêm tình trạng nợ nần, thất nghiệp, tham nhũng, đói nghèo, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tị nạn. Libya, Yemen, Syria vẫn đang trong tình trạng nội chiến, tổn thất hàng chục nghìn nhân mạng, rơi vào tình trạng chính quyền trung ương không hoạt động nổi.
Tại Syria, các cuộc biểu tình chống chính phủ dâng cao thành cuộc xung đột với sự can dự của các thế lực nước ngoài, GDP và tổn thất kinh tế từ năm 2011 đến nay đã tới 259 tỷ USD. Tại các nước có tiến trình chuyển giao chính trị, chính phủ mới đã không đáp ứng được việc cải cách kinh tế để xử lý những vấn đề dẫn tới tình trạng bạo loạn từ lúc ban đầu… Như vậy, có thể thấy cái gọi là “phong trào mùa xuân Ả Rập” không mang lại điều tốt lành mà chỉ đẩy các quốc gia liên quan vào tình trạng trì trệ, rối ren, bạo lực gia tăng, đất nước bị chia cắt.
Chẳng hạn ở Syria, theo trả lời phỏng vấn ngày 11-8-2016 của bà K. Leukefeld (nhà nghiên cứu dân tộc học, chính trị học, hồi giáo; từ năm 2000 là phóng viên tự do ở Trung Đông và thường xuyên có mặt ở Syria, và là tác giả cuốn Syria giữa bóng tối và ánh sáng xuất bản năm 2015) trên NachDenkenSeiten – một trang mạng có uy tín ở CHLB Đức, thì: “Một người đối thoại nói rằng, Syria không phải là một khối lắp ghép của các tôn giáo và dân tộc, vì nếu như thế nó đã bị tan vỡ rồi. Syria là một tấm thảm dệt có liên kết chắc chắn. Nhưng nó đã bị mất màu, bị dày vò và trong đó có bộ phận đã bị xé rách”. Còn theo ông S.L Whitson – Giám đốc điều hành HRW, phát biểu trên tờ The New Yorker thì: “Dường như cộng đồng quốc tế cũng như nhiều người dân ở đó đã ngây thơ, đã hiểu lầm khi cho rằng những gì Tunisia làm được là rất dễ… Người Ai Cập cũng lật đổ một nhà độc tài, nhưng chúng ta đã đánh giá thấp các lực lượng cản trở dân chủ, nhân quyền – cũng như những lực lượng đàn áp, hủy diệt khác, vì họ đã nhanh chóng chiếm lấy các khoảng trống được tạo ra bởi các cuộc nổi dậy”.
Từ cái chết của M.Bouazizi ở Tunisia vào năm 2010, “phong trào mùa xuân Ả Rập” được phát động ở Tunisia rồi nhanh chóng lan tới Algeria, Yemen, Jordan, Mauritanie, Syria, Oman, Ả Rập Saudi, Ai Cập, Iraq, Libya, Sudan, Maroc. Điều được quảng bá và cổ vũ của phong trào này là nhân quyền, dân chủ, chống tham nhũng, độc tài. Và “mùa xuân Ả Rập” đã khiến chính phủ ở Tunisia, Libya, Yemen, Ai Cập sụp đổ.
Tuy nhiên sau hơn 5 năm, không chỉ tại các nước này mà cả vùng Trung Đông, Bắc Phi trở thành một điểm nóng, chưa thấy dấu hiệu sáng sủa mà ngày càng trở nên tồi tệ. Khẩu hiệu dân chủ, nhân quyền được những tổ chức, cá nhân khởi xướng “mùa xuân Ả Rập” giương cao đã không được hiện thực hóa mà thay vào đó là tình trạng cuộc sống của người dân ngày càng cùng cực, đói nghèo lan rộng, chết chóc rình rập. Tunisia – nơi được xem chuyển giao quyền lực diễn ra trong hòa bình và thành công, lại là nước đóng góp khoảng 3.000 chiến binh cho tổ chức tự xưng “nhà nước Hồi giáo” (IS) và năm 2015 tại Tunisia xảy ra các vụ khủng bố đẫm máu.
