Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

CÚ RƯƠI NGÀY CUỐI NĂM VÀ CÁCH MẠNG BỐN CHẤM KHÔNG


Ngày cuối năm dương lịch, tôi nhận được một cân rươi gửi từ… Hải Phòng.

Việc này sẽ không thể xảy ra nếu chỉ cách đây dăm năm, nhưng giờ nó đã diễn ra hết sức suôn sẻ.

Ấy là một bạn đọc phây búc của tôi từ Úc tự nhiên nhắn: Anh ơi, anh viết về ẩm thực… hay. Giờ đang mùa rươi đấy, quê em Hải Phòng, đấy mới là đất rươi chứ không chỉ Hải Dương hay Nam Định như anh nghĩ đâu. Xa quê nhớ và thèm rươi anh ạ, anh viết để những người xa quê như em đỡ nhớ quê.

Tôi viết một status trả lời, nguyên văn:

“Nói thật lại bảo quê mùa, nhà cháu chả biết rươi là cái giống gì. Thế thì làm sao mà viết được.

Hồi học cấp 3, trọ học, đói lắm. Ban đầu ở nhờ nhà một bác, bác này rất khổ, nên ở trọ nhà bác ấy cũng khổ. Khổ nhất là mỗi tuần mang gạo đến nộp, bác ấy đều đong lại, lần nào cũng kêu: Thiếu một bò. Có lần mẹ đong gạo xong mình lẳng lặng xúc thêm một bò đổ vào ruột tượng, thế mà khi nộp gạo, bác ấy đong lại, vẫn kêu thiếu 1 bò. Ở nhà bác này ngoài nộp gạo, tiền, còn phải nộp cả củi nữa. Cứ chiều chủ nhật là thồ đủ các thứ đến nộp, chiều thứ 7 về.

Bác này có đứa con gái, vừa đen vừa xấu, mà lại không bao giờ nói chuyện với tụi mình, mặt cứ hằm hằm như mình với thằng Tư Phan là 2 đứa ăn chực ấy. Thực ra sau mới biết, nó cũng thích tụi mình, nhưng gái nông thôn, cứ phải ngượng ngập thế để... làm cao.

Sau có người quen chỉ cho một nhà bác khác. Bác này làm kế toán hợp tác xã. Rất vui tính. Đầu tiên là bác gái không bao giờ đong lại gạo, cứ mang đến là bác đưa cái thúng, trút vào đấy. Nhẹ cả người. Thứ 2 là không lấy củi. Thứ 3 là đứa con gái nhà bác rất xinh, trắng bóc, lại vui tính, cười toe toét nói chuyện với tụi mình cả ngày. Ở nhà bác này được ăn rất no, không như nhà bác trước, mới lưng lửng bụng bác đã nghiêng cái nồi cạo cháy xoẹt xoẹt. Thứ nữa là nhà bác này rộng, cái giường 2 đứa ngủ nó đúng là cái giường chứ không phải là cái chõng như nhà bác cũ.

Một hôm bác trai bảo: Hôm nay mình ăn mắm rươi, 2 đứa ăn được không? Đang tuổi ăn tuổi đói, cái gì chả ăn được. Vào mâm là bát ô tô hành muối trắng muốt, một bát mắm rươi, màu đục đục. Cơm gạo mới. Cha mẹ ơi là nó ngon, ngon kinh khủng. Bác gái bảo: Có cá làm vạ với cơm, hôm nay tôi nấu tăng thêm 2 bò đấy.

Lần đầu biết rươi là thế, chỉ thấy khi nó đã thành mắm. Và chỉ nghĩ rươi tức là mắm, và chỉ ăn được với hành muối. Lúc nhà bác ấy làm rươi mình nào có biết. Té ra cái đất Hoa Lộc, Thanh Hóa cũng có rươi chứ không chỉ mấy tỉnh như Hải Dương Nam Định nhé. Hoa Lộc là đất có trung đội nữ dân quân được... chia cho bắn cháy một cái máy bay he he. NHà mình trọ ở cạnh nhà cô trung đội trưởng ấy, hôm nào được phép "giải mật" nhà cháu viết về chuyện này, hay lắm ý...


