Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ ra đời chưa có trong tiền lệ, được xem như là phao cứu sinh đối với người gặp khó khăn do dịch Covid-19 và là minh chứng sống động nhất cho một chính sách vì dân. Thế nhưng, khi chính sách đi vào cuộc sống đã bộc lộ những điều rất đáng suy ngẫm.
Thứ nhất, đó là câu chuyện của những tấm lòng sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” cho người khó hơn mình của những người nông dân chân chỉ hạt bột, những người đang hưởng sự trợ cấp của xã hội và cả những người sống khó nhọc, bươn chải giữa phố phường... Từ Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Trị cho đến TP. Hồ Chí Minh, không thiếu những con người như vậy.
Lòng tốt của họ là sự kết tinh của tinh thần tương thân tương ái và vẻ đẹp tâm hồn ẩn sâu bên trong những thân phận nghèo khó, bên trong những con người bình dị, để chứng tỏ một điều, dẫu cuộc sống còn nhiều gian khổ nhưng họ vẫn có thể sống đẹp ngay cả khi giông bão cuộc đời ập đến.
Và việc người dân ở nhiều địa phương trên cả nước từ chối nhận hỗ trợ còn thể hiện cho sự đồng lòng, hòa hợp.
Sự hòa hợp được bắt nguồn mạch từ niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công tác ứng phó với đại dịch Covid-19, từ truyền thống vì đại nghĩa sẵn sàng nhường cơm sẻ áo trong những giai đoạn khó khăn của lịch sử dân tộc và từ sự tử tế sâu thẳm bên trong mỗi con người Việt Nam.
Tử tế chính là mạch sống của tình người và nằm ngoài mọi sự toan tính, thiệt hơn. Chúng ta hãy đón nhận sự tử tế ấy như một món quà của cuộc sống.
Nhưng điều suy ngẫm thứ hai, lại day dứt khôn nguôi.
Đó là việc nhiều gia đình ở xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá dù có nhà cửa khang trang nhưng lại xuất hiện trong danh sách hộ cận nghèo thuộc diện được nhận hỗ trợ. Rồi tại các huyện Tĩnh Gia, Thiệu Hóa cũng xuất hiện nhiều hộ cận nghèo nhưng ở nhà lầu, cuộc sống dư dả. Tại thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh (Tĩnh Gia) có 76 hộ cận nghèo được lập danh sách để nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, nhưng trong đó nhiều gia đình được bình xét hộ cận nghèo lại ở nhà tiền tỉ…
Theo ông Lê Công Ngân, Trưởng thôn Hạnh Phúc (xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia) - người đã vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ sai với chủ trương của cấp trên thì ngoài những hộ cận nghèo trong thôn được ông vận động còn có nhiều hộ dân tự nguyện không nhận tiền của Chính phủ vì “đã có thu nhập ổn định hằng tháng”.
Thậm chí, có vụ việc, sau khi các hộ nghèo đến nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ nhưng không nhận được tiền vì họ là những hộ nghèo đang bị sáp nhập với những hộ nghèo khác, lý do là để tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2,5%, nhằm đủ điều kiện công nhận “nông thôn mới”. Sự việc này xảy ra ở thôn Thành Thường, xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoá.
Dù ngay sau đó, UBND huyện đã yêu cầu UBND xã rà soát, thực hiện bình xét, cấp sổ hộ nghèo theo đúng quy định, đưa hộ nghèo nào về hộ nghèo đó để có thể chi trả đầy đủ tiền hỗ trợ của Chính phủ cho người dân thì tất cả những chuyện lùm xùm này, từ hộ cận nghèo có nhà lầu cho đến sáp nhập hộ nghèo để giảm tỉ lệ hộ nghèo nhằm đạt chuẩn nông thôn mới… đã bộc lộ những lỗ hổng rất lớn trong khâu bình xét hộ nghèo ở địa bàn dân cư.
Thanh Hoá hiện có khoảng 4.000 người tự nguyện từ chối nhận hỗ trợ của Chính phủ. Có một điều chắc chắc rằng, tinh thần tự nguyện từ chối nhận hỗ trợ của người dân là rất đáng biểu dương. Không thể suy xét đúng - sai trong chuyện này vì bên cạnh tinh thần nhường cơm sẻ áo thì đó còn là lòng tự trọng của mỗi người.
Điều cần làm rõ đúng sai chính là những lỗ hỗng trong việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, việc lập danh sách và rà soát danh sách cho những đối tượng nhận hỗ trợ an sinh của Chính phủ. Đây không phải chỉ là riêng câu chuyện của Thanh Hoá mà là việc cần làm ngay ở những địa phương khác.
Để đồng hành cùng cấp uỷ và chính quyền địa phương nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng đối tượng trong việc chi trả hỗ trợ gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng, hơn lúc nào hết, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là vô cùng quan trọng.
Giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân. Do đó ngay từ khi UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội triển khai phối hợp trong việc giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh đến vai trò giám sát của nhân dân có ý nghĩa rất lớn. Đây là kinh nghiệm rút ra từ Chương trình phối hợp Tổng rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng năm 2014 - 2015.
Người đứng đầu MTTQ Việt Nam cho rằng, ở cơ sở, làm đúng, làm sai, nhân dân biết cả, vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh.
Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn, quy định. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động -Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội xác định chính xác đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Giám sát của Mặt trận là giám sát trên tinh thần của nhân dân để trước hết lòng tốt được minh bạch, không bị hoen ố bởi những toan tính lợi dụng, từ đó góp phần đưa chính sách vào cuộc sống./.
Lê Na
Lê Na