Ngày 05/11/2018,
Thượng tướng Lê Quý Vương thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đã
ký văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội, kiến nghị về một số đánh giá chưa chính xác
của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến hoạt động điều tra, xử lý tội phạm
gây dư luận không tốt.
Văn bản nêu rõ: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp
thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa qua được tiến hành với nhiều đổi mới về nội dung
và hình thức, được đồng bào, cử tri cả nước, trong đó có cử tri trong lực lượng
CAND đặc biệt quan tâm theo dõi và đánh giá cao. Hầu hết các đại biểu Quốc hội
đã có những đánh giá thẳng thắn, khách quan về các vấn đề chất vấn, trong đó có
các nội dung liên quan đến trách nhiệm của lực lượng CAND. Tuy nhiên, chất vấn
của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã đưa ra một số số liệu liên quan đến đánh giá
chưa đúng về chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng Công
an, gây dư luận nhiều chiều trong xã hội, trong đó có các bức xúc của cử tri
trong lực lượng CAND.
Khi trả lời báo
chí về việc trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng vẫn khẳng định: “Tôi không nhầm lẫn bất kỳ một số liệu nào! Tôi chịu trách nhiệm trước
Đảng, trước Nhân dân, trước Quốc hội, trước cử tri về tất cả những vấn đề tôi
phát biểu và số phần trăm tôi chia”.
Trên không gian mạng,
ngày 03/11/2018, tài khoản Facebook có tên “Lưu Binhnhuong” tự giới thiệu là đại
biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ
Quốc hội, đăng tải bài viết về vấn đề trên, trong đó có đưa ra đánh giá tiêu cực
về ngành Công an. Đồng thời, khẳng định phát biểu của mình là hoàn toàn chính
xác và kêu gọi cộng đồng mạng, cử tri cả nước biết để cùng chia sẻ. Lợi dụng vấn
đề trên, các trang mạng, blog và nhiều tài khoản Facebook có nội dung phản động
đã tán phát, đăng nhiều video clip, bài viết công kích, bôi nhọ lực lượng Công
an, thu hút nhiều lượt theo dõi, bình luận tiêu cực, gây dư luận xấu.
Đảng ủy Công an
Trung ương rất trân trọng các ý kiến của đại biểu Quốc hội, mong muốn đóng góp
cho lực lượng Công an khắc phục những vấn đề còn tồn tại, thiếu sót để thực hiện
tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự hết sức khó khăn, phức tạp hiện nay.
Tuy nhiên, các ý kiến đánh giá cần khách quan, thận trọng, vì đây là hoạt động
của cả một lực lượng, không chỉ nhìn ở khía cạnh tiêu cực mà cần đánh giá tổng
thể để cử tri và nhân dân cả nước hiểu đúng vấn đề.
Văn bản cũng điểm
lại một số nét về công tác giữ gìn an ninh, trật tự trong thời gian qua. Lực lượng
CAND đã phát huy vai trò, nhiệm vụ, phối hợp các cấp, các ngành bảo đảm vững chắc
an ninh quốc gia, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù
địch, phản động, xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Đã đấu tranh làm
giảm 2,72% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt 81,33% (vượt
chỉ tiêu Quốc hội đề ra); triệt phá nhiều băng, ổ nhóm tội phạm, khẩn trương điều
tra, làm rõ các vụ án nghiêm trọng và đặc
biệt nghiêm trọng... Chất lượng công tác điều tra tiếp tục được nâng lên, chấp
hành pháp luật trong hoạt động điều tra được bảo đảm, kiểm sát tuân theo pháp
luật, hạn chế tình trạng oan, sai, bức cung, nhục hình...
“Như vậy, phải khẳng định tình hình an ninh, trật tự của
nước ta tiếp tục được giữ vững, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm,
vi phạm pháp luật tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn. Đây là sự cố
gắng, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các cấp, các ngành, nhất là ý chí quyết
tâm, sự hy sinh, gian khổ của lực lượng CAND trong bối cảnh tình hình đang phức
tạp như hiện nay. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã có 7 cán bộ, chiến sĩ
Công an hy sinh, 90 đồng chí bị thương, 37 đồng chí bị phơi nhiễm HIV trong khi
thực hiện nhiệm vụ”
- văn bản nêu rõ.
Về các số liệu
liên quan việc nhận định, đánh giá chưa đúng của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bộ
Công an đã kiểm tra lại và có thông tin cụ thể:
Tính trong 12 tháng báo cáo Quốc hội (từ 01/10/2017 đến 30/9/2018), các CQĐT đã tiếp nhận và giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, CQĐT trong CAND tiếp nhận và giải quyết là 118.731 tin chiếm 98,83%; (1,17% còn lại là tin báo, tố giác tội phạm do các Cơ quan khác tiếp nhận và giải quyết như CQĐT Quân đội nhân dân; CQĐT của Viện Kiểm sát nhân dân; Cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra như Hải quan, Cảnh sát Biển, Kiểm lâm...).
Tổng số tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đã giải quyết 104.767 (tỷ lệ giải quyết đạt 87,20%). So với tổng thể chung số tin báo, tố giác tội phạm đã thụ lý giải quyết thì những vi phạm trên chiếm tỷ lệ rất nhỏ, cụ thể là:
- Số tin báo, tố giác không thụ lý theo đúng quy định của CQĐT trong CAND là 82/118.731 tin, chiếm tỷ lệ 0,07%.
- Số tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố đã giải quyết nhưng chậm gửi quyết định giải quyết cho Viện Kiểm sát của CQĐT trong CAND là 37/118.731 tin chiếm 0,03%.
- Số tin báo, tố giác xử lý quá hạn của CQĐT trong CAND là 3.360/118.731 tin chiếm tỷ lệ 2,82%.
- Số lần vi phạm trong việc gửi, tống đạt, thông báo, niêm yết… các lệnh, quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn của CQĐT trong CAND là 33 chiếm tỷ lệ 0,01%.
Như vậy, số liệu đại
biểu Lưu Bình Nhưỡng tự tính để đưa ra các con số báo cáo trước Quốc hội để khẳng
định “vi phạm của CQĐT là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi
quyết định cho VKS 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt
100%...” là hoàn toàn không đúng, có tính chất suy diễn, quy chụp, gây ảnh hưởng
đến uy tín của lực lượng CAND.
Do đó, Đảng ủy
Công an Trung ương kiến nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến kết luận về những nội
dung trên để thông báo trước Quốc hội và cử tri cả nước. Kiến nghị Đảng đoàn Quốc
hội yêu cầu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đính chính lại những nhận định, đánh giá
liên quan đến số liệu trên và không có các lời nói, hoạt động làm phức tạp thêm
tình hình; đồng thời có hình thức xử lý vi phạm có liên quan đến việc phát ngôn
và đánh giá, nhận định tình hình gây dư luận xấu.
Nguyễn Thành