Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

SAO ĐỎ: DUY TRÌ HAY LOẠI BỎ?

Mới đây, dư luận mạng xã hội đang có những luồng ý kiến trái chiều, thậm chí tranh cãi rất gay gắt về vụ việc một cháu bé đến lớp sớm khoảng 15 phút, phải đứng đày nắng ở bên ngoài cổng trường. Theo công văn từ phía nhà trường, thì cháu bé đó tự tiện đứng ra ngoài cổng trường mặc dù Sao đỏ đã hướng dẫn vào lớp; còn phía phụ huynh thì phủ quyết một phần công văn đó, cho rằng phía nhà trường đưa thông tin thiếu, không khách quan, ảnh hưởng đến cháu bé.
SAO ĐỎ: DUY TRÌ HAY LOẠI BỎ?
Mà cũng từ công văn ấy, nhà trường và giáo viên không nhận lỗi, còn về phía phụ huynh, việc đưa con trẻ đến trường sớm khoảng 15 phút thì chắc chắn cũng không có lỗi rồi - làm gì có cái lỗi lạ thường thế? Vậy thì tại ai?
Nhà trường, giáo viên có nêu tình tiết rằng các Sao đỏ đã hướng dẫn cháu bé vào lớp nhưng cháu đã đi ra ngoài và phủ quyết rằng ở đây, lỗi không thuộc về nhà trường hay giáo viên. Tự nhiên mình nghĩ đến mấy đợt nhà trường lạm thu, rồi khi bị chất vấn bắt đầu đem việc "hội phụ huynh đã đồng ý" ra để làm bình phong. Mà cái danh nghĩa "hội phụ huynh" ấy chỉ tập hợp những người đứng đầu vốn thân cận với nhà trường, giáo viên.
Sao đỏ là một mô hình tự quản của học sinh, nhằm thực thi các nhiệm vụ giám sát nội quy nhà trường và quản lý học sinh. Tại một số các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số mô hình tương tự như mô hình Sao đỏ cũng được áp dụng. Những em học sinh có thành tích tốt nhất, gương mẫu nhất, ngoan nhất thường được chọn làm Sao đỏ. Các thành viên thuộc đội Sao đỏ này có nhiệm vụ ghi lại các trường hợp vi phạm nội quy, có thể trực tiếp xử phạt các học sinh khác và báo cáo đến giáo viên, nhà trường về các vấn đề nội quy.
Xét theo nhiệm vụ và vai trò, thì rõ ràng Sao đỏ là một mô hình tốt và cần thiết. Nhưng, vấn đề không thực sự ổn ở đây, là từ những đứa trẻ.
Đó là những đứa trẻ còn chưa rõ phải trái trong cách hành xử. Với người lớn chúng ta, đứng trước một sự việc phải xử lý, còn chưa dám nói là công tâm toàn diện nữa là một đám nhóc ngây thơ và sẵn sàng đứng giữa thời tiết gần bốn mươi độ chơi ném lon. Rõ ràng, những đứa trẻ ấy chưa có được sự nhận thức thực sự rõ ràng như vậy, tại sao lại trao cho chúng một "quyền lực" từ sớm như vậy?
Khi được trao "quyền lực" từ sớm, vượt lên trên học sinh khác nhưng lại đi kèm những nhận thức chưa tới, có ai dám đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ Sao đỏ được minh bạch, chính xác? Chính vì có những quyết định không chính xác ấy, dẫn đến sự bất công bằng giữa các học sinh với nhau.
Với những đứa trẻ, cám dỗ chẳng phải là tiền bạc như người lớn mà có khi chỉ là viên kẹo, miếng bánh. Mình có thể tương đối chắc chắn rằng, để "lách" các Sao đỏ, có thể những đứa trẻ phải đưa kẹo, bánh cho các Sao đỏ để được bỏ qua những lỗi phạt. Nhiều người trong chúng ta hẳn đã làm như vậy trong quá khứ và mình cũng từng như thế.
Hồi trước, mình cũng từng là một Sao đỏ và mình từng chơi thân với một nhóm bạn nên đã bỏ qua những lỗi sai cho những bạn ấy, chỉ tập trung vào lỗi sai của người khác. Liệu những trường hợp như này có xảy ra ở thời điểm hiện tại không? Mình nghĩ là có, trước khi viết bài này, mình đã "tham vấn" đứa em học lớp 7, chỉ vì thích một cậu nhóc khác lớp, nó sẵn sàng bỏ qua lỗi của cậu nhóc ấy và của cả cái lớp mà cậu nhóc đang là thành viên luôn.
