Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Nghĩ về nghề: Nhà báo trẻ & sự nghiệt ngã của nghề nghiệp


Đã hơn một lần, tôi đã nghe cảm thán của một vài phóng viên trẻ, rằng: Nghề báo có thể kiếm tiền, sống một cách tốt đẹp được không mà không cần phải đi viết bài "đánh đấm", kiếm hợp đồng về ăn %? Hoặc đơn giản chỉ là: Nghề báo kinh khủng như vậy sao (với những bạn làm ở những tờ báo điện tử quả thật lập ra có ý đồ ngay từ đầu là "quậy" doanh nghiệp để kiếm tiền?

Tôi cứ nghĩ mãi về những câu hỏi đó và quả thực không dễ gì mà trả lời cặn kẽ bởi ngày nay, báo chí quả thật rất đa dạng và không dễ lấy chuyện ở báo này để nói chung cho mọi pv mới vào nghề.

Nếu chỉ nói đơn giản là, à không, không nhất thiết phải "đánh đấm": Đi tìm chuyện tiêu cực của doanh nghiệp, của cơ sở, của một xã, một phường, một bộ, ngành để kiếm phong bì, kiếm hợp đồng mới sống được. Thì cũng đúng , bởi vì hiện nay, có những tờ báo cơ bản doanh thu vẫn rất tốt, có lợi nhuận đủ nuôi cán bộ, nhân viên, pv sống ổn (tất nhiên vẫn là không giàu) mà đảm bảo nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực: Vnexpress, Vietnamnet, Zing...Các tờ báo in đang có xu hướng đi xuống nhưng thu nhập cơ bản vẫn tốt, tiền thưởng, tiền tết, tiền lương và mọi chế độ còn rất tốt: Thanh niên, Tuổi trẻ, Forbes Vietnam...Và số nhà báo, pv vẫn sống tương đối thoải mái bằng lương, thưởng, nhuận bút với năng suất làm việc cao tôi nghĩ có thể tới hàng ngàn người, nếu tính số nhân sự ở các báo này nhân lên.

Ngay cả một số báo địa phương, tôi không chắc lắm nhưng có nghe, có những báo như Quảng Ninh, Hải Phòng...thu nhập anh chị em ở đó cũng khá.

Tất nhiên là ngay ở những tờ báo như vậy, cũng vẫn có những người thu nhập thấp do vị trí công tác, thu nhập không đồng đều. Và ngay ở những tờ báo có quy tắc, nguyên tắc làm việc chặt chẽ, vẫn có những người làm bậy để làm giàu. Nhưng cũng có khá nhiều người làm giàu bằng những việc có thể không đúng quy định cơ quan, có thể cơ quan biết nhưng cũng chấp nhận: Làm thêm hoạt động dịch vụ cho doanh nghiệp, đầu tư hay thậm chí có doanh nghiệp riêng.

Thế nhưng còn hàng chục ngàn nhà báo, phóng viên ở những tờ báo yếu hơn, những tờ báo in ngày càng khó khăn do xu hướng chung, hay hàng trăm, hàng ngàn tờ báo điện tử mới thành lập thì sao? Có rất nhiều người có thu nhập chính thức không đủ sống, phải làm thêm: Viết bài PR, làm cộng tác viên truyền thông cho doanh nghiệp, đi chụp ảnh thêm bên ngoài, đi dạy học... Nhưng cũng có rất nhiều người không làm được các việc đó, nhiều người rất khó khăn với cuộc sống. Qua vụ tử nạn của PV Đinh Hữu Dư của TTXVN, chúng ta hiểu là có những pv rất yêu nghề, rất chịu khó và cũng rất nghèo nhưng vẫn giữ được sự trong sáng của nghề nghiệp.

Trong guồng quay của cuộc sống đầy khó khăn đó, ngày nay, có hàng trăm báo điện tử, tạp chí điện tử mới ra đời. Có tờ vốn được thành lập từ lâu nhưng khó khăn, vì yêu cầu, sức ép doanh thu, kinh phí để nuôi bộ máy, nuôi anh em cũng phải khoán doanh số, quảng cáo cho phóng viên. Nên có những báo, doanh nghiệp bị thúc ép làm quảng cáo, đem tiền về cho tòa soạn thì viết bài "chiến" doanh nghiệp, cơ sở để lấy hợp đồng, quảng cáo, mang tiền về và mình cũng có % nhất định. Và dần dần, nó cũng thành một thói quen, một xu hướng. Có người thích ứng với việc đó thì hứng thú, có người thì bỏ, đi tìm cơ quan khác không bị khoán làm quảng cáo.

