Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Che Guevara – một cuộc đời, một hành trình lịch sử

Trong vô số hình ảnh mà người ta thường nhớ về Che Guevara , không thể thiếu hình ảnh của một chiến sĩ quốc tế, luôn xả thân bảo vệ những người yếm thế.

Nửa thế kỷ sau khi bị sát hại tại La Higuera, Bolivia, “Che” Guevara vẫn tiếp tục là một trong những hình ảnh chính trị mang tính toàn cầu nhất. Không chỉ tại Cuba – nơi hình ảnh ông ngự trị từ các quảng trường trung tâm, các cơ sở công trên khắp cả nước cho tới cả móc đeo chìa khóa hay áo phông lưu niệm cho du khách, mà hầu như ở mọi phong trào xã hội trên thế giới đều xuất hiện hình ảnh mang tính biểu tượng của “Người du kích anh hùng”.
Ra đi khi ở tuổi đời 39, nhưng “Che” Guevara để lại một di sản cách mạng đồ sộ mà ít có nhân vật chính trị nào có được trong lịch sử thế giới hiện đại, và trong vô số hình ảnh mà người ta thường nhớ về ông, không thể thiếu hình ảnh của một chiến sĩ quốc tế, luôn xả thân bảo vệ những người yếu thế.
Ernesto “Che” Guevara de la Serna sinh ngày 14/6/1928 tại thành phố Rosario, Argentina và là anh cả trong 5 người con của vợ chồng kiến trúc sư Ernesto Guevara Lynch và Celia de la Serna, một gia đình thuộc giới thượng lưu của quốc gia Nam Mỹ khi đó rất giàu có này. Khi mới 2 tuổi, cậu bé Guevara đã mắc bệnh hen suyễn và căn bệnh đã vô tình biến cậu thành một người đọc sách ham mê khi còn rất nhỏ vì “bố mẹ bắt cậu thường xuyên ở trong nhà và trải qua nhiều giờ xông hơi liên tục buôn chán để tránh những cơn hen”. Tuổi thơ của cậu trôi qua một cách khá bình lặng và chủ yếu tại tỉnh Cordoba, phía Bắc Argentina, nơi gia đình cậu chuyển tới vì có khí hậu dễ chịu cho người hen suyễn.
Năm 1946, “Che” nhập học tại Khoa Y, Đại học Buenos Aires. Anh cố gắng tự lập và vừa đi học vừa đi làm thuê tại một thư viện công cộng. Sau đó vào năm 1951, “Che” làm thủy thủ tập sự trên một tầu chở dầu mang tên Anna G và tới được nhiều hải cảng của Argentina, Brasil, Venezuela, Trinidad và Tobago, và Guyana.
Một năm sau, “buồn chán với Khoa Y, bệnh viện và những bài kiểm tra” “Che” cùng người bạn đồng môn và từ thuở thiếu thời Alberto Granados đi ngao du Chile, Peru, Venezuela và Bolivia, thăm các mỏ đồng, các ngôi làng của những cộng đồng thổ dân và các trại phong, trong đó, những nhà khám phá trẻ tuổi đặc biệt ấn tượng với tình trạng lạc hậu, nghèo đó và bị bỏ rơi của những người nông dân thuộc sắc tộc thiểu số Quechua và Aymara tại Peru, nơi những tên địa chủ và cường hào luôn thẳng tay bất cứ ai dám đứng lên đòi thay đổi hiện trạng.
Cũng tại Peru, “Che” đã gặp bác sĩ chuyên khoa phong Hugo Pesce Pescetto, một người theo tư tưởng Mác-xít, đồng chí của nhà tư tưởng Mác-xít lỗi lạc người Peru José Carlos Mariátegui. Một thập kỷ sau (1960) “Che” đã thừa nhận ảnh hưởng Pesce trong quá trình hình thành tư tưởng cách mạng của mình khi gửi cho người bạn vong niên này bản in cuốn sách đầu tay của mình “Chiến tranh du kích”, với lời đề tựa: “Kính tặng bác sĩ Hugo Pesce, người đã khơi dậy trong tôi, mặc dù có thể ông không biết điều đó, một thay đổi lớn về thái độ đối với cuộc sống và xã hội, với nhiệt huyết phiêu lưu luôn có sẵn nhưng giờ đây đã được định hướng tới những mục đích hài hòa hơn với những nhu cầu của châu Mỹ”.