Nhiều người sẽ nghĩ, đó là tuổi thơ, nhưng đó là mầm mống của việc "đưa hối lộ", "nhận hối lộ" và tư duy "quen biết". Đừng coi thường những hành động tiểu tiết được hình thành sớm như vậy, những việc nhỏ có thể gây tác động rất lớn. Những đứa trẻ có thể sẽ nghĩ rằng, hồi bé khi gặp lỗi sai, thay vì nhận trách nhiệm và chịu phạt, chúng có thể "đút" để được bỏ qua lỗi, và đến chúng ta cũng như vậy mà.
Chúng ta đang sống ở một thời điểm "chạy".
Đó là việc "chạy điểm thi" vào các trường Đại học, Cao đẳng. Là việc "chạy quyền", "chạy chức". Là việc "chạy tiền" khi vi phạm luật giao thông. Là việc "chạy môn" để được giảng viên cho phép qua môn. Rồi "chạy bằng giả" để có thể vào cơ quan viên chức nhà nước
Trong vụ việc cháu bé đứng ngoài cổng trường tại Hải Phòng, nhà trường và giáo viên nhắc đến Sao đỏ như là một công cụ để đùn đẩy trách nhiệm vậy. Các bé Sao đỏ ấy đã hướng dẫn bé gái đi vào lớp nhưng bé gái lại đi ra ngoài. Trong diễn đàn nhà báo trẻ, đã có một số nhà báo lên kế hoạch tìm kiếm những bé Sao đỏ ấy để tìm hiểu thực hư câu chuyện, rằng các bé Sao đỏ đã thực sự hướng dẫn bé gái đi vào lớp hay là nhà trường và giáo viên bịa chuyện.
Và dù thế nào, ở trong vụ việc này, thì không phải chỉ có bé gái, mà những bé Sao đỏ khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Với những nhân cách còn chưa định hình rõ ràng, nhận thức chưa tới, mà các bé đã phải đứng giữa nhiều hoài nghi, chê trách, trở thành một "vật đỡ" của người lớn, thậm chí, có thể gọi như là "một cánh tay nối dài" của nhà trường, giáo viên.
Nhưng đặt một câu hỏi, Sao đỏ có nhiều điều chưa ổn như vậy thì cần duy trì hay loại bỏ?
Trong vụ án "chạy điểm" thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, những người "chạy điểm" lại là những người làm công tác giáo dục, những người luôn giảng dạy cho học sinh về tính công bằng, trung thực, tự lực, lại trở thành những người phá đi những điều đó.
Tại các quốc gia châu Á tương tự cũng có những đội nhóm hoạt động tương tự như đội cờ đỏ và rõ ràng nếu chiếu ứng vào nhiệm vụ cờ đỏ, thì chắc chắn mô hình này không sai mà thậm chí lại quá tốt.
Bản thân lực lượng học sinh trong mỗi trường quá đông, mà lực lượng giáo viên thì lại chưa đầy đủ. Các Sao đỏ sẽ đóng góp một nhiệm vụ ổn định "an ninh trật tự" trong trường học thay các giáo viên, thậm chí, những đứa trẻ này còn đóng vai trò phát hiện ra các vụ ẩu đả, mâu thuẫn, phần nào giảm tải đi bạo lực học đường.
Mặt khác, chính những cá nhân Sao đỏ, khiến cho tụi nhỏ cảm thấy trách nhiệm hơn trong một môi trường tập thể. Chúng có thể rèn được tâm thế rằng sai thì phải chịu phạt, làm đúng thì được khen thưởng, điều này khiến tụi nhỏ hòa nhập vào môi trường tập thể và xã hội.
Khi trở thành các Sao đỏ, mấy đứa nhỏ có thể được trao một thứ "quyền lực", nhưng ở vị trí ấy không dạy chúng phải lạm dụng quyền lực. Những người lớn, ở đây là giáo viên, nhà trường, phải đóng vai trò là những người dẫn đường, điều tiết hành vi. Như trong vụ án "chạy điểm" thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, những người "chạy điểm" lại là những người làm công tác giáo dục, những người luôn giảng dạy cho học sinh về tính công bằng, trung thực, tự lực, lại trở thành những người phá đi những điều đó.
Người lớn mà còn dễ bị ngoại cảnh và hoàn cảnh tác động, nữa là trẻ con./.
Nguồn tifosi