Bao nhiêu tác phẩm văn học có giá trị thực sự đang bị văn học rẻ tiền và sách dạy làm giàu đè bẹp dí trên kệ sách ở Đinh Lễ?
Giới trẻ bây giờ thích đọc gì và không thích đọc gì? Đối với họ văn phong dài dòng lê thê sướt mướt là nhất hay xếp dưới lối viết kiệm chữ, gọn gàng súc tích? Ti tỉ thứ câu hỏi như vậy để phác họa cái gọi là văn hóa đọc giới trẻ. Chỉ cần dạo qua con phố cắt từ Ngô Quyền tới Đinh Tiên Hoàng dài tầm 200m có tên là Đinh Lễ sẽ có phần nào câu trả lời.
Khi ngôn tình và những dòng Hán văn sến sẩm lên ngôi
Kể rõ lịch sử của con phố sách tự phát này thì khó, chỉ biết với một vùng đất ngàn năm văn hiến thì những thứ liên quan tới văn hóa đọc như phố sách chắc cũng phải có từ lâu lắm. Tuổi đời thì lâu mà qui mô cũng không tầm thường. Từ nhà ra ngõ, từ đông sang tây, từ xưa tới nay, sách tràn ngập và đương nhiên hút theo một lượng độc giả cũng không nhỏ. Học sinh, thanh niên, người già, công chức, khách du lịch, tất tần tật chậm rãi đảo qua đảo lại những gian hàng sách. Một sự tấp nập nhàn nhã khác hẳn với những khu chợ búa xô bồ hoặc phố xá nghẹt chật giờ tan tầm. Và cứ thế, chân dung của cái gọi là văn hóa đọc dần dần lộ diện một cách chậm rãi.
Đứng ở vị thế độc tôn có thể nói là “ngồi chiếu trên” ấy là sách văn học. Được ưu ái bày ở vị trí đẹp nhất, sang nhất: sạp tràn ra vỉa hè hoặc trên những kệ sách đầu tiên khi bước vào, đèn điện lung linh, bố cục gọn gàng bắt mắt. So sánh với những đầu sách về kiến thức phổ thông, ngoại ngữ, âm nhạc hội họa khuất trong những góc sau cùng thì văn học hẳn là vẫn được người ta ưa chuộng hơn nhiều lắm. Nhưng “soi” cho kĩ, thì chắc chắn không phải người yêu văn chương nào cũng có thể mỉm cười sung sướng.
Đầu tiên, ấy là sự tràn ngập của những thể loại văn chương “rẻ mà không rẻ” như ngôn tình Trung Quốc, trinh thám ly kì và tình cảm lãng mạn dành cho tuổi mới lớn.
Rẻ, bởi vì những công thức chung lặp lại cả ở nội dung và hình thức ở những cuốn sách này. Với ngôn tình là bìa màu sặc sỡ, minh họa nhân vật nam không ra nam, nữ không ra nữ và tên sách như ném vào mặt người đọc những dòng Hán văn sến sẩm.
Với trinh thám ly kì thì cứ phải bìa gân guốc, bốc lửa, ma quái kèm theo vô số lời ngợi khen từ nhân vật abc đến tạp chí xyz, đi liền với 2 từ không thể thiếu: “best seller”.
Không rẻ bởi cứ nhìn vào những tựa sách chật nghẹt trên giá cũng đủ biết với người đi buôn, thể loại này vẫn còn giá trị thương mại cao chót vót. Và không rẻ, bởi vì chứng kiến lượng người đọc tíu tít lại qua với các đầu sách này thì có lẽ địa vị của nó trong làng văn hẳn là không thua kém bất kì dòng văn học nào khác.
Mà nói không thua kém còn là nhẹ nhàng. Bởi vì những thứ người ta vẫn thường gọi là văn học hàn lâm, sang trọng đang im lìm trong một góc khác. Kiệt tác văn chương thế giới, những trước tác được giải thưởng Nobel trầm lắng một cách bất thường đối với độc giả. Ít người tìm tới, dù chỉ là để ngó qua bìa sách hay lật giở vài trang.