Trở về Argentina, “Che” tốt nghiệp Khoa Y năm 1953 và ngay lập tức lên đường sang Bolivia với lòng háo hức được nhìn tận mắt cuộc cách mạng dân tộc tại đây, tiến trình lịch sử đã đưa Phong trào Dân tộc cách mạng lên cầm quyền (1952 – 1964),  mặc dù sau đó ông đã thất vọng khi chứng kiến những người thổ dân Bolivia tiếp tục bị gạt sang bên lề xã hội, sống trong nghèo khó và các điều kiện tồi tàn không khác gì mấy so với thời thuộc địa Tây Ban Nha.
Từ Bolivia, “Che” đã tới Guatemala vào cuối năm 1953, nơi tổng thống mang tư tưởng tiến bộ Jacobo Arbenz đã dũng cảm quốc hữu hóa những cơ sở của tập đoàn nông nghiệp hùng mạnh United Fruit Co. của Mỹ (tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ ngành kinh tế then chốt là trồng trọt và thương mại hoa quả, rau màu của đa số các nước Trung Mỹ khi đó). Tại đây, “Che” đã gặp gỡ Hilda Gadea (1925-1974), nữ chính trị gia và nhà kinh tế theo tư tưởng cách mạng người Peru, người đã giới thiệu ông với các phong trào cánh tả và cách mạng và sau này (1955) trở thành người vợ đầu tiên của ông.
Cũng tại Guatemala, “Che” đã gặp gỡ Antonio “Ñico” López Fernández cùng một số đồng chí khác hoạt động trong phong trào của Fidel Castro (chính “Ñico” López là người đã đặt biệt danh “Che” cho ông – đây là một danh xưng đặc trưng của tiếng Tây Ban Nha tại Argentina, chỉ người đối thoại trực tiếp một cách thân mật như “cậu” đối với “tớ” và “ông” đối với “tôi” trong tiếng Việt; do các nước nói tiếng Tây Ban Nha khác không sử dụng từ này nên khi “Che” dùng từ này trong đối thoại với các đồng chí khác quốc gia, nó đã trở thành đặc trưng của ông lúc đó).
Sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của tổng thống Arbenz do CIA tiến hành năm 1954, những người ủng hộ cải cách xã hội bị đàn áp dã man, “Che” và người bạn đời của mình buộc phải chạy sang Mexico, nơi vào năm 1955 lần đầu tiên ông gặp anh em Fidel và Raúl Castro, những thủ lĩnh của Phong trào 26/7, những người đang chuẩn bị cuộc đột kích trở lại Cuba.
Lúc này, ngọn lửa cách mạng của “Che” thực sự bùng cháy, ông nhiệt tình giúp đỡ công việc chuẩn bị và sau đó tham gia vào kế hoạch vũ trang này. Cuộc tao ngộ này chính là bước ngoặt đưa “Che” “từ chân trời hạn hẹp của chủ nghĩa dân tộc Mỹ Latinh thành một nhà cách mạng châu lục”. Sau nhiều khó khăn, thậm chí từng một lần bị các điệp viên của CIA và của chế độ độc tài Cuba Batista bắt giữ tại thủ đô Mexico, cuối cùng ngày 25/11/1956, con tầu Granma quá tải với 82 chiến sĩ vũ trang, trong đó có Fidel, Raúl và “Che” đã rời cảng Tuxpan tiến về Cuba.
Đã có rất nhiều tác phẩm nói về quá trình chiến đấu của đội quân du kích do Fidel Castro lãnh đạo từ Sierra Maestra (Rặng Núi Thầy) lan ra toàn quốc, trong đố “Che” Guevara nổi bật như một chiến sĩ can trường và kỷ luật, từng 2 lần bị thương, và được phong cấp bậc cao nhất trong quân đội du kích là “Tư lệnh cấp cao”. Ông sử dụng bí danh “Lính bắn tỉa” trong các bài viết đăng trên tờ báo của lực lượng du kích “Người Cuba tự do”.
