Vừa rồi có cái hội thảo về Biển Đông tổ chức ở Đà Nẵng, trên
backdrop có chữ "South China Sea" gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều
người dè bỉu và chửi rủa xa xả không tiếc lời, đến mức không tiện nhắc lại. Đã
có nhiều nhà nghiên cứu, nhà trí thức lên tiếng về vấn đề này.
Nhưng nôm na lại thì:
ẤN ĐỘ DƯƠNG KHÔNG PHẢI CỦA ẤN ĐỘ
VỊNH THÁI LAN KHÔNG PHẢI CỦA THÁI LAN
THÁI BÌNH DƯƠNG CŨNG KHÔNG PHẢI CỦA TỈNH THÁI BÌNH.
Và, SOUTH CHINA SEA KHÔNG PHẢI CỦA TRUNG QUỐC
Thực ra thì cụm từ “South
China Sea” là tên tiếng Anh QUỐC TẾ của vùng biển bao phủ một diện
tích từ Singapore tới eo biển Đài Loan với diện tích áng chừng khoảng
3.500.000km2,
hai hướng Đông và Tây tiếp giáp với Philippines và Việt Nam. Các nước xung
quanh thì gọi nó bằng nhiều tên khác nhau, thường là về vị trí địa lý so
với đất nước họ. Việt Nam gọi bằng tên Biển
Đông, Philippines gọi là biển Tây
Philippines.
Và “South
China Sea”, “biển
Nam Trung Hoa” không phải của Trung Quốc, đấy là điều chắc chắn. Tên
đại dương (ocean), tên biển (sea), tên vịnh (gulf) chỉ là cái tên gọi mà người
ta đặt để gọi và để dễ tra cứu, nó không liên quan đến chủ quyền hay quyền tài
phán.
Cách đây 500 năm (vào thế kỷ 16), các thủy thủ Bồ Đào
Nha, những người đầu tiên của thế giới có hạm đội tàu vượt đại dương gọi nó là
Biển Trung Hoa (Mare da China), bởi thời ấy Trung Quốc là quốc gia rộng lớn
nhất, phát triển nhất trong khu vực và đấy là tuyến đường từ châu Âu và Nam Á
đến Trung Quốc để giao thương buôn bán, đặc biệt là tơ lụa. Những năm sau đó
người ta đổi tên thành South China Sea để phân biệt với vùng
biển phía đông Trung Quốc cũng có tên là China Sea.
Cũng theo cách đặt tên như vậy, Ấn Độ Dương (India
Ocean) không phải của Ấn Độ, nó là đại dương ở phía nam Ấn Độ, giáp nhiều nước
ở châu Á và châu Phi; hay biển Nhật Bản (Japan Sea) không phải của Nhật Bản, nó
bao quanh bởi Nga, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản; hay Arabian Sea không
phải của các nước Arabia, nó bao quanh bởi Ấn Độ, Pakistan, Somalia, Iran, Oman
và Yemen; hay biển Timor (Timor Sea) không phải của Timor Leste, nó được bao
quanh bởi Úc và Timor Leste; hay Vịnh Mexico (Gulf of Mexico) không phải của
Mexico, nó được bao quanh bởi Mỹ, Cu Ba và Mexico; hay Vịnh Thái Lan (Gulf of
Thailand) không phải của Thái Lan, nó được bao quanh bởi Malaysia, Thái Lan,
Cambodia và Việt Nam.
Cái tên South China Sea đã tồn tại gần 500 năm nay, là
thuật ngữ chủ yếu được sử dụng trong tiếng Anh cho biển, trong tiếng Đức, Pháp,
Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha nó được dùng các từ có ý nghĩa tương đương trên bản đồ
thế giới: Người Pháp gọi là “Mer de Chine méridionale” (các bản đồ thế giới thế
kỷ 19, đầu thế kỷ 20), người Đức gọi là “Südchinesisches Meer” (bản đồ thế giới
1890). Ở khu vực châu Á, người Thái Lan gọi là “Thale Chin Tai”, người Malay và
Indonesia gọi là “Laut Cina Selatan”, người Nhật gọi là “Minami Shina Kai”.
Cái tên South China Sea chỉ bắt đầu có vấn đề khi
Trung Quốc leo thang tranh chấp quần đảo Trường Sa năm 2011 bằng việc bồi đắp
quy mô lớn các đảo chìm, Philippines bắt đầu sử dụng tên “West Philippine Sea
(biển Tây Philippines), một số học giả, sử gia đề xuất đổi tên biển thành
"biển Đông Nam Á" ("Southeast Asia Sea") hay biển Đông Nam
châu Á (South East Asia Sea).
Việt Nam chúng ta đã dùng tên gọi Biển Đông (East Sea)
từ rất lâu, ít nhất là từ thời cụ Nguyễn Trãi (trong Bình Ngô đại cáo),
sau này cụ Phan Huy Chú (1782 - 1840) cũng ghi lại trong Lịch triều
hiến chương loại chí.
Vì vậy dù Trung Quốc hay thế giới có gọi là East
Sea hay South China Sea thì Biển Đông không bao giờ,
chưa bao giờ là của Trung Quốc./.