Năm 2008, Việt Nam phóng thành công vệ tinh Vinasat-1 lên quỹ đạo, đây là vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam.
Khi Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng ông đã nói “đó là một bước đi nhỏ của (một) con người, một bước nhảy vọt của nhân loại”. Với sự kiện lần đầu tiên Việt Nam có một vệ tinh trên quỹ đạo có thể nói đó là “một bước đi nhỏ” nhưng là “bước nhảy vọt” của dân tộc Việt Nam. Sự kiện đó đã đánh dấu chủ quyền của Việt Nam với không gian vũ trụ. Hiện nay, Việt Nam đang có 5 vệ tinh đang hoạt động (Vinasat-1, Vinasat-2, Vệ tinh nano F-1, VNREDSat-1 và Pico Dragon) dự kiến đến năm 2022 sẽ có thêm 4 vệ tinh nữa của Việt Nam sẽ được phóng lên quỹ đạo.
Chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng. |
Để phóng được Vinasat-1 lên quỹ đạo, Việt Nam đã trải qua hàng chục năm đàm phán với 27 quốc gia và vùng lãnh thổ để có được vị trí 132 độ Đông trên quỹ đạo địa tĩnh và đầu tư kinh phí lên đến 300 triệu Mỹ kim (dự án bắt đầu từ năm 1998 đến năm 2008 mới phóng thành công và dự kiến vệ tinh Vinasat-1 sẽ “giải ngũ” năm 2023). Như vậy từ năm 2008, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền ở 4 vùng không gian: vùng đất, vùng trời, vùng biển và không gian vũ trụ. Không gian mạng hay không gian ảo (Cyberspace) là một không gian ảo, nơi các máy tính (các thiết bị điện tử khác) trao đổi dữ liệu, thông tin. Từ không gian mạng cũng dùng để chỉ một mạng lưới toàn cầu của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phụ thuộc lẫn nhau, mạng viễn thông và các hệ thống máy tính. Từ gốc tiếng Anh là cyberspace ban đầu được sử dụng trong văn hóa đại chúng ở các tác phẩm khoa học viễn tưởng nhưng sau này lại được chính thức sử dụng bởi những nhà phát triển mạng viễn thông, các nhà lãnh đạo, những chính trị gia, những người đứng đầu các tập đoàn lớn,... để mô tả về một môi trường của những công nghệ thuộc về lĩnh vực điện tử - viễn thông mang tính chất toàn cầu.
Khái niệm về không gian mạng trở nên phổ biến hơn vào những năm 1990 khi thế giới bắt đầu chứng kiến sự bùng nổ của mạng Internet cũng như sự phát triển vượt bậc của các công nghệ bán dẫn, kĩ thuật số, hệ thống điện toán, thông tin liên lạc và đây cũng chính là thành tựu quan trọng nhất trong Cách mạng công nghiệp lần 3. Có thể tạm hiểu: Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, hệ thống máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Chủ quyền mạng hay chủ quyền không gian mạng (Network Sovereignty) là phần mở rộng tự nhiên của chủ quyền quốc gia trong không gian mạng, trong đó nội dung chủ yếu của nó chính là việc thực hiện quyền tài phán trong không gian mạng của quốc gia. Như vậy, không gian mạng là vùng không gian thứ 5 của một quốc gia trong thời đại hiện nay. Cần phải khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia ở vùng không gian thứ 5 - không gian mạng là quốc sách của mọi quốc gia hiện nay. Không gian mạng là mảnh đất “màu mỡ” của tội phạm và gián điệp nước ngoài. Tội phạm sử dụng công nghệ cao là một loại tội phạm phi truyền thống và có xu hướng hoạt động xuyên quốc gia.
Trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 và có hiệu lực đầy đủ năm 2018, Nhà nước Việt Nam đã có những quy định mới về tội phạm sử dụng công nghệ cao, “gây án” trong không gian mạng. Bọn tội phạm có thể sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện các hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng cho Xã hội. Từ những hành vi “cổ điển” như viết, phát tán virus, Trojan, mã độc… để trộm cắp dữ liệu điện tử, phá hoại cơ sở dữ liệu, chiếm quyền sử dụng máy... Cho đến những hành vi nguy hiểm hơn như tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, chiến tranh mạng... Hiện nay, việc sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm nhục người khác, trộm cước viễn thông… đang phổ biến ở Việt Nam và có xu hướng gia tăng.