Ngày 1/1/1959, Cách mạng Cuba thành công. Cũng trong năm đó, “Che” thành hôn lần thứ 2 với nữ chiến sĩ du kích Aleida March mà ông đã quen trong quá trình chiến đấu, và sau này họ có 4 người con (Aleida, Camilo, Celia và Ernesto). Với người vợ đầu Hilda Gadea, với người mà ông có 1 người con gái (Hilda), ông vẫn giữ một mối quan hệ thân thiện và còn mời 2 mẹ con tới sống và làm việc tại Cuba.
Nhưng không chỉ nổi bật trong chiến đấu, “Che” còn có những đóng góp rất có giá trị vào lý luận cách mạng. Ông đã viết một số lượng lớn các bài báo, tiểu luận, diễn văn với chứa đựng nhiều tư tưởng cách mạng và nhân văn. Ông tham gia vào quá trình xây dựng đất nước Cuba cách mạng cho tới năm 1965, trong đó ông từng đảm nhiệm cương vị lãnh đạo Viện Cải cách nông nghiệp quốc gia, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương, Bộ trưởng Công nghiệp và dẫn đầu một số phái đoàn ngoại giao. Tại mỗi nhiệm vụ phức tạp được giao phó, ông đều vận dụng những khái niệm đầy sáng tạo theo phong cách cách mạng, nhưng đồng thời vẫn luôn giữ tôn chỉ là người tiếp nối trung thành của chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít.
“Che” đã đề ra ý tưởng rằng Cách mạng không chỉ tạo điều kiện cho những thay đổi xã hội mà còn cả sự ra đời của một “con người mới”. Trong bài viết “Chủ  nghĩa xã hội và con người tại Cuba” (1965), ông chỉ ra rằng không phải chờ đợi những thay đổi xã hội và kinh tế tự thay đổi con người, mà phải thúc đẩy quá trình phát triển “một ý thức trong đó các giá trị chuẩn phải vươn lên cấp độ mới” tương thích với quá trình biến đổi đang diễn ra trong xã hội.
Về nhu cầu thành lập và cơ cấu một chính đảng từ phong trào du kích, “Che” trong bài viết “Đảng Mác-xít Lê-nin-nít” (1963) đã đề xuất rằng chính đảng này phải là “công cụ để thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, lãnh đạo giai cấp này, vạch ra con đường tiến tới thắng lợi… và nhiệm vụ của Đảng là tìm ra con đường ngắn nhất để đạt được chuyên chính vô sản”, và khẳng định rằng để thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, cần phải có một Đảng Cộng sản.
Theo hướng đi này, ông đã tham gia vào các vận động hợp nhất Phong trào 26/7, Ban lãnh đạo Cách mang 13/3 và Đảng Xã hội chủ nghĩa nhân dân, thành Các Tổ chức Cách mạng hợp nhất năm 1961, sau đổi thành Đảng Đoàn kết Các mạng xã hội chủ nghĩa Cuba vào năm 1962 và từ ngày 3/10/1965, là Đảng Cộng sản Cuba. “Che” cũng chỉ ra rằng để đạt được mục đích của mình, Đảng phải vận dụng các biện pháp và phong cách để luôn luôn “gắn bó mật thiết với quần chúng, nắm bắt khát vọng và ý tưởng của quần chúng, vận dụng nghiêm khắc kỷ luật Đảng trên nguyên tắc dân chủ tập trung và đồng thời, phải có tranh luận, phê và tự phê một cách cởi mở”.
Nhiều người, kể cả những người hâm mộ ông, thường nói về “Che” như một hình tượng của chủ nghĩa anh hùng phiêu lưu, ưa thích mạo hiểm, một dạng “Robin Hood” của thời hiện đại, dẫn đầu một nhóm chiến binh nhỏ chiến đấu một cách can đảm (nhưng tuyệt vọng) theo hình thức du kích chống lại những kẻ áp bức.
Trên thực tế, di sản của ông còn quan trọng hơn thế rất nhiều. “Che” không hề là một người cách mạng ngẫu hứng, ông sở hữu một nền tảng tri thức văn hóa rộng lớn, đọc sách và trau dồi kiến thức không biết mệt, từng có đúc kết “Chỉ có tri thức mới thực sự giải phóng con người” rất gần với tư tưởng của José Martí (1843-1895, nhà tương tưởng và đấu tranh giải phóng vĩ đại của Cuba và Mỹ Latinh, từng để lại câu danh ngôn “làm người có học để làm người tự do”).
