Bài cuối: MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA CHỦ YẾU
Một là: Phát huy vai trò của các cơ
quan báo chí và lực lượng truyền thông của hệ thống chính trị. Phát huy vai trò
chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực.
Báo chí cách mạng cần khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại
kỹ thuật số. Dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ
lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng
tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm. Xác định rõ, đây là môi trường
mở, độc đáo, đặc biệt quan trọng nằm bên cạnh dòng chảy thông tin của truyền
thông truyền thống cần được khai thác tối đa mặt tích cực, cổ vũ những giá trị
tiến bộ, định hướng và tiến hành đấu tranh đối với những nhận thức, tư tưởng,
quan điểm sai trái. Do đó, phải chủ động đánh giá, dự báo chính xác tình hình;
chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề bức xúc của người dân; khắc phục hiệu
quả những hạn chế, bất cập, không để hình thành “điểm nóng”, những xu hướng
(trend) tiêu cực trên mạng xã hội. Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin
cho báo chí một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất là với các vấn
đề quan trọng được người dân quan tâm, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng,
chiếm lĩnh truyền thông xã hội. Những vấn đề phức tạp, nhạy cảm cần được thông
tin kịp thời, định hướng dư luận; tránh chờ đến khi có kết quả xử lý cuối cùng
mới thông tin. Như vậy dẫn đến một khoảng trống truyền thông tạo cơ hội cho các
thế lực thù địch lợi dụng.
Hai là: Hoàn thiện cơ chế quản lý chặt
chẽ truyền thông xã hội theo đúng pháp luật. Không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo,
chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông
khác trên Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ… chủ động, kiên trì
thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ. Trước những thách
thức hiện hữu và nguy cơ tiềm ẩn đòi hỏi phải hoàn thiện mô hình và cách thức
quản trị không gian mạng. Tích cực, chủ động tham khảo kinh nghiệm của các quốc
gia nhằm thiết lập những hàng rào bảo vệ bằng việc đưa ra những biện pháp
nghiêm khắc. Bởi lẽ, “Quyền quyết sách đối với những vấn đề chính sách công
liên quan tới mạng internet là chủ quyền của các nước”. Kiên trì vấn đề có tính
nguyên tắc là các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ, khai thác dịch vụ nhất là các
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm tuân thủ luật
pháp Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam. Yêu cầu
các đối tác phải thể hiện sự hợp tác, tuân thủ các quy định khi vào Việt Nam
như đặt cơ quan đại diện, thiết lập tính chính danh của người dùng trong đăng
ký tài khoản, phối hợp tích cực để kịp thời bóc gỡ những trang mạo danh các đồng
chí lãnh đạo của Đảng, nhà nước, xóa bỏ triệt để các tài khoản đưa thông tin
sai sự thật... Cần coi trọng hơn các biện pháp kinh tế, yêu cầu trách nhiệm của
những doanh nghiệp phải tương xứng với lợi ích mà họ được hưởng. Tích cực triển
khai thực hiện Luật An ninh mạng với các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý những
hành vi vi phạm, gây hại như lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán tin giả, sai
sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá Đảng, nhà nước trên
Internet, mạng xã hội…
Ba là: Giữ nghiêm kỷ luật thông tin,
kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc với các phần tử cơ hội chính trị, “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” cố tình làm lộ lọt, cung cấp thông tin nội bộ, hỗ
trợ cho các phần tử mạng xã hội đưa tin sai sự thật, kích động, tấn công vào nội
bộ. Đấu tranh có hiệu quả với đối tượng tung tin xấu độc. Phát huy vai trò của
các cơ quan truyền thông nhà nước cung cấp thông tin kịp thời đáp ứng nhu cầu
xã hội. Chủ động phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái trên không gian mạng.
Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, nhân sỹ trí thức và toàn dân tham gia
vào hoạt động đấu tranh với các đối tượng thù địch xuyên tạc, bịa đặt sự thật.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động nhân dân ở địa bàn vùng sâu,
vùng xa, nâng cao dân trí, cập nhật thông tin cho đồng bào bảo đảm thực hiện
đúng yêu cầu của Thủ tướng: “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong lĩnh vực
truyền thông.
Bốn là: Thúc đẩy các giải pháp công
nghệ, các biện pháp kỹ thuật phù hợp bắt kịp với sự phát triển của internet, mạng
xã hội. Khuyến khích mạng xã hội có nền tảng công nghệ trong nước phát triển,
khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong nước xây dựng mạng xã hội nội bộ. Tăng
cường ứng dụng công nghệ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các thông tin
sai sự thật, xấu, độc có ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội. Nâng cao năng
lực phân tích, điều tra, nghiên cứu công chúng, đo lường thái độ của người sử dụng
internet, tham gia truyền thông xã hội đối với những vấn đề được dư luận quan
tâm. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhân viên và bộ máy quản lý kỹ thuật mạng và
nâng cao chất lượng công cụ hỗ trợ, bảo đảm tinh thông nghiệp vụ; vững về pháp
luật; giỏi về kỹ thuật bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, giữ vững an ninh mạng trong
mọi tình huống; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Năm là: Cần chú trọng tăng cường các
biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm khi
tham gia các nền tảng truyền thông xã hội của mọi công dân. Giáo dục định hướng
giá trị để người trẻ biết tránh khỏi các biểu hiện lệch lạc về nhận thức và
hành vi; trang bị cho học sinh, sinh viên kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân,
cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin. Phát huy vai trò của các tổ chức và cá
nhân, nhất là những người điều hành website, blog, fanpage, các KOLs,
influencers, người trẻ trong xây dựng môi trường internet, mạng xã hội lành mạnh.
Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò
là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây
là giải pháp thường xuyên, lâu dài./.