Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Sự thật phủ phàng và đau đớn về cái gọi là ‘Hòn ngọc Viễn Đông’ của Sài Gòn


Ngủ khách sạn Continental, khách sạn Majestic, ăn thịt bò beefsteak, uống rượu chát vùng Bordeaux, thưởng thức xì gà La Habana, săn bò rừng, lấy da cọp, hút thuốc phiện và chơi gái thì, với thủy thủ tàu viễn dương và đám thực dân đến từ Viễn Tây, Sài Gòn được ngợi ca là hòn ngọc Viễn Đông đâu có gì lạ.


Bài viết của KTS Nguyễn Trọng Huấn.
Gần đây, một vài ý kiến, vẫn còn mơ cho TP. Hồ Chí Minh tương lai sẽ là một hòn ngọc Viễn Đông mới. Tôi hơi bị bất ngờ, tò mò, lục mớ sách cũ, lại gặp nhiều điều thú vị, xin kể ra đây.
Sài Gòn đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đổi tên thành TP. Hồ Chí Minh từ ngày 2/7/1976, cách đây đã hơn 30 năm, còn hòn ngọc Viễn Đông, phụ danh của Sài Gòn cũ đã mất dạng từ 1939, khi nước Pháp sa vào Thế chiến thứ II và không còn thì giờ nhắc đến nữa.
Vì vậy thử tìm xem cái “hòn ngọc Viễn Đông”, một thời từng là phụ danh của Sài Gòn cũ, thực chất là gì.
Nguyên địa danh Sài Gòn, theo cụ Vương Hồng Sển thì đã là một mớ bòng bong (Tuyển tập Vương Hồng Sển – Sài Gòn năm xưa – NXB Văn học – 2001 – Nguyễn Q. Thắng sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu). Xuất xứ của địa danh Sài Gòn cho đến nay vẫn là một bí ẩn chưa được giải mã một cách rành mạch. Ngay bây giờ, viết: Sài gòn, Sàigòn, Sài Gòn, hay SàiGòn, cách nào cho đúng thì các nhà ngôn ngữ cũng chưa có lời chỉ bảo. Nhưng dù sao cũng khẳng định được Sài Gòn là một địa danh gốc Việt, quá trình hình thành, lịch sử thành văn ghi chép khá rõ:
1698: Chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý miền Nam… cho lập Phủ Gia Định và hai huyện Phước Long và Tân Bình. Vùng Nam bộ được sáp nhập vào cương vực Việt Nam.
1790: Nguyễn Ánh cho xây thành Bát Quái (thành Quy), làm trụ sở cho chính quyền mới. Gia Định thành đổi thành Gia Định kinh.
1835: Vua Minh Mạng cho phá thành Quy, xây thành Phụng.
1859: Ngay sau khi chiếm được thành Gia Định, người Pháp gấp rút quy hoạch Sài Gòn thành một đô thị lớn phục vụ cho mục đích khai thác thuộc địa… Rất nhanh chóng, các công trình quan trọng của thành phố như Dinh Thống đốc, Phủ Toàn quyền… được thực hiện. Sau hai năm xây dựng, bộ mặt Sài Gòn hoàn toàn thay đổi.
1861: Địa phận Sài Gòn được giới hạn một bên là rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé với một bên là sông Sài Gòn cùng con đường nối liền chùa Cây Mai, với những phòng tuyến cũ của đồn Kỳ Hòa.
1862: Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông: Gia Định, Định Tường, Biên Hòa.
1867: Chiếm nốt ba tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Cướp xong ba tỉnh miền Tây, thực dân Pháp đơn phương tuyên bố sáu tỉnh Nam kỳ là lãnh địa của Pháp, cho Nam kỳ hưởng quy chế thuộc địa với chính quyền thực dân đứng đầu là một thống đốc người Pháp.
1874: Ngày 15/3, Tổng thống Pháp, Jules Grévy ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn.
Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, Sài Gòn trở thành trung tâm quan trọng không chỉ hành chính mà còn kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả Liên bang Đông Dương, được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông” hay “Paris phương Đông”. (Theo Wikipédia)
Như vậy là thực dân Pháp, ngay sau khi ngang ngược dùng vũ lực chiếm đất Sài Gòn (trước Hòa ước Giáp Thân 25 năm) đã vội vã xây dựng ngay ở đây một thành phố thuộc địa, làm bàn đạp tiếp tục xâm lược nước ta.