Ông từng nghiên cứu sâu chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít, và với một ý chí chính trị sắt đá, ông luôn mạnh dạn đưa những tri thức mới vào việc vận dụng liên tục học thuyết này. Điều này được minh chứng qua những phân tích về nền kinh tế tư bản và của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nơi ông đã đưa ra những phê bình và dự báo về những nguy cơ từ rất lâu trước khi khối này sụp đổ.
“Che” cũng luôn ủng hộ việc mở rộng chiến tranh du kích ra các dân tộc nhỏ bé bị áp bức khác trên thế giới với niềm tinrằng, trong thực tiến thế giới vào thời điểm đó, những con đường hòa bình để giải phóng các dân tộc đã cạn kiệt và chỉ có kháng chiến vũ trang tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh mới có thể đánh bại các thế lực đế quốc phản động. Đó chính là ý tưởng nền tảng của khẩu hiệu nổi tiếng mà ông đã đưa ra: “Tạo ra 2, 3 … và nhiều Việt Nam” được biết tới trên thế giới dưới tên gọi “Thông điệp tới Hội nghị 3 châu lục” (1967). Khẳng định quan điểm quốc tế chủ nghĩa mà ông tin tưởng sâu sắc đó, đầu năm 1965, “Che” thông báo với Fidel rằng mình sẽ khởi hành tới những “trận địa mới”, bắt đầu bằng Congo – nơi tổng thống Patrice Lumumba bị CIA ám sát năm 1961 – để gia nhập nhóm quân tình nguyên Cuba đang chiến đấu tại đây.
Tháng 11/1966, sau trải nghiệm không thành công tại Congo, “Che” tới Bolivia – khi đó dưới chế độ quân sự của tổng thống René Barrientos, một động minh thân cận của CIA. Với sự trợ giúp của Fidel từ Cuba, ông đã tổ chức, huấn luyện và chỉ huy một đội quân du kích với mục đích lan tỏa mô hình chiến đấu này tại Bolivia và sau đó là tại cả Nam Mỹ. Sau 11 tháng ròng rã sống và chiến đấu trong những điều kiện gian khó nhất, ngày 8/10/1967, ông bị thương và sau đó bị bắt, và 1 ngày sau  ông bị sát hại theo lệnh của CIA.
Trong lời nói đầu của “Nhật ký Che tại Bolivia” (1968), cố lãnh tụ Fidel Castro đã tái hiện lại những thời khắc cuối cùng của “Người du kích anh hùng”: “Có thể xác định rằng “Che” đã chiến đấu trong tình trạng bị thương cho tới khi khẩu súng M-2 của ông bị một viên đạn của quân địch phá hỏng hoàn toàn, còn khẩu súng lục của ông lại bị kẹt đạn. Chính những tình huống không thể tin nổi này giải thích vì sao kẻ thù có thể bắt sống ông…
Những giờ phút cuối cùng dưới tay của những kẻ thù đáng khinh hẳn là rất đắng cay với ông. Nhưng không một ai lại được chuẩn bị tốt hơn “Che” để đối diện thử thách khắc nghiệt đó…”, một con người luôn hành động nhất quán với những gì mình đã vạch ra và từng viết trong “Thông điệp tới Hội nghị 3 châu lục” chỉ ít lâu trước khi ông hi sinh: “Ở bất cứ nơi đâu mà cái chết bất ngờ ập đến với ta, nó đều được chào đón, khi mà tiếng thét xung trận của chúng ta tới được một đôi tai nghe và khiến một cánh tay vươn ra để tiếp lấy vũ khí của chúng ta để những con người khác lại tiếp tục khúc ca bi tráng của súng trường, của những tiếng thét xung trận và hô mừng chiến thắng mới”.
Kẻ thù đã tin rằng sát hại được “Che” là giáng một đòn chí tử vào phong trào cách mạng Mỹ Latinh và Thế giới thứ ba, nhưng thêm một lần chúng lại nhầm lẫn. “Người du kích anh hùng” đã không chết tại La Higuera, mà chính tại nơi đây, ông đã trở nên một chiến sĩ quốc tế bất tử.
Theo LÊ HÀ / TTXVN