Nhưng cũng có những tổ chức, cá nhân nhìn thấy việc "đánh đấm", moi móc, kiếm chuyện tiêu cực từ địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp, thậm chí cả những cơ sở rất nhỏ: Nhà trẻ, trạm kiểm lâm, phường xã... có chuyện tiêu cực thì viết bài, đe dọa viết bài để kiếm hợp đồng truyền thông hay các khoản tài trợ, và có thể không chỉ đủ ăn, đủ nuôi quân mà còn có thể làm giàu, rất giàu từ việc đó. Sự thành công từ cách làm đó ở một số tờ báo ngày càng tạo ra nhiều tờ báo, tạp chí kiểu này. Có những người, thậm chí nhóm người đã phải đi tù từ việc "tống tiền", "tống quảng cáo", "tống hợp đồng"... từ doanh nghiệp nhưng ngay sau khi ra tù lại tiếp tục quay lại làm kiểu như vậy, lại ra một tờ báo mới, thu nhận các phóng viên có khả năng làm chuyện đó, tổ chức tống tiền quy mô và tinh vi hơn... như một tổ chức tội phạm mà cơ quan chức năng cũng không dễ dàng gì tìm được bằng chứng để phá vỡ.

Trong xu hướng đó, rất không may, có rất nhiều phóng viên mới ra trường, có khả năng viết lách chút, được tuyển chọn, tiếp nhận về và làm báo theo cách đó. Tôi không lấy làm ngạc nhiên nhưng lại rất xót ruột khi có những sinh viên mới ra trường một thời gian, đi làm ở một số tạp chí điện tử, báo điện tử như vậy, phải thốt lên, viết lên ở diễn đàn Nhà báo trẻ rằng: Làm báo ngày nay là phải như vậy sao? Đó là cách làm báo không được dạy bảo, không được nói đến, hoặc có nói nhưng không đầy đủ, không giúp các sinh viên hình dung là ngoài đời, nghề báo phức tạp hơn họ nghĩ rất nhiều. Có nhiều người vỡ mộng tìm cách thích nghi, có người thì thích nghi nhanh, thậm chí thích thú vì có thể kiếm được nhiều tiền hơn mình nghĩ...

Nhưng thực sự, tôi vẫn tin rằng, đa số sinh viên báo chí hay ngành nghề khác ra trường mà đi làm báo, vẫn muốn làm một thứ báo chí tử tế mà vẫn sống được, ít nhất là có thu nhập tương đối đảm bảo trang trải được cuộc sống, chứ không phải là kiểm làm báo đi vạch lá tìm sâu, tìm chuyện đánh đấm, kiếm quảng cáo mang về ăn %...

Tất nhiên là không có gì là lý tưởng hết cả. Ở những báo lớn cũng có cách làm như vậy và ở báo nhỏ cũng có những người làm việc nghiêm túc, tử tế, vẫn có cách sống tích cực

Viết dài như vậy, tạm coi như chuyện nghĩ về nghề. Nhưng ở đây, tôi rất mong có sự chia sẻ, đồng cảm của các mem khi đánh giá, nhìn nhận về các phóng viên trẻ. Có những người rất may mắn khi ra trường được làm ngay ở trong những tờ báo có uy tín, có quy trình làm báo nguyên tắc, nghiêm ngặt, thu nhập ổn. Nhưng cũng có những phóng viên trẻ rơi vào những môi trường làm báo xấu mà tự thân không đủ năng lực, kinh nghiệm để né tránh, vượt qua, tìm đến những chỗ làm tốt hơn. Thì cũng cần có cách nhìn rộng lượng hơn, ít nhất là sự thông cảm, để nếu không giúp những nhà báo trẻ ấy có cơ hội làm việc tốt hơn thì cũng không dìm thêm các em xuống bùn đen trong những sai lầm đầu đời.

M.Q