Cũng theo cụ Vương, sở dĩ người Pháp chọn tên Sài Gòn cho dễ đọc vì Bến Nghé, người Pháp phát âm thành Pingeh, đọc khó hơn. Từ khi xuất hiện mấy ông mũi lõ mắt xanh, mọi việc cứ lộn tùng phèo lên hết cả.
Sài Gòn là một thành phố Pháp mang tên Việt, thực chất là một bàn đạp để thực dân Pháp đứng chân, tiếp tục tiến hành âm mưu cướp nước. Mười năm sau, âm mưu của Pháp hoàn thành, nhà Nguyễn buộc phải ký với quân xâm lược Hòa ước Giáp Thân (1884, còn gọi là Hòa ước Patenôtre), chính thức đầu hàng, cam tâm chấp nhận thân phận một xứ sở thuộc địa, một dân tộc nô lệ.
Cái thời được coi là “hòn ngọc” ấy, Sài Gòn rất nhỏ. (Năm 1885, kiểm tra dân số Pháp kiều tại Sài Gòn, đếm được vẻn vẹn năm trăm bảy mươi bảy trự (577) trong số đó tám mươi thuộc phái đẹp (Tuyển tập VHS – SGNX – trang 64). Địa giới như đã trình bày, từ rạch Thị Nghè đến sông Sài Gòn, một chốn ăn chơi khét tiếng.
Những dòng sau đây cũng trích từ “Sài Gòn năm xưa” của cụ Vương:
“Đầu thế kỷ XX, ra khỏi Sài Gòn hai mươi cây số ngàn (20km) đã là xa xôi lắm. Tha hồ săn bắn; heo rừng, nai, cà tong… Xa vô chút nữa thì trâu rừng, con min, cọp, voi không thiếu gì. Hoàng tử Henri D’Orléans, dòng dõi vua Henri IV, Thái tử xứ Đan Mạch Waldemar và công tước Duc de Montpensier đua nhau thường năm dứt mùa mưa, lối tháng mười ta là có mặt tại Sài Gòn, lấy sự săn bắn thú dữ làm món tiêu khiển phong lưu. Công tước Duc de Montpensier xài tiền như nước, mua nhà hàng Continental tặng cô nhân tình là Bá tước Comtesse de B…”.
“…Hãng tàu chạy sông “Messageries Fluviales” sáng lập năm 1883-1884. Sau đổi là “Compagnie Saigonnaise de navigation”, đầu tiên do Jules Rueff làm chủ sáng tạo. Rueff quen thân với vua Hoàng Lân (Norodom). Rueff bán đồng hồ reo, đồng hồ chuông, đồng hồ bỏ túi cho Norodom mà dư sức làm giàu. Rueff mướn bọn thuyền chủ (trong Nam gọi là Cò Tàu), tuy người quốc tịch Lang Sa nhưng trả lương chỉ có bốn chục đồng bạc mỗi tháng, tính mỗi tuần mười đồng. Thế mà bọn này làm giàu ngang xương, đủ tiền nuôi em út, còn nuôi thêm ngựa đua, vì tàu chạy đường Sài Gòn qua Bangkok, chuyến đi thì chở lậu súng lục, chuyến về chở lậu thuốc phiện, không giàu sao được… (VHS – sđd – trang 170, 171).
Sau chuyến hải hành kéo dài cả tháng, từ hải cảng Marseille, qua Địa Trung Hải, xuyên kênh đào Suez, vượt Ấn Độ Dương sóng to gió lớn, lách qua eo biển Malacca vào vịnh Ghềnh Rái, không khó để suy ra tâm trạng mệt nhọc, buồn chán của khách lữ hành, cả tháng ròng chỉ thấy trời và nước. Cung cuối chặng đường, khi trạng thái rã rời đã lên đến đỉnh điểm, chuyến hải trình theo sông Lòng Tàu, xuyên qua rừng đước Cần Giờ, một thứ rừng ngập mặn nhiệt đới mà nhiều người châu Âu chưa gặp bao giờ, cảm giác xa lạ tưởng như càng đi càng xa thế giới văn minh phương Tây quen thuộc. Trong tâm trạng cùng cực của cô đơn ấy, bỗng một chiều bừng sáng một thành phố phương Tây khi tàu cập cảng Sài Gòn.
Ngủ khách sạn Continental, khách sạn Majestic, ăn thịt bò beefsteak, uống rượu chát vùng Bordeaux, thưởng thức xì gà La Habana, săn bò rừng, lấy da cọp, hút thuốc phiện và chơi gái thì, với thủy thủ tàu viễn dương và đám thực dân đến từ Viễn Tây, Sài Gòn được ngợi ca là hòn ngọc Viễn Đông đâu có gì lạ.