Tội phạm mạng và hậu quả khôn lường |
Năm 2017, hai đối tượng đã tấn công, xâm nhập website Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Rạch Giá và Tuy Hòa trong các ngày từ 8 đến 10/3 gây hoang mang dư luận. Ví dụ nếu không phải làm thay đổi các thông báo trên website của hãng hàng không mà là thay đổi hồ sơ bệnh án của bệnh viện, thay đổi đường bay nhằm tạo ra tai nạn hàng không hoặc là trộm cắp hàng triệu thẻ tín dụng như xảy ra ở Mỹ cách đây mấy năm… thì hậu quả sẽ là thế nào? Không gian mạng được xem là không gian ảo tuy nhiên lại hoàn toàn gây ra những hậu quả thật. Không chỉ bọn tội phạm triệt để sử dụng không gian mạng để phạm tội mà các cơ quan tình báo nước ngoài cũng sử dụng để thực hiện hoạt động gián điệp. Một ví dụ điển hình là bản thiết kế phi cơ F35 của Hoa Kỳ. Máy bay F35 được xem là mẫu máy bay tiêm kích đa chức năng tàng hình hiện đại nhất của Hoa Kỳ. Năm 2015, Edward Snowden đã tiết lộ rằng gián điệp Trung Quốc đã đánh cắp những thông tin thiết kế chính về máy bay chiến đấu đa năng F-35 Lightning II từ một nguồn khác bên ngoài Mỹ - đó là Australia. Với bản thiết kế này, Trung Quốc hoàn toàn có thể phát triển một dòng tiêm kích đa năng tương tự để đối trọng với Hoa Kỳ và rõ ràng đây là một thiệt hại lớn cho Hoa Kỳ và đồng minh của họ. Ngoài ra, không gian mạng cũng là nơi phát tán những nguồn thông tin độc hại, xuyên tạc của bọn phản cách mạng, phản động lưu vong và các thế lực thù địch chống chính quyền Nhân dân. Cơ quan chức năng không thể nào kiểm duyệt, ngăn chặn hay có biện pháp khác để buộc nhà cung cấp dịch vụ kiểm duyệt, tháo gỡ… Các nhà cung cấp dịch vụ mạng lớn trên thế giới đa số lại không có trụ sở ở Việt Nam, mặc dù họ có nguồn thu từ thị trường ở Việt Nam nhưng lại không có gì ràng buộc về nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác với Nhà nước Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam hiện đang thiếu các quy định Pháp luật để quản lý các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ mạng tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đang bị thất thoát tiền thuế từ các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên mạng internet… là rất lớn. Như ghi trên, chủ quyền vùng không gian thứ 5 - không gian mạng có thể nói là vùng chủ quyền không có biên giới vì vậy Không gian mạng quốc gia là không gian mạng do Nhà nước xác lập, quản lý và kiểm soát. Để xác lập thì cần phải có Pháp luật quy định cụ thể. Như vậy, bảo vệ chủ quyền không gian mạng là rất cần thiết và cấp bách để bảo vệ An ninh Quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Sớm nhận ra sự cần thiết trong bảo vệ chủ quyền không gian mạng các nước phát triển đã sớm ban hành các đạo luật về an ninh mạng, thành lập các lực lượng tác chiến trên không gian mạng. Trong đó, điển hình là Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nga, Trung Quốc… và thậm chí là Triều Tiên. Trong Quân đội Hoa Kỳ, Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng sẽ giữ vai trò chiến lược trong công tác đồng bộ hóa các đơn vị tác chiến mạng, đào tạo, chỉ đạo và phối hợp các chiến dịch quân sự trong không gian mạng. Họ có thể xâm nhập, gây rối và phá hủy mạng lưới thông tin liên lạc của đối phương; thực hiện hoạt động tình báo; phát động tấn công mạng hoặc ngăn chặn các cuộc tấn công mạng nhằm vào Hoa Kỳ. Về lập phát tại Hoa Kỳ, luật Liên bang hiện thời tập trung vào các ngành cụ thể. Có 3 đạo luật an ninh mạng chính đó là Đạo Luật về Quyền riêng tư trong lĩnh vực Y tế (HIPPA) năm 1996, Đạo Luật Gramm-Leach-Bliley trong lĩnh vực Tài chính năm 1999 và Đạo Luật An ninh nội địa năm 2002 (trong đó bao gồm đạo luật Quản trị An ninh Thông tin Liên bang - FISMA). Song song với hệ thống Pháp luật Liên bang, các tiểu bang của Hoa Kỳ có các đạo luật riêng về an ninh mạng. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ đã đề xuất rất nhiều dự luật mở rộng, hoàn thiện luật an ninh mạng.
Luật an ninh mạng sẽ đảm bảo ANQG và TTXH trên không gian mạng |
Tại Việt Nam, mãi đến tháng 8/2017 mới thành lập lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và công nghệ thông tin - Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86) trực thuộc Bộ Quốc phòng. So với các nước trên thế giới là khá muộn. Và hôm nay (12/6/2018) Quốc hội mới chính thức thông qua Luật An ninh mạng. Luật này gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Như trình bày trên, Luật An ninh mạng đối với Việt Nam là hết sức cần thiết nhưng lại được hình thành khá muộn so với thế giới. Mục đích chính là nhằm xác lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Các ý kiến gần đây chống lại việc thông qua Luật với luận điệu “Luật an ninh mạng là để giám sát người dân”, “Luật an ninh mạng là vi phạm quyền tự do các nhân”,… là hoàn toàn xuyên tạc không đúng với bản chất của vấn đề. Điều đáng buồn cười là nhiều người chưa hề đọc qua dự thảo, không hề biết về bản chất của vấn đề nhưng vẫn ra sức chống đối, phát tán những thông tin độc hại với âm mưu chống chính quyền Nhân dân trên mạng internet – một trong những hành vi mà chính đạo luật này nghiêm cấm. Đã hơn một lần tôi từng chia sẻ, hãy tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, đối chiếu, xác minh và phải hiểu đúng - sai, tại sao trước khi nhận định một vấn đề hay chia sẻ cho người khác. Đừng để mình trở thành con bò để kẻ xấu dắt mũi.
Đạt Trần