Ngay đến cả Trung Quốc, một quốc gia với tiềm lực mạnh hơn, kinh tế mạnh hơn, khoa học kỹ thuật nhỉnh hơn, cũng không thể tin được rằng Việt Nam dám làm, dám thực hiện một nhiệm vụ cao cả như vậy giữa trùng khơi, với cái nhà giàn như thế, đầy tính mạo hiểm như vậy giữa muôn vàn khó khăn.
Một số quốc gia ở Đông Nam Á cũng từng nghĩ vậy, người Việt chắc chắn không làm được, không thể được. Vì lúc ấy Việt Nam đang là quốc gia nhỏ bé ở một khu vực vùng trũng của thế giới. Để triển khai các nhà giàn như vậy là một điều phi lý và chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Họ nghĩ rằng Việt Nam đang lãng phí lớn cho một công việc đầy mạo hiểm và không khả thi.
Và rồi Việt Nam đã chứng minh những điều ngược lại. Những công trình nhà giàn nhỏ bé mọc hiên ngang giữa biển Đông bao la, bốn bề đều là biển cả. Màu xanh của biển và của mây trời, màu xanh của áo lính.
Trong những năm cuối thập niên 80, kinh tế nước ta còn nghèo, bị cấm vận, khối Đông Âu và Liên Xô gặp khó khăn, tình hình biên giới rất căng thẳng. Nhưng những nhà giàn như thế này, mọc lên giữa biển khơi, đã chứng tỏ rằng: Những gì đã thuộc về chủ quyền dân tộc, dù phải đánh đổi tất cả cũng vẫn phải giữ vững.
Thực sự rất khủng khiếp. Được biết các chiến sĩ ngoài nhà giàn khi bão đến phải tự lấy dây thừng hoặc tương tự để buộc mình cố định vào vị trí nào đó để tránh bão cuốn phăng đi. Không ít chiến sĩ đã hy sinh.
Chúng ta sống an bình ở đất liền làm sao hiểu được những hy sinh, khó khăn vất vả của những người lính gặp phải. Người ta nói: hy sinh giữa thời bình là như vậy. Ngay đến cả hiện tại, ở ngoài đảo xa, vẫn có những chiến sĩ im lặng về với đất mẹ. Đặt ra một câu hỏi rằng: Tại sao họ phải làm thế?
“Tất nhiên là nhiều người chưa liên tưởng sự vất vả như thế nào, có ai hiểu và chia sẻ không? Có những người còn nói "Con ông ,cháu cha mới được ra ngoài đó"; nhiều khi nghĩ thật nực cười. Chúng ta nên nhớ rằng khi tổ chức giao nhiệm vụ nhưng nổi khổ ở đây lại là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa của ông cha, dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một li không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu…
Trên mỗi nhà giàn, đều có lá cờ đỏ hiên ngang, dòng chữ “CHXHCN Việt Nam” và những ánh đèn chiếu rọi… Giữa biển khơi, mỗi người ngư dân khi nhìn thấy dấu hiệu này, họ hiểu rằng biển cả là nhà, để những người trong đất liền có thể thấy rõ chủ quyền dân tộc giữa biển khơi được gìn giữ như thế nào. Lá cờ tuy nhỏ giữa biển khơi, dòng chữ cũng không lớn, nhưng vị thế rất quan trọng, đã đánh dấu được chủ quyền và thềm lục địa của Tổ quốc Việt Nam ta trên biển Đông, to lớn và vững chắc lắm./.
Ảnh: Nhà giàn hiên ngang giữa biển khơi