Sau chiến dịch giải phóng tỉnh Phước Long (01/1975 ), Phạm Xuân Ẩn được tổng hành dinh yêu cầu trả lời câu hỏi: Mỹ có đem quân trở lại không, khi chúng ta tổng công kích kết liễu số phận của VNCH? Câu trả lời của ông Ẩn là, chiến tranh Việt Nam đối với người Mỹ đã chấm dứt và các thông tin phân tích tình báo cho thấy Mỹ sẽ không đem quân trở Việt Nam tham chiến, kể cả cho máy bay B-52 ném bom huỷ diệt. Đây là thông tin vô cùng quý giá, rất nhiều lưới tình báo khác cũng cung cấp các thông tin khác nhau, trong đó có cả thông tin về khả năng can thiệp có mức độ của Mỹ nếu chế độ VNCH sụp đổ. Sự thận trọng của tổng hành dinh trong chiến dịch giải phóng miền Nam vẫn là cần thiết, vì thế sau đó, chúng ta đã chuẩn bị để đánh tiếp một đòn thăm dò nữa vào Ban Mê Thuột (tháng 3/1975) để xem thái độ của người Mỹ? Sau ngày 30/4/1975, khi Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử có gặp và nghe ông Ẩn báo cáo tình hình của địch sau giải phóng Phước Long, Đại tướng Văn Tiến Dũng có nói: nếu được gặp ông Ẩn sớm hơn như thế này thì chúng ta đã giải phóng miền Nam nhanh hơn bởi thông tin phân tích chính xác tuyệt vời của ông Ẩn. Trao đổi với GS.Larry Berman - người viết cuốn sách ”X6- điệp viên hoàn hảo”, ông Ẩn đã nói rất thật: tôi đã có báo cáo rất chi tiết về tình hình sau giải phóng Phước Long cho tổng hành dinh và trả lời câu hỏi của họ là Mỹ sẽ không đưa quân vào can thiệp nữa, cơ hội cho chúng ta kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam. Nhưng ở ngoài chỉ huy, họ vẫn chưa thật tin vào thông tin và nhận xét ấy của tôi. Bởi vậy mới có thêm một đòn thăm dò nữa vào Ban Mê Thuột. Nhìn lại, bản thân tôi cũng không tin VNCH vỡ trận nhanh như vậy sau 55 ngày so với tương quan lực lượng . Rõ ràng, khi Mỹ đã thôi không trợ giúp thì việc VNCH thua trận là điều tất yếu.
Có một chi tiết mà không phải ai cũng được biết. Ngay từ đầu tháng 3/1975, trong một bức thư gửi về tổng hành dinh, ông Ẩn cũng trình bày mong ước cá nhân của mình là khi chiến tranh kết thúc, ông Ẩn xin được nghỉ vì đất nước đã có hoà bình như mong ước của mọi người dân. Đã gần 20 năm phục vụ cách mạng trong ngành tình báo, giờ thì ông cũng cảm thấy mệt mỏi và nếu tiếp tục phải hoạt động tiếp, rất sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Khi chúng ta giải phóng Ban Mê Thuột, tình báo Mỹ cũng đã có dự báo mọi chuyện sẽ nhanh chóng sụp đổ với VNCH, tạp chí Time nơi ông Ẩn làm việc đã lên kế hoạch đóng gói mọi tài liệu và chuẩn bị di tản nhân viên của mình ngay từ khi ấy. Ông Ẩn lại càng sốt ruột vì cấp trên chưa trả lời nguyện vọng của ông, tức là mặc nhiên ông vẫn phải tiếp tục công việc của mình. Trước tình hình ấy, ông Ẩn lại phóng tiếp một lá thư thứ 2 xin cấp trên có chỉ đạo cụ thể trước yêu cầu của mình. Ông Ba Minh (Cụm trưởng H-63 khi đó thay ông Tư Cang) đã có thư gửi cấp trên trình bày quan điểm ủng hộ ông Ẩn được ở lại, không tiếp tục công việc tình báo sang Mỹ, vì ông ấy đã lập công rất lớn cho cuộc kháng chiến này rồi và nên giải quyết theo nguyện vọng của ông. Ông Ba Minh đã nói, chuyện của anh Ẩn ở lại hay đi tiếp là việc rất lớn, phải do tổng hành dinh quyết định, phòng tình báo miền B2 đâu thể tự quyết định? Rõ ràng là ở trung ương đang cân nhắc nên chưa có trả lời, nhưng tình hình thì quá bức bách, ông Ẩn là một quân nhân, phải chuẩn bị ngay phương án cấp trên muốn ông tiếp tục công việc của mình trên đất Mỹ. Những ngày tháng ấy với ông Ẩn là nỗi lo âu không thể tả nổi. Thân phận của ông chưa bị lộ, vỏ bọc của ông còn quá tốt đến lúc này và cấp trên luôn tin tưởng ông sẽ có những đóng góp rất quan trọng từ đất Mỹ thời hậu chiến tranh. Ông Ẩn khi ấy chỉ nhận được thông tin là phải chờ lệnh của cấp trên. Ông Ẩn thừa hiểu ông sẽ khó khăn như thế nào nếu tiếp tục công việc trên đất Mỹ đơn tuyến, những nguồn tin của ông trước đây thì giờ cũng chả giúp ích được gì cho ông ở đó và quan trọng nhất là không còn có sự trợ giúp của cả một Cụm tình báo với những người đồng đội dũng cảm của ông , họ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng cho ông. Sống trong tâm trạng lo âu như thế, rất nhiều khả năng là ông phải tiếp tục lên đường nên ông đã bàn với người em ruột của mình là phải ở lại chăm sóc mẹ giúp ông, ông có thể ra đi bất kỳ lúc nào.