Rồi nội chiến ở Libya để tranh giành quyền lực và dầu mỏ, tranh thủ cơ hội, IS đã xâm nhập chiếm đất đai và gây ảnh hưởng. Các xung đột ở Yemen có nguồn gốc từ mâu thuẫn chính trị, tôn giáo, sắc tộc và hậu quả là gần 80% dân số Yemen sống nhờ vào viện trợ nước ngoài. Riêng Syria, khung cảnh đất nước hoang tàn, hơn 250.000 người thiệt mạng đã nói lên tất cả, như IMF dự đoán, Syria phải cần ít nhất 20 năm với mức tăng trưởng 3% mỗi năm mới có thể trở lại mức thu nhập trước chiến tranh… Hệ lụy kinh khủng nhất từ “mùa xuân Ả Rập” là tạo ra cơ hội đưa tới sự ra đời các tổ chức khủng bố, tiêu biểu là IS.
Dẫu mới ra đời, IS đã không chỉ hoành hành ở Trung Đông, Bắc Phi, mà còn tổ chức hoặc đứng sau một số vụ khủng bố tàn bạo trên thế giới. Hệ lụy khác là để tránh chiến tranh, đói nghèo, chết chóc,… làn sóng di cư hàng triệu người đã đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng nhập cư đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải… Vì thế, hẳn không ngẫu nhiên, dư luận đã sớm đổi tên “mùa xuân Ả Rập” thành “mùa đông Ả Rập”!
Nhắc tới “mùa xuân Ả Rập” không thể không nhắc tới “cách mạng 5-10” ở Serbia năm 2000, “cách mạng hoa hồng” ở Gruzia năm 2003, “cách mạng cam” tại Ukraina năm 2004, “cách mạng hoa tuy-líp” tại Kyrgyzstan năm 2005,… được khái quát qua khái niệm “cách mạng màu”. Có lẽ trường hợp tiêu biểu nhất liên quan “cách mạng màu” là hoạn lộ của M.Saakashvili, cựu Tổng thống Gruzia. Sau “cách mạng hoa hồng”, M.Saakashvili đã được bầu làm Tổng thống Gruzia liền hai nhiệm kỳ.
Báo chí cho biết, đến cuối nhiệm kỳ thứ hai, tại Gruzia xuất hiện một số “khủng hoảng chính trị, khiến Saakashvili từ người hùng của “cách mạng hoa hồng” lại trở thành kẻ tội đồ do chính sách lãnh đạo ngày càng độc đoán”. Năm 2014, Viện Công tố thủ đô Tbilisi quyết định truy tố Saakashvili, vì lúc còn đương chức đã “gian lận, tham nhũng, lạm quyền”, và chính quyền Gruzia quyết định truy nã. Tuy nhiên, một tháng sau khi rời ghế tổng thống, ông ta đã sang Mỹ sinh sống.
Năm 2015, M.Saakashvili trở lại với cương vị “đứng đầu Hội đồng Tư vấn quốc tế về cải cách (IACR – cơ quan tập hợp các chuyên gia nước ngoài có vai trò tư vấn, đề xuất, kiến nghị để thực hiện cải cách kinh tế – chính trị ở Ukraina); sau khi nhập quốc tịch Ukraina, ông ta được trao thẻ công dân đặc biệt, được bổ nhiệm làm Thống đốc vùng Odessa với lời hứa sẽ “đem hết sức cống hiến với khả năng tối đa để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tại khu vực trọng yếu này”. Nhưng ngày 7-11 mới đây, M. Saakashvili tuyên bố từ chức vì mệt mỏi trong việc đấu tranh với sự cản trở của giới quan chức Ukraina, cho rằng, chính quyền Ukraina bất lực trong chống tham nhũng, khiến cho nước này bị rơi vào “sự tăm tối bẩn thỉu, vũng bùn tham nhũng”. Và ngày 10-11, Tổng thống Ukraina P.Poroshenko đã tuyên bố miễn nhiệm M. Saakashvili khỏi mọi chức vụ.