Sau, có lần ra Hà Nội, tự nhiên nổi hứng gọi anh Nguyễn Thụy Kha, anh bảo mày đang đâu, bảo em ở đấy ở đấy. Ổng bảo mày bắt tắc xi đến 1B Chân Cầm ăn rươi. Đang mùa đấy…”.

CÚ RƯƠI NGÀY CUỐI NĂM VÀ CÁCH MẠNG BỐN CHẤM KHÔNG
Con Rươi tươi
Chừng 10 giờ đêm, khoảng 4 tiếng đồng hồ sau khi tôi “xuất bản” status trên, một cú điện thoại gọi: “Em là XYZ, bạn đọc của anh ở Hải Phòng đây, em sẽ gửi biếu anh rươi Hải Phòng quê em để anh thưởng thức. Anh vui lòng nhận giúp em nhé”. Tôi ậm ừ đến mấy phút mới nói: “Anh rất khái tính, ít nhận quà, nhất là quà từ người lạ chưa bao giờ gặp như em, nhất là đang có chỉ thị cấm… nhận quà. Nhưng riêng rươi, thì em ơi, anh cám ơn em rất nhiều, và anh xin nhận, bao nhiêu cũng nhận, cho bạn bè anh ở Pleiku nó biết thế nào là rươi. Anh sẽ tự tay chế biến và kêu bạn bè đến thưởng thức”. Một tiếng đồng hồ sau, tức là 11 giờ đêm thì số ấy gọi lại (lúc này nhiệt độ ở Pleiku là 11 độ): “Em đang ở bến xe Hải Phòng. Hải Phòng không có xe chạy thẳng Pleiku, nhưng em đã tìm được xe gửi rươi cho anh. Xe Buôn Ma Thuột anh nhé, 3 giờ sáng sẽ xuất bến từ Hải Phòng, chừng 2 giờ sáng mai sẽ chạy qua Pleiku, nhà xe sẽ gọi, anh chịu khó giúp em dậy sớm và giữ điện thoại để liên lạc nhé”. Tôi bảo “em ơi anh hết sức cảm động, giờ này Pleiku 11 độ thì Hải Phòng chắc chắn dưới 10 độ, anh nghe cả tiếng gió rít qua điện thoại đấy… Cám ơn em rất nhiều, anh mới là người phải cám ơn em chứ em đừng cám ơn vì cái vụ anh dậy sớm đón rươi”…

CÚ RƯƠI NGÀY CUỐI NĂM VÀ CÁCH MẠNG BỐN CHẤM KHÔNG
Món chả rươi 
Cái “cuộc rươi” ấy nó chỉ có thể diễn ra ở thời này là bởi, một là có công nghệ số rất hiện đại làm cầu: Phây búc. Thế là tôi có một cuộc rươi với gia đình và bạn bè, hơn chục người trong cuộc rươi hôm ấy tại nhà tôi chỉ nhõn tôi là đã ăn rươi, còn lại đều là lần đầu. Và họ vừa ăn, vừa xuýt xoa vừa phải căng tai nghe tôi nói về rươi, về tình người, về cách mạng bốn chấm không. Giữa Tây Nguyên ăn một cú rươi như thế chẳng phải là một điều rất hi hữu sao. Hi hữu nhưng đang dần dần phổ biến. Cũng y như bò một nắng, muối kiến J’rai hiện đang được ship khắp nước, phần lớn nhờ mạng xã hội…

Tết năm ngoái, sau ngày tiễn Táo một hôm, một tin nhắn Messenger mà lại nằm trong spam được tôi lôi ra: “Chào anh, em chuẩn bị vào Pleiku, muốn tặng anh món quà. Anh thích gì em mang vào”. Hết sức kỳ lạ và cũng phải… cảnh giác. Tôi nhắn lại: Chào bạn, hết sức cảm ơn bạn, nhưng quả là tôi chả thiếu gì, chỉ thèm… không khí Bắc. Thì một cách trả lời trung tính mà lại chứng tỏ mình không phải là loại… vồ vập với quà, nhất là người lạ. Hôm sau một tin nhắn nữa: Anh cho em xin điện thoại ạ. Tôi nhắn số điện thoại rồi lại quên luôn chuyện ấy, cuối năm bao nhiêu việc. Hôm sau, điện thoại reo, số lạ: Em là người nhắn tin cho anh từ Hà Nội, giờ em lên máy bay, một tiếng rưỡi nữa em sẽ điện cho anh, anh em mình gặp nhau tí. Ơ, tưởng đùa mà thật à.

