Ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào của dân tộc ta, văn nghệ sĩ luôn là những người quan tâm đến thời cuộc. Thông qua hoạt động nghệ thuật, họ cất lên tiếng nói của nhân dân, của thời đại mình, hướng tới những giá trị thẩm mỹ và nhân văn cao đẹp. Những tác phẩm, những phát ngôn của văn nghệ sĩ luôn có ảnh hưởng to lớn đến công chúng. Và vì sự ảnh hưởng to lớn ấy nên các thế lực thù địch, phản động đã và đang ráo riết lợi dụng, lôi kéo một số văn nghệ sĩ tham gia vào cái gọi là "những tổ chức dân sự" trá hình để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiếng nói của văn nghệ sĩ đã hòa nhịp với tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, dân tộc. Những tác phẩm nghệ thuật thời chiến đã nâng bước toàn quân, toàn dân ta vượt qua khó khăn, thử thách đi đến thắng lợi hoàn toàn. Và những thành quả to lớn mà chúng ta đạt được trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Thế nhưng thực tế đặt ra là trong quá trình hội nhập và phát triển hôm nay, bên cạnh những thuận lợi được khai thác, phát huy thì những tác động trái chiều từ hội nhập, mở cửa cũng phát sinh tiêu cực và ngày càng phức tạp, khó lường. Các thế lực phản động trong và ngoài nước đã và đang lợi dụng những vấn đề nhạy cảm để thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", trong đó lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật được chúng lợi dụng triệt để nhằm chống phá, cản trở sự phát triển của Việt Nam. Từ âm mưu của các thế lực thù địch, những năm gần đây ở nước ta xuất hiện các trào lưu đòi giải thiêng các giá trị lịch sử của dân tộc, phủ nhận thành tựu của cách mạng, chia rẽ nội bộ văn nghệ sĩ; bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ. Có những quan điểm nhầm lẫn giữa cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta chống kẻ thù xâm lược với các cuộc nội chiến phi nghĩa, hao tổn xương máu được một số văn nghệ sĩ lên tiếng trên các diễn đàn...
Ở trong nước, những kẻ cơ hội chính trị ra sức lôi kéo một bộ phận văn nghệ sĩ không có sự vững vàng về bản lĩnh chính trị, ngả nghiêng theo các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về Đảng và Nhà nước ta. Từ bán tín, bán nghi đến bị tẩy não hoàn toàn, hiện ngày càng xuất hiện nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ gồm những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị cấu kết thành cái gọi là những người "đồng chí hướng", "những công dân tự do" để sáng tác thơ, văn có tư tưởng phản động hoặc nội dung thiên về những điều tầm thường, phản văn hóa. Ở nước ngoài, những phần tử phản động sản xuất, phát hành một số bộ phim, sách có tư tưởng lệch lạc, nội dung bịa đặt, bôi đen lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, chống đối Đảng và Nhà nước ta rồi phát tán trên các trang mạng và blog cá nhân. Chúng dẫn dụ, lôi kéo những người tò mò vào đọc, từ đó gây sự hoài nghi về Đảng, về chế độ.
Đặc biệt, khi tình hình trên biển Đông diễn biến phức tạp, một số văn nghệ sĩ trong nước có nhận thức, tư tưởng phức tạp đã có những hoạt động gây bất lợi cho Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công dân. Phần lớn trong số họ nhìn nhận chủ trương giải quyết vấn đề biển Đông của Đảng, Nhà nước ta theo khuynh hướng cực đoan, quá khích, từ đó có những hành động thúc đẩy hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch. Tiếc là trong số văn nghệ sĩ cực đoan, quá khích này, nhiều người từng có đóng góp không nhỏ cho nền văn hóa nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Thậm chí một số người từng giữ những cương vị chủ chốt trong các cơ quan tư tưởng, văn hóa - nghệ thuật ở Trung ương...
Nhà văn Nguyên Ngọc |
Điển hình có thể kể đến trường hợp nhà văn Nguyên Ngọc, người từng viết những tác phẩm nổi tiếng một thời như Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Đất Quảng... Những tác phẩm đầy ắp hơi thở cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc ta thực sự đã trở thành động lực chiến đấu của nhiều thế hệ chiến sĩ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thế nhưng khi hòa bình, được sống, được sáng tác trong môi trường có nhiều thuận lợi thì vào ngày 03/3/2014, Nguyên Ngọc và một số nhà văn "cùng hội, cùng thuyền" lại tuyên bố thành lập cái gọi là "Văn đoàn độc lập" - một tổ chức ngoài Hội Nhà văn Việt Nam. Lý do mà Nguyên Ngọc đưa ra là sau năm 1975: kết thúc thời kỳ chiến tranh kéo dài, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản mà nền tảng là phục hưng văn hóa, và ông ta cho rằng công cuộc quan trọng và cần thiết ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại "văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến sự tồn vong của dân tộc...". Đây thực sự là luận điệu điên rồ, kỳ quái của một người từng là nhà văn cách mạng tên tuổi.
MC Phan Anh |
Gần đây, trong giới showbiz Việt nổi lên "hiện tượng" MC Phan Anh. Đây là một trong những người có tên tuổi trong làng showbiz Việt, nhưng phải từ sau chương trình "60 phút mở", Phan Anh mới thực sự nổi tiếng. Theo đó lượng fan ngày càng nhiều. Với lợi thế điển trai, tự tin và khéo dẫn dắt, Phan Anh được mời dẫn nhiều chương trình quan trọng trên sóng truyền hình. Thế nhưng thời gian gần đây, Phan Anh liên tục có những dòng chia sẻ đầy ẩn ý "đừng im lặng" trước hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung và đặt ra những vấn đề mang tính nhạy cảm chính trị trên facebook. Đặc biệt, sau đợt mưa lũ ở miền Trung vừa qua, Phan Anh đã quyên góp được 16 tỷ đồng ủng hộ người dân vùng lũ - một việc làm mà ngay cả những tên tuổi hơn Phan Anh rất nhiều cũng không thể làm được. Và cũng ngay lập tức, đám cơ hội chính trị trong nước và đám "cờ vàng" hải ngoại bám lấy sự kiện này, tung hê Phan Anh thành "người hùng". Nếu chỉ thế thôi thì chẳng sao, đằng này chúng lợi dụng việc Phan Anh đi làm từ thiện được nhiều người ủng hộ để nói xấu, bịa đặt và xuyên tạc về chính quyền. Thậm chí có kẻ còn trơ trẽn phong danh hiệu cho Phan Anh là "tân Thủ tướng", là lãnh đạo của đám "dân chủ" tự xưng cùng với nhóm tôn giáo cực đoan trong nước.
Trong mọi thời đại và thể chế chính trị, vai trò của văn nghệ sĩ là không thể phủ nhận. Bằng ảnh hưởng to lớn của mình, những văn nghệ sĩ có thể hướng dư luận đi theo mình. Thế nhưng bản thân họ cũng sẽ là công cụ cực kỳ lợi hại nếu bị những kẻ cơ hội chính trị, phản động lợi dụng. Và trước những vấn đề nhạy cảm chính trị, những văn nghệ sĩ có tư tưởng ngả nghiêng thực sự là mối nguy hại không thể lường được.
Vì vậy, cùng với việc tạo môi trường thuận lợi cho văn nghệ sĩ sáng tạo, các cấp ủy đảng, chính quyền cần kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các phần tử chống đối chế độ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng "đối đầu" giữa văn nghệ sĩ với chính quyền.