Sau giải phóng, khi được hỏi về trường hợp của Phạm Xuân Ẩn ở lại, ông Mai Chí Thọ (Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ nội vụ ) có trả lời rằng: trường hợp của anh Ẩn ở lại tôi cũng tiếc vì vỏ bọc của anh ấy còn khá tốt và anh ấy lại là người tình báo chiến lược xuất sắc nhất của chúng ta chưa hề bị lộ, chúng ta rất cần anh ấy trong thời hậu chiến với Mỹ. Ông Mười Hương là người chỉ đạo hoạt động tình báo, ông cũng là người đề xuất cho ông Ẩn đi Mỹ học khi đó để chui vào vỏ bọc nhà báo cũng tỏ ra rất tiếc vì ông Ẩn không tiếp tục công việc. Ông Mười Hương nói: tôi thấy Ẩn rất giỏi, vỏ bọc còn quá tốt, thuận lợi cho công việc tiếp theo, không ai có thể thay thế cho anh ấy được. Sau khi cân nhắc mọi thứ, chính Đại tướng Văn Tiến Dũng đã đề nghị nên cho anh Ẩn ở lại. Có thể anh ấy sẽ hoàn thành được nhiệm vụ khi đi tiếp, nhưng ở trên đất Mỹ, sớm muộn gì anh ấy cũng sẽ bị lộ và anh ấy mệt mỏi rồi, thiệt hại sẽ là rất lớn khi anh ấy bị lộ. Nên giải quyết cho ở lại theo đề nghị của anh ấy. Nhưng quyết định ông Ẩn sẽ được ở lại chỉ đến với ông sau ngày 30/4/1975, tức là ông Ẩn vẫn phải chuẩn bị tinh thần cho việc mình phải tiếp tục ra đi trước ngày giải phóng. Ngày 22/4/1975, toà báo Time đã đưa vợ và 4 đứa con của ông Ẩn di tản ra khỏi Việt Nam, bà Thu Nhàn, vợ ông hy vọng sau ít ngày thì ông Ẩn cũng sẽ sang đoàn tụ với gia đình. Nói về quyết định ra đi này, thật tâm bà Thu Nhạn không hề muốn, bà và con cái muốn được ở bên ông để chứng kiến ngày chiến thắng và hoà bình thống nhất đất nước . Ông Ẩn vẫn tâm sự với bà, bao hiểm nguy của nghề tình báo của ông luôn rình rập gia đình. Ông muốn khi chấm dứt chiến tranh, bà Nhạn không phải sống trong lo âu nữa. Nhưng bây giờ, lại một cuộc chiến nữa với ông và gia đình trên đất Mỹ mà lành ít dữ nhiều. Lý do ông Ẩn đưa ra với toà báo Time rằng mình chưa thể ra đi được vì mẹ già, bà không muốn rời Việt Nam và ông chưa thu xếp được, ông không thể bỏ mẹ trong lúc này vì ông rất yêu mẹ. Ông thừa biết mình phải ở lại để nhận nhiệm vụ mới rồi sẽ lên đường. Ông khi ấy rất buồn vì đề nghị của mình xin được thôi mà cấp trên không cho phép. Ông Ẩn đã rớm lệ khi nhìn bà Nhạn tay túi, tay bọc quần áo kéo 4 đứa trẻ ra xe mà đứa lớn chỉ mới 12, đứa bé nhất 8 tuổi mà ông không giúp được gì cho vợ? Ông Ẩn khẳng định với Larry Berman rằng, nếu cấp trên đồng ý cho ông ở lại thì ông đã không để Time đưa vợ con ông đi như thế, bởi sau đó là một cuộc chiến cân não với ông để đưa vợ con trở về.
