Ngày nay nhiều sinh viên không kiên nhẫn, họ chỉ muốn mọi thứ nhanh chóng và chỉ đọc cái gì dễ và ngắn, đó là lí do tại sao tri thức của họ nông cạn, không đủ để giải quyết những vấn đề trong đời sống.
Chẳng hạn, khi phải đọc tài liệu tham khảo, nhiều người nghĩ họ có thể đọc nhanh qua toàn bộ. Một số thậm chí chỉ lướt qua vài đoạn và coi đó là đủ. Tôi đã quan sát nhiều sinh viên học trong thư viện, mắt họ lướt nhanh qua sách giáo khoa nhưng tai họ lại nghe nhạc qua iPod và tay họ thường xuyên gửi “tin nhắn” cho bạn trên điện thoại di động. Tôi thường nhắc sinh viên rằng không nên làm nhiều thứ cùng lúc vì họ phải tập trung nỗ lực vào một việc để có hiệu quả.
Nhiều sinh viên tin rằng kiến thức chỉ là nhiều mảnh nhỏ hợp lại, nếu họ có thể ghi nhớ, họ có tri thức. Đây là cách học “cổ điển” – Học bằng ghi nhớ. Những sinh viên này sao chép mọi định nghĩa và khái niệm vào cuốn sổ tay rồi học thuộc lòng. Cách tiếp cận này giúp cho sinh viên “nhai lại” định nghĩa để qua kiểm tra, nhưng họ không phát triển tri thức sâu sắc để giải quyết vấn đề.
Tôi đã thấy nhiều sinh viên Á Châu gặp khó khăn ở các trường Mỹ vì thói quen học tập này. Một sinh viên Á Châu than với tôi: “Em là học sinh hàng đầu ở nước em, bao giờ cũng có điểm hoàn hảo trong các kì thi quốc gia nhưng không biết tại sao em không được điểm tốt trong lớp ở đây.” Tôi nói với anh ta: “Mọi điều em được dạy là ghi nhớ và em đã học tốt ở nước em nhưng bây giờ em cần đọc nhiều hơn, kỹ hơn, đọc đễ hiểu thật rõ mọi sự rồi áp dụng tri thức vào thực hành. Nếu em không thay đổi thói quen này, em sẽ không thành công ở đây.”
Nhiều sinh viên thường chờ tới trước khi thi và “nhồi nhét” mọi thứ một lúc. Đó là lí do tại sao họ có thể biết “vài thứ” đủ để qua được bài kiểm tra nhưng không thể phát triển được kỹ năng họ cần. Sự thật là không có lối tắt để học và không có tri thức sâu sắc, họ không thể giải quyết được vấn đề. Hiện nay nhiều sinh viên chỉ nghĩ về việc qua được kì thi, thu được bằng cấp, nhưng KHÔNG nghĩ đủ xa vào tương lai nơi họ phải xây dựng nghề nghiệp. Không có phương hướng học tập rõ ràng , không có kế hoạch học tập, nhiều người tốt nghiệp không tìm được việc làm hay phải làm những việc lương thấp mà chẳng liên quan gì tới giáo dục của họ.
Nhiều sinh viên tin rằng học giỏi là “tài năng bẩm sinh” thay vì chăm chỉ. Nhiều sinh viên bảo tôi rằng họ không thể học Toán vì họ không “đủ thông minh”, hay họ không thể viết được mã vì họ không “có tài năng.” Sinh viên có niềm tin sai này thường không cố gắng và sẵn sàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn.
Hệ thống giáo dục truyền thống không khuyến khích, không giúp học sinh phát triển tiềm năng sẵn có mà đôi khi còn làm thui chột những tiềm năng này. Một sinh viên bảo tôi rằng khi còn ở trung học, anh ta thường bị thầy giáo rầy la là “Ngu” và “Không thông minh” và anh ta mang gánh nặng đó cho đến khi lên Đại học. Tôi bảo: “Đó là điều không may, nhưng em có hai chọn lựa: Hoặc em chấp nhận rằng thầy giáo trung học của em đúng và em “Ngu”, hoặc em có thể chứng minh rằng thầy giáo của em sai bằng việc đưa nỗ lực vào học tập. Việc học gồm có 10% tuỳ thuộc thông minh và 90% tuỳ thuộc chăm chỉ, nếu em sẵn lòng, tôi sẽ giúp.”
Anh ta đồng ý và mỗi ngày tới văn phòng của tôi trong 30 phút để học thêm. Anh ta tốt nghiệp với bằng danh dự và bây giờ làm việc tại Microsoft như một người phát triển cấp cao. Anh thường quay lại lớp để khuyên sinh viên. Anh nói: “Tôi giỏi về toán vì tôi đã dành nhiều thời gian học nó. Tôi là một trong những người phát triển phần mềm giỏi ở Microsoft vì tôi làm việc chăm chỉ . Học là 10% thông minh và 90% làm việc chăm chỉ và tôi là bằng chứng cho điều đó.”
Trong nhiều năm dạy học, tôi hay mời những người tốt nghiệp quay lại trường chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên. Đa số sinh viên thích nghe những lời khuyên dựa trên “kinh nghiệm thực”, từ những người như họ, hơn là nghe những lời khuyên của giáo sư. Dùng các “thí dụ sống” và “câu chuyện thực” là cách tốt nhất để khuyến khích sinh viên học tập.
Theo trithucvn