Hoạn lộ hơn mười năm qua của M.Saakashvili cho thấy: sau khi thất bại trong việc thừa hưởng kết quả “cách mạng hoa hồng” ở Gruzia, M. Saakashvili đã tới Ucraina với tham vọng tiếp tục sứ mệnh; nhưng trên thực tế, “cách mạng sắc màu” không đưa tới sự ổn định, lại đẩy xã hội vào tình trạng rối ren, khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, với các cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn,…
Các biến cố xã hội không xuất phát từ những giá trị tự thân và được định hướng một cách tỉnh táo, mà bức xúc của quần chúng đã bị thao túng, biến thành phương tiện giúp một số thế lực giành quyền lực chính trị mà không vì phục vụ lợi ích nhân dân, cũng không hướng tới lợi ích của dân tộc, đất nước; thậm chí tạo cớ cho nước ngoài can thiệp. Mỗi khi một cuộc “cách mạng màu” xảy ra, hay khi “mùa xuân Ả Rập” lan tràn tại Trung Đông và Bắc Phi, khẩu hiệu đấu tranh dân chủ, nhân quyền, chống tham nhũng, lạm dụng quyền lực,… lại được nêu cao như là ngọn cờ tập hợp lực lượng. Và thường thì, sau khi một cuộc “cách mạng màu” hạ màn, hoặc “gió mùa xuân” đã thổi qua một quốc gia nào đó thì dân chủ, nhân quyền lại trở nên sa sút, tham nhũng ngày càng lan tràn, và quyền lực lại được sử dụng làm công cụ chủ yếu giúp một số phe phái chính trị thanh toán, triệt hạ lẫn nhau.
Trong bối cảnh đó, việc từ năm 2011 đến nay, khu vực chịu ảnh hưởng của “mùa xuân Ả Rập” không tăng trưởng, tổn thất 614 tỷ USD như báo cáo của ESCWA là tất yếu không thể tránh khỏi. Bởi một sự thật không thể bác bỏ là: không có ổn định xã hội thì không thể phát triển; nếu không lấy lợi ích nhân dân làm cơ sở xác định mục đích, đường hướng cho cách mạng thì các khẩu hiệu mỹ miều mà nó đưa ra rốt cuộc chỉ là “bánh vẽ”.
Từ khi “cách mạng màu”, “mùa xuân Ả Rập” được quảng bá, với sự hỗ trợ từ bên ngoài, một số người ở Việt Nam cũng đã nhen nhóm ý đồ thực hiện “cách mạng màu”. Những phương thức, giọng điệu, động thái, thủ đoạn,… như một số tổ chức ở nước ngoài chuẩn bị tiến hành “cách mạng màu”, “mùa xuân Ả Rập” đã được du nhập, mô phỏng, lặp lại và phóng chiếu với rất nhiều trò vè từ đường phố tới internet.
Song càng dấn sâu vào âm mưu tiến hành “cách mạng màu”, họ càng tự làm lộ rõ bản chất, xu hướng cơ hội chính trị, như một blogger tổng kết, đó là một phong trào “đòi phải minh bạch 100% nhưng mọi nhà hoạt động của phong trào này đều không minh bạch về nguồn tài chính; mọi nhà hoạt động nhiệt huyết đều mất hết kế sinh nhai nếu bị cắt tiền tài trợ; đòi một trật tự xã hội tốt đẹp hơn bằng những cuộc biểu tình xấu hoắc, hàng ngũ lộn xộn, nhân sự ô hợp; nhân danh các lý tưởng tốt đẹp nhưng đều không thể tồn tại nếu không khai thác các cảm xúc xấu xí của con người; nhân danh một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng trong nội bộ đều hành xử xấu xí!”.
Blogger Kami – người chưa bao giờ thiện chí với Việt Nam, phải đặt câu hỏi trên RFA rằng: “Đầu óc của những kẻ như thế thử hỏi thì sẽ dẫn dắt được ai và xã hội tương lai sẽ như thế nào, khi giao cho những kẻ cực đoan như thế nắm giữ quyền lực?”. Và thiết nghĩ, câu hỏi này không chỉ vạch trần bản chất vấn đề, mà còn là lời cảnh báo!