Nó hoàn toàn không là “hòn ngọc” với thợ thuyền xưởng đóng tàu Ba Son, cu li bốc vác cảng Sài Gòn, phu xe kéo và đông đảo người dân bản xứ mang trên mình bản án kiếp nô lệ, kẻ mất nước.
Để phục vụ cho hòn ngọc ấy, cả một xã hội Sài Gòn thuộc địa mà nhiều địa danh còn được giữ đến tận bây giờ: Xóm Củi, Xóm Than, Xóm Dầu, Xóm Bàu Sen (gần đồn Cây Mai), Xóm Giá (làm giá đậu xanh gần cầu Cây Gõ), xóm Lò Bún (gần giếng Hộ Tùng), Xóm Ụ Ghe, Xóm Rẫy Cái, Xóm Cây Cui… (VHS – SGNX – trang 84, 85).
Để hòn ngọc Viễn Đông hoạt động bình thường, đám tay sai bản xứ: Tôn Thọ Tường, Cai tổng Du, Lãnh binh Huỳnh Công Tấn, tri phủ Trần Bá Lộc, tri huyện Đỗ Hữu Phương, thông ngôn Joanès Liễu, Paul Lương và Loan… bán nước cầu vinh.
Cũng sách đã dẫn, cụ Vương đã chép về Tôn Thọ Tường:
“… xuất thân “đội” rồi thăng tri huyện, tri phủ, rồi lại về hưu “hàm Tổng đốc”… Ông người khô ráo, dong dảy, môi mỏng, cặp mắt có sát khí. Ông bắt được địch thủ, nhất quyết không cầm tù và chỉ chặt đầu y quân lịnh: chém người như chém chuối, chém không chừa con đỏ. Các ông già bà cả, nay nghe nhắc tên ông, đều thảy lắc đầu… Để đối phó với các địch binh không chịu ra quy thuận và thường ẩn mình nơi thâm sơn cùng cốc, có một cách tuyệt đối: Sai bắt cha mẹ vợ con của người ấy, đóng gông cầm tù. Một mặt bố cáo trong ngoài kỳ hạn bao nhiêu ngày, phải ra nạp mạng. Bằng không thì:
– Cha, mẹ, vợ bêu đầu làm lịnh.
– Trẻ con thì bỏ vào lòng cối giã gạo, sai lính dùng chày lớn quết như quết nem. (Sách đã dẫn – trang 144).
Trong bài viết của một kiến trúc sư tên tuổi khi nói về một dự án đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh có đoạn nói rằng: “Chủ tịch HĐQT Công ty Métropolitan xin chuyển địa điểm công trình từ 63 Nguyễn Du sang đường Đồng Khởi và giải thích: “Đồng khởi với chữ Catinat trong ngoặc”. Và bình: “Catinat – Sài Gòn là một thương hiệu quá có giá trị” mà không biết rằng Catinat là tên một Thống chế Pháp, Nicolas de Catinat, sinh năm 1637, mất năm 1712, phục vụ dưới thời vua Louis XIV. Giữa thế kỷ XIX, Pháp lấy tên Catinat đặt cho một chiếc tàu chiến tham gia trận đánh chiếm Sài Gòn năm 1859. (Theo Hà My – Đường Catinat và nếp sống Sài Gòn xưa)… Con đường phải mang tên kẻ xâm lược là một vết nhục lịch sử đối với dân tộc, với đất nước.
Theo Hà My, bài đã dẫn:
“… Vào thời kỳ này, đường Catinat là bộ mặt sinh hoạt của cả Sài Gòn, thành phố thuộc địa ở vùng Viễn Đông với sự hiện diện của khoảng 3.000 người Pháp, 3/4 trong số này là sĩ quan và viên chức. Lính Pháp ở trong các bungalow (nhà gỗ có hiên rộng) nằm khuất trong các vườn cây xanh. Để tiết kiệm chi phí và tìm sự đông vui hai, ba anh chung nhau tiền mướn một chỗ ở, có sự giúp việc của một anh bồi (boy) bản xứ, đi chợ, giặt giũ, nấu ăn…”.
Vậy thì hòn ngọc Viễn Đông với những dấu ấn thuộc địa chẳng có gì đáng tự hào sao lại là mơ ước của một Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh ngày hôm nay năng động, từng tạo nên những giá trị tiền đề cho công cuộc đổi mới đất nước?
Theo DOANH NHÂN SÀI GÒN