Trở lại với ông Ẩn sau ngày 30/4/1975, ông và mẹ mình vẫn ở trong khách sạn Continental mấy ngày rồi mới về nhà. Hàng ngày, ông vẫn lên văn phòng Time ở đây. Cách mạng đã cho người đến canh văn phòng ông ở toà soạn và kiểm duyệt mọi bài vở của ông trước khi ông gửi về trụ sở chính của báo. Giờ thì ông lại lo sợ, ông có thể bị giết bất cứ lúc nào vì làm việc cho Mỹ, thân phận của ông sẽ do họ định đoạt vì họ đâu có biết ông là tình báo của phía đàng mình? Thậm chí, ông còn nói đùa với Larry Berman là tôi lo sợ ngay cả con chó của tôi cũng có thể bị họ thịt và nướng vàng khè trên ngọn lửa. Ngày 30/4/1975, ông không thể hò reo mừng vui với chiến thắng của dân tộc, không thể khoác lên mình bộ quân phục quân giải phóng với hàng loạt huân chương chiến công được trao tặng như có lần ông đã nói với ông Tư Cang rằng không biết khi nào mới hết chiến tranh để được đeo những tấm huân chương chiến công mà ông Tư Cang vừa thông báo cho ông? Trong mừng vui của đồng bào ngày kết thúc chiến tranh thì ông lại cảm thấy buồn và cô đơn. Dẫu chiến thắng hôm nay của đất nước, ông cũng đã đóng góp một phần công sức .
Ông Ẩn phải ra trình diện chính quyền cách mạng, ông điền trong tờ khai là làm việc cho tờ báo Time của Mỹ. Mọi việc với ông sau đó vẫn phải dấu kín cho ông là người tình báo của cách mạng. Chỉ cần hở ra một chút thông tin là thân phận của vợ con ông tại Mỹ sẽ rất nguy hiểm. Việc ông kẹt chưa thể thu xếp sang đoàn tụ với vợ con sau ngày 30/4/1975 với lý do mẹ già không thể bỏ lại một mình thì tất cả các bạn đồng nghiệp của ông đều biết và rất thương cảm cho ông . Tạp chí Time đã đối xử rất tốt với vợ con ông, họ đưa sang Guam, ở đó một tuần mà không thấy ông Ẩn sang, họ làm bảo lãnh để bà Thu Nhạn và 4 đứa con đến định cư ở bang California. Tụi nhỏ được đi học và bà Nhạn được nhận tiền trợ cấp để sinh sống nuôi con. Tháng 01/1976, ông Ẩn có tên trong danh sách được tuyên dương AHLLVTND do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký. Và một lần nữa, ông Ẩn cũng không được ăn mừng danh hiệu cao quý này cùng với các đồng đội của mình, cũng nhờ có họ mà ông đã đóng góp được nhiều tin tức tình báo có giá trị cho tổng hành dinh. Ông được tuyên dương với cái tên : Trần Văn Trung, một cán bộ quân báo. Ông muốn chia vui tin này với vợ cũng không được, dù biết rằng không có bà trong ngần ấy năm trợ giúp thì ông khó lòng mà hoàn thành xuất sắc được nhiệm vụ như thế. Giờ thì đã đến lúc phải tìm cách đưa vợ con quay trở về. Vẫn trong vòng bí mật, ông Ẩn chỉ thông tin ngắn gọn cho vợ: trở về thôi. Thời điểm này vào tháng 3/1976. Bà Thu Nhạn đã khéo thu xếp để 5 mẹ con xin đi du lịch châu Âu vào tháng 9/1976 và họ đã bay tới Paris để tìm cách bay về Việt Nam. Bấy giờ, không có chuyến bay từ Pháp về Việt Nam, 5 mẹ con bà Thu Nhạn bị kẹt tại Paris tới 3 tháng rồi mới bay được sang Moscow để đáp máy bay đi Hà Nội. Thời điểm này, người ta mới lờ mờ đặt nghi vấn là ông Ẩn có quan hệ với cách mạng nên vợ con đã chuồn khỏi Mỹ? Vâng, đầu năm 1977 thì người ta đã thấy ông khoác lên mình bộ quân phục QĐNDVN với cấp bậc Đại tá và ngợi ca ông khi biết cái tên Trần Văn Trung được tuyên dương AHLLVTND tháng 1/1976 lại chính là ông, Phạm Xuân Ẩn, tức Hai Trung, tức điệp viên X6 của tình báo quân đội.
Gia đình ông Phạm Xuân Ẩn đón mừng ngày chiến thắng và thống nhất đất nước khi nào? Xin thưa, đó là vào cuối năm 1976 khi vợ con ông trở về được căn nhà của mình tại Tp.Hồ Chí Minh, mừng tủi buồn vui ngày sum họp sau hơn một năm tám tháng đầy sóng gió với ông Ẩn là như thế!