Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018

CHẠY CẤP DƯỠNG, CHẠY GIÁO VIÊN, GIỜ ĐẾN CÔNG AN NGHĨA VỤ CŨNG CHẠY


Có lẽ đã đến lúc đặt vấn đề trách nhiệm cả với những người bỏ tiền ra để chạy việc. Lẽ đơn giản, vì đây là nguồn của nạn chạy chọt, vì nếu đã phải bỏ tiền ra chạy thì không loại trừ khả năng người ta sẽ tìm mọi cách thu hồi.

Một vụ lừa đảo “chạy” vào Công an vừa được VKSND tỉnh Phú Thọ cáo buộc phạm tội với những tình tiết kỳ lạ.

Bị can - thủ phạm là một cán bộ Công an, trong khoảng 4 năm đã nhận 6,5 tỉ đồng của 18 trường hợp để chạy vào Công an. Chạy ở đây là chạy cả biên chế Công an, chạy học tại các trường Công an, và thậm chí chạy cả đi Công an nghĩa vụ.

CHẠY CẤP DƯỠNG, CHẠY GIÁO VIÊN, GIỜ ĐẾN CÔNG AN NGHĨA VỤ CŨNG CHẠY
Bị can Phạm Thế Anh trong vụ chạy việc 6,5 tỉ đồng vào ngành Công an.

Tình tiết đáng chú ý là trong 6,5 tỉ đồng bị can chiếm đoạt được của nhiều bị hại, có hơn 1 tỉ đồng được cơ quan điều tra cho là “thoả thuận dân sự”, do bị can đã xin việc thành công cho 10 trường hợp.

Đã đành đây là một vụ lừa đảo, nhưng nó lại đang chỉ như một ví dụ trong một tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy suất, chạy biên chế, chạy chỗ đang tràn lan trong xã hội. Một tình trạng được mô tả đậm nét trong các báo cáo chống tham nhũng, một tình trạng nhức nhối không kỳ họp nào lại không làm nóng nghị trường.

Đã đành đây là một vụ việc không lớn, nhưng lại đang chỉ khẳng định một thực tế xã hội là rất nhiều người chấp nhận bỏ tiền “đi cửa sau”, dùng tiền, thay vì chân tài thực học, để có được một công việc, một chỗ đứng. 

Có người nói đúng. Nếu người ta sẵn sàng bỏ hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho một suất, một chỗ, một công việc thì cũng chẳng thể loại trừ khả năng người ta sẽ tìm mọi cách và bất chấp tất cả để “thu hồi vốn”

Năm xưa, dư luận từng rúng động khi ở Quảng Bình, một suất cấp dưỡng cũng phải chạy tiền. Vừa mới rồi, là những vài trăm triệu đồng chạy một chỗ đứng trên bục giảng, và giờ thì đi Công an nghĩa vụ cũng có người sẵn sàng bỏ tiền. Liệu còn cái gì, còn chỗ nào người ta không chạy?

Trở lại với các vụ án lừa đảo chạy chọt, hầu hết những người chi tiền chạy việc đều được xác định với tư cách bị hại. Điều đó đúng. Nhưng chỉ đúng trong mối quan hệ với hành vi lừa đảo của các bị can, bị cáo. Bởi xét ra, chính những đồng tiền mà họ đã chi ra là nguyên do, là thủ phạm của tình trạng chạy chọt đang gây rối loạn xã hội. Xét ra, những đồng tiền chi ra với mục đích phi pháp ấy cần phải bị thu hồi, bị xem xét trách nhiệm chứ không thể nhìn nhận là “thỏa thuận dân sự”, không thể coi chỉ thuần thuý là tang vật của lừa đảo. 

Nạn chạy chức, chạy quyền, chạy trường, chạy việc liệu có chấm dứt được không khi cái tâm thế chạy chọt, khi hành vi chạy chọt vẫn được dung dưỡng bằng cách coi như là một nạn nhân của lừa đảo?