Nói thật, trong bụng nghĩ, chắc một người yêu chữ của mình và theo thông lệ sẽ tặng chai rượu. Thú thật trước đó tôi hay nhận được quà là… rượu, khi bày tỏ sự ái ngại thì các bạn ấy đều nói: Coi như em trả nhuận đọc cho anh, đọc anh suốt, giờ biếu anh chai rượu cho nó khỏi… mắc nợ thôi. Thì nói đến thế làm sao mà từ chối. Lần này chắc cũng thế, và tôi chuẩn bị tâm thế đón anh bạn này bằng… cuộc nhậu.

Xuống máy bay anh ấy gọi ngay, em đang về khách sạn KL, anh chạy qua đấy giúp em. Tôi tới thì một cái xe 15 chỗ cũng vừa tấp vào sảnh khách sạn. Một cành đào khủng được khuân từ trên ấy xuống. Nói thật là tôi đã… đơ người khi nhìn cành đào quá đẹp. Từ năm 1975 đến giờ, năm nào tôi cũng chơi đào, nhưng toàn đào… loại 2, thậm chí loại 4. Lần đầu tiên tôi có một cành đào bắc đúng nghĩa. Đào cành chứ không phải đào gốc như mấy năm sau này dân Hải Dương, Nam Định, thậm chí và… Nghệ An chở vào phía Nam bán. Anh bạn này làm ở một công ty nước ngoài, cuối năm vào quyết toán ở một công ty liên doanh tại Gia Lai. Trao quà xong phải đi ngay, hẹn tối nếu rỗi sẽ “xin anh một ly cà phê đêm Pleiku”. Tất nhiên tối ấy, dù đã muộn, tôi vẫn chở anh này đi lang thang cà phê, hai người gặp nhau lần đầu tiên, hay chính xác là lâu nay online, là on ẩn, bởi bạn này không công khai like hoặc còm, mà chỉ lặng lẽ đọc, giờ offline mà như đã chơi với nhau tự thuở nào.

Cũng cô gái ở Úc ấy, nhân đọc phây búc của tôi, thấy tôi kể chuyện một cô giáo đi dạy mỗi ngày đi về gần 100 cây số và toàn lấy tiền túi mua sách bút cho học trò, nghe cô này kể mùa lạnh mà học trò đi chân đất tới lớp đã gửi 500 đô Úc nhờ tôi mua cho các cháu học sinh, mỗi cháu một đôi dép, một cây bút và một cuốn vở. Ơ, thế thì phây búc vĩ đại quá đi chứ còn gì nữa ạ, miễn là người ta có tâm, có tình yêu con người, và kể cả, phải có một chút hiểu biết. Nói chuyện hiểu biết, bởi có khá nhiều bác chơi phây búc và đã… tải rất nhiều virus về nhà mình rồi… “biếu” lại bạn bè. Chưa kể rất nhiều người bị lừa mất tiền, rất nhiều tiền nữa… Mới nhất, hôm kia, tôi lại chuyển đến 3 trường trong tỉnh mỗi trường số quà tương đương 500 đô Úc bạn này gửi về mua áo và đồ dùng học tập cho các cháu.

Trong mấy chục năm từ ngày thống nhất, phải công nhận phây búc nói riêng, mạng xã hội nói chung đã kéo gần, cực gần, nếu không muốn nói là khít lịt, khoảng cách các vùng miền.

Phây búc, nó là một phần của công nghiệp bốn chấm không, dù công nghiệp này là sự “kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong” chứ không chỉ để… biếu nhau rươi hoặc cành đào tết…

Văn Công Hùng