Sự đối xử có tính chất phân biệt diễn ra chỉ cách nhau một dãy tủ. Một đằng bị báo chí công kích, phê bình kịch liệt thì được săn đón như đồ tươi sống, một đằng được tôn thờ và gìn giữ hàng chục, hàng trăm năm lại bị thờ ơ. Vẫn biết người đọc là những nhà phê bình công tâm nhất, nhưng với nghịch lý như vậy thì biết tin ai và hình dung thế nào về văn hóa đọc thời bây giờ?
Và nếu phân loại kĩ, thì sự thất thế của văn học Việt Nam còn rõ hơn ban ngày. Không cần nói đến những tác phẩm cổ điển dạng Tuyển tập Nam Cao, Thạch Lam… ngay cả những ấn phẩm mới mẻ, giấy tốt bìa đẹp như ai cũng phải chờ tới khi khách tham khảo hết sách nước ngoài, chúng mới được để mắt tới. Đó còn là trên kệ, chứ những nơi người ta trung bày ấn phẩm bán chạy nhất nơi cửa vào thì đừng hòng mà văn học Việt Nam áp đảo lại được.
Mộng giàu sang là thứ giá trị còn bình dân hơn cả văn chương
Bước ra khỏi địa hạt văn chương, người ta lại thấy tiếp một khung cảnh khác ở mảng tri thức phổ thông. Đó là ma trận của sách làm giàu. Nhan nhản những doanh nhân mặc vest chỉnh tề, cười khoe răng trắng trên bìa sách và dạy người ta cách kiếm tiền. Có những người đã được cả thế giới biết đến, lại cũng có những người thì ít ai nghe qua tên. Chỉ cần họ giàu và họ có sách để chia sẻ cách tạo nên sự giàu có. Thế là đủ cho vô khối người tìm đọc. Những gian kệ như vậy hút khách không kém ngôn tình là bao, và hút một cách đa dạng từ già tới trẻ… Dường như mộng giàu sang là thứ giá trị còn bình dân hơn cả văn chương nữa nên mới có cảnh tượng như vậy.
Gần đó, những cuốn sách về ngạn ngữ, phong thủy, khoa học phổ thông, xã hội, khám phá thì cứ như nơi lưu giữ sách quí. Nói thế là bởi vì bụi phủ trên một vài đầu sách và số người bước qua đó chịu dừng lại cầm thử vài quyển Đắc nhân tâm đếm được trên đầu ngón tay. Vẫn là khoảng cách một dãy tủ chẳng mấy xa xôi, mà thị hiếu đã khác biệt như nông thôn khác với thành thị.
Tổng kết một vòng cả khu phố, thì địch lại được văn chương bình dân và sách dạy làm giàu may ra có tài liệu tham khảo về ngoại ngữ, máy tính và cố lắm nữa là truyện thiếu nhi. Nhìn những đứa trẻ nô nức đến váng cả một góc quầy vì vài cuốn sách dạy tập tô có in hình siêu nhân, chợt tôi tự hỏi không biết lớn lên, chúng liệu có hứng thú gì lui gót tới những khoảng không trầm lặng của văn học kinh điển, tri thức tinh hoa hay lại đắm đuối nơi những gì người ta vẫn đánh giá là “ba xu rẻ tiền”.
Nhà văn phải “dí điện” vào người đọc
Xa lắm rồi cái thời cả huyện có một hiệu sách với một ông thủ thư già. Thị phần của văn hóa đọc bây giờ không còn là của riêng sách nữa, mà đã chia năm xẻ bảy với báo chí, internet… Ngay cả với sách, thì câu chuyện về bản cứng và bản mềm, cổ điển và hiện đại thứ nào tốt hơn đã chẳng còn xa lạ.
Thị phần thu hẹp, người đọc sách và mua sách giấy cũng ít hơn xưa. Ai mới lần đầu lên Đinh Lễ có thể trầm trồ về sự tấp nập, chứ với tôi thì lượng người tới lui chốn này so với ngày trước hãy còn là kém. Kể lể như vậy, để thấy rằng văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng cũng khác xưa nhiều lắm.
Hiện tượng văn học rẻ tiền lên ngôi gợi nhiều đến kiểu tiếp thu văn hóa “trào lưu” và nhất thời của giới trẻ. Người ta đổ xô đi ăn những món ăn nhanh chẳng biết ngon hơn cơm nhà được bao nhiêu lần, dấn thân vào những hoạt động không biết bổ ích tới chừng đâu so với việc học hành vì nhiều người xung quanh cũng làm thế. Và cứ thế, trong văn hóa đọc bỗng hình thành một trào lưu khó hiểu: nhắm mắt mua, điên cuồng ngấu nghiến từng con chữ trong các ấn bản thời thượng. Như thể chẳng một độc giả trẻ tuổi nào muốn mình bị tụt lại đằng sau với các ấn phẩm cổ điển từ mươi năm hay cả thế kỉ trước.
Và cũng cần phải nhìn ở khía cạnh năng lực thưởng thức. Giới trẻ sống gấp, sống vội, nhiều khi là sống nhạt nên không cho phép họ hình thành thói quen tiếp nhận những gì sâu sắc, phức tạp. Đại loại như Chiến tranh và hòa bình, Những người khốn khổ, Trăm năm cô đơn… dày tới vài trăm trang, cả trăm nhân vật cùng tung hứng theo con chữ khiến phải mất hàng tháng, hàng năm và nhiều lần đọc tới đọc lui mới thấy được cái hay cái ẩn ý. Người trẻ tuổi giờ xem ra không đủ thời gian, tâm trí dành cho việc đọc nhiều tới vậy, nên họ tìm tới những cuốn sách giở vài trang đã biết ai đúng ai sai và mất độ nửa ngày là đọc hết. Nói vui thì giống như kiểu nhân viên công sở không có thời gian nấu cơm phải đi ăn fastfood. Có người sở hữu phòng đọc, giá sách hoành tráng, cũng mua sách về đặt lên giá, quay gáy sách ra và chụp ảnh up facebook.
Lại nhớ Nguyên Hồng đã viết thế nào về thời kì văn học trước 1945 xô bồ bất cập: Cái thời mà tất cả những nhà văn có tên tuổi nhiều, tên tuổi ít, hay đương hăm hở, cay cú đi vào làng văn cho có tên tuổi đều phải tìm cho truyện của mình những cái tên dí vào người đọc như điện vậy.
Hóa ra không phải tới tận bây giờ nữa mới có kiểu chuộng về hình thức trước nội dung và chạy theo trào lưu số đông. Nhưng ta cần phải biết rằng, chính vì những thứ thị hiếu nửa mùa, văn hóa đọc ngớ ngẩn như vậy mà thủa ban đầu truyện Cái lò gạch cũ, hay sau này là Chí phèo của nhà văn Nam Cao đã từng phải khoác lên mình một cái tên “giật gân, câu khách” và từng không có được sự trân trọng xứng đáng của người biên tập và độc giả. Vậy liên hệ với hoàn cảnh bây giờ, chúng ta liệu có nên đặt câu hỏi: Bao nhiêu tác phẩm văn học có giá trị thực sự, có thể vươn tới đỉnh cao như Chí phèo ngày xưa đang bị văn học rẻ tiền và sách dạy làm giàu đè bẹp dí trên kệ sách ở Đinh Lễ?
Theo THỂ THAO & VĂN HÓA (2014)
Theo THỂ THAO & VĂN